Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2016/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 15 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH DANH MỤC, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ NGÀNH NGHỀ, DỊCH VỤ NÔNG THÔN THUỘC NGUỒN VỐN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT- BNNPTNT- BKHĐT- BTC hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đối với hoạt động Khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2014 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, kỳ họp thứ 11 về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2014 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, kỳ họp thứ 11 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 153/SNN-PTNT ngày 28 tháng 6 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định danh mục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

QUY ĐỊNH

DANH MỤC, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ NGÀNH NGHỀ, DỊCH VỤ NÔNG THÔN THUỘC NGUỒN VỐN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng hỗ trợ

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này Quy định về danh mục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

2. Đối tượng hỗ trợ:

a) Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ nông thôn (gọi chung là nông nghiệp) tại 117 xã trên địa bàn tỉnh;

b) Những đối tượng Quy định tại Điều 2, Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2015 của UBND tỉnh Quảng Trị được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thì không được hỗ trợ theo Quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

- Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ nông thôn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch phát triển sản xuất, dịch vụ phát triển nông thôn và đề án xây dựng nông thôn mới của xã đã phê duyệt;

- Việc xét chọn các danh mục, dự án hỗ trợ được thực hiện từ cơ sở, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch;

- Thu hồi một phần chi phí theo tỷ lệ phần trăm nguồn vốn hỗ trợ đối với các sản phẩm đem lại hiệu quả và đối tượng hộ cụ thể để nâng cao trách nhiệm của từng hộ, bảo đảm để các hộ chưa có điều kiện sớm được tiếp cận nguồn vốn;

- Không triển khai độc lập từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình mà có sự lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình hiện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: Chương trình 30a, khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... và các chương trình hỗ trợ trọng điểm của các huyện, thị (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ).

2. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (Luật Hợp tác xã năm 2012).

3. Chủ trang trại là cá nhân, hộ gia đình thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TT- BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là hình thức hợp tác, liên kết trên cơ sở có hợp đồng ký kết giữa các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

5. Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi tắt là liên kết theo chuỗi giá trị).

6. Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

7. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

8. VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

9. Cánh đồng lớn là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên cùng địa bàn, có quy mô ruộng đất lớn, với mục đích tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia (Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Danh mục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn

1. Đối với lĩnh vực trồng trọt:

a) Hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo cánh đồng lớn:

-  Hỗ trợ 3 vụ sản xuất liên tục cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ở các xã vùng đồng bằng có thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo hình thức “Cánh đồng lớn” có quy mô liền vùng từ 20 ha trở lên, sản xuất cùng một giống;

- Hỗ trợ 70% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

b) Sản xuất ngô hàng hóa:

- Hỗ trợ 3 vụ sản xuất liên tục cho các hộ gia đình sản xuất ngô thâm canh có năng suất và chất lượng cao, sản xuất cùng một giống có quy mô liền vùng từ 1,0 ha trở lên;

- Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 70% chi phí mua giống và 30% phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ 60% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

c) Sản xuất lạc hàng hóa:

- Hỗ trợ 3 vụ sản xuất liên tục cho các hộ gia đình sản xuất lạc thâm canh có năng suất và chất lượng cao, quy mô liền vùng từ 1,0 ha trở lên;

- Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và phân bón tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 70% chi phí mua giống và 30% phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ 60% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

d) Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao hơn với quy mô liền vùng từ 1,0 ha trở lên, hỗ trợ 01 lần:

- Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 80% chi phí mua giống và 50% chi phí mua phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

- Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ 60% chi phí mua giống và 40% chi phí mua phân bón theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

đ) Hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất cây cà phê tại huyện Hướng Hóa với quy mô liền vùng từ 2,0 ha trở lên thích ứng với điều kiện hạn hán: Hỗ trợ 70% chi phí (vật tư và công lắp đặt), nhưng tối đa không quá 90 triệu đồng/mô hình, hỗ trợ 01 lần.

e) Hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất cây hồ tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với điều kiện hạn hán có quy mô liền vùng từ 1,0 ha trở lên, hỗ trợ 01 lần:

- Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí (vật tư và công lắp đặt) nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình;

- Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 70% chi phí (vật tư và công lắp đặt) nhưng tối đa không quá 90 triệu đồng/mô hình;

- Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng/mô hình.

2. Đối với lĩnh vực chăn nuôi:

2.1. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn:

Hỗ trợ chăn nuôi cho gia trại, trang trại gắn với việc đảm bảo vệ sinh môi trường (hầm Biogas hoặc đệm lót sinh học) được hỗ trợ 5 - 10 con lợn nái sinh sản hoặc 20-50 con lợn thịt, hỗ trợ 01 lần:

a) Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

b) Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 70% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

c) Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

2.2. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò (thâm canh, bán thâm canh) gắn với việc trồng có và thụ tinh nhân tạo có quy mô từ 3 - 6 con, hỗ trợ 01 lần:

a) Đối với huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

b) Đối với huyện Hướng Hóa: Hỗ trợ 60% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

c) Đối với các huyện còn lại: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

2.3. Hỗ trợ phát triển nuôi dê vùng gò đồi, vùng núi:

a) Khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại có diện tích khu chăn thả từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ tối đa 10 con dê cái và 01 dê đực con giống bố mẹ, hỗ trợ 01 lần;

b) Đối với địa bàn huyện Đakrông (huyện 30a): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

c) Đối với huyện Hướng Hóa: Được hỗ trợ 60% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ;

d) Đối với địa bàn các huyện còn lại: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

3. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap), đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm có kết nối thị trường tiêu thụ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Định mức hỗ trợ áp dụng tại Điều 10, Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cụ thể như sau:

3.1. Nội dung hỗ trợ

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến, đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn. Hỗ trợ đánh giá chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm xuất khẩu; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích của doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp; tham gia giải thưởng chất lượng trong nước và Quốc tế.

3.2. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ tối đa 30% chi phí thực hiện nhưng không được vượt quá:

a) 30 triệu đồng/doanh nghiệp đối với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến;

b) 10 triệu đồng/doanh nghiệp đối với hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích;

c) 30 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đăng ký trong nước;

d) 20 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đăng ký ở nước ngoài;

đ) 50 triệu đồng/nhãn hiệu tập thể;

e) 15 triệu đồng đối với giải thưởng Chất lượng Quốc gia;

f) 30 triệu đồng đối với giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương.

4. Ứng dụng nhân rộng mô hình mới:

a) Đối với các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới lần đầu triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, được các cấp có thẩm quyền đánh giá có hiệu quả và cần được triển khai nhân rộng thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện. Các địa phương thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện;

b) Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn nhân rộng mô hình;

c) Hỗ trợ 30% kinh phí mua giống (người dân đối ứng 70%) phục vụ nhân rộng mô hình ra diện rộng.

5. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện theo Quyết định số 2311/QĐ- UBND ngày 27/11/2012 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về ban hành chính sách củng cố, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các quy định hiện hành.

Điều 5. Một số điều kiện thanh toán

Đối với các hoạt động mua sắm vật tư, dịch vụ của các đơn vị, cá nhân có đăng ký kinh doanh thì cần có hóa đơn tài chính theo quy định của nhà nước.

Trường hợp mua bán giữa các hộ dân không có hóa đơn tài chính thì phải có giấy biên nhận giữa các hộ mua bán, nhưng giá cả phải phù hợp với mặt bằng chung của thị trường tại cùng một thời điểm. Chứng từ thanh toán là giấy biên nhận mua bán của các hộ dân có xác nhận của Trưởng thôn/bản và được UBND cấp xã xác nhận.

Đối với nguồn vốn lồng ghép khác trên địa bàn tỉnh, thanh toán theo chế độ hiện hành của nguồn vốn.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế do ngân sách nhà nước cấp hàng năm thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tại 117 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (nằm ngoài nguồn vốn cấp bù hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển sản xuất tại Quyết định 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh). Ngoài ra, các huyện, thị xã cần tranh thủ, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các nguồn đóng góp của doanh nghiệp, Hơp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất và nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn mình quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị, địa phương có liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan căn cứ nguồn vốn được bố trí hàng năm để lập danh mục các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt cho các địa phương triển khai thực hiện; ưu tiên hỗ trợ các xã làm tốt, các xã có điều kiện khó khăn;

- Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn đúng mục đích, có hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh;

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của các địa phương và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan ban hành đơn giá giống, vật tư đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời theo thời vụ (vụ Đông - Xuân trước tháng 10, vụ Hè - Thu trước tháng 4 hàng năm) và hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán nguồn vốn theo quy định;

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã kiểm tra, giám sát các khoản hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quy định này, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xử lý kịp thời các nội dung công việc thực hiện sai mục đích.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn ngân sách hàng năm cho các địa phương thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích;

- Hướng dẫn cơ chế lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn từ các Chương trình, dự án khác để giúp các địa phương thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định các chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến hoặc các mô hình mới, lần đầu áp dụng trên địa bàn tỉnh để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định hiện hành của nhà nước để đề xuất UBND tỉnh xem xét, ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tại Khoản 2, Điều 1,  Quy định này được ưu tiên thuê đất phục vụ phát triển sản xuất bền vững.

6. Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị: Hướng dẫn các địa phương thủ tục thanh toán, quyết toán theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quy định này.

7. UBND các huyện, thị xã:

- Căn cứ quy định tại Khoản 8, Điều 1, Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT- BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 để lựa chọn nội dung hỗ trợ, địa bàn hỗ trợ, thực hiện thẩm định danh mục hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn để đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, UBND các huyện tổng hợp chi tiết kế hoạch nhu cầu vốn, danh mục cần hỗ trợ phát triển sản xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Hướng dẫn UBND các xã xây dựng kế hoạch thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tình thực tế của địa phương;

- Tổ chức thẩm định dự án chi tiết của cấp xã, thẩm định các nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất;

- Quy định tỷ lệ phần trăm mức thu, đối tượng hộ, thời gian thu hồi một phần kinh phí hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế của địa phương;

- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả.

8. Ủy ban nhân dân các xã:

- Tổ chức họp dân để lựa chọn phương án hỗ trợ, lựa chọn hộ (ưu tiên cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ yếu thế trong sản xuất), tổ chức đủ điều kiện tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; thống nhất phương án hỗ trợ trên cơ sở danh mục hỗ trợ được UBND cấp huyện lựa chọn và niêm yết công khai (tên dự án, hộ hưởng lợi, chính sách được hưởng...) tại trụ sở UBND xã, thôn/bản hoặc trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn/bản trong thời gian 05 ngày;

- Biên bản các cuộc họp dân có sự tham gia của người dân trong thôn, bản phải được lưu hồ sơ và kèm theo hồ sơ chứng từ thanh toán, biên bản có chữ ký đại diện của các hộ dân hưởng lợi và hộ không hưởng lợi. Trường hợp hỗ trợ cho Hợp tác xã, tổ hợp tác thì do UBND huyện, thị xã Quyết định;

- Sau khi được bố trí vốn; Ban quản lý các xã thống nhất thương thảo, ký kết hợp đồng thực hiện với người dân; người dân triển khai thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt; hướng dẫn người dân thực hiện việc tạm ứng, thanh toán và quyết toán phần kinh phí hỗ trợ theo các quy định hiện hành.

Điều 8. Công tác báo cáo, thanh tra, kiểm tra và kinh phí quản lý

1. Định kỳ hàng quý, hàng năm, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quy định này.

3. Việc thanh toán, quyết toán thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ- UBND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quy định về thanh toán, quyết toán các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các quy định hiện hành.

4. Cơ quan được giao chủ trì triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được trích tối đa không quá 1% kinh phí quản lý (UBND cấp huyện 60%, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã 40%) do UBND tỉnh giao hàng năm để hỗ trợ xây dựng các chương trình, dự án, kiểm tra, giám sát đánh giá theo chế độ quy định hiện hành.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Quy định này được áp dụng trong phạm vi tỉnh Quảng Trị. Những quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ./.

 

PHỤ LỤC

ĐỊNH MỨC KỸ THUẬT HỖ  TRỢ ĐỐI VỚI MỘT SỐ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/QĐ- UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Số TT

Định mức

Danh mục hỗ trợ

Lúa

Ngô

Lạc (lạc võ)

Cao su

Đậu xanh

VA 06 (chăn nuôi bò)

Cá nước ngọt

Lợn

1

Giống

80 kg/ha

20 kg/ha

200 kg/ha

600 stum bầu/ha

20 kg/ha

30.000 đến 45.000 mắt/ha (tương đương 4.000 đến 5.000 kg/ha)

Định mức kỹ thuật thực hiện theo QĐ số 3276/QĐ- BNN- KNKN ngày 24/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Dê nội có trọng lượng từ 20 đến 25kg/con

Trọng lượng 50 - 55 kg/con đối với giống lợn sinh sản F1, F2 và 20-25kg/con đối với giống lợn thịt

- Đối với giống bò cái sinh sản 50 - 75% máu ngoại có trọng lượng từ 180 - 200 kg/con độ tuổi từ 10 - 12 tháng tuổi;

- Đối với Bò đực giống ngoại, lai (F2 trở lên) có trọng lượng ≥300 kg/con;

- Đối với giống bò vàng địa phương có trọng lượng 120 - 150 kg/con độ tuổi từ 12 - 18 tháng tuổi

2

Phân bón

- Ure 200 kg/ha;

- Kali 160 kg/ha;

- Lân 400 kg/ha

- Ure 240 kg/ha;

- Kali 160 kg/ha;

- Lân 400 kg/ha

- Ure 80 kg/ha;

- Kali 160 kg/ha;

- Lân 400 kg/ha

Lân

600 kg/ha

- Ure 80kg/ha;

- Kali 120 kg/ha;

- Lân 400 kg/ha

Phân NPK 16:16:8

+ Đất đồi, thịt: 500 kg/ha;

+ Đất cát pha: 600 kg/ha.

Vôi từ 0,5 đến 1,0 tấn/ha
(phân chuồng dân đối ứng)