ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 842/KH-UBND | Bến Tre, ngày 04 tháng 3 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Thực hiện Công văn số 4496/BTNMT-TCBHĐVN ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò chiến lược của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các nguồn tài nguyên biển của tỉnh theo hướng bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền an ninh quốc phòng trên vùng biển của tỉnh.
Đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã và đang thực hiện phù hợp với điều kiện của tỉnh; khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian qua; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia vùng biển tỉnh Bến Tre.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức quán triệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch đã đề ra.
- Việc triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của ủy ban nhân dân tỉnh phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chiến lược biển:
Quán triệt nội dung Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và thông tin về biển, đảo trong đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển và hải đảo, vai trò của ngành tài nguyên và môi trường trong thực hiện chức năng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; nâng cao hiểu biết pháp luật về Luật Biển Việt Nam và Luật pháp Quốc tế về Biển.
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm, nhân các sự kiện về môi trường, biển và đại dương như: Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6), Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6).
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, kênh thông tin, các phương tiện truyền thông để thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển, đến mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng nội dung giáo dục về biển đảo trong nhà trường, phù hợp với từng cấp học; tạo ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, hải đảo, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tổ chức tập huấn, hội thảo cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng đối với các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể về nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.
2. Tập trung triển khai quy hoạch các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có liên quan đến biển:
Tập trung triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành kinh tế biển và kết cấu hạ tầng vùng biển đến năm 2020 đã được phê duyệt gắn với thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2898/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2008 của ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo “Đề án phát triển toàn diện 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đến năm 2020” của tỉnh Bến Tre.
Tiếp tục triển khai các đề án, dự án đã được phê duyệt để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế biển của tỉnh như: Phát triển kinh tế thủy sản, du lịch sinh thái biển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển nhất là giao thông, cụm công nghiệp, khu đô thị biển, xây dựng mới cảng cá, hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt, công trình phòng chống thiên tai, đê biển, khu neo đậu trú bão, xây dựng tuyến phòng thủ gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng trên vùng biển của tỉnh.
Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với “Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học”; phát triển kết cấu hạ tầng vùng biển phải gắn với “Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011- 2015 của tỉnh Bến Tre” trong cùng thời kỳ, đảm bảo sử dụng quỹ đất đúng quy hoạch, có hiệu quả; tiến hành xác lập pháp lý diện tích 8 cồn nổi xa bờ trên vùng biển của tỉnh thuộc 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, giao ủy ban nhân dân 03 huyện ven biển quản lý, khai thác nhằm phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.
3. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2020:
3.1. Phát triển kinh tế thủy sản vùng biển:
Tiến hành rà soát, tổ chức lại các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, gắn với tái cơ cấu đội tàu khai thác, bảo vệ và phát triển các ngư trường, nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập, mức sống của ngư dân. Nâng cao chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ, giảm đánh bắt gần bờ. Cải thiện cơ cấu sản lượng khai thác, ổn định sản lượng khai thác vùng ven bờ, tăng sản lượng khai thác. Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, đánh giá nguồn lợi thủy sản và giám sát mức độ đánh bắt, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu thủy sản.
Xây dựng cơ chế đồng quản lý về quyền khai thác và quyền hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản; giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách, công cụ thị trường đồng thời áp dụng các biện pháp hành chính, chế tài hợp lý để điều tiết hoạt động khai thác đảm bảo nguồn lợi thủy sản trong giới hạn phục hồi, nhất là các vùng biển ven bờ; bảo vệ và nâng cao khả năng chống chịu của nguồn lợi thủy sản trước tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2015-2020.
Tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản bao gồm hệ thống cảng cá, địa bàn trọng điểm nghề cá; tàu thu mua, thu gom, sơ chế trên biển; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát, đảm bảo chất lượng nguyên liệu trong chế biến và tiêu dùng; xây dựng khu liên hiệp cảng cá, làng cá tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú để hình thành mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nghề cá từ đánh bắt trên biển đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
3.2. Phát triển nông, lâm nghiệp trên các vùng ven biển:
Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành gắn với phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Phát triển hệ thống thủy lợi đối với các vùng bị xâm nhập mặn của tỉnh phục vụ canh tác, tưới tiêu; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư. Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi hộ gia đình sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; chuyển dịch cơ cấu đàn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định.
Phát triển lâm nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ vững an ninh quốc phòng vùng ven biển. Tổ chức quản lý tốt diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao năng suất rừng trồng, tăng cường các hoạt động lâm - ngư - nghiệp kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất trống phù hợp cho phát triển lâm nghiệp; đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của vùng rừng ngập mặn ven biển. Thực hiện công tác giao đất, giao rừng tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, mức sống của người dân; góp phần xoá đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng vùng ven biển. Thực hiện có hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng, phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, chống xói lở bờ biển, bảo vệ môi trường sống.
3.3. Phát triển du lịch biển:
Định hướng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, phát triển mạnh du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng hệ thống lưu trú, hoàn thiện hạ tầng giao thông và cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn tại các khu du lịch.
Dự kiến đến năm 2020 các huyện sẽ hình thành các bộ phận chuyên trách du lịch trong Phòng Văn hóa, thông tin thể thao, du lịch, đẩy mạnh việc liên kết với các công ty lữ hành trong khu vực và cả nước hình thành các tua du lịch đến các địa danh nổi tiếng khu vực ven biển như “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Bên cạnh đó phải có các biện pháp bảo vệ an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, nhất là nâng cao nhận thức của cư dân vùng ven biển về du lịch, xây dựng môi trường xã hội ven biển văn minh, thân thiện với du khách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Tăng cường và chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh hợp tác về du lịch biển, liên kết khai thác các tuyến dịch vụ du lịch trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách đầu tư để thúc đẩy du lịch phát triển.
4. Củng cố quốc phòng - an ninh trên vùng biển của tỉnh:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với lực lượng vũ trang, triển khai, thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh theo quy định với nội dung, hình thức và chương trình phong phú; tiếp tục tuyên truyền học tập Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam và Nghị định số 161/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng, cán bộ và nhân dân nhất là các huyện ven biển trong công tác bảo vệ biên giới biển trong tình hình mới. Tập trung xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong hoạt động quản lý bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh - trật tự khu vực biên giới biển, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tổ chức luyện tập, chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, diễn tập chỉ huy cơ quan, diễn tập tác chiến phòng thủ, diễn tập trị an, diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao. Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, kiểm ngư, hải quan, cảnh sát biển; làm tốt công tác trao đổi thông tin; giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vụ việc xảy ra, giữ vững an ninh chính trị trên vùng biển. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt chuyên trách trong hoạt động quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển gắn với củng cố, xây dựng, huấn luyện, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển. Tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép và gian lận thương mại; phòng chống cháy nổ khu vực biển. Phát huy vai trò của ngư dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ tốt chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển.
5. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:
5.1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển:
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của tỉnh, triển khai thực hiện dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ và phía Tây Vịnh Bắc Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng” theo Quyết định số 1876/QĐ-TTg đã được Chính phủ phê duyệt ngày 15 tháng 10 năm 2013 nhằm điều tra, quy hoạch các thông tin chi tiết về tài nguyên khoáng sản khu vực biển phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội vùng biển tỉnh Bến Tre. Từ đó đề xuất các biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đời sống người dân vùng ven biển; nâng cao năng lực quan trắc các thành phần môi trường và hiệu quả quản lý chất thải khu vực ven biển. Có biện pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây hủy hoại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản và phục hồi môi trường sau khai thác.
5.2. Chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:
Tiếp tục thực hiện Đề án biến đổi khí hậu và kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc, dự báo kịp thời tình hình sự cố môi trường vùng ven biển; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường biển và ứng phó kịp thời các sự cố môi trường.
Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sinh vật, đặc biệt là các loài thủy sản quý, hiếm có giá trị khoa học và giá trị kinh tế cao; giữ gìn tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thủy sinh vật cho hiện tại và tương lai. Điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, khu vực đa dạng sinh học, khu vực sinh sản, các luồng di cư của sinh vật biển; điều tra, đánh giá trữ lượng, tiềm năng khai thác hải sản, các luồng cá, bãi cá trên vùng biển ven bờ của tỉnh để có kế hoạch bảo vệ, quy hoạch khai thác mang tính bền vững. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vùng cồn nổi, bãi bồi và vùng cửa sông ven biển. Phòng chống thiên tai, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Có biện pháp chống xói mòn, hạn chế xâm nhập mặn và các tác hại xâm nhập mặn đến thành phần môi trường tại 3 huyện ven biển. Kiểm soát tốc độ sạt lở tại các khu vực trọng điểm trên các sông lớn: Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, đặc biệt tại khu vực thượng lưu đập Ba Lai. Kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở đường, bờ. Trong từng giai đoạn, tổ chức khảo sát các tuyến đê xung yếu, có kế hoạch xây dựng đê bao, kè chống sạt lở.
Tăng cường năng lực hệ thống cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường vùng ven biển: Ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ô nhiễm trong hoạt động chăn nuôi. Xây dựng các trạm quan trắc, hệ thống thông tin liên lạc, dự báo khí tượng - thủy văn, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hệ thống thông tin liên lạc, truyền thông; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển.
6. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về biển:
Cụ thể hóa các quy định về phân công, phân cấp các ngành, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực liên quan đến biển, nhằm đảm bảo tính phối hợp thống nhất. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý hồ sơ hành chính nhằm nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển. Ban hành, bổ sung các văn bản xử phạt vi phạm trong các hoạt động làm xâm hại đến tài nguyên và môi trường biển.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về biển; tăng cường bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về biển từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đảm bảo khả năng thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển của tỉnh; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Thành lập bộ máy tổ chức hoạt động của Chi cục Biển trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành Trung ương.
Thực hiện quy chế phối hợp hoạt động theo Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo biển Đông - Hải đảo, kế hoạch sử dụng lực lượng bảo vệ vùng biển của tỉnh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển và công tác quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường biển. Giao nhiệm vụ quản lý tổng hợp biển cho Phòng Tài nguyên Môi trường 3 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh phú và tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền cơ sở các xã, thị trấn của 3 huyện ven biển.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú cụ thể hóa những nội dung nêu trong Kế hoạch; căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ kế hoạch hàng năm; kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình của từng ngành, từng địa phương.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; Sở Tài chính thẩm định nguồn kinh phí thực hiện, trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) để theo dõi, chỉ đạo.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre yêu cầu các sở, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC
CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN MỞ MỚI
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 842/KH-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2014 của ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
TT | Tên dự án | Sự cần thiết | Mục tiêu, nhiệm vụ | Sản phẩm dự kiến | Đơn vị chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện | Kinh phí dự kiến (VNĐ) |
1 | Điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ và phía Tây Vịnh Bắc Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng | Nhằm sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng | Điều tra, quy hoạch các thông tin chi tiết về tài nguyên khoáng sản khu vực biển phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội | Bản đồ quy hoạch tài nguyên khoáng sản khu vực biển; các báo cáo kèm theo | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ngành, UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú | 2013-2016 | Dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương |
2 | Đề án xây dựng bản đồ nhạy cảm đường bờ ven biển tỉnh Bến Tre | Nắm bắt thông tin chi tiết các khu vực nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng | Điều tra chi tiết các khu vực nhạy cảm dễ bị sạt lỡ, bị ngập nước, bị xâm nhập mặn từ đó đề xuất các biện pháp phòng tránh cũng như ứng phó | Bản đồ nhạy cảm, báo cáo kèm theo | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ngành; UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú | Đề xuất mới |
|
3 | Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước tỉnh Bến Tre đến năm 2020 | Phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước đảm bảo tài nguyên không bị cạn kiệt, xâm nhập mặn | Đánh giá chi tiết trữ lượng nước mặt, nước dưới đất, đề xuất các biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý | Bản đồ Quy hoạch phân bố tài nguyên nước tỉnh Bến Tre đến năm 2020, báo cáo kèm theo | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố |
|
|
4 | Điều tra, quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030 | Phục vụ việc quản lý nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ tỉnh Bến Tre | - Xác định trữ lượng và khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ tỉnh Bến Tre - Xây dựng cơ cấu nghề khai thác thủy sản hợp lý, phát triển bền vững | - Dữ liệu về nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ tỉnh Bến Tre - Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ngành; UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú | 2014-2015 | 3.000.000.000 |
5 | Nghiên cứu, dự báo mùa vụ và sự di chuyển của nhóm, loài thủy sản có giá trị kinh tế ở vùng ven bờ tỉnh Bến Tre | Nắm bắt thông tin mùa vụ, sự di chuyển của các nguồn lợi thủy hải sản | - Xây dựng lịch mùa vụ khai thác nhóm, loài thủy sản kinh tế ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre - Khai thác bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre | - Lịch mùa vụ khai thác nhóm, loài thủy sản kinh tế vùng ven bờ tỉnh Bến Tre - Các khu vực và thời gian hạn chế, cấm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ngành; UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú | 2016-2017 | 2.000.000.000 |
6 | Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ODA hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre | Khắc phục tình trạng ngập úng, xử lý nước thải cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng người dân trong khu vực | - Cải tạo nâng cấp và đầu tư mới hệ thống thoát nước, đảm bảo việc thu gom, xử lý, khắc phục tình trạng ngập úng. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải | Hệ thống cống thoát nước; nhà máy xử lý nước thải công suất 3500 m3/ngày | Sở Xây dựng | Sở Kế hoạch và Đầu tư | 2015-2020 | 166.901.000.000 (nguồn vốn ODA và vốn đối ứng) |
7 | Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ODA hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre | Khắc phục tình trạng ngập úng, xử lý nước thải cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng người dân trong khu vực | - Cải tạo nâng cấp và đầu tư mới hệ thống thoát nước, đảm bảo việc thu gom, xử lý, khắc phục tình trạng ngập úng. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải | Hệ thống cống thoát nước; nhà máy xử lý nước thải công suất 2000 m3/ngày | Sở Xây dựng | Sở Kế hoạch và Đầu tư | 2015-2020 | 116.303.000.000 (nguồn vốn ODA và vốn đối ứng) |
- 1 Quyết định 509/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Trà Vinh
- 2 Kế hoạch 9543/KH-UBND năm 2014 về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3 Quyết định 06/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 4 Quyết định 02/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5 Nghị định 161/2013/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển
- 6 Quyết định 1876/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Danh mục nhiệm vụ, dự án giai đoạn 2013 - 2020 thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 1809/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 8 Quyết định 1570/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013
- 10 Quyết định 23/2013/QĐ-TTG về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Luật biển Việt Nam 2012
- 12 Quyết định 373/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Luật Biên giới Quốc gia 2003
- 1 Quyết định 509/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Trà Vinh
- 2 Kế hoạch 9543/KH-UBND năm 2014 về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3 Quyết định 06/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 4 Quyết định 02/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5 Quyết định 1809/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Phú Yên