ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8585/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 19 tháng 9 năm 2016 |
THỰC HIỆN CHỈ TIÊU BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH BHYT - HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN
1. Thực trạng tình hình
a) Trong những năm qua việc triển khai thực hiện công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ người tham gia BHYT tăng dần qua các năm (đạt 62% năm 2012, 65% năm 2013, 68,5% năm 2014, 70,6% năm 2015), quyền lợi BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
b) Tính đến 31/8/2016, số người tham gia BHYT là 2.076.800 người, đạt tỷ lệ bao phủ là 73,2% (chưa bao gồm lực lượng vũ trang).
Trong đó:
- Số người tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng là 711.675 người (đạt tỷ lệ 87,1%).
- Số người tham gia BHYT theo nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng là 56.893 người (đạt tỷ lệ 100%).
- Số người tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng là 485.462 người (đạt tỷ lệ 99,6%).
- Số người tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng là 408.229 người (đạt tỷ lệ 80,8%).
- Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 414.541 người (đạt tỷ lệ 42,3%).
2. Hạn chế và nguyên nhân
a) Hạn chế
- Tỷ lệ dân số tham gia BHYT vẫn còn thấp hơn 4% so với bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, đạt tỷ lệ dưới 70% là: Tân Phú (56,7%), Xuân Lộc (57,2%), Cẩm Mỹ (59,6%), Thống Nhất (60,1%), Định Quán (64%).
- Tỷ lệ tham gia BHYT ở nhóm hộ gia đình và nhóm học sinh, sinh viên còn thấp so với tiềm năng.
- Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT vẫn phổ biến ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân sử dụng ít lao động.
b) Nguyên nhân
- Chính quyền một số địa phương, ngành chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện chính sách BHYT; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chế độ BHYT còn hạn chế.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; người dân vẫn thiếu thông tin và nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
- Chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở khám chữa bệnh chưa tốt, người dân chưa hài lòng, làm ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.
- Mặc dù là tỉnh công nghiệp, nhưng các khu công nghiệp chỉ tập trung ở thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và một số huyện như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; một số huyện không có khu công nghiệp, phần lớn là người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình thuần nông,... như : Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ, thu nhập dân cư còn thấp nên người dân gặp khó khăn trong việc tham gia BHYT, đặc biệt là vùng nông thôn, nhiều trường hợp chỉ khi bị ốm đau, bệnh nặng mới tham gia BHYT.
c) Hiệu trưởng của một số trường học chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên hoặc nhận thức chưa đúng về BHYT học sinh, sinh viên là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT trên địa bàn còn thấp.
d) Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp về lĩnh vực BHXH, BHYT chưa nghiêm, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.
đ) Công tác kiểm tra và số lượt kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động về việc thực hiện Luật BHXH, BHYT của cơ quan Bảo hiểm xã hội còn nhiều hạn chế, không phát hiện hết những trường hợp trốn đóng BHXH, BHYT để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước địa phương có biện pháp xử lý.
Mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT phấn đấu đến cuối năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Cụ thể:
1. Năm 2016: 75,9%; Thủ tướng Chính phủ giao 73,6%;
2. Năm 2017: 79,6%; Thủ tướng Chính phủ giao 78,2%;
3. Năm 2018: 83,3%; Thủ tướng Chính phủ giao 82,3%;
4. Năm 2019: 87,1%; Thủ tướng Chính phủ giao 86,5%;
5. Năm 2020: 90,7%; Thủ tướng Chính phủ giao 90%.
(Kèm phụ lục chỉ tiêu cụ thể về thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 cho các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa).
1. Giải pháp hỗ trợ
Hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT từ nguồn kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT (nếu có), ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
2. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
a) Đầu tư trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế và đảm bảo nhân lực y tế .
- Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế định hướng đến năm 2020.
- Không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tập trung đầu tư trạm y tế các xã, phường, thị trấn nhất là các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số để có điều kiện, phương tiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
- Cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế sử dụng trong khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
- Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng khám và điều trị tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện, từng bước giảm người bệnh chuyển lên tuyến trên.
- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác y tế, đa dạng hình thức tổ chức khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
- Tổ chức thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đạt kết quả, đảm bảo đủ nhân lực cho các tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở.
b) Cải tiến thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh.
- Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi; chú trọng việc bố trí, sắp xếp quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế khoa học, hợp lý, làm hài lòng người bệnh khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện.
- Tiếp tục nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh: Các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Cụ thể hóa các tiêu chuẩn về giao tiếp ứng xử cho phù hợp từng đơn vị, cơ sở y tế trong, ngoài công lập, có hệ thống theo dõi đánh giá phản hồi của người bệnh về giao tiếp ứng xử và thái độ chăm sóc của nhân viên bệnh viện.
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện kế hoạch, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất giải pháp thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT giai đoạn 2016 -2020, đồng thời đưa chỉ tiêu này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành liên quan, các đoàn thể tổ chức vận động, tuyên truyền về chính sách BHYT dưới nhiều hình thức để mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia BHYT.
c) Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công đối với các tổ chức, gồm: UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở y tế,... cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia bảo hiểm y tế; Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, có thông tin phổ biến về những quy định, quyền lợi của người tham gia BHYT để biết, vận dụng; Quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
d) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT từ nguồn kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT (nếu có).
đ) Tổ chức kiểm tra, giám định việc thực hiện BHYT; phối hợp với Sở Y tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHYT theo quy định.
e) Ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu BHYT tại địa phương.
g) Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh.
2. Sở Y tế
a) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và điều trị, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nhân lực cho các cơ sở y tế; cung cấp, sử dụng thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; xây dựng quy trình khám chữa bệnh khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi khám chữa bệnh; nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ trong cán bộ, công chức, viên chức của ngành để phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
b) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; chú trọng việc tin học hóa khám, chữa bệnh BHYT, kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ việc giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT với BHXH tỉnh.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo thẩm quyền.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên; xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
b) Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
c) Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương củng cố và nâng cao chất lượng công tác y tế trường học, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên, sử dụng kinh phí đúng quy định.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng thuộc ngành theo dõi, quản lý; chịu trách nhiệm xác định đối tượng, lập danh sách, quản lý đối tượng (người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội...), việc thu, đóng BHYT, phát hành thẻ BHYT đối với các nhóm đối tượng được ngân sách hỗ trợ mua BHYT theo quy định.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
c) Khảo sát, xây dựng mức thu nhập cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình trình UBND tỉnh.
5. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, lập danh sách đối tượng đồng bào dân tộc được hỗ trợ mua BHYT theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT (nếu có) và huy động được từ các nguồn hợp pháp khác.
6. Sở Tài chính
a) Phân bổ đầy đủ, kịp thời kinh phí cho công tác BHYT, nhất là việc đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng.
b) Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Cổng thông tin điện tử của tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài và nhiều hình thức tuyên truyền, giải đáp thắc mắc về chế độ, chính sách BHYT đến các tầng lớp nhân dân.
8. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc ổn định tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác BHYT, xem xét, bố trí biên chế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đưa chỉ tiêu BHYT hàng năm, 5 năm vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cung cấp kịp thời danh sách các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh biết, quản lý việc tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT của doanh nghiệp.
10. Liên đoàn Lao động tỉnh
Phối hợp tuyên truyền; phổ biến, vận động người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các quy định về bảo hiểm y tế; tham gia thanh tra, kiểm tra giám sát việc tham gia bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp.
11. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh tham gia kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh và việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa
a) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác BHYT tại địa phương; thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
b) Đưa mục tiêu, chỉ tiêu dân số tham gia BHYT là chỉ tiêu trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, giai đoạn 05 năm tại địa phương; triển khai thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trong chương trình nông thôn mới.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn tham gia BHYT; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng cấp vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia BHYT; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT cần phù hợp với từng nhóm đối tượng để việc tuyên truyền mang lại hiệu quả.
d) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng cùng tham gia thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào khác của tổ chức đoàn thể cơ sở.
đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh thành phố Biên Hòa, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo UBND tỉnh (qua Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai) theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHỈ TIÊU THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 8585/KH-UBND ngày 19/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Số TT | Huyện, Thị xã, Thành phố | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 |
1 | Thành phố Biên Hòa | 84.50% | 86.00% | 88.00% | 90.00% | 92.00% |
2 | Thị xã Long Khánh | 72.50% | 77.00% | 81.50% | 86.00% | 90.00% |
3 | Huyện Tân Phú | 70.00% | 75.00% | 80 00% | 85.00% | 90.00% |
4 | Huyện Vĩnh Cửu | 74.00% | 78.00% | 82.00% | 86.00% | 90 00% |
5 | Huyện Định Quán | 70.00% | 75.00% | 80.00% | 85.00% | 90.00% |
6 | Huyện Trảng Bom | 72.50% | 77.00% | 81.50% | 86.00% | 90.20% |
7 | Huyện Thống Nhất | 70.00% | 75.00% | 80.00% | 85.00% | 90.00% |
8 | Huyện Cẩm Mỹ | 70.00% | 75.00% | 80.00% | 85.00% | 90.00% |
9 | Huyện Long Thành | 75.00% | 79.00% | 83.00% | 87.00% | 91.00% |
10 | Huyện Xuân Lộc | 70.00% | 75.00% | 80.00% | 85.00% | 90.00% |
11 | Huyện Nhơn Trạch | 75.00% | 79.00% | 83.00% | 86.70% | 90.20% |
| Tỷ lệ BHYT toàn tỉnh | 75.90% | 79.60% | 83.30% | 87.10% | 90.70% |
- 1 Quyết định 3192/QĐ-UBND điều chỉnh chỉ tiêu giao thực hiện bảo hiểm y tế năm 2016 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2 Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 thành phố Hà Nội
- 3 Quyết định 3477/QĐ-UBND năm 2016 điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 4 Quyết định 1167/QĐ-TTg năm 2016 điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 6 Luật bảo hiểm y tế 2008
- 1 Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 thành phố Hà Nội
- 2 Quyết định 3477/QĐ-UBND năm 2016 điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3 Quyết định 3192/QĐ-UBND điều chỉnh chỉ tiêu giao thực hiện bảo hiểm y tế năm 2016 do tỉnh Đắk Lắk ban hành