Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2017

Thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của thành phố Hà Nội; Quyết định số 6768/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2017 của thành phố Hà Nội; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch như sau:

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NĂM 2017

1. Thuận lợi:

- Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tăng trưởng. Lộ trình cam kết trong các FTA tiếp tục xóa bỏ hoặc giảm thuế đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.

- Kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; Thành phố tiếp tục thực hiện cải cách hành chính quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

2. Khó khăn:

- Tình hình thế giới năm 2017 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro1, dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp trong khi Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Nợ công ở mức cao, gây áp lực đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cản trở mục tiêu giảm lãi suất cho doanh nghiệp; lương tối thiểu năm 2017 tăng thêm 7,3% và chi phí vận tải tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu; một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: ngành dệt may, ngành da giày vẫn gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều thị trường. Đối với Hà Nội, tỷ lệ điều tiết ngân sách điều chỉnh giảm (từ 42% còn 35%) sẽ hạn chế về nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố.

II. MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU:

1. Mục đích:

- Tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng, tạo. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện hiệu quả việc trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương. Phát triển các lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông, các dịch vụ giám định khoa học, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh... Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư hai dự án logistics theo quy hoạch.

- Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực cơ điện tử, chế tạo máy, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu.

- Các Sở, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

2. Chỉ tiêu tăng trưởng: Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 trên địa bàn Thành phố tăng 4,5% so với thực hiện năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 11.100 triệu USD.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, Chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu; ứng dụng rộng rãi hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

2. Xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu: Hoàn thành Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử; Đề án quản lý và phát triển hoạt động Logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn; kiểm soát, quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng.

4. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Trong đó, tập trung vào: Tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; đào tạo Giám đốc điều hành và kiến thức quản trị doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu về: nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và các mặt hàng nông sản chủ lực, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản trong thương mại quốc tế, chính sách mới, thông tin thị trường kịp thời (chú trọng tới thông tin phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu trước các diễn biến mới liên quan đến TPP và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với từng ngành hàng).

5. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu: Duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại các Trung tâm giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động.

6. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu: Chú trọng đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; trung tâm Logistics hạng I và hạng II.

7. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, theo hướng:

- Xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch năm 2017, định hướng đến năm 2020 theo hướng chiến lược, nâng tầm nhìn, dự đoán thị trường, chú trọng đến công tác xúc tiến tại nước ngoài, tham gia các Hội chợ Quốc tế có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng; thị trường tiềm năng; thị trường Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và khai thác các thị trường mới; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ; đón các Đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội. Kết hợp công tác xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư áp dụng những công nghệ mới, hiện đại, khả thi, hiệu quả, cụ thể, phù hợp với thực tế của Thành phố. Công tác tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thực hiện theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả ”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

- Tổ chức các Đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ Triển lãm, giao dịch thương mại - Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và các sự kiện xúc tiến đầu tư gắn kết với các hoạt động đối ngoại của Thành phố, tăng cường quan hệ giữa thành phố Hà Nội với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các tổ chức quốc tế tiêu biểu trên địa bàn.

8. Duy trì thường xuyên việc tổ chức hội nghị, giao ban tiếp xúc doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết đề xuất của Doanh nghiệp.

9. Tăng cường giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện và các đơn vị nhập khẩu, phân phối nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

10. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo do các Sở, ngành Thành phố tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao các Sở, ban, ngành thực hiện các Chương trình, nội dung công việc, nhiệm vụ hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2017, cụ thể:

1. Công tác cải cách thủ tục hành chính:

1.1. Nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, thực hiện cơ chế "Một cửa liên thông" tiến tới "Một cửa liên thông điện tử"; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã

1.2. Nội dung: Nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng và đảm bảo 100% hồ sơ qua mạng không bị giải quyết chậm; phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ qua mạng chỉ còn 02 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời gian 02 giờ; phấn đấu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 50% tổng số hồ sơ.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

1.3. Nội dung: Triển khai, nâng cao chất lượng công tác khai thuế qua mạng Internet; mở rộng các dự án quản lý thuế hiện đại như: nộp thuế qua ngân hàng thương mại, nộp thuế điện tử; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển hệ thống đại lý thuế...

Đơn vị thực hiện: Cục Thuế thành phố Hà Nội.

1.4. Nội dung: Thực hiện cơ chế một cửa hàng không và một cửa ASEAN tại sân bay quốc tế Nội Bài; triển khai chính thức 35 dịch vụ công trực tuyến; triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa Cục Hải quan Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Đơn vị thực hiện: Cục Hải quan Hà Nội

2. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện các cơ chế chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu:

2.1. Nội dung: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng; dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đơn vị thực hiện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội.

2.2. Nội dung: Đẩy mạnh triển khai chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại một số ngân hàng, quận huyện và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý tạo điều kiện cho Doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đơn vị thực hiện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội.

2.3. Nội dung: Hoàn thành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình "Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội"; xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố giai đoạn 2018-2020, làm cơ sở đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của Thành phố thời gian tới.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

2.4. Nội dung: Triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017; Hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2018; Hoàn thành Đề án quản lý và phát triển hoạt động Logistic trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương.

2.5. Nội dung: Hoàn thành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020.

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Thực hiện Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất:

3.1. Nội dung: Tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố; Cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (chính sách thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài...), pháp luật về chống độc quyền, chống bán phá giá...

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.

3.2. Nội dung: Thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, hỗ trợ các Doanh nghiệp lành nghề thiết kế, phát triển sản phẩm và bao bì sản phẩm (khoảng 30-50 sản phẩm đặc trưng của các quận, huyện trên địa bàn Thành phố) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu;

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

3.3. Nội dung: Đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (Chương trình thí điểm hỗ trợ khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất chế tạo xuất khẩu khoảng 10 chi tiết, linh kiện); Hỗ trợ khoảng 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề thuê tư vấn thiết kế, phát triển sản phẩm mới (mỗi đơn vị hỗ trợ, thiết kế từ khoảng 2-4 mẫu sản phẩm mới);

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

3.4. Nội dung: Hỗ trợ 15 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, thực hiện các nội dung: đào tạo, tập huấn các kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (lô gô) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề;

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã.

3.5. Nội dung: Triển khai hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 của Thành phố: Chương trình trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 1600 học viên khóa Khởi sự doanh nghiệp; 4800 học viên khóa Quản trị doanh nghiệp); Chương trình hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp (khoảng 10 khóa học, 25 học viên/khóa); Chương trình hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước (khoảng 02 khóa, 30 học viên/khóa); Chương trình hỗ trợ đào tạo kiến thức cho các hộ kinh doanh cá thể (khoảng 50 khóa học, 100 học viên/khóa); Chương trình Liên kết, hợp tác các đơn vị hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục triển khai các hoạt động của dự án Vườn ươm chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3.6. Nội dung: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm (trong đó có các phiên lưu động) để tạo nguồn lao động có chất lượng, từng bước giải quyết tình trạng lao động không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

3.7. Nội dung: Gặp gỡ phổ biến pháp luật và cơ chế chính sách cho người lao động và các doanh nghiệp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và nắm bắt giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người lao động trong các Khu công nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội

3.8. Nội dung: Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư: xây dựng các chương trình đào tạo, học tập các đơn vị xúc tiến có kinh nghiệm trong nước (Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...) và quốc tế (Đức, Úc, Nhật Bản...); Hỗ trợ, khảo sát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

3.9. Nội dung: Định kỳ tổ chức giao ban, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành, đồng thời tổng hợp báo cáo những kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và các Bộ, ngành trung ương có liên quan xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương.

3.10. Nội dung: Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng cơ chế chính sách thu hút lao động về công nghệ thông tin làm việc tại Hà Nội;

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

3.11. Nội dung: Triển khai thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã được Thành phố phê duyệt, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất đến chế biến đưa vào tiêu thụ.

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.12. Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước về thương mại; thông tin thị trường, mô hình kinh doanh giỏi; khu sản xuất chuyên canh; Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm...

Đơn vị thực hiện: Hội Nông dân Thành phố.

3.13. Nội dung: Thuê chuyên gia nước ngoài tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế mẫu mã giầy dép xuất khẩu, nâng cao kỹ năng phát triển sản phẩm và triển khai mẫu theo đơn đặt hàng vào sản xuất da giày; xây dựng thương hiệu, giúp doanh nghiệp da giày khởi sự.

Đơn vị thực hiện: Hội Da - giày Hà Nội

4. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu:

4.1. Nội dung: Báo cáo bổ sung quy hoạch địa điểm xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung vào đồ án Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

Đơn vị thực hiện: Cục Hải quan Hà Nội.

4.2. Nội dung: Kiểm tra giám sát các tiến độ các dự án khu công nghệ thông tin tập trung; đề xuất cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4.3. Nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền và giới thiệu để thu hút các dự án đầu tư mới vào các Khu công nghiệp: Khu công nghiệp Quang Minh (8ha), Khu công nghiệp Phú Nghĩa (30 ha), Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (33 ha); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư thứ phát.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4.4. Nội dung: Xây dựng Kế hoạch đầu tư cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục vụ thay thế hàng xuất khẩu; Tư vấn biên soạn nội dung, thiết kế, in ấn cẩm nang tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế (cẩm nang doanh nghiệp về cam kết đối với một số nhóm ngành hàng, lĩnh vực trong các hiệp định thương mại,...).

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương.

4.5. Nội dung: Hướng dẫn đầu tư xây dựng 02 Trung tâm logistics hạng I (50ha) và hạng II (30ha) tại huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4.6. Nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu, ấn phẩm phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các thị trường, ngành hàng, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố; Xây dựng cẩm nang Xúc tiến thương mại về nông nghiệp Hà Nội.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

4.7. Nội dung: Xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, cơ chế thu hút đầu tư đối với các dự án lớn, dự án trọng tâm, trọng điểm; Chú trọng các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ; Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội

5. Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu:

5.1. Nội dung: Tổ chức Đoàn Doanh nghiệp Thành phố tham gia Hội chợ, Triển lãm, Hội nghị, Diễn đàn... và giao dịch thương mại tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng và khai thác các thị trường mới, cụ thể là các thị trường: Thái Lan, Singapore, Hong Kong, EU, Nhật Bản, Trung Quốc; hỗ trợ các ngành hàng: công nghiệp hỗ trợ, da giày, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm...

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; Hội Dệt may Hà Nội, Hội Da giày Hà Nội.

5.2. Nội dung: Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài và giao thương, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp của Hà Nội.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

5.3. Nội dung: Xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản: Đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng chỉ dân địa lý cho các sản phẩm nông sản; Tập huấn cho nhân dân về công tác sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5.4. Nội dung: Tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017 (Hanoi Gift Show 2017) với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện các chương trình đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội và giao dịch tại Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2017;

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

5.5. Nội dung: (1) Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư: Khảo sát thị trường, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng thống kê các hoạt động xúc tiến của một số nước theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành ưu tiên của Thành phố năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 và tập trung nghiên cứu đối với các vấn đề liên quan đến đầu tư trong các lĩnh vực vui chơi giải trí, trung tâm thương mại và logistics, môi trường, PPP, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội…; Tổ chức Hội thảo “Hà Nội, phát triển công nghệ và đổi mới đầu tư” tại Hoa Kỳ, kết hợp khảo sát hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, business matching giữa các doanh nghiệp tại Canada; (2) Triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư: Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư gắn kết với các hoạt động đối ngoại của Thành phố (Tổ chức Hội nghị đầu tư, du lịch quốc tế về lĩnh vực khách sạn 2017 tại Berlin, Đức; Tổ chức hoạt động hội thảo xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch và các Diễn đàn doanh nghiệp Hà Nội - Ấn Độ tại Thành phố Hà Nội...); Tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư tại các thị trường nước ngoài (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, khối EU, Úc, Singapore...); (3) Thực hiện các hoạt động về hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư: Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi nhằm tạo mối quan hệ gắn kết với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; Đại diện các tổ chức quốc tế tiêu biểu trên địa bàn Thành phố như: Jetro, Kotra, Amcham, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), SBAV, Cancham...

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

5.6. Nội dung: Tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

5.7. Nội dung: Thành lập tổ chức xúc tiến thương mại trực thuộc Hội Dệt may thành phố nhằm xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Hội Dệt may Hà Nội.

5.8. Nội dung: Tham gia hội chợ quốc tế Da giày - túi xách tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn vị thực hiện: Hội Da - giày Hà Nội.

6. Kiểm soát nhập khẩu:

6.1. Nội dung: Tăng cường kiểm tra giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra đối với việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện và các đơn vị nhập khẩu và phân phối nhằm kiểm soát nhập khẩu.

Đơn vị thực hiện; Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường), Cục Hải quan Hà Nội.

6.2. Nội dung: Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

6.3. Nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Cục Hải quan Hà Nội.

Các Sở, ban, ngành có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2017; báo cáo kết quả thực hiện, gửi Sở Công Thương để tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Hội Da giày Hà Nội, Hội Dệt may Hà Nội;
- VPUB: CVP, PCVPT.V.Dũng, KT, TKBT;
- Lưu VT, KTv.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Toản

 



1 Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn và kinh tế toàn cầu. Trong Báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu công bố ngày 21/9/2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ xuống mức 2,9% trong năm 2016 (tháng 6/2016 dự báo tăng trưởng 3%) và 3,2% trong năm 2017.