ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/KH-UBND | Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2018
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 04/12/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố Hà Nội; Các văn bản của UBND Thành phố: Chương trình số 15/Ctr-UBND ngày 15/01/2018; Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 của thành phố Hà Nội; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013; Đề án: “Đẩy mạnh xuất khẩu của Thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 2913/QĐ-UBND ngày 22/5/2017; Căn cứ tình hình thực hiện năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao chỉ số PCI và PAPI; Khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 trên địa bàn Thành phố tăng 7,5-8% so với thực hiện năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 12.700 triệu USD.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Quan tâm huy động mọi nguồn vốn, trong đó có ngân sách để tạo quỹ đất sạch đấu thầu, đấu giá xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung theo quy hoạch.
- Các Sở, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.
II. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
2. Xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
3. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn.
4. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất.
5. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
6. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
7. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
8. Thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
9. Các giải pháp liên quan nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác cải cách hành chính:
a) Giao Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước trong công tác quản lý thuế để tạo thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp thực hiện các chính sách pháp luật thuế.
b) Giao Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Triển khai thí điểm hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu và khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2018.
c) Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Thực hiện cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi qua hệ thống điện tử cấp độ 3, cấp độ 4. Tham gia cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo cam kết của Chính phủ với các nước ASEAN.
2. Xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu:
a) Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn; dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại một số ngân hàng, quận, huyện, thị xã; hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
b) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Xây dựng Đề án Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
c) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Triển khai Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020; Triển khai Đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Hỗ trợ 10 làng nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu.
d) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội (chú trọng các lĩnh vực sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, chè, phát triển chăn nuôi, phát triển thủy sản).
3. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất:
a) Giao Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội: Tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về: Thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu...
b) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Hội Da - giày Hà Nội: Tư vấn phát triển thiết kế, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm các ngành hàng da-giầy, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp hỗ trợ... nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu.
c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục triển khai các chương trình: Chương trình trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn khởi nghiệp; Chương trình Liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để phát triển thị trường xuất khẩu.
d) Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo nguồn lao động có chất lượng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
e) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Thành phố và tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, cung cấp các thông tin chung về kinh tế-xã hội, cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý, đối tác... hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát thực địa, khảo sát doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư.
g) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan:
- Tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn cho các Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp năm 2018.
- Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) thành phố Hà Nội năm 2018; Hỗ trợ 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, Tổ chức Hội thảo "Thị trường xuất khẩu và mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ - Xu hướng của năm 2018".
h) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin - viễn thông, tạo điều kiện xuất khẩu lao động sản xuất phần mềm và nội dung thông tin.
i) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục thực hiện các chương trình tập huấn về sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông dân Hà Nội.
k) Giao Hội Nông dân Thành phố: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân về chính sách, pháp luật về thương mại; thông tin thị trường, mô hình kinh doanh giỏi; khu sản xuất chuyên canh; xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm, giá trị văn hóa làng nghề... Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm... Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về kỹ năng thương mại và phát triển thương hiệu nông sản Việt.
4. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu:
a) Giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng dịch vụ logistic trên địa bàn thành phố Hà Nội.
b) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: Kiểm tra tiến độ triển khai các dự án khu công nghệ thông tin tập trung, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án khu công nghệ thông tin tập trung và các doanh nghiệp công nghệ thông tin hoạt động trong Khu công nghiệp tập trung.
c) Giao Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội: Hướng dẫn, giám sát tiến độ xây dựng các Khu công nghiệp: Đầu tư hoàn thiện hạ tầng và duy tu bảo dưỡng Khu công nghiệp Quang Minh I, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (30 ha), Khu công viên CNTT, Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai; hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 (72 ha).
d) Giao Cục Hải quan chủ trì, biên soạn Sổ tay nghiệp vụ Hải quan.
e) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan: Xây dựng, xuất bản và tái bản các ấn phẩm xúc tiến đầu tư giới thiệu về tiềm năng, cơ hội, môi trường đầu tư.... của Thành phố đảm bảo hiệu quả, dễ tiếp cận và khai thác thông tin. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các thị trường xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.
5. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư:
a) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan:
- Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, hội nghị, diễn đàn, giao dịch thương mại... có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và khai thác các thị trường mới; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ; đón các Đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội.
- Tổ chức giao thương, kết nối các doanh nghiệp, nhà phân phối nước ngoài với các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội; Phối hợp với Bộ Công Thương và một số cơ quan, đơn vị tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các thị trường như Nhật, Pháp... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống phân phối các nước; Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, hợp tác với các Đại sứ quán, các cơ quan, tổ chức xúc tiến quốc tế tại Việt Nam.
b) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2018 (Hanoi Gift Show 2018); đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội và giao dịch tại Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2018. Tổ chức đoàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ quốc tế Lifestyle tại thành phố Hồ Chí Minh.
6. Các giải pháp khác: Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo do các Sở, ngành Thành phố tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chế độ thông tin, báo cáo: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ năm 2018; báo cáo UBND Thành phố đột xuất hoặc định kỳ kết quả thực hiện (gửi Sở Công Thương để tổng hợp chung trước ngày 15/12/2018)./.
- 1 Kế hoạch 69/KH-UBND về Đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019
- 2 Kế hoạch 39/KH-UBND về thực hiện giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2018
- 3 Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Chính phủ ban hành
- 4 Nghị quyết 13/NQ-HĐND năm 2017 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố Hà Nội
- 5 Quyết định 2913/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 6 Kế hoạch 89/KH-UBND thực hiện giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017
- 7 Kế hoạch 29/KH-UBND đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động do tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017 ban hành
- 8 Quyết định 2500/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 1 Kế hoạch 29/KH-UBND đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động do tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017 ban hành
- 2 Kế hoạch 89/KH-UBND thực hiện giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017
- 3 Kế hoạch 39/KH-UBND về thực hiện giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2018
- 4 Kế hoạch 69/KH-UBND về Đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019