ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 06 tháng 08 năm 2015 |
NÂNG HẠNG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2015
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ XẾP HẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) CỦA TỈNH NĂM 2014
Năm 2014, năng lực cạnh tranh (PCI) của Tỉnh xếp hạng 13/63 trong bảng tổng sắp, giảm 11 bậc so năm 2013.
VỊ TRÍ PCI CỦA THỪA THIÊN HUẾ
STT | Các chỉ số thành phần | So cả nước (63 tỉnh, thành phố) | So vùng Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, TP) | So vùng KTTĐ miền Trung (5 tỉnh, thành) | ||||||
2012 | 2013 | 2014 | 2012 | 2013 | 2014 | 2012 | 2013 | 2014 | ||
| PCI tổng hợp | 30/63 | 2/63 | 13/63 | 7/14 | 2/14 | 3/14 | 5/5 | 2/5 | 2/5 |
1 | Chi phí gia nhập thị trường | 8 | 9 | 32 | 3 | 6 | 9 | 3 | 4 | 4 |
2 | Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất | 59 | 14 | 17 | 14 | 4 | 4 | 5 | 2 | 3 |
3 | Tính minh bạch | 4 | 1 | 9 | 1 | 1 | 3 | 1 | 1 | 3 |
4 | Chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước | 43 | 28 | 20 | 12 | 9 | 5 | 5 | 5 | 3 |
5 | Chi phí không chính thức | 48 | 6 | 25 | 10 | 1 | 6 | 5 | 1 | 3 |
6 | Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh | 24 | 8 | 54 | 4 | 3 | 12 | 3 | 3 | 4 |
7 | Hỗ trợ doanh nghiệp | 42 | 34 | 32 | 13 | 9 | 10 | 5 | 3 | 5 |
8 | Đào tạo lao động | 42 | 12 | 24 | 11 | 4 | 6 | 4 | 2 | 2 |
9 | Thiết chế pháp lý | 25 | 15 | 26 | 4 | 5 | 6 | 2 | 3 | 4 |
10 | Cạnh tranh bình đẳng | - | 31 | 44 | - | 8 | 6 | - | 5 | 3 |
Trong kết quả đó, nổi lên một số điểm sau (đính kèm phụ lục phân tích):
1. Những chỉ số tăng bậc
Hai chỉ số tăng bậc là:
- Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước (tăng 8 bậc, xếp thứ 20/63);
- Hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 2 bậc, xếp thứ 32/63).
Liên quan đến chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp có nhìn nhận tích cực về thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; công khai phí, lệ phí; giảm số lần đi lại để lấy dấu và chữ ký; đơn giản thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sự thân thiện và tính hiệu quả của cán bộ nhà nước sau khi thực hiện cải cách hành chính lại chưa được nhìn nhận một cách tích cực.
Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực ở các chỉ tiêu: Số hội chợ thương mại được tổ chức; tỷ lệ số nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp; doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghệ xếp hạng, đào tạo kế toán và tài chính, quản trị kinh doanh xếp hạng. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tất cả các chỉ tiêu liên quan đến ý định của doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên đều giảm.
2. Những chỉ số giảm bậc
Bao gồm:
- Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (giảm 3 bậc, xếp thứ 17/63);
- Tính minh bạch (giảm 8 bậc, xếp thứ 9/63);
- Thiết chế pháp lý (giảm 11 bậc, xếp thứ 26/63);
- Đào tạo lao động (giảm 12 bậc, xếp thứ 24/63);
- Cạnh tranh bình đẳng (giảm 13 bậc, xếp thứ 44/63);
- Chi phí không chính thức (giảm 19 bậc, xếp thứ 25/63);
- Chi phí gia nhập thị trường (giảm 23 bậc, xếp thứ 32/63);
- Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh (giảm 46 bậc, xếp thứ 54/63).
Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất giảm bậc do những lo ngại về rủi ro về thu hồi đất, gặp khó khăn trong mở rộng mặt bằng kinh doanh và lo ngại về sự bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chỉ tiêu liên quan đến thủ tục hành chính về cấp GCNQSDĐ, số doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh, diện tích đất có GCNQSDĐ, sự phù hợp của khung giá đất so với giá thị trường đều được cộng đồng đánh giá tích cực.
Chỉ số Tính minh bạch giảm bậc chủ yếu do cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong tư vấn và phản biện các chính sách của tỉnh giảm; doanh nghiệp truy cập vào website của UBND tỉnh giảm; doanh nghiệp phải thương lượng với cán bộ thuế trong quá trình thanh, kiểm tra. Bên cạnh những chỉ tiêu giảm sút đó, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực về tính minh bạch của các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý của chính quyền tỉnh.
Chỉ số Thiết chế pháp lý giảm bậc chủ yếu do tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện đúng pháp luật, phán quyết của tòa án là công bằng, hệ thống pháp luật luôn có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ giảm. Số vụ việc tranh chấp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 100 doanh nghiệp do Tòa án kinh tế cấp tỉnh thụ lý thấp cũng là nguyên nhân làm cho chỉ số này giảm. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá tích cực về sự nhanh chóng của Tòa án các cấp của tỉnh trong việc xử các vụ kiện kinh tế cũng như sự nhanh chóng trong thi hành các phán quyết của tòa án kinh tế.
Chỉ số Đào tạo lao động giảm bậc chủ yếu do chỉ tiêu Số lao động của doanh nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo tại các trường dạy nghề giảm mạnh. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng phản ánh sự chuyển biến tích cực ở các chỉ tiêu: Số lượng lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo; doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; doanh nghiệp có ý định sẽ sử dụng lại nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ môi giới việc làm cũng như tổng chi phí cho đào tạo lao động.
Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng có chuyển biến tích cực trong góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về việc Tỉnh đã ứng xử công bằng với các doanh nghiệp; hạn chế tình trạng ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là trong nước, trao nhiều đặc quyền cho doanh nghiệp FDI trong tiếp cận đất đai, ưu ái cho các doanh nghiệp Nhà nước, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển khu vực tư nhân, ưu ái cho doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền... Tuy nhiên, xét về tổng thể chỉ số này vẫn giảm do nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng cấp phép khai thác khoáng sản là đặc quyền cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước và trở ngại cho hoạt động của bản thân doanh nghiệp là do những ưu đãi của Tỉnh đối với những công ty lớn.
Chỉ số Chi phí không chính thức giảm bậc chủ yếu do số doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành trả chi phí không chính thức, “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” tăng.
Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường giảm bậc chủ yếu do nhiều doanh nghiệp cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận Một cửa chưa tốt, thủ tục tại bộ phận Một cửa chưa được niêm yết công khai, phải chờ hơn ba tháng để hoàn tất các thủ tục và bắt đầu hoạt động, đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh không qua bộ phận Một cửa. Chỉ tiêu tích cực trong chỉ số này là sự rõ ràng trong hướng dẫn và sự nhiệt tình, thân thiện của cán bộ tại bộ phận Một cửa.
Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh giảm bậc mạnh do:
- Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp cho rằng: Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện hoặc có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành; cảm nhận tỉnh sẽ “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì” khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương.
- Sự giảm sút số lượng doanh nghiệp cho rằng: Chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân, sự năng động và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh.
Tóm lại:
Năm 2014, tổng điểm PCI tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 5,58 điểm so với năm 2013, trong 10 chỉ số thành phần, xét về điểm thì có 04 chỉ số thành phần tăng điểm, 6 chỉ số giảm điểm, tuy nhiên xét về vị thứ thì chỉ có 2 chỉ số tăng hạng (thuộc vào 4 chỉ số tăng điểm), 8 chỉ số giảm bậc, cụ thể:
- Có 2 chỉ số tăng điểm và tăng hạng: Chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, tăng 0,54 điểm và tăng 8 bậc; Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,49 điểm và tăng 2 bậc.
- Có 2 chỉ số tăng điểm nhưng tụt hạng: Chỉ số Đào tạo lao động tăng 0,22 điểm, giảm 12 bậc; Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,22 điểm, giảm 23 bậc.
- Có 6 chỉ số giảm điểm và giảm bậc:
+ Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: Giảm 1,17 điểm, giảm 3 bậc.
+ Chỉ số Tính minh bạch: Giảm 1,07 điểm, tụt 8 bậc.
+ Chỉ số Thiết chế pháp lý: Giảm 0,46 điểm, giảm 11 bậc.
+ Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: Giảm 0,92 điểm, giảm 11 bậc.
+ Chỉ số Chi phí không chính thức: Giảm 11,75 điểm, tụt 19 bậc.
+ Chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: Giảm 1,81 điểm, tụt 46 bậc.
Để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ kết quả PCI 2014, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào:
1. Cung cách phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.
2. Tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức.
3. Công tác đào tạo nghề.
4. Chất lượng các dịch vụ tư nhân và thói quen sử dụng các dịch vụ tư nhân của các doanh nghiệp.
5. Công tác thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế của Tòa án các cấp.
6. Niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của chính quyền cũng như định hướng phát triển của Tỉnh.
II. KẾ HOẠCH NÂNG CAO VỊ TRÍ XẾP HẠNG PCI NĂM 2015
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Duy trì vị trí xếp hạng PCI tỉnh ở nhóm “rất tốt”.
1.2. Mục tiêu chủ yếu:
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.
- Đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các sở, ban ngành, đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Cải thiện điểm số và vị thứ xếp hạng của 10 chỉ số cạnh tranh thuộc nhóm 10, từ đó nâng cao vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh nhóm “rất tốt”.
1.3. Chỉ tiêu cụ thể:
- Rút ngắn thời gian trung vị đăng ký doanh nghiệp không quá 3 ngày; cụ thể: Thời gian đăng kí thành lập mới doanh nghiệp còn 3 ngày; thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp còn 2-3 ngày.
- Có 09 thủ tục hành chính sẽ được hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý trả ngay cho doanh nghiệp.
- Thời gian các doanh nghiệp chờ để hoàn thành tất cả thủ tục đăng ký doanh nghiệp có điều kiện để chính thức hoạt động trong vòng 30 ngày.
- Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 20 ngày.
- Giảm số giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế xuống còn 7 giờ.
- Hỗ trợ, khuyến khích tổ chức trên 5 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh hàng năm.
- Nâng cao tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn trên tổng lực lượng lao động trên 20%; tỷ lệ người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề trên số lao động chưa qua đào tạo nghề lên 30%.
2. Giải pháp chung cải thiện các chỉ số cạnh tranh
- Tăng cường nhận thức về quan điểm, mục tiêu, thay đổi một cách căn bản cung cách phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; tập huấn, nâng cao kỹ năng, phong cách phục vụ dịch vụ của cán bộ ở các bộ phận hành chính công. Khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong toàn bộ hệ thống công chức. Thực hiện phân phối thu nhập cho cán bộ, công chức từ việc quản lý và sử dụng có hiệu quả tài chính công.
- Tăng cường tính minh bạch; tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Khai trương Cổng thông tin địa lý GiSHue vào tháng 9/2015, hoàn thiện vận hành các trang thông tin kinh tế xã hội, cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang Web của các Sở, ban ngành địa phương; từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống văn bản pháp quy, thông tin chỉ đạo điều hành... của tỉnh. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện các quy định Nhà nước.
- Đổi mới công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo sát hơn với nhu cầu thị trường.
- Tạo điều kiện mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tư nhân trên các lĩnh vực tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, kế toán và tài chính, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường thói quen sử dụng các dịch vụ tư nhân của các doanh nghiệp.
- Tăng cường chất lượng thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế của Tòa án các cấp; tăng cường cơ chế giám sát phát hiện tham nhũng, xử lý các hành vi tham nhũng.
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của chính quyền cũng như định hướng phát triển của Tỉnh.
- Căn cứ kế hoạch PCI của tỉnh, các Sở ban ngành, UBND cấp huyện, thị xã và thành phố cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của đơn vị nhằm hướng đến hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nâng hạng vị thứ PCI toàn tỉnh.
3. Các giải pháp cụ thể
Ngoài những giải pháp chính đã đề xuất, để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI cần thực hiện các giải pháp như sau:
3.1. Giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp
- Các sở, ban ngành, UBND các cấp: Kiện toàn bộ phận một cửa, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông tin, kiến nghị của công dân, doanh nghiệp.
- Sở Kế hoạch và Đầu từ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ: Xây dựng cơ chế liên kết trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và cấp phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở ban ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Công an tỉnh – Phòng cháy chữa cháy) để giảm thiểu tối đa thời gian cấp giấy phép con (giấy phép đăng ký kinh doanh có điều kiện), không còn doanh nghiệp nào phải chờ hơn ba tháng để hoàn thành các thủ tục kinh doanh để chính thức hoạt động.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh: Rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh trực tuyến còn 3 ngày, thời gian trung vị đăng ký doanh nghiệp từ 14 ngày còn 3 ngày, thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 7 xuống 2-3 ngày, thời gian từ khi hồ sơ được coi là hợp lệ và tiếp nhận đến khi nhận được Giấy ĐKDN từ 7 ngày còn 3 ngày.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ít hơn 20 ngày.
- Các Sở, ban ngành, UBND các cấp: Nghiêm túc niêm yết công khai các thủ tục và chi phí tại Bộ phận một cửa.
3.2. Cải thiện việc tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất
- Sở Tài Nguyên và Môi trường:
+ Kết hợp với Sở Tài chính xây dựng khung giá đất trên địa bàn tỉnh bảo đảm sát với giá thị trường; đồng thời công bố giá đất vào quý I hàng năm.
+ Tăng cường giám sát công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các huyện, thị xã và thành phố Huế; rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh về tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh trong năm 2015.
+ Xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, công khai minh bạch và đầy đủ các thông tin về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn (quy trình thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) trên trang thông tin của Sở. Thiết lập thói quen trao đổi và cung cấp thông tin qua email của doanh nghiệp đăng ký nhận thông tin.
+ Rà soát, rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo định kỳ 6 tháng một lần.
3.3. Nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ Đảm bảo cập nhật, đăng tải đầy đủ các thông tin liên quan chỉ đạo điều hành, cơ chế, chính sách, ưu đãi/khuyến khích đầu tư, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp lên cổng thông tin điện tử và gửi về hộp thư điện tử của doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
+ Đăng tải cơ chế, chính sách, kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế xã hội lên cổng thông tin điện tử và cho phép doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện.
- Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế: Tổ chức công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về đất đai, xây dựng, định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển kinh tế xã hội ở các cấp.
Các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện: Nghiêm túc cập nhật cơ sở dữ liệu đầy đủ, đúng thời gian, gửi báo cáo lên trang thông tin kinh tế xã hội của tỉnh tại địa chỉ: http://ktxh.thuathienhue.gov.vn/ để xây dựng, lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh đầy đủ.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số ICT của Tỉnh, triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong một số lĩnh vực cung cấp ở mức 4 (thành lập mới doanh nghiệp) trên Cổng Thông tin điện tử.
- Đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong việc xây dựng và phản biện các chính sách, quy định của tỉnh, đồng thời phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
- Sở Tài chính: Công khai, minh bạch các chương trình đầu tư mua sắm công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội bình đẳng trong việc tham gia đấu thầu.
3.4. Giảm chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước
- Các Sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố:
+ Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 ở các cơ quan, đơn vị, Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh về rà soát quy định, thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 28/7/2014 về nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2014 và năm 2015.
+ Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Sở Nội vụ:
+ Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp huyện, sở hoặc xây dựng bộ chỉ số theo dõi và đánh giá kết quả cải cách hành chính.
+ Xây dựng trang thông tin điện tử cải cách hành chính, tích hợp vào trang thông tin của Sở.
+ Xây dựng phần mềm khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
- Công tác hậu kiểm, thanh tra doanh nghiệp: Phối hợp liên ngành để giảm thời gian hậu kiểm và thanh tra, chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công chức thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt đối với Cục thuế tỉnh: Cải thiện phương pháp thanh tra (ngoại trừ khâu xây dựng kế hoạch và phân tích hồ sơ tại đơn vị) để giảm tối đa thời gian thanh tra tại doanh nghiệp (Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại đang có 11 giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế, tỉnh có giờ thấp nhất là 2 giờ).
- Văn phòng UBND tỉnh: Rà soát, hoàn thiện các quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy ý kiến của đối tượng sử dụng để chỉnh sửa các giao diện của 5 phần mềm dùng chung tối ưu nhất, dễ hiểu và dễ khai thác thông tin. Đồng thời Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức được các lợi ích, tạo thói quen thực hiện các giao dịch hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4.
3.5. Giảm chi phí không chính thức
- Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan: Tiếp tục duy trì Chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Trao đổi và tháo gỡ” định kỳ theo từng chuyên đề, từng lĩnh vực... kịp thời tham mưu Lãnh đạo tỉnh giải quyết vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức về cải cách hành chính, cơ chế, chính sách.
- Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện: Phối hợp, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện thủ tục hành chính và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước tại các cấp chính quyền, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
3.6. Nâng cao tính năng động và tiên phong của Lãnh đạo tỉnh
- Đẩy mạnh cải cách hành chính ở cấp huyện, thị xã và các tuyến dưới.
- Văn phòng UBND tỉnh: Tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp ý kiến chỉ đạo, ý kiến cử tri, cập nhật kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trên trang Thông tin điện tử tỉnh. Tham mưu nhân rộng mô hình quản lý điều hành trong các cơ quan nhà nước thông qua Văn phòng điện tử.
- Các Sở, ngành, địa phương:
+ Lãnh đạo đơn vị vận dụng sáng tạo các chính sách, cơ chế hiện hành trong giải quyết công việc theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản của trung ương bằng cách vận dụng, phản ứng nhanh kiến nghị ban hành các quy định của cấp tỉnh hoặc trả lời các điểm chưa rõ bằng văn bản chính thức.
+ Triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ công chức thụ lý công việc một cách chủ động và nhanh chóng, tránh tình trạng trễ hạn xử lý công việc, đùn đẩy trách nhiệm hoặc có thái độ ỷ lại, chờ giải quyết của cấp trên.
3.7. Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
- Văn phòng UBND tỉnh/ Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh:
+ Khuyến khích thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là dịch vụ tư nhân như: Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, dịch vụ tư vấn về pháp luật, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ liên quan đến công nghệ, dịch vụ đào tạo về kế toán và tài chính, dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh.
+ Hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyên môn, quảng bá xây dựng thương hiệu cho các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ - thông tin vào các dịch vụ công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ công.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:
+ Kết nối thông tin chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tiếp nhận và tham mưu giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Duy trì hoạt động đối thoại với Doanh nghiệp và có phản hồi ý kiến, kiến nghị của Doanh nghiệp.
+ Đo lường, đánh giá hiệu quả tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tham mưu tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
- Sở Công Thương: Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đối tác kinh doanh.
3.8. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
+ Kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo nghề của các Trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề cấp huyện, các cơ sở mới thành lập để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, nâng cao số lượng lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn.
+ Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển dịch vụ giới thiệu việc làm và tổ chức sàn giao dịch việc làm theo hướng xã hội hóa; gắn với kiểm soát chất lượng và tính pháp lý tạo môi trường tiếp cận việc làm an toàn, tin cậy cho người lao động.
- UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Nâng cao chất lượng các trường dạy nghề trên địa bàn, đầu tư có trọng điểm các lĩnh vực, ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn.
3.9. Thiết chế pháp lý
- Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:
+ Rà soát và xử lý các vụ việc liên quan đến tranh chấp, kinh tế, đầu tư..., đẩy nhanh tiến trình thụ lý các vụ án, hạn chế án nợ kéo dài qua hai năm trở lên.
+ Nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cho đội ngũ luật sư, công tố viên, đấu giá viên....
- Khuyến khích thành lập các văn phòng luật sư, hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động của các văn phòng luật sư.
1. Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp:
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
- Tổ chức phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Kế hoạch Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi các nhiệm vụ, giải quyết, xử lý công việc.
- Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/10/2015.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức kiểm tra việc thực hiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÂN TÍCH KẾT QUẢ XẾP HẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) CỦA TỈNH NĂM 2014
(Kèm theo Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh)
1. Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước xếp thứ 20/63, tăng 8 bậc.
Trong 9 chỉ tiêu thành phần con, có 7 chỉ tiêu tăng hạng hoặc duy trì ở nhóm dẫn đầu, có 2 chỉ tiêu thành phần con tụt hạng.
Nguyên nhân tăng do tác động của 07 chỉ tiêu thành phần sau:
- Có 01 cuộc thanh tra trung vị (tất cả các cơ quan), xếp trong nhóm 1/2.
- Có 11 giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế, xếp nhóm 2/5, đã giảm 13 giờ trung vị so với năm 2013; số giờ trung vị cao nhất 40 giờ (Lạng Sơn, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang), giờ thấp nhất 2 giờ (Kiên Giang, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long).
- Có 97,27% doanh nghiệp được phỏng vấn nhận thấy cán bộ công nhân viên chức đã thực hiện tốt thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, xếp thứ 17/63, tăng 43 bậc.
- Có 38,39% doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước, xếp thứ 18/63 tỉnh, tăng 39 bậc.
- Có 94,35% doanh nghiệp cho rằng phí, lệ phí được công khai, xếp hạng 9/63, tăng 16 bậc.
- Có 64,29% doanh nghiệp cho rằng không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, xếp thứ 22/63, tăng 16 bậc.
- Có 51,61% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản, xếp hạng 19/63, tăng 10 bậc.
Hai chỉ tiêu thành phần của chỉ số này có vị trí xếp hạng giảm:
- Có 58,68% doanh nghiệp đồng ý cán bộ nhà nước thân thiện khi đến làm việc, xếp thứ 30/63, giảm 4 bậc.
- Có 66,93% doanh nghiệp cho rằng các cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện CCHC công, xếp thứ 24/63, giảm 11 bậc.
2. Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 32/63, tăng 2 bậc
Trong 24 chỉ tiêu thành phần, có 16 chỉ tiêu tăng trong bảng vị trí xếp hạng (tăng từ 2 bậc đến 49 bậc), 8 chỉ tiêu xuống hạng (giảm từ 3 bậc đến 56 bậc). Đồng thời nội dung của 24 chỉ tiêu thành phần con được xếp thành 9 nhóm, nhóm (1) có nội dung “số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm trước hoặc đăng ký tổ chức cho năm nay” và nhóm (2) có nội dung “tỷ lệ số nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp” và “tỷ lệ số nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ”; có 7 nhóm thuộc về nội dung các doanh nghiệp “đã từng sử dụng dịch vụ”, “đã sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho...” và “có ý định tiếp tục sử dụng nhà cung cấp trên cho...” các dịch vụ: (3) tìm kiếm thông tin thị trường, (4) tư vấn về pháp luật, (5) hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, (6) xúc tiến thương mại, (7) liên quan đến công nghệ, (8) đào tạo về kế toán và tài chính, (9) đào tạo về quản trị kinh doanh.
- Chỉ tiêu thành phần Số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm hoặc đăng ký tổ chức cho năm nay (nhóm (1)), với 4 hội chợ được thống kê, xếp thứ 10/63, tăng 38 bậc.
- Hai chỉ tiêu thuộc nhóm (2): Tỷ lệ số nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp xếp thứ 35/63, tăng 2 bậc; Tỷ lệ số nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ xếp thứ 41/63, tăng 4 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (3): Có 50% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường xếp hạng 8/63, tăng 7 bậc; có 50,94% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, xếp hạng 14/63, tăng 3 bậc; trong 50,94% trên thì chỉ có 58,49% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, xếp hạng 50/63, giảm 25 bậc;
- Các chỉ tiêu nhóm (4): Có 58,82% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật xếp hạng 2/63, tăng 4 bậc; chỉ có 16,67% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ tư vấn về pháp luật, xếp hạng 45/63, giảm 22 bậc; trong 16,67% trên chỉ có 66,67% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật, xếp hạng 17/63, giảm 9 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (5): Có 38,38% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh xếp hạng 21/63, giảm 3 bậc; có 55,26% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh, xếp hạng 21/63, giảm 20 bậc; trong 55,26% trên chỉ có 60,53% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh, xếp hạng 43/63, giảm 9 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (6): Có 34,37% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại xếp hạng 11/63, tăng 25 bậc; đồng thời có 21,21% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại, xếp hạng 24/63, tăng 14 bậc; trong 21,21% trên chỉ có 42,42% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại, xếp hạng 44/63, tăng 13 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (7): Có 44,33% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ liên quan đến công nghệ xếp hạng 15/63, tăng 26 bậc; đồng thời có 62,79% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ liên quan đến công nghệ, xếp hạng 11/63, tăng 21 bậc; trong 62,79% trên chỉ có 60,47% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ liên quan đến công nghệ, xếp hạng 3/63, tăng 18 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (8): Có 42,16% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ đào tạo về kế toán và tài chính xếp hạng 13/63, tăng 10 bậc; có 46,51% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ đào tạo về kế toán và tài chính xếp hạng 10/63, tăng 49 bậc; trong 46,51% trên chỉ có 58,14% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đào tạo về kế toán và tài chính, xếp hạng 36/63, giảm 29 bậc.
- Các chỉ tiêu nhóm (9): Có 44,33% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh xếp hạng 8/63, tăng 6 bậc; đồng thời có 62,79% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ, xếp hạng 26/63, tăng 32 bậc; trong 62,79% trên chỉ có 60,47% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh, xếp hạng 61/63, giảm 56 bậc.
1. Chỉ số Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất xếp thứ 17/63, giảm 3 bậc.
Trong 8 chỉ số thành phần con, có 5 chỉ số tăng hạng và 3 chỉ số tụt hạng, cụ thể:
- Có 16,39 % doanh nghiệp có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà/ lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; xếp thứ 7/63, tăng 1 bậc.
- Có 62,50% doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh (vốn là tài sản của cá nhân/gia đình hoặc do nhà nước giao, có thu tiền sử dụng đất hoặc DN nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) và có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; xếp thứ 20/63, tăng 4 bậc.
- Có 95,58% diện tích đất trong tỉnh có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (BTNMT), xếp thứ 17/63, tăng 6 bậc (Tỉnh cao nhất có 99,57%, thấp nhất có 85,83% diện tích đất có GCNQSDĐ).
- Có 66,06% doanh nghiệp đồng ý sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường, xếp thứ 53/63, tăng 8 bậc.
- Có 57,14% doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục, xếp thứ 4/63, tăng 30 bậc.
Các chỉ số tụt hạng:
- Tỉnh đạt 2,56 điểm rủi ro bị thu hồi đất xếp thứ 9/63, giảm 4 bậc (tỉnh có điểm rủi ro thấp nhất 2,87, cao nhất là 1,84).
- Có 19,28% doanh nghiệp ngoài quốc doanh không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; xếp thứ 45/63, giảm 22 bậc.
- Có 26,32% doanh nghiệp cho rằng nếu bị thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng, xếp thứ 53/63, giảm 48 bậc.
2. Chỉ số Tính minh bạch, xếp thứ 9/63, giảm 8 bậc.
Trong 10 chỉ số thành phần con, có 4 chỉ số tăng hạng và 6 chỉ số tụt hạng, cụ thể:
- Có 83,33% doanh nghiệp đồng ý về các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh, xếp thứ 24/63, giữ nguyên vị trí xếp hạng so với năm 2013 (80,00%); tuy nhiên so với 14 tỉnh duyên hải Miền Trung, xếp thứ 3/14, giảm 2 bậc (sau Quảng Ngãi, Đà Nẵng).
- Có 7,08 % doanh nghiệp cho rằng luôn luôn hoặc thường xuyên có khả năng có thể dự đoán được trong thực thi pháp luật của tỉnh, xếp thứ 46/63, tăng 4 bậc.
- Tính minh bạch của các tài liệu quy hoạch xếp thứ 23/63, tăng 20 bậc.
- Tính minh bạch của các tài liệu pháp lý xếp thứ 17/63, tăng 43 bậc.
Các chỉ số giảm bậc:
- Điểm số về độ mở của trang web xếp thứ 3/63, giảm 01 bậc.
- Có 94,12% doanh nghiệp đồng ý về các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, xếp thứ 5/63, giảm 02 bậc.
- 73,21% doanh nghiệp cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh, xếp thứ 31/63, giảm 18 bậc.
- Có 45,36% doanh nghiệp cho rằng các Hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tư vấn và phản biện các chính sách của tỉnh, xếp thứ 22/63, giảm 21 bậc.
- Có 62,16% doanh nghiệp truy cập vào website của UBND tỉnh, xếp thứ 35/63, giảm 22 bậc.
- Có 62,61% doanh nghiệp hoàn toàn đồng ý hoặc đồng ý việc thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh, xếp thứ 62/63, giảm 55 bậc.
3. Chỉ số Thiết chế pháp lý xếp thứ 26/63, giảm 11 bậc.
Vị trí xếp hạng của các chỉ tiêu thành phần như sau:
- Có 52,29% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp, xếp thứ 23/63, tăng 5 bậc.
- 100 % nguyên đơn ngoài quốc doanh trên tổng số nguyên đơn tại Tòa án kinh tế tỉnh, xếp thứ 8/63, tăng 9 bậc.
- Có 56,00% doanh nghiệp đồng ý Tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng, xếp hạng 32/63, tăng 26 bậc.
- Có 60,20% doanh nghiệp cho rằng phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng, xếp hạng 30/63, tăng 30 bậc.
Có 7 chỉ tiêu giảm bậc, cụ thể:
- Có 76,84% doanh nghiệp đồng ý các chi phí chính thức và không chính thức để giải quyết tranh chấp là chấp nhận được, xếp thứ 13/63, giảm 3 bậc.
- Có 80,91% doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng, giảm 04 bậc, xếp thứ 32/63 tỉnh (Tỉnh tốt nhất có 88,64% doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật).
- Có 68,04% doanh nghiệp cho rằng các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp, xếp hạng 24/63, giảm 4 bậc.
- Có 89,11% doanh nghiệp đồng ý tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật, xếp hạng 19/63, giảm 15 bậc.
- Có 81,25% doanh nghiệp cho rằng phán quyết của tòa án là công bằng, xếp hạng 27/6, giảm 17 bậc.
- Có 29,258% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật luôn luôn có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, xếp thứ 42/63, giảm 38 bậc.
- Có 0,26 vụ việc tranh chấp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 100 doanh nghiệp do Tòa án kinh tế cấp tỉnh thụ lý (tỉnh thấp nhất có 0 vụ, cao nhất có 14,24 vụ và tỉnh trung vị có 1,52 vụ), xếp thứ 53/63, giảm 42 bậc.
Có 01 chỉ số thành phần con bổ sung mới, cụ thể:
- Tỷ lệ vụ án đã được giải quyết trong năm xếp thứ 50/63.
4. Chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 24/63, giảm 12 bậc.
Một số chỉ tiêu của Chỉ số thành phần này có cải thiện gồm:
- Doanh nghiệp đã chi 6,88% tổng kinh phí kinh doanh cho tuyển dụng lao động, xếp thứ 59/63, tăng 4 bậc.
- Có 95,54% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng lao động, xếp thứ 13/63, tăng 6 bậc.
- Có 45,95% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm của nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, xếp thứ 27/63, tăng 11 bậc.
- Có 6,38% người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo, xếp hạng 17/63, tăng 13 bậc.
- Có 35,92% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, xếp thứ 9/63, tăng 15 bậc.
- Có 51,35% doanh nghiệp có ý định sẽ sử dụng lại nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm, xếp thứ 29/63, tăng 26 bậc.
Doanh nghiệp đã chi 5,13% tổng chi phí kinh doanh cho đào tạo lao động, xếp thứ 26/63, tăng 27 bậc.
Một số chỉ tiêu của Chỉ số thành phần tụt hạng gồm:
- Có 65 81% doanh nghiệp đánh giá tốt dịch vụ do các cơ quan nhà nước tại địa phương cung cấp về giáo dục phổ thông, xếp thứ 4/63, giảm 1 bậc.
- 43,09% doanh nghiệp đánh giá tốt dịch vụ dạy nghề do các cơ quan nhà nước tại địa phương cung cấp, xếp thứ 8/63, giảm 3 bậc.
- Có 7,42% lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn trên tổng lực lượng lao động, xếp hạng 33/63, giảm 4 bậc.
- Có 43,02% số lao động của doanh nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo tại các trường dạy nghề, xếp hạng 29/63, giảm 28 bậc.
5. Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 44/63, giảm 13 bậc.
- Có 20,41% doanh nghiệp đồng ý thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn là đặc quyền dành cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, xếp thứ 24/63, giữ vị trí so với năm 2013.
- Có 45,35% doanh nghiệp đồng ý Tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước, xếp thứ 27/63, giữ vị trí so với năm 2013.
- Có 21,00% doanh nghiệp đồng ý Tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước, xếp thứ 30/63, tăng 13 bậc.
- Có 32,00% doanh nghiệp đồng ý các doanh nghiệp FDI có đặc quyền hơn trong việc tiếp cận đất đai, xếp thứ 24/63, tăng 15 bậc.
- Có 38,95% doanh nghiệp đồng ý việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp, xếp thứ 21/63, tăng 16 bậc.
- Có 48,96% doanh nghiệp đồng ý tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân, xếp thứ 13/63, tăng 18 bậc.
- Có 76,77% doanh nghiệp đồng ý hợp đồng, đất đai,... và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh, xếp thứ 29/63, tăng 18 bậc.
- Có 24,49% doanh nghiệp đồng ý dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan Nhà nước là đặc quyền dành cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, xếp thứ 28/63, tăng 23 bậc.
- Có 27,00% doanh nghiệp đồng ý miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp FDI Tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước, xếp thứ 13/63, tăng 25 bậc.
- Có 33,00% doanh nghiệp đồng ý hoạt động của các doanh nghiệp FDI nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn từ tỉnh, xếp thứ 17/63, tăng 28 bậc.
Một số chỉ tiêu của Chỉ số thành phần tụt hạng gồm:
- Có 25,51% doanh nghiệp đồng ý thuận lợi trong tiếp cận các khoản tín dụng là đặc quyền dành cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, xếp thứ 32/63, giảm 2 bậc.
- Có 24,49% doanh nghiệp đồng ý thuận lợi trong cấp phép khai thác khoáng sản là đặc quyền dành cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, xếp thứ 25/63, giảm 12 bậc.
- Có 52,75% doanh nghiệp đồng ý ưu đãi với các công ty lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp, xếp thứ 27/63, giảm 12 bậc.
6. Chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 25/63, giảm 19 bậc
Trong 05 chỉ số thành phần con, có 04 chỉ số thành phần tụt hạng, 01 chỉ số tăng hạng, cụ thể:
- Có 56,48% doanh nghiệp cho rằng luôn luôn hoặc thường xuyên công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức, xếp thứ 18/63, tăng 2 bậc.
- Có 8,85% doanh nghiệp cho rằng phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, giảm 1 bậc, xếp thứ 25/63.
- Có 83,48% doanh nghiệp đồng ý các khoản chi phí không chính thức ở mức độ chấp nhận được, xếp thứ 10/63, giảm 6 bậc.
- Có 60,48% doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành trả chi phí không chính thức, giảm 12 bậc, xếp thứ 20/63.
- Có 69,23% doanh nghiệp cho rằng “Nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, xếp thứ 46/63, giảm 38 bậc.
7. Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường xếp thứ 32/63, giảm 23 bậc.
Nguyên nhân giảm do tác động của 04 chỉ tiêu thành phần sau:
- Thời gian trung vị đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp là 14 ngày, xếp trong nhóm thứ 3/3 nhóm (tỉnh thấp nhất chỉ mất là 8 ngày; tỉnh cao nhất là 19 ngày).
- Thời gian trung vị từ khi hồ sơ được coi là hợp lệ và tiếp nhận đến khi nhận được Giấy ĐKDN1 là 7 ngày, xếp trong nhóm thứ 2/3 nhóm; (tỉnh thấp nhất chỉ mất là 5 ngày; tỉnh cao nhất là 10 ngày).
- Thời gian trung vị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 7 ngày2, xếp trong nhóm thứ 4/5 nhóm (tỉnh tốt nhất có thời gian hoàn thành là 2 ngày, tỉnh kém nhất có thời gian hoàn thành là 11 ngày).
- Thời gian trung vị chờ đợi để được cấp GCNQSDĐ cho doanh nghiệp là 30 ngày, xếp nhóm 2/6 (tỉnh tốt nhất có thời gian hoàn thành là 15 ngày, tỉnh kém nhất có thời gian hoàn thành là 365 ngày).
Tuy nhiên, có 02 chỉ tiêu thành phần của chỉ tiêu này cải thiện được vị trí xếp hạng:
- Có 81,67% doanh nghiệp đồng ý về hướng dẫn về thủ tục tại bộ phận Một cửa rõ ràng và đầy đủ, xếp hạng 11/63, tăng 4 bậc.
- Có 51,67% doanh nghiệp đồng ý cán bộ tại bộ phận một cửa nhiệt tình, thân thiện, xếp hạng 16/63, tăng 8 bậc.
Có 7 chỉ số thành phần con giảm bậc, cụ thể:
- Có 48,33% doanh nghiệp đồng ý cán bộ tại bộ phận Một cửa am hiểu về chuyên môn, xếp hạng 14/63, giảm 1 bậc.
- Có 7,14% doanh nghiệp nào cho rằng phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động, xếp thứ 24/63, giảm 5 bậc.
- Có 3,33% doanh nghiệp nhận thấy không có đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào, xếp hạng 21/63, giảm 9 bậc.
- Có 31,67% doanh nghiệp đồng ý ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận Một cửa tốt, xếp hạng 22/63, giảm 14 bậc.
- Có 60,00% doanh nghiệp đồng ý thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai, xếp hạng 36/63, giảm 18 bậc.
- Có 2,38% doanh nghiệp nào cho rằng phải chờ hơn ba tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục và bắt đầu hoạt động, xếp thứ 38/63 tỉnh, giảm 25 bậc.
- Có 46,15% doanh nghiệp đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận Một cửa3, xếp hạng 61/63, giảm 47 bậc.
8. Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh xếp thứ 54/63, giảm 46 bậc.
Nguyên nhân giảm do tác động của các chỉ tiêu thành phần sau:
- Có 61,54% doanh nghiệp đồng ý lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện, xếp hạng 44/63, giảm 8 bậc.
- Có 77,17% doanh nghiệp đồng ý có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành, xếp hạng 33/63, giảm 15 bậc.
- Có 63,00% doanh nghiệp đồng ý UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, xếp hạng 49/63, giảm 28 bậc.
- Có 33,33% doanh nghiệp cho rằng thái độ tích cực của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân, xếp hạng 49/63, giảm 28 bậc.
- Có 45,05% doanh nghiệp đồng ý UBND tỉnh rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, xếp hạng 49/63, giảm 38 bậc.
- Có 44,83% doanh nghiệp cảm nhận tỉnh sẽ “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì” khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương, xếp hạng 51/63, giảm 46 bậc.
- 1 Kế hoạch 134/KH-UBND về nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 831/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 3 Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Thành phố Hà Nội
- 4 Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 do Chính phủ ban hành
- 5 Kế hoạch 58/KH-UBND về nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014
- 6 Kế hoạch 33/KH-UBND rà soát quy định, thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 7 Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2013 tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với cấp quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2014
- 8 Quyết định 2832/QĐ-UBND năm 2013 về kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 9 Chỉ thị 51/2012/CT-UBND tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 1 Kế hoạch 134/KH-UBND về nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 831/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 3 Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Thành phố Hà Nội
- 4 Kế hoạch 58/KH-UBND về nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014