Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT ngày 29/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025, Công văn số 2405/BNN-KTHT ngày 17/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023; trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 1430/TTr-SNNPTNT ngày 14/4/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

- Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên địa bàn tỉnh lên trên 60%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên theo từng năm và tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn...); đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023 - 2025: 5.170 người, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, cụ thể:

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 4.692 người tham gia các vùng nguyên liệu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lao động tại các điểm du lịch nông thôn; lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho 478 người, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các hợp tác xã để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

II. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

1. Chỉ tiêu đào tạo: 5.170 người đào tạo nghề có trình độ sơ và thường xuyên trên địa bàn tỉnh, trong đó:

- Giao chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện: 4.170 người.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức thực hiện: 1.000 người.

(Cụ thể có Phụ lục kèm theo)

2. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách Nhà nước hằng năm cho các đơn vị, địa phương từ các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các Chương trình, Đề án khác có liên quan (Chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính như: số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022, số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022, số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022, số 124/2021/TT-BTC ngày 30/12/2021 và Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025). Ưu tiên bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Kinh phí từ ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho các hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

III. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN, NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

1. Đối tượng

- Lao động trong độ tuổi lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

- Lao động trong các làng nghề, các điểm du lịch nông thôn.

- Lao động làm việc trong các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp (gồm cả các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác); doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

- Lao động nông thôn tham gia thực hiện chu trình trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chuyển đổi số trong nông nghiệp

- Lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ nông thôn.

2. Hình thức đào tạo

- Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

- Tập huấn, bồi dưỡng

3. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023-2025

4. Định hướng ngành nghề đào tạo

- Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,

- Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 20/02/2023 của UBND tỉnh triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,

- Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030,

- Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 07/7/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,

- Đào tạo nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 1458/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Củng cố, nâng cao và phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc của tỉnh, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị maketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; maketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đào tạo những lĩnh vực được giao theo quy định.

- Hướng dẫn các địa phương xác định nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, xây dựng nhu cầu kinh phí đào tạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng năm để tổng hợp, gửi Sở Tài Chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài truyền hình tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để tổ chức nhân rộng.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, bổ sung và xây dựng danh mục và định mức về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo trên địa bàn; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng danh mục nghề và định mức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, ban hành hoặc điều chỉnh cho phù hợp thực tế và quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Định kỳ 06 tháng, hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo quy định;

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Sở Tài chính trình cấp thẩm quyền phân khai từ nguồn vốn sự nghiệp 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023 - 2025.

6. Ban Dân tộc tỉnh

Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch vốn hàng năm cho Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp, lồng ghép các phong trào thi đua, các Cuộc vận động do Mặt trận chủ trì để tuyên truyền, phổ biến; nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; vận động nhân dân tham gia học nghề; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

8. Đề nghị các Hội đoàn thể tỉnh

- Hội Nông dân tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; làm đầu mối tham gia tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho hội viên vào các nội dung phù hợp. Hướng dẫn Hội đoàn thể cấp huyện, biết và chủ động phối hợp, đề xuất với chính quyền địa phương trong triển khai các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tăng cường chỉ đạo các phòng, chức năng phối hợp với các Hội, đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền vận động cho lao động nông thôn hiểu rõ chủ trương, mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của lao động nông thôn khi tham gia đăng ký học nghề.

- Căn cứ nội dung Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; tùy vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, chỉ đạo Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm và cả giai đoạn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

- Chỉ đạo UBND cấp xã xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp sát với thực tiễn, theo nhu cầu học nghề của người dân, ưu tiên lao động nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các dự án phát triển sản xuất của địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác đào tạo nghề nông nghiệp với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất) và thực hiện chế độ báo cáo kết quả theo quy định.

10. Các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:

- Trên cơ sở quy định hiện hành có liên quan, chủ động rà soát và xây dựng các chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi an toàn, các nghề dịch vụ nông nghiệp.

- Khảo sát nhu cầu học tập nghề của lao động nông thôn, tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề đảm bảo theo chương trình đơn đặt hàng đã được phê duyệt. Tổng hợp kết quả của từng lớp, khóa học, báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi và tổng hợp theo quy định.

- Đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức bắt tay chỉ việc, đào tạo thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất. Tổ chức linh hoạt các hình thức đào tạo từ trực tiếp, sang trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

- Phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

11. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã

- Phối hợp với các cơ sở có chức năng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai đào tạo đáp ứng được nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.

- Thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trên đây là Kế hoạch Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các Hội đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, KGVX, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KTN (lnphong188)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền

 

PHỤ LỤC

CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN VÀ GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(kèm theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 27/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: người

TT

Đơn vị, địa phương

Giai đoạn 2023 - 2025

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

I

Sở Nông nghiệp và PTNT

1.000

113

440

447

1

Đào tạo cho Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp

478

11

230

237

2

Nhóm nghề: Dịch vụ, thương mại, chế biến và bảo quản ...

522

102

210

210

II

Các địa phương

4.170

289

1.648

2.233

1

Huyện Bình Sơn

759

114

284

361

2

Huyện Sơn Tịnh

250

 

145

105

3

Huyện Tư Nghĩa

40

 

40

 

4

Huyện Nghĩa Hành

215

 

75

140

5

Huyện Mộ Đức

385

 

175

210

6

Thị xã Đức Phổ

445

40

145

260

7

Thành phố Quảng Ngãi

140

 

70

70

8

Huyện Lý Sơn

140

 

70

70

9

Huyện Ba Tơ

236

70

84

82

10

Huyện Minh Long

350

 

70

280

11

Huyện Trà Bồng

830

35

350

445

12

Huyện Sơn Hà

380

30

140

210

13

Huyện Sơn Tây

 

 

 

 

Tổng cộng (I II):

5.170

402

2.088

2.680

*Ghi chú: Căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT ngày 29/9/2022, đề nghị các địa phương xác định nhu cầu đúng với thực tế của địa phương để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả.