Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 02/CP NGÀY 5 THÁNG 1 NĂM 1995 QUY ĐỊNH VỀ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ KINH DOANH THƯƠNG MẠI CÓ ĐIỀU KIỆN Ở THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại đối với hàng hoá, dịch vụ trên thị trường theo quy định của Pháp luật, đảm bảo quyền kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng kinh doanh để hoạt động phi pháp;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nghị định này quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước (sau đây gọi tắt là hàng hoá, dịch vị cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện).

Mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh thương mại đối với loại hàng hoá, dịch vụ này, không phân biệt thành phần kinh tế là của Việt Nam hay là nước ngoài đều phải thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Điều 2.- Hoạt động kinh doanh thương mại điều chỉnh trong Nghị định này là việc lưu thông hàng hoá hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hành vi thương mại: mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn trữ, trưng bày, quảng cáo, môi giới hoặc dịch vụ các dịch vụ thương mại khác.

Điều 3.- Căn cứ để xác định loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là yêu cầu quản lý của Nhà nước, tác động và mức độ ảnh hưởng có hại tới an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường, vệ sinh phòng bệnh do việc kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ này gây ra.

Điều 4.- Bộ Thương mại là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động kinh doanh thương mại trên thị trường; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, có trách nhiệm chủ động và phối hợp hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định của Nghị định này; nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi khi cần thiết; kiểm tra, giám sát các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại trên thị trường trong việc thực hiện Nghị định này.

Chương 2:

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH

Điều 5.- Những loại hàng hoá, dịch vụ mà trong quá trình lưu thông hoặc sử dụng có thể gây nguy hại nghiêm trọng tới an ninh, quốc phòng, chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hoá dân tộc, môi trường và sức khoẻ nhân dân thì không được kinh doanh.

Danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 6.- Căn cứ yêu cầu quản lý của Nhà nước Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.

Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thương mại, Giáo dục đào tạo, Nội vụ căn cứ chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý ngành và Điều 5 của Nghị định này xác định chi tiết các mặt hàng, dịch vụ cấm kinh doanh ghi trong Phụ lục 1, thống nhất với Bộ trưởng Bộ Thương mại để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện.

Điều 7.- Căn cứ yêu cầu đặc biệt về kinh tế, quốc phòng, an ninh và y tế, các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho một số doanh nghiệp được phép kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục cấm trong phạm vi và quy mô nhất định, theo những quy định riêng.

Chương 3:

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 8.- Những hàng hoá và dịch vụ mà trong quá trình lưu thông hoặc sử dụng có thể gây hại đến sức khoẻ con người, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; hoặc những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh đòi hỏi nhất thiết phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật và người kinh doanh phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, thì xếp vào loại kinh doanh có điều kiện.

Danh mục và những điều kiện chủ yếu của các loại hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 9.- Các điều kiện kinh doanh đối với loại hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, bao gồm:

9.1- Điều kiện về chủ thể kinh doanh.

Căn cứ mức độ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của một số loại hàng hoá, dịch vụ trong quá trình kinh doanh và yêu cầu quản lý, việc chọn lựa, chỉ định một số doanh nghiệp kinh doanh, theo quy định sau:

- 9.1a: Loại hàng hoá, dịch vụ chỉ một số doanh nghiệp Nhà nước được kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.

- 9.1b: Loại hàng hoá, dịch vụ chỉ các Doanh nghiệp được kinh doanh.

- 9.1c: Loại hàng hoá, dịch vụ chỉ một số doanh nghiệp, hoặc cá nhân được kinh doanh do Bộ trưởng, Tổng cục trưởng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét cho phép.

9.2- Điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật:

Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ con người, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc để đảm bảo có tiêu chuẩn chất lượng của hàng hoá, dịch vụ khi kinh doanh phải thực hiện các quy định về cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các trường hợp sau:

- 9.2a: Loại hàng hoá, dịch vụ khi kinh doanh phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền.

- 9.2b: Loại hàng hoá, dịch vụ khi kinh doanh phải đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị tối thiểu theo tiêu chuẩn quy định của Chính phủ hoặc của các Bộ, Tổng cục quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.

9.3- Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người kinh doanh:

Để đảm bảo những yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật, văn minh thương mại và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, phải thực hiện các quy định sau trong các trường hợp:

- 9.3a: Loại hàng hoá, dịch vụ khi kinh doanh người kinh doanh phải được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (có bằng cấp theo quy định).

- 9.3b: Loại hàng hoá, dịch vụ khi kinh doanh người kinh doanh phải đảm bảo tiêu chuẩn về sức khoẻ.

Điều 10.- Căn cứ yêu cầu quản lý của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung các điều kiện quy định tại Điều 9 và danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện ghi trong Phụ lục 2.

Các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật căn cứ vào Điều 8, Điều 9 của Nghị định này quy định chi tiết các mặt hàng, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và các điều kiện cụ thể cho từng mặt hàng, dịch vụ theo từng loại, nhóm hàng hoá, dịch vụ ghi trong Phụ lục 2, công bố và hướng dẫn thực hiện sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 11.- Trình tự, thủ tục giải quyết nhu cầu kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc loại kinh doanh có điều kiện được quy định thống nhất như sau:

1/ Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh:

Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh (đối với cá nhân kinh doanh là giấy phép kinh doanh theo quy định của Nghị định số 66/HĐBT, sau đây gọi chung là đăng ký kinh doanh), phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xem xét cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để làm căn cứ cho việc xét cấp hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh. Chỉ được hoạt động kinh doanh khi được cấp hoặc được bổ sung đăng ký kinh doanh.

2/ Đối với cơ quan quản lý:

a. Các Bộ, Tổng cục quản lý ngành, hoặc các Sở được uỷ quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, tập hợp nghiên cứu hồ sơ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh gửi đến.

- Kiểm tra xem xét (kể cả việc kiểm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh nếu thấy cần thiết) về các điều kiện để hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân này.

- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (theo mẫu thống nhất quy định tại Phụ lục 3), trong thời hạn 20 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.

b. Đối với các cơ quan cấp đăng ký kinh doanh: chỉ xét cấp đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh sau khi có đủ điều kiện kinh doanh và được các cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

c. Việc thu và sử dụng lệ phí cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cấp hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 12.- Mọi tổ chức hoặc cá nhân có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định của Pháp luật và Nghị định này thì đều được xem xét để cấp phép hoạt động kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh phải thường xuyên đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có trách nhiệm.

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13.- Mọi tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh vi phạm các quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thì đều bị xử lý tịch thu hàng hoá của vụ vi phạm và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 14.- Đối với hành hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, các tổ chức hoặc cá nhân không được phép kinh doanh mà kinh doanh, hoặc được phép kinh doanh mà trong quá trình kinh doanh không thường xuyên đảm bảo các điều kiện quy định cho loại hàng hoá dịch vụ đó, đều coi là hành vi kinh doanh trái phép, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15.- Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, đăng ký kinh doanh và kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh, nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1995. Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý ngành có trách nhiệm rà soát lại các quy định trước đây về kinh doanh thương mại, dịch vụ trên thị trường, bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện theo đúng những quy định của Nghị định này.

Điều 17.- Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Võ Văn kiệt

PHỤ LỤC 1

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH
(Ban hành kèm theo Nghị định số 02/CP ngày 05/01/1995 của Chính phủ)

Tên loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh

Cơ quan quy định và hướng dẫn chi tiết

1. Vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự.

Quốc phòng (chủ trì) và Bộ Nội vụ.

2. Các chất ma tuý.

Bộ Y tế (chủ trì) và Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH.

3. Các hiện vật có giá trị thuộc di tích

Bộ Văn hoá- Thông tin, văn hoá, lịch sử.

4. Các vật phẩm, sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ.

Bộ Văn hoá- Thông tin, Bộ Nội vụ.

5. Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài.

Bộ Thương mại (chủ trì) và Bộ Công nghiệp nhẹ.

6. Các loại pháo nổ sản xuất trong nước, các loại pháo sản xuất tại nước ngoài.

Bộ Thương mại (chủ trì) và các Bộ: Nội vụ, KHCNMT.

7. Các loại thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các loại trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng ở Việt Nam.

Bộ Y tế (thuốc chữa bệnh cho người, dụng cụ y tế) Bộ Nông nghiệp và CNTP (thuốc bảo vệ thực vật).

8. Thực vật, động vật rừng quý hiếm.

Bộ Lâm nghiệp.

9. Một số loại đồ chơi cho trẻ em gây nguy hại tới giáo dục nhân cách, tới sức khoẻ của trẻ em, hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Thương mại (chủ trì) và các Bộ Giáo dục, Nội vụ.

10. Hành vi có tính kinh doanh hoặc dịch vụ trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Bộ Nội vụ (chủ trì) và các Bộ LĐTBXH, Văn hoá- Thông tin.

PHỤ LỤC 2

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 02/CP ngày 5/1/1995 của Chính phủ)

Tên loại hàng hoá dịch vụ

Các điều kiện phải thực hiện (theo Điều 9)

Cơ quan quy định và hướng dẫn chi tiết

1. Phế liệu, phế thải kim loại và phế liệu, phế thải có hoá chất độc hại

9.2a

Bộ Khoa học - CNMT (chủ trì) và các Bộ Thương mại, Công nghiệp nặng, Y tế.

2. Vật liệu xây dựng (kinh doanh ở thành thị)

9.2a

Bộ Xây dựng (chủ trì) và các Bộ Thương mại, Khoa học CNMT.

3. Hoá chất độc mạnh, chất phóng xạ.

9.1a, 9.2a, 9.2b và 9.3a

Bộ KHCNMT (chủ trì) và các Bộ Thương mại, Công nghiệp nặng, Y tế

4. Vật liệu nổ dùng trong công nghiệp

9.1a, 9.2a, 9.2b và 9.3a

Bộ Năng lượng (chủ trì) và Bộ Nội vụ

5. Xăng, dầu và các loại chất đốt bằng hoá chất.

9.1b (nếu kinh doanh ở thành thị), 9.2a, 9.2b và 9.3a

Bộ Thương mại (chủ trì) và Bộ Nội vụ

6. Than mỏ (trừ than đã chế biến làm chất đốt sinh hoạt gia đình).

9.1b, 9.2a, 9.2b

Bộ Năng lượng(chủ trì) và Bộ Thương mại.

7. Khách sạn

9.1b, 9.2a, 9.2b 9.3a, 9.3b

Tổng cục Du lịch (chủ trì) và các Bộ Thương mại, Nội vụ, Y tế.

Nhà trọ

9.2b, 9.3b

Bộ Thương mại (chủ trì) và các Bộ: Nội vụ, Y tế, Tổng cục Du lịch.

8. Các dịch vụ:

Bộ Nội vụ (chủ trì)

- Khắc dấu

9.1c

và các Bộ: Thương mại,

- Cho thuê và sửa chữa súng săn.

9.1c, 9.2b, 9.3a

Y tế, Tổng cục Du lịch.

- Vũ trường, massage

9.1c, 9.2a, 9.2b, 9.3a

"

- Giải phẫu thẩm mỹ

9.1c, 9.2b, 9.3a, 9.3b

"

- Sòng bạc (casino)

9.1a, 9.2a, 9.2b

"

9. In ấn, kinh doanh các thiết bị ngành in

9.1b, 9.2b, 9.3a

Bộ Văn hoá- Thông tin (chủ trì) và các Bộ: Nội vụ, Thương mại.

10. Một số cổ vật không thuộc loại cấm kinh doanh.

9.1c

Bộ Văn hoá - Thông tin (chủ trì) và các Bộ: Thương mại, KHCNMT.

11. Dịch vụ cầm đồ.

9.1b

Ngân hàng NN Việt Nam (chủ trì) và Bộ T. mại

12. Dịch vụ trông giữ tài sản.

9.2a, 9.2b

Bộ Thương mại

13. Ăn uống (trong khách sạn nhà hàng)

9.1b, 9.2a, 9.2b 9.3a và 9.3b

Tổng cục Du lịch (chủ trì) và các Bộ: Thương mại, Y tế

Ăn uống bình dân.

9.2a, 9.3b

Bộ Thương mại (chủ trì) và Bộ Y tế

14. Giết mổ, bán thịt gia súc, gia cầm.

9.2a, 9.3b

Bộ Thương mại (chủ trì) và Bộ Y tế

15. Chế biến thực phẩm.

9.2a, 9.2b, 9.3a và 9.3b

Bộ Nông nghiệp và CNTP (chủ trì) và các Bộ: Y tế, KHCNMT,Thương mại

16. Thuốc chữa bệnh cho người.

9.2b, 9.3a, 9.3b

Bộ Y tế

17. Thuốc thú y

9.2a, 9.2b, 9.3a

Bộ Nông nghiệp và CNTP bảo vệ thực vật.

18. Khám chữa bệnh Đông, Tây y.

9.2b, 9.3a, 9.3b

Bộ Y tế

19. Một số trang bị, dụng cụ y tế

9.2b, 9.3a

Bộ Y tế

20. Vàng, đá quý (gồm cả làm dịch vụ gia công chế tác).

9.1b (trừ làm dịch vụ), 9.2b, 9.3a (trừ có nghề truyền thống)

Ngân hàng Nhà nước VN

21. Một số loại vật tư kỹ thuật các cấp (hoá chất, kim loại mầu, thiết bị công nghệ...)

9.1b, 9.2b, 9.3a

Bộ KHCNMT (chủ trì) và các Bộ: Công nghiệp nhẹ, CNN, NN và CNTP, Thương mại

22. Dịch vụ du lịch lữ hành:

+ Quốc tế

9.1c, 9.2a, 9.2b, 9.3a và 9.3b

Tổng cục Du lịch

+ Trong nước

9.1b, 9.2a, 9.2b 9.3a, 9.3b

PHỤ LỤC 3

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ KIỆN KINH DOANH HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ THUỘC LOẠI KINH DOANH CÓ KIỆN

Cơ quan cấp
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:......

.........., ngày... tháng... năm 199…

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ KIỆN.....(1).....(2)

(Thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép)

Chứng nhận: .........................................................................................(3).....

Địa điểm kinh doanh: .....................................................................................

Đủ kiện và được phép...................................(1)........................(2)..........

Thủ trưởng cơ quan

(ký tên, đóng dấu)

Giải thích:

(1) Ghi rõ hành vi kinh doanh như: mua, bán, đại lý, gia công, chế tác, sửa chữa, hành nghề...

(2) Ghi rõ mặt hàng, dịch vụ được phép kinh doanh.

Ví dụ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện Đại lý bán lẻ xăng dầu.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua, bán vàng.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện khám, chữa bệnh Đông y về...

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khách sạn.

(3) Đối với tổ chức kinh doanh ghi rõ tên đầy đủ của Công ty, Doanh nghiệp. Đối với cá nhân kinh doanh ghi rõ họ tên, nam nữ, tuổi, chỗ ở.