Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 102-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để bảo vệ chủ quyền và tính chất độc lập về tiền tệ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bảo vệ tài sản của Nhà nước, đồng thời góp phần phát triển những quan hệ về kinh tế, chính trị và văn hóa với nước ngoài.
Theo đề nghị của ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13-3-1963.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ quản lý ngoại hối của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kèm theo nghị định này.

Điều 2. - Điều lệ này bắt đầu thi hành kể từ ngày 01-8-1963. Những quy định trước đây về quản lý ngoại hối đều bãi bỏ.

Điều 3. – Ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết về việc thi hành điều lệ này.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

ĐIỀU LỆ

QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. - Mọi việc xuất nhập khẩu, mua bán, cất giữ và sử dụng ngoại hối đều phải theo đúng những điều quy định trong bản điều lệ này.

Điều 2. - Ngoại hối nói trong điều lệ này bao gồm:

- Các loại tiền của nước ngoài.

- Các phương tiện để trả và các loại phiếu có giá trị ngoại tệ.

- Các loại kim khí quý, đá quý, ngọc trai, khi xuất khẩu cũng như khi nhập khẩu.

Điều 3. – Trong việc quản lý ngoại hối, cần phân biệt người “không cư trú” và người “cư trú”.

Người “không cư trú” (về phương diện quản lý ngoại hối) là:

a) Những người Việt Nam thường xuyên sống ở nước ngoài trên một năm.

b) Những người nước ngoài trong các cơ quan đại diện của nước ngoài đặt tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng như những người trong gia đình họ không thuộc quốc tịch Việt Nam, những cán bộ, học sinh do nước ngoài cử đến nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để công tác hay học tập, không kể thời gian bao nhiêu.

c) Những người nước ngoài không thuộc điều b) lưu trú tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa quá một năm.

d) Những người nước ngoài không lưu trú tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Người “cư trú” (về phương diện quản lý ngoại hối) là:

a) Những người nước ngoài thường xuyên sống tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên một năm.

b) Những tổ chức kinh doanh của những cá nhân hay Công ty nước ngoài tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, không kể thời gian bao nhiêu.

c) Những người Việt Nam trong các cơ quan đại diện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại nước ngoài và những cán bộ, học sinh do Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cử ra nước ngoài công tác hay học tập, không kể thời gian bao nhiêu.

d) Những người không thuộc loại “không cư trú” quy định ở trên.

Điều 4. – Khi cần xét định một cá nhân hay tổ chức là người “cư trú” hay “không cư trú”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Công an xét và quyết định.

Chương 2:

QUẢN LÝ VIỆC XUẤT NHẬP, MUA BÁN, CẤT GIỮ NGOẠI HỐI

Điều 5. - Mọi người từ nước ngoài vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể mang theo ngoại hối, số lượng không hạn chế, khi đến biên giới, hải cảng hoặc sân bay đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phải khai trình số ngoại hối mang theo với cơ quan có trách nhiệm kiểm soát ở các nơi đó và xin cấp giấy phép mang ngoại hối.

Điều 6. - Những cá nhân hay tổ chức ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhận được ngoại hối từ nước ngoài gửi đến không qua Ngân hàng nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phải khai trình số ngoại hối nhận được với Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được.

Điều 7. - Cấm mọi hình thức cất giữ, mua bán, chuyển nhượng ngoại hối ở trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trừ trường hợp được Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Điều 8. - Những cá nhân hay tổ chức đã được đổi ngoại hối, nếu chi tiêu không hết, phải đổi lại số ngoại hối còn lại cho Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định.

Điều 9. - Việc cất giữ các loại ngoại tệ để làm kỷ niệm phải được Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Điều 10. - Cấm người “cư trú” xuất khẩu ngoại hối ra ngoài nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bất cứ bằng phương pháp hay hình thức nào, trừ khi được Ngân hàng nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Người “không cư trú” đã được phép đem ngoại hối vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà chi tiêu không hết, được tái xuất số ngoại hối còn lại, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 11. - Tiền Việt Nam trong trường hợp xuất nhập khẩu cũng xem như ngoại hối. Tiền Việt Nam và các phương tiện để trả, các loại phiếu ghi bằng tiền Việt Nam, đều cấm xuất ra khỏi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hoặc nhập từ nước ngoài vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trừ khi được Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Chương 3:

THANH TOÁN MẬU DỊCH VÀ PHI MẬU DỊCH, TỶ GIÁ – TÀI KHOẢN KHÔNG CƯ TRÚ

Điều 12. - Mọi khoản thanh toán về mậu dịch và phi mậu dịch với nước ngoài đều phải thực hiện qua ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố và những quy định về thủ tục của Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 13. - Trừ trường hợp có sự quy định riêng của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, những cá nhân và tổ chức được phép xuất khẩu hàng hóa phải bảo đảm thu ngoại hối về và bán lại cho Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa toàn bộ số ngoại hối thu được trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định.

Điều 14. - Người “không cư trú” có thể mở tài khoản “không cư trú” tại Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tài khoản này có thể mở bằng ngoại tệ hoặc bằng tiền Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chương 4:

QUẢN LÝ VIỆC XUẤT NHẬP KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ VÀ NGỌC TRAI

Điều 15. - Cấm xuất nhập khẩu kim khí quý, đá quý và ngọc trai, bất cứ dưới hình thức nào, trừ khi được Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Mọi người từ nước ngoài vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể mang theo kim khí quý, đá quý và ngọc trai, dưới các hình thức, số lượng không hạn chế, nhưng phải khai trình theo quy định ở điều 5 của điều lệ này.

Điều 16. - Người “không cư trú” khi ra khỏi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được mang theo số kim khí quý, đá quý và ngọc trai đã đem theo và khai trình lúc vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Người “cư trú” đi ra nước ngoài một thời gian rồi trở lại, có thể được mang theo một số tư trang bằng kim khí quý, đá quý, ngọc trai, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với điều kiện khi trở vào, phải mang theo đầy đủ số tư tramg đó, như đã khai trình lúc xuất cảnh.

Điều 17. - Việc cất giữ, mua bán, lưu hành kim khí quý, đá quý và ngọc trai trên lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do thể lệ riêng quy định.

Chương 5:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CÁC TÀI SẢN KHÁC

Điều 18. - Người “cư trú” thuộc quốc tịch Việt Nam có trách nhiệm khai báo cho Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa những tài sản để ở nước ngoài, không phân biệt nguồn gốc do đâu mà có.

Người “cư trú” (kể cả Việt Nam và ngoại kiều) có trách nhiệm khai báo cho Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa những tài sản giữ hộ cho người “không cư trú” tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 19. - Người “cư trú” không được nhường bán, đổi chác, cầm cố với người “không cư trú” hoặc mua của người “không cư trú” những tài sản ở trong nước hay ở nước ngoài, trừ khi được Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan có trách nhiệm của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Điều 20. - Người “cư trú” không được đài thọ các khoản chi tiêu cho người “không cư trú” trong thời gian họ ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trừ trường hợp được Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép.

Chương 6:

VIỆC KIỂM SOÁT, XỬ PHẠT, KHEN THƯỞNG

Điều 21. – Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm thi hành việc kiểm soát ngoại hối và tiền Việt Nam xuất nhập khẩu, theo những thủ tục đã quy định trong điều lệ hải quan của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phạm vi kiểm soát của hải quan. Tại những nơi không có hải quan, việc kiểm soát do công an phụ trách.

Điều 22. - Những cá nhân hay tổ chức vi phạm điều lệ này, tùy theo tội nặng, nhẹ, sẽ bị xử phạt theo những hình thức sau đây:

a) Đối với những vụ phạm pháp lần đầu hoặc giá trị tang vật không nhiều: tịch thu một phần hay toàn bộ số tang vật phạm pháp.

b) Đối với những vụ phạm pháp giá trị tang vật lớn và những vụ tái phạm: tịch thu một phần hay toàn bộ số tang vật phạm pháp và những dụng cụ cất giấu số tang vật đó, đồng thời phạt tiền tối đa bằng gấp ba lần tổng giá trị số tang vật phạm pháp.

Trường hợp phạm pháp nghiêm trọng, can phạm có thể bị truy tố trước Tòa án nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 23. - Việc xử lý những vụ phạm pháp về quản lý ngoại hối quy định như sau:

a) Đối với những vụ phạm pháp bắt được trong nội địa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Ngân hàng Nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phụ trách xử lý:

- Trưởng Chi điếm Ngân hàng Nhà nước xử lý những vụ phạm pháp trị giá tang vật từ 100 đồng trở xuống.

- Trưởng Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước xử lý những vụ phạm pháp trị giá tang vật từ 101 đồng trở lên.

b) Đối với những vụ phạm pháp bắt được tại các cửa khẩu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cơ quan Hải quan phụ trách xử lý sau khi thống nhất ý kiến với Ngân hàng cung cấp, và theo những thủ tục đã quy định trong điều lệ hải quan của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 24. – Sau khi bị xử lý, người phạm pháp có quyền khiếu nại lên cấp trên của cấp đã xử lý. Trong khi chờ đợi giải quyết, những tang vật và dụng cụ cất giấu cần được giữ tại cơ quan xử lý.

Đối với những vụ phạm pháp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa xử lý, ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền quyết định cuối cùng.

Điều 25. - Những cá nhân hay tổ chức có công tố giác, giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm trong việc tìm ra những vụ phạm pháp, có thể được khen thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước, tùy theo tính chất từng vụ.