Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 58-CP NGÀY 30-8-1993 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thống nhất quản lý việc vay và trả nợ nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện Quy chế kèm theo Nghị định này.

Điều 3.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ
QUẢN LÝ VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 58-CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Trong Quy chế này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

- Vay nước ngoài là khoản vay ngắn, trung và dài hạn (có lãi hoặc không có lãi), các khoản bảo lãnh và các hình thức vay khác (như thoả thuận hoãn nợ hoặc vay mới trả cũ) với các chủ nợ nước ngoài.

- Vay nước ngoài của Chính phủ là các khoản vay do Chính phủ vay và cam kết thực hiện nghĩa vụ với nước ngoài hoặc các khoản vay do Chính phủ uỷ quyền cho các doanh nghiệp vay, được Bộ Tài chính (hoặc Ngân hàng Nhà nước) bảo lãnh.

- Vay nước ngoài của doanh nghiệp là các khoản vay do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động đúng theo luật pháp hiện hành của Việt Nam vay và cam kết thực hiện nghĩa vụ với nước ngoài.

Điều 2.- Vay nước ngoài theo Quy chế này bao gồm:

- Vay nước ngoài của Chính phủ.

- Vay nước ngoài của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả (bao gồm cả các khoản vay lại từ nguồn vay nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc của các Ngân hàng).

- Vay của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với Luật đầu tư nước ngoài.

Điều 3.- Chính phủ quản lý vay và trả nợ nước ngoài theo kế hoạch hàng năm và 5 năm theo phân công cho các cơ quan sau đây:

1. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch tổng hạn mức vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

2. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch tổng hạn mức vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp.

3. Cả hai kế hoạch này sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng tư vấn về vay và trả nợ nước ngoài, được Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4.- Thành lập Hội đồng tư vấn về vay và trả nợ nước ngoài (sau đây gọi tắt là Hội dồng tư vấn nợ) do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch và các thành viên là lãnh đạo các cơ quan Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực vay và trả nợ nước ngoài.

Hội đồng tư vấn nợ thực hiện chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về chính sách vay và trả nợ nước ngoài, về kế hoạch vay và trả nợ dài hạn và hàng năm.

Các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc cụ thể của Hội đồng tư vấn nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Điều 5.- Chính phủ thống nhất quản lý việc vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo các nguyên tắc sau đây:

1. Doanh nghiệp thuộc bất kỳ thành phần kinh tế nào vay nước ngoài cũng đều phải có trách nhiệm trả nợ cho nước ngoài theo các điều kiện đã cam kết.

2. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thể vay vốn trực tiếp từ nước ngoài hoặc vay lại các nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ hay của Ngân hàng.

3. Nhu cầu vay vốn phải được gửi đến các cơ quan được Chính phủ uỷ quyền quản lý vay và trả nợ nước ngoài như đã nêu tại Điều 3 của Quy chế này.

4. Các doanh nghiệp không được tự động liên hệ hoặc thoả thuận với phía nước ngoài đối với những khoản vay nước ngoài của Chính phủ đang trong quá trình đàm phán.

Chương 2:

VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 6.- Căn cứ vào kế hoạch tổng hạn mức vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký các Hiệp định vay nước ngoài và thực hiện việc trả nợ theo hạn mức được duyệt.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho một cơ quan khác thay mặt Chính phủ ký Hiệp định vay, trả nợ nước ngoài, thì cơ quan đó chỉ được ký chính thức Hiệp định sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính về các điều kiện vay, trả và sau khi đã ký với nước ngoài phải gửi các Hiệp định đó tới Bộ trưởng Bộ Tài chính (bản gốc) trong thời gian chậm nhất không quá 30 ngày, kể từ ngày ký chính thức.

Điều 7.- Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện bằng nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ phải được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét và thẩm định theo các quy định hiện hành về chế độ thẩm định dự án Nhà nước trước khi ký Hiệp định.

Điều 8.- Toàn bộ vốn vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ đều phải được cân đối và ghi vào ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất, mục đích và khả năng thu hồi vốn của từng khoản vay, việc quản lý và sử dụng vốn vay được thực hiện theo các phương thức sau đây:

1. Vay cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản:

a) Đối với các dự án cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và các dự án khác không có khả năng hoàn vốn, Bộ Tài chính sẽ cấp vốn theo chế độ cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước.

b) Đối với các dự án có thể hoàn vốn (bao gồm cả những dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng), Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chọn Ngân hàng thích hợp để giao cho Ngân hàng đó thực hiện việc cho các doanh nghiệp vay lại.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng được chọn phải thoả thuận về các điều khoản và điều kiện vay lại trên nguyên tắc các điều kiện này không được ưu đãi hơn các điều kiện vay từ nước ngoài.

Ngân hàng được chọn là người quyết định cuối cùng việc cho các doanh nghiệp vay lại; chịu trách nhiệm thu hồi vốn và trả nợ cho ngân sách Nhà nước kịp thời theo thời hạn được xác định giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng đó.

2. Vay bằng ngoại tệ hoặc vay bằng hàng hoá (tín dụng thương mại):

Việc thực hiện các khoản vay bằng ngoại tệ và hàng hoá được quy định như sau:

- Ngoại tệ vay được của nước ngoài, sau khi đáp ứng các nhu cầu thanh toán của Chính phủ với nước ngoài, phần còn lại được bán cho Ngân hàng Nhà nước để thu tiền đồng vào ngân sách Nhà nước.

- Phần vay bằng hàng hoá: các đơn vị được Bộ Tài chính và Bộ Thương mại chọn để uỷ thác nhập hàng, sau khi bán hàng phải nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành.

- Vốn vay nước ngoài nói trên được sử dụng theo các quy định đã nêu tại điểm 1 Điều này.

Điều 9.- Mỗi lần rút vốn và trả nợ các đơn vị được cấp phát hoặc được vay lại từ các khoản vay của Chính phủ phải báo cáo với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không chậm quá 30 ngày sau khi các nghiệp vụ đó phát sinh.

Điều 10.- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách Nhà nước hàng năm theo kế hoạch được duyệt để trả nợ cho nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả việc trả nợ bằng hàng hoá và trả nợ bằng tiền).

Chương 3:

VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Điều 11.- Việc thực hiện các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của các doanh nghiệp quốc doanh cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

1. Luận chứng kinh tế kỹ thuật phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các điều kiện vay phải được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Điều 12.- Việc thực hiện các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp quốc doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải bảo đảm đủ các điều kiện sau:

1. Được ngân hàng Nhà nước xác nhận khoản vay nằm trong kế hoạch tổng hạn mức vay nước ngoài được duyệt.

2. Hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp đang ở tình trạng bình thường (không có nợ thuế với ngân sách Nhà nước, không có nợ quá hạn với các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài...).

3. Phải có sự đánh giá, xét duyệt phương án và chấp thuận mức vay vốn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương) và Bộ trưởng Bộ chủ quản (đối với doanh nghiệp Trung ương).

4. Được Ngân hàng đồng ý bảo lãnh, nếu bên cho vay yêu cầu phải có bảo lãnh.

Điều 13.- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả.

Trường hợp bên cho vay nước ngoài yêu cầu phải có bảo lãnh của Ngân hàng thì thực hiện theo quy chế bảo lãnh của Ngân hàng.

Điều 14.- Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc mà mình xét đề nghị cho phép vay vốn nước ngoài. Hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp trực thuộc.

Điều 15.- Việc vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và của các Ngân hàng bảo lãnh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký chính thức, các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài phải cung cấp bản sao các văn bản đã ký kết với Bên nước ngoài về vay vốn cho Ngân hàng Nhà nước và cho các Ngân hàng bảo lãnh.

Điều 16.- Việc vay và trả nợ nước ngoài của tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện qua hệ thống Ngân hàng.

Chương 4:

BẢO LÃNH

Điều 17.- Trong trường hợp Bên cho vay nước ngoài yêu cầu bảo lãnh:

- Nếu thuộc các khoản vay của Chính phủ thì Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định việc bảo lãnh.

- Nếu thuộc các khoản vay của các doanh nghiệp thì Ngân hàng xem xét và quyết định việc bảo lãnh theo quy chế bảo lãnh của Ngân hàng.

Điều 18.- Cơ quan bảo lãnh là người quyết định cuối cùng về phương án xin vay của doanh nghiệp kể cả trường hợp luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Điều 19.- Trong trường hợp doanh nghiệp được bảo lãnh không có khả năng trả nợ mà nợ đã đáo hạn, các cơ quan bảo lãnh chịu trách nhiệm trả nợ thay doanh nghiệp; đồng thời, có quyền phát mại tại sản của doanh nghiệp đó để bù đắp các khoản đã trả nợ thay theo quy định của pháp luật.

Đối với các khoản vay nước ngoài không có cơ quan bảo lãnh thì Bên vay và Bên cho vay tự chịu trách nhiệm về mọi sự rủi ro.

Điều 20.- Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy chế về bảo lãnh vay nước ngoài đối với các khoản vay của Chính phủ.

Chương 5:

CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ

Điều 21.- Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ tình hình vay, trả nợ nước ngoài của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Ngân hàng bảo lãnh. Đơn vị được kiểm tra, thanh tra có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ tình hình, số liệu và chứng từ liên quan đến vay và trả nợ nước ngoài cho việc kiểm tra, thanh tra nói trên.

Điều 22.- Trong trường hợp doanh nghiệp hoặc cơ quan bảo lãnh vi phạm bản Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm, người đứng đầu doanh nghiệp hoặc cơ quan bảo lãnh phải chịu trách nhiệm vật chất hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 23.- Trong trường hợp do việc xét duyệt phương án không đúng của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp Nhà nước đã gây ra thiệt hại, về kinh tế, người ký duyệt phương án, tuỳ theo mức độ thiệt hại phải bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 24.- Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay nước ngoài hàng năm phải báo cáo về việc sử dụng vốn vay và trả nợ với Bộ Tài chính (nếu sử dụng vốn vay của Chính phủ) hoặc Ngân hàng Nhà nước (nếu sử dụng vốn vay theo phương thức tự vay, tự trả). Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm báo cáo tình hình sử dụng vốn vay do mình quản lý trình Thủ tướng Chính phủ.