Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2010/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 25 tháng 6 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Theo Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt tên, đổi tên đường trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Đặt tên 11 tuyến đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ. (kèm theo Phụ lục I và Phụ lục II).

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện việc gắn biển tên đường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành;

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII, kỳ họp thứ mười tám thông qua và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Quyên

 

PHỤ LỤC I

THUYẾT MINH VỊ TRÍ ĐƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên đường

Chiều dài
(m)

Giới hạn

Tên tạm gọi hiện nay

1

Phan Huy Chú

699,64

Có điểm đầu phía sau trụ sở UBND phường An Khánh, điểm cuối đến hết đường.

Trục B của Khu dân cư Thới Nhựt 1, quận Ninh Kiều

2

Huỳnh Mẫn Đạt

500

Từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến rạch Khai Luông.

Đường vào trụ sở UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy

3

Trần Bạch Đằng

555

Từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cuối đường.

Đường số 7A của Khu tái định cư dự án Nâng cấp đô thị, quận Ninh Kiều

4

Lê Thị Hồng Gấm

1.035

Từ đường Lê Hồng Phong đến đường Nguyễn Viết Xuân.

Tuyến đường A, khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy

5

Sông Hậu

1.443

Từ đường Lê Lợi đến đường Trần Phú.

Đường Hàng Dương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều

6

Ngô Thì Nhậm

697,06

Có điểm đầu là mặt sau trụ sở Công an phường An Khánh, điểm cuối đến cuối đường.

Trục D của Khu dân cư Thới Nhựt 1, quận Ninh Kiều

7

Nguyễn Tri Phương

699,64

Có điểm đầu mặt trước trụ sở UBND phường An Khánh, điểm cuối đến cuối đường.

Trục C của Khu dân cư Thới Nhựt 1, quận Ninh Kiều

8

Nguyễn Thanh Sơn

2.900

Từ đường tỉnh 918 đến đường Võ Văn Kiệt.

Đường từ cầu Rạch Cam đến đường Mậu Thân đi Sân bay, quận Bình Thủy

9

Nguyễn Thị Tạo

1.200

Từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Mương Mẫu, phường Long Hòa.

Từ Quốc lộ 91B đến cầu Mương Mẫu, quận Bình Thủy

10

Nguyễn Truyền Thanh

1.200

Từ đường Lê Hồng Phong đến đường Bùi Hữu Nghĩa.

Đường nối hẻm 12 Lê Hồng Phong đến hẻm 2 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy

11

Nguyễn Viết Xuân

1.100

Từ đường Lê Hồng Phong đến đường Lê Thị Hồng Gấm.

Hẻm 88 đường Lê Hồng Phong, phường Trà An, quận Bình Thủy

 

PHỤ LỤC II

TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ ĐỊA DANH ĐƯỢC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. PHAN HUY CHÚ (1782 - 1840)

Nhà bác học, nhà thơ, hiệu là Mai Phong. Ông là con trai thứ ba của Phan Huy Ích, sinh ở xã Thụy Khuê (làng Thầy), huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Lớn lên trong buổi loạn lạc, ông không tham gia các hoạt động xã hội, chỉ ở nhà chăm chỉ học hành. Ông hai lần thi Hương nhưng chỉ đỗ Tú tài, đương thời vẫn gọi là ông Tú Thầy.

Năm 1821, vua Minh Mệnh triệu ông vào Kinh đô Huế làm biên tu ở Viện Hàn lâm, rồi làm Phủ Thừa phủ Thừa Thiên, sau thăng lên làm Hiệp trấn Quảng Nam. Được ít lâu, ông bị giáng chức triệu về Huế làm Thị độc ở Viện Hàn Lâm. Cũng thời Minh Mệnh, ông được cử đi sứ nhà Thanh hai lần với cương vị là Phó sứ. Cuối năm 1832, ông lại được cử đi công cán ở Inđônêxia, rồi chuyển về làm công việc ở Bộ Công. Được một thời gian, ông chán cảnh quan trường, lấy cớ bị đau chân xin về quê dạy học và viết sách.

Cống hiến chủ yếu của ông là tập bách khoa thư đương thời: bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển, biên soạn liên tục từ năm 1809 đến năm 1819, được phân thành 10 bộ môn là “Địa dư chí”; “Nhân vật chí”; “Quan chức chí”; “Khoa mục chí”; “Quốc dụng chí”; “Hình luật chí”; “Binh chế chí”; “Lễ nghi chí”; “Văn tịch chí” và “Bang giao chí”. Ngoài ra, ông còn có tác phẩm địa lí học là “Hoàng Việt dư địa chí” và hai tập văn thơ là “Hoa thiều ngâm lục” và “Dương trình kí kiến” làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc và Inđônêxia.

2. HUỲNH MẪN ĐẠT (1807 - 1883)

Ông quê ở làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ông thi hương đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh An Giang.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kì, tấn công Định Tường, ông đang là Án sát tỉnh này, đã cùng với binh sĩ kiên quyết chống giặc. Định Tường thất thủ, ông lui về ở ẩn và sống cuộc sống thanh bạch cho đến lúc mất.

Ông là người học rộng, thơ hay, là bạn xướng họa với Bùi Hữu Nghĩa, có giúp Bùi Hữu Nghĩa trong việc soạn vở tuồng “Kim Thạch kì duyên”.

Khi Tôn Thọ Tường ra làm tay sai cho Pháp, ông đã dùng ngòi bút vạch mặt hắn, và ca ngợi những chiến công của nghĩa quân chống Pháp.

3. TRẦN BẠCH ĐẰNG (1926 - 2007)

Tên thật là Trương Gia Triều, quê huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá. Sớm tham gia cách mạng, năm 1945 ông là một trong những người tích cực vận động thanh niên, sinh viên, nhân sĩ trí thức Nam bộ tham gia lực lượng kháng chiến chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong kháng chiến chống Pháp, ông ra chiến khu và là cây viết chủ lực của báo Thông tin kháng chiến - Tiếng nói của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ năm 1947 ông giữ các chức vụ: Tổng Thư ký Mặt trận Việt Minh Nam bộ, Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, chủ bút báo Nhân dân miền Nam - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Cục miền Nam.

Ông là một nhà báo cách mạng xuất sắc; đồng thời, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm, kịch bản văn học có giá trị. Sau ngày giải phóng, ông là nhà nghiên cứu khoa học thuộc Hội đồng Khoa học thành phố Hồ Chí Minh.

4. LÊ THỊ HỒNG GẤM (1951 - 1970)

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Quê xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Từ cuối năm 1967 – tháng 5 năm 1968 chị làm giao liên xã, cùng với Ban lãnh đạo xã đội, xã đoàn xây dựng 5 trung đội dân quân tự vệ, 5 tổ du kích xã, chiến đấu 49 trận, tiêu diệt và làm bị thương 217 tên địch.

Tháng 8 năm 1969 chị là Trung đội phó du kích vành đai liên xã. Tháng 3 năm 1970 trung đội sát nhập vào bộ đội địa phương huyện Châu Thành. Hơn 8 tháng chiến đấu, chị cùng đơn vị đánh 10 trận diệt 63 tên địch, bắn rơi 11 máy bay.

Trong một lần chị cùng 2 đồng chí đang trên đường thực hiện nhiệm vụ thì bị máy bay địch phát hiện và quyết bắt sống. Chị đã dũng cảm một mình chiến đấu với địch, thu hút hỏa lực của chúng về phía mình để đồng đội rút an toàn và chiến đấu cho đến lúc hết đạn rồi anh dũng hy sinh.

Chị đã được phong danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”. Được tặng thưởng “Huân chương Chiến công giải phóng” hạng nhì, “Huân chương Quân công” hạng nhì.

5. SÔNG HẬU

Sông Hậu là một trong hai chi lưu của hệ thống sông Mekong. Ở phần hạ lưu từ Phnôm pênh (Campuchia), sông Mekong chia thành hai nhánh chảy vào Việt Nam được gọi là sông Tiền và sông Hậu, rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa. Phần sông Hậu chảy qua thành phố Cần Thơ dài khoảng 65 km. Sông Hậu có hàm lượng phù sa lớn, có tác dụng tưới nước, tiêu úng và có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy.

6. NGÔ THÌ NHẬM (1746 - 1803)

Ông là danh sĩ cuối đời Hậu Lê - Tây Sơn, tự là Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên, về sau nghiên cứu thiền học lại có hiệu là Hải Lượng. Ông là con Ngô Thì Sĩ, sinh ngày 11 tháng 9 âm lịch (25/10/1746) tại làng Thanh Oai (tục gọi làng Tó) huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Năm 1765, ông đỗ đầu thi Hương, năm 1769 đỗ khoa sĩ vọng, được bổ làm Hiến sát phó sứ Hải Dương. Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ, được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn, ông về quê vợ ở Sơn Nam ẩn náu. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần 2, ông được tiến cử và trọng dụng phong làm Tả thị lang bộ Lại, tước Trình Phái Hầu.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, tình hình chính trị cuối triều đại Tây Sơn rối ren, ông lui về quê lập Thiền viện tại phường Bích Câu. Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ. Ông và Phan Huy Ích bị Gia Long đem ra kể tội và đánh đòn ở Văn Miếu, sau đó ông mất vào ngày 09 tháng 3 năm 1803.

7. NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800 - 1873)

Ông là đại thần triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đường Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm 1800, quê làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Ông được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân tiến cử lên triều đình được vua Minh Mạng thu dụng. Từ năm 1823 - 1839 ông được đề bạt nhiều chức vụ quan trọng như: Hồng Lô tự khanh, Thị lang, Tham tri làm việc ở nội các. Năm 1840, ông được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên), sau đó được cải bổ Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) kiêm Khâm sai quân thứ đại thần, Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Công, tước Tráng Liệt Tử, được chép công trạng vào bia đá ở Tòa Võ miếu Huế.

Năm 1848, vua Tự Đức phong ông tước Tráng Liệt Bá và năm 1850 chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Sau đó được sung chức Khâm sai Tổng đốc quân vụ đại thần kiêm lãnh Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853 được thăng thực thụ Điện hàm Đông các đại học sĩ, lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống Pháp lập nhiều chiến công lớn.

Ngày 19 tháng 11 năm 1873 Pháp đánh úp thành Hà Nội, ông bị trọng thương. Sau đó ông tuyệt thực gần một tháng và mất ngày 20 tháng 12 năm 1873.

8. NGUYỄN THANH SƠN (Nguyễn Văn Tây) (1910 - 1996)

Bí danh Tư Hải, quê xã Trà Côn, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Khi học ở Trường Collège de Cần Thơ ông đã tham gia nhiều phong trào yêu nước trong học sinh, sinh viên.

Đầu năm 1927, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 2 năm 1928 là Ủy viên Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Long Xuyên. Năm 1929, ông chuyển công tác ở Mỹ Tho và tham gia xuất bản tờ báo cách mạng bí mật đầu tiên của Liên tỉnh miền Trung Nam bộ lấy tên là "Dân cày".

Tháng 9 năm 1929 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó là Ủy viên Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Năm 1930, ông được điều về Gia Định, làm Bí thư Đảng bộ Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Cuối tháng 4 năm 1931, ông bị địch bắt và kết án tù chung thân đày đi Côn Đảo.

Năm 1936 ông được trả tự do nhưng sau đó lại bị bắt với án 20 năm lưu đày biệt xứ không được quay trở lại Sài Gòn. Ông về Mỹ Tho tiếp tục hoạt động công khai và đổi tên là Nguyễn Thanh Sơn.

Tháng 3 năm 1945, ông là Xứ ủy viên Xứ ủy Chợ Đêm. Sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Hành chánh Nam bộ, Xứ ủy viên Nam bộ kiêm Trưởng ban quân sự và ngoại vụ Nam bộ, Trưởng phân ban Ủy ban kháng chiến Miền Tây Nam, Bí thư Ban cán sự toàn Miền của Đảng Cộng sản Đông Dương kiêm chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cách mạng Campuchia, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó Tổng giám đốc Nha Tài chính Chánh phủ cách mạng lâm thời miền Nam.

9. NGUYỄN THỊ TẠO (1916 - 1994)

Mẹ Việt Nam anh hùng, quê ấp Bình Nhựt A, xã Long Hòa, thành phố Cần Thơ (nay là khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

Trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Nguyễn Thị Tạo hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, mẹ tích cực bảo vệ, nuôi chứa và vận động quần chúng ủng hộ giúp đỡ cán bộ, bộ đội; lãnh đạo đội quân chính trị đấu tranh trực diện với địch tại thị xã Cần Thơ và có 03 người con đã hy sinh dũng cảm.

Ngày 20 tháng 4 năm 1963 mẹ chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và luôn là tấm gương tiêu biểu. Mẹ đảm nhận Ban Cán sự Phụ nữ khóm VI, phường Bình Thủy đến tháng 06 năm 1976, mẹ nghỉ hưu.

Mẹ được khen tặng “Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hạng nhì và danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

10. NGUYỄN TRUYỀN THANH (1907 - 1971)

Bí danh Ba Lê, quê làng Trà Côn, quận Trà Ôn (nay là xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1936 được kết nạp vào tổ chức "Nông hội đỏ" của làng Trà Côn. Tháng 1 năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1941 ông hoạt động tại Cần Thơ, bị giặc Pháp bắt giam nhưng nhờ mưu trí ông đã tìm cách ra khỏi nhà tù. Tháng 8 năm 1946, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ sau đó tự nguyện đề cử đồng chí khác làm Bí thư, ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1949, ông được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ rồi được Trung ương chọn đi học Trường Chính trị phương Đông (Trung Quốc).

Năm 1954, ông trở về miền Nam hoạt động ở Cần Thơ, là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Cần Thơ. Năm 1960 ông phụ trách công tác tuyên huấn tỉnh.

Ngày 04 tháng 3 năm 1971 ông mất tại Bệnh viện khu Tây Nam bộ (tỉnh Cà Mau).

11. NGUYỄN VIẾT XUÂN (1934 - 1966)

Quê xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Nguyễn Viết Xuân đã có đóng góp quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nguyễn Viết Xuân là Chính trị viên đại đội pháo phòng không, làm nhiệm vụ ở khu vực Tây Quảng Bình. Trong trận chiến đấu ngày 18 tháng 11 năm 1966, mặc dù bị thương nặng anh vẫn không rời vị trí chỉ huy, bình tĩnh yêu cầu y tá cắt đứt phần chân bị địch bắn nát và tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bằng khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”. Nguyễn Viết Xuân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”./.