Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2011/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 19 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005, của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Theo Tờ trình số 21/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt tên đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Đặt tên 03 tuyến đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

(Kèm theo 2 phụ lục:

- Phụ lục I: Thuyết minh vị trí đường;

- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử nhân vật lịch sử).

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện việc gắn biển tên đường trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ hai thông qua và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Lợi

 

PHỤ LỤC I

THUYẾT MINH VỊ TRÍ ĐƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên đường

Chiều dài (m)

Giới hạn

Tên tạm gọi hiện nay

01

Nguyễn Văn Cừ

2.520

Từ đường Nguyễn Văn Cừ đến rạch Xẻo Lá (hết ranh giới quận Ninh Kiều)

- Đường nối dài đường Nguyễn Văn Cừ;

- Đường Nguyễn Văn Cừ (mới) toàn tuyến dài 7.718m

350

Từ đường Cách mạng Tháng Tám đến cầu Cồn Khương

02

Bế Văn Đàn

385

Từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cuối đường (tạm gọi đường Vành Đai)

Hẻm 188 Nguyễn Văn Cừ

03

Trần Văn Ơn

240

Từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cuối đường (tạm gọi đường Vành Đai)

Hẻm 140B Nguyễn Văn Cừ

 

PHỤ LỤC II

TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ
(Kèm theo Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. NGUYỄN VĂN CỪ (1912 - 1941)

Nguyễn Văn Cừ quê ở làng Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Anh là học sinh xuất sắc ở Trường Bưởi (tức Trường Chu Văn An, Hà Nội ngày nay). Năm 1927, anh bị đuổi khỏi trường vì tham gia phong trào yêu nước.

Tháng 6 năm 1929, anh được kết nạp vào chi bộ đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau ngày thành lập Đảng (03/02/1930), anh được bầu làm Bí thư đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí, sau đó bị địch bắt kết án tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Trong nhà tù, anh vẫn tiếp tục tổ chức anh em đồng chí đấu tranh, học tập lí luận.

Năm 1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, anh được ra tù và hoạt động tích cực cho Xứ ủy Bắc Kỳ trên mọi mặt công tác. Năm 1937, anh được cử vào Ban thường vụ Trung ương Đảng, năm sau làm Tổng Bí thư của Đảng (3/1938). Nguyễn Văn Cừ là tác giả cuốn "Tự chỉ trích" có tác dụng to lớn trong đấu tranh nội bộ Đảng và chống bọn Tờrốtkít phá hoại cách mạng.

Mùa thu năm 1939, Nguyễn Văn Cừ vào Sài Gòn họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI, đề ra nhiệm vụ tập hợp toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 6 năm 1940 anh bị địch bắt. Bọn đế quốc đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn cực hình để khai thác tài liệu, nhưng trước sau anh vẫn kiên cường bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), chúng khép anh vào tội là "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" để kết án tử hình. Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí khác đã bị xử bắn tại trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) ngày 28 tháng 8 năm 1941.

2. BẾ VĂN ĐÀN (1931 - 1954)

Liệt sĩ Bế Văn Đàn dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Sớm mồ côi cha, sống côi cút cực khổ. Năm 1949 anh gia nhập bộ đội. Anh đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, trên đường đi chiến dịch, đơn vị anh nhận được lệnh cấp tốc lên Lai Châu chặn địch đang chuẩn bị rút về Điện Biên Phủ. Đại đội anh đã kịp thời tiêu diệt địch ở Mường Pồn. Nhưng ngay sau đó, máy bay địch kéo tới oanh tạc, phối hợp với quân bộ của chúng bao vây nơi ta đóng quân.

Khi bọn giặc xông lên, khẩu trung liên của một chiến sĩ do tầm súng quá thấp nên không bắn tới địch, anh đã vụt nhảy đến, quỳ rạp xuống kê súng lên lưng và hai tay nắm chắc hai càng súng, miệng thét lớn giục đồng đội bắn chặn địch. Bị địch bắn trúng vai ngã nhào, khi tỉnh dậy anh lại kêu đồng đội kê súng lên lưng anh tiếp tục bắn. Anh ngã xuống chiến trường, quân ta thừa thắng xông lên tiêu diệt địch. Anh được Quốc hội và Chính Phủ truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

3. TRẦN VĂN ƠN (1931 - 1950)

Anh Trần Văn Ơn là con một công chức nghèo ở xóm lao động Bàn Cờ nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Khi thực dân Pháp gây chiến ở Nam Bộ (23/9/1945), anh mới 14 tuổi. Chứng kiến biết bao tội ác của chúng đối với đồng bào, nên dù ít tuổi anh đã sục sôi bầu máu nóng giết giặc cứu nước. Năm 1949, giặc Pháp thua to trên chiến trường, càng ra sức khủng bố nhân dân các vùng tạm chiếm. Chúng thẳng tay bắt bớ, giam cầm nhiều người trong đó có cả học sinh, sinh viên. Anh đang học trường Trung học Pêtruýt Ký (Sài Gòn) đã gia nhập đoàn thể học sinh kháng chiến hơn một năm, bí mật hoạt động nội thành.

Ngày 09 tháng 01 năm 1950, anh hướng dẫn đoàn biểu tình của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh kéo đến dinh Thủ hiến của chính quyền tay sai. Anh và nhiều bạn khác đứng đầu đoàn biểu tình, tố cáo tội ác của bè lũ cướp nước và bán nước. Trong lúc cứu một nữ sinh bị cảnh sát hành hung, anh bị trúng đạn giặc. Tin anh chết nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Ngày 12 tháng 01 năm 1950, đông đảo nhân dân Sài Gòn - Gia Định xuống đường tiễn đưa anh. Cái chết của Trần Văn Ơn đã tiếp thêm ngọn lửa đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên Nam bộ.