Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

GIÁM SÁT TẠI KỲ HỌP VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2014/NQ-HĐND NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2014 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KHÓA VIII VỀ HỖ TRỢ GIÁO DỤC MẦM NON THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BA

(Từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 12 năm 2016)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Báo cáo số 896/BC-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII về hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố cơ bản tán thành báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố ngày 05 tháng 12 năm 2016.

Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận một số nội dung như sau:

1. Những mặt đã làm được:

Việc ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh của Hội đồng nhân dân thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp trong phối hợp thực hiện chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mầm non; thể hiện sự quan tâm đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non yên tâm công tác; giảm số lượng giáo viên nghỉ việc và góp phần thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục mầm non.

Từ năm 2014 - 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng trường mầm non ở 8/11 phường chưa có trường mầm non công lập. Trong năm 2016, thành phố đã bố trí ngân sách cho 68 dự án xây dựng mới (22 trường) và cải tạo, nâng cấp các trường mầm non với 765 phòng học (tăng thêm 584 phòng học), phấn đấu thực hiện lộ trình phát triển giáo dục mầm non thành phố đến năm 2020 các trường mầm non công lập sẽ tiếp nhận 40% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 60% trẻ độ tuổi mẫu giáo.

Kế hoạch đầu tư xây dựng trường mầm non của Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện giai đoạn 2016 - 2020 là 275 dự án với 3.406 phòng học, tổng mức đầu tư ước tính là 14.633,002 tỉ đồng.

Thực hiện Chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập, thành phố đã có 86 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non công lập (1.153 phòng học) được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 3.461,274 tỉ đồng; tính đến nay, có 75 dự án đã khởi công, 10 dự án chưa khởi công và 1 dự án đã ngưng thực hiện; dự kiến đến cuối năm 2016 có 50 dự án (611 phòng học, tổng mức đầu tư là 1.889 tỉ đồng) đưa vào hoạt động; đồng thời tiếp tục xem xét phê duyệt bổ sung 58 dự án với 782 phòng học và tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay dự kiến là 2.429,832 tỉ đồng.

Việc tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi được chuẩn bị chu đáo từ đầu tư trang thiết bị đến tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ; đến nay đã triển khai đại trà 24 quận, huyện với 103 trường, 217 trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi và 960 trẻ từ 13 đến 18 tháng tuổi, tạo sự yên tâm và tin tưởng cho phụ huynh khi gửi trẻ; các trường mầm non gần khu chế xuất, khu công nghiệp đều thực hiện nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Các quận, huyện đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 2.089 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khối mầm non ngoài công lập từ ngân sách nhà nước (1.800.000 đồng/người/khoá) với số tiền 3.760.200.000 đồng. Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng chuyên đề trong hè, tiếp tục cử cán bộ quản lý trường mầm non công lập trên cùng địa bàn hỗ trợ hoạt động cho cơ sở mầm non ngoài công lập.

Đã thực hiện được chi hỗ trợ cho 16 giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với mức 200.000 đồng/giáo viên/trẻ/tháng.

Đã thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non công lập:

- 13.735 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng mức hỗ trợ 25% tiền lương/tháng.

- 1.142 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng mức hỗ trợ 35% tiền lương/tháng.

- Hỗ trợ cho giáo viên mầm non được tuyển dụng mới: 912 giáo viên được hưởng mức hỗ trợ 100% lương cơ sở, 898 giáo viên hưởng mức hỗ trợ 70% lương cơ sở, 442 giáo viên hưởng mức hỗ trợ 50% lương cơ sở.

Tính đến năm học 2016 - 2017, có thêm 5 quận, huyện bố trí chuyên viên chuyên trách quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, còn 11 quận, huyện chưa bố trí được chuyên viên chuyên trách quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập.

2. Mặt hạn chế:

Công tác đầu tư xây dựng trường mầm non dù được quan tâm của các ngành, các cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt là tại các địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp và các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Chính sách hỗ trợ phát triển mầm non ngoài công lập chưa phát huy hiệu quả do các tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được quỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục mầm non; các nhóm, lớp độc lập tư thục còn nhiều, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, đa số là mặt bằng thuê mướn nên khó khăn hỗ trợ kinh phí để cải tạo và thiếu giáo viên nên ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện còn chậm trong việc hướng dẫn và phối hợp thực hiện chủ trương cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác cho các tổ chức, cá nhân vay không tính lãi suất nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động.

Công tác tuyển dụng giáo viên khó khăn, chưa tuyển đủ theo số lượng quy định do số giáo sinh đăng ký dự tuyển ít hơn chỉ tiêu. Việc bố trí nhân sự làm công tác quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các quận, huyện có nhiều cơ sở ngoài công lập. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa bố trí đủ Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, số giáo viên trên một lớp theo quy định nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác nuôi dạy trẻ.

Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có một số nội dung quy định không phù hợp với yêu cầu thực tế về quy mô và hoạt động của trường mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gây khó khăn trong sắp xếp vị trí việc làm (chỉ được bố trí 2 nhân sự cho 4 vị trí việc làm là kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế), không có vị trí việc làm nhân viên nuôi dưỡng theo Nghị quyết do Hội đồng nhân dân thành phố đề ra.

Điều 2. Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện một số vấn đề sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập, đảm bảo thực hiện lộ trình phát triển giáo dục mầm non của thành phố đáp ứng 40% chỗ học nhà trẻ và 60% chỗ học mẫu giáo; đảm bảo qui chuẩn chất lượng trường lớp, tránh trường hợp do khó khăn về đất mà xây dựng trường nhỏ, ít nhóm, lớp dẫn đến tình trạng trường thì nhiều nhưng số lớp ít, thiếu chỗ học.

Tăng cường thông tin đến các tổ chức, cá nhân chủ trương xã hội hóa của giáo dục mầm non; giới thiệu quỹ đất trong quy hoạch ngành giáo dục, hướng dẫn thủ tục vay vốn kích cầu, thủ tục đầu tư và thành lập trường tạo điều kiện để các trường mầm non ngoài công lập phát triển.

Đánh giá cụ thể chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non đã thực hiện trong thời gian qua và có đề xuất chính sách cụ thể trình tại kỳ họp thường lệ Hội đồng nhân dân thành phố vào giữa năm 2017.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện: xây dựng lộ trình xóa các điểm lẻ, phân hiệu của trường mầm non có quá nhiều điểm trường; triển khai giữ trẻ ngoài giờ, theo ca và ngày thứ bảy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.

- Rà soát lại các vị trí việc làm theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để phối hợp Sở Nội vụ tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí thêm giáo viên cho mỗi lớp mầm non phù hợp quy mô, số lượng học sinh mầm non tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn sắp xếp nhân sự cho 4 vị trí việc làm (văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế) đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Điều 3. Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ thêm 3 năm đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng, bắt đầu từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019 - 2020 tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII về hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- UBND thành phố: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND thành phố;
- Văn phòng UBND thành phố;
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố;
- Chủ tịch HĐND, UBND, UBMTTQVN 24 quận, huyện;
- Trung tâm Công báo thành phố;
- Lưu: VT, (P.TH-H).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm