Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2015/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Xét Tờ trình số 352/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh năm 2016; Báo cáo thẩm tra số 593/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khóa XIII và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với những nội dung chủ yếu sau:

I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã khắc phục khó khăn, vươn lên đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế duy trì tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước, tăng 9,02% so năm 2014. Thu ngân sách trên địa bàn tăng 15,7% so với dự toán. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư tập trung cho các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết vấn đề nợ XDCB. Đổi mới trong chỉ đạo, điều hành. Các lĩnh vực xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách xã hội được triển khai thực hiện tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng, đặc biệt là quan hệ hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh, Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia Mộc Châu”.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2016

1. Mục tiêu

Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển văn hóa, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Cải cách hành chính tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan hệ hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2016 tăng 11,5% so với năm 2015; (2) Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 46,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm 23%; (3) GRDP bình quân đạt 28 triệu đồng/ người; (4) Kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD; (5) Thu ngân sách trên địa bàn 3.892,5 tỷ đồng; (6) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 15.200 tỷ đồng; (7) Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giảm 3%, riêng các huyện 30a giảm từ 4% - 5%; (8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo 39%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bản chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 11,5%; (9) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 21,2%; (10) Số bác sỹ/1 vạn dân đạt 6,3 bác sỹ; (11) Số giường bệnh/10.000 dân đạt 22,7 giường; (12) Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 36,3%; (13) Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,4%; (14) Tỷ lệ hộ được dùng điện sinh hoạt 88,8%; (15) Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 1% đến 1,5%; (16) Tỷ lệ xã có đường ôtô đến TTX được cứng hóa đạt 85,3%; (17) Đến hết năm 2016, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19 tiêu chí), 13 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 40 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 78 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; (18) Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%; (19) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 87,5%; (20) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,3%; (21) Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh 84%; (22) Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch 95%; (23) Số lao động được tạo việc làm 16.700 người; (24)Tỷ lệ hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam 92,5%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục sắp xếp lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế, tăng cường các giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước

1.1. Thực hiện tốt công tác huy động, gắn với phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kế hoạch đầu tư công năm 2016 bố trí tập trung, đảm bảo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc cân đối bố trí các nguồn lực đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy giữa các vùng, các huyện, thành phố. Thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng hợp lý, phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát việc quản lý trong tất cả các khâu từ quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán.

1.2. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó tập trung cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Khuyến khích thành lập hợp tác xã, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ở các khu vực nông thôn. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các hợp tác xã phát triển.

1.3. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, bảo đảm duy trì mức nợ xấu dưới 1% tổng dư nợ.

1.4. Quản lý và khai thác tốt các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước. Chi ngân sách triệt để tiết kiệm, ưu tiên bố trí thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, thực hiện có hiệu quả các chính sách đã được HĐND tỉnh quyết nghị.

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế

2.1. Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung mọi nguồn lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng phát huy lợi thế so sánh, đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản gắn với xây dựng thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cơ khí hoá, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; cung cấp thông tin giúp nông dân tìm kiếm thị trường, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề cho nông dân, chuẩn bị tốt các điều kiện hướng tới hội nhập thương mại quốc tế theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN.

Xây dựng quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mộc Châu; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, khuyến khích hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung. Ban hành cơ chế khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Xây dựng chính sách phát triển nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá tầm trên địa bàn tỉnh, gắn với tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thu hút, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư cho trồng rừng, bảo vệ rừng. Triển khai, nhân rộng mô hình hợp tác xã lâm nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã trong trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác chế biến sản phẩm từ rừng. Triển khai Đề án hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất gắn với chế biến, trồng các cây đa mục tiêu như cây Mắc ca, Sơn tra, Song mây, Tre luồng, dược liệu dưới tán rừng...

2.2. Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy nội lực sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư. Đổi mới các hình thức tổ chức, liên kết "4 nhà" trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nhân dân về giống, kỹ thuật chăn nuôi, canh tác, phương án sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ, mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

2.3. Thu hút các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung vào Khu công nghiệp Mai Sơn, các Cụm công nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực.

2.4. Tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối với các nhà tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của địa phương. Huy động, thu hút các nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch vào các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, các điểm du lịch cộng đồng...

3. Ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng TĐC các dự án thủy điện

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân các vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Tập trung cao cho công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các điểm tái định cư, công tác quyết toán để hoàn thành giai đoạn I công tác di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La. Triển khai thực hiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân tái định cư xây dựng Thủy điện Sơn La”.

Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch các điểm tái định cư, đo đạc địa chính, hỗ trợ di chuyển dân, đồng thời triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu để ổn định đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La.

4. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội khác

4.1. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các chương trình cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Tiếp tục đầu tư một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

4.2. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí các trường phổ thông có học sinh bán trú ở cả 3 cấp học. Đẩy mạnh triển khai mô hình tổ chức nấu ăn tập trung ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa phương thức học tập. Chú trọng xây dựng mối quan hệ giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trường học.

4.3. Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Triển khai đầu tư xây dựng khu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ về nông lâm nghiệp tại Mộc Châu. Khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

4.4. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thể thao thành tích cao và thể dục thể thao quần chúng.

5. Quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường

5.1. Tăng cường quản lý đất đai, tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thi công các dự án.

5.2. Kiểm soát cấp phép, quản lý khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quản lý việc kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ.

5.3. Tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, tiếp tục triển khai công tác giao đất, khoán đất rừng cho các hộ gia đình, khuyến khích thu hút đầu tư vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản.

6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng

6.1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ hành chính, niêm yết, công bố công khai thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, mở rộng mô hình một cửa điện tử, liên thông hiện đại.

6.2. Kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và của tỉnh mới có hiệu lực; tăng cường thực hiện và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở ngành và các huyện, thành phố; hướng dẫn cụ thể và triển khai việc thực hiện tinh giảm biên chế theo quy định của Trung ương có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước.

6.3. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, điều chỉnh biên chế công chức năm 2016 và các năm tiếp theo. Tổ chức thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, lựa chọn, sắp xếp biên chế công chức, số lượng người làm việc phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực. Điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ có trình độ, năng lực trong hoạch định cơ chế, chính sách, tham mưu tổ chức có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Tiếp tục áp dụng chấm điểm, đánh giá, xếp loại, công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

6.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6.5. Nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

7. Đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

7.1. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang có sức chiến đấu ngày càng cao, thường xuyên huấn luyện, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

7.2. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh tại các địa bàn trọng điểm, nhất là ở những địa bàn xung yếu, chủ động giải quyết có hiệu quả những nhân tố có thể gây mất ổn định. Rà soát, phân loại và xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp, tập trung nguồn lực, phân công lực lượng và triển khai các giải pháp để giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp, phòng ngừa tội phạm giết người, buôn bán người, hiếp dâm trẻ em và tội phạm ma tuý. Tăng cường phối hợp với các lực lượng phòng, chống ma tuý của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực và các tỉnh Bắc Lào, nhất là hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Phra Băng đấu tranh triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

7.3. Tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ với các tỉnh Bắc Lào. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. HĐND tỉnh kêu gọi nhân dân các dân tộc, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cán bộ, viên chức nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh Sơn La khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VP Quốc Hội, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc, UBTCNS, UBKT của Quốc hội;
- Ủy ban dân tộc Chính phủ;
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp;
- Ban Công tác đại biểu của UBTV Quốc hội;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT. Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh;
- TT. Đảng ủy, HĐND, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT, 450b.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất