HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/NQ-HĐND | Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020, gồm những nội dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin); thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 2% trở lên, địa bàn xã đặc biệt khó khăn từ 3,5% trở lên.
2.2. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.
2.3. Đảm bảo hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2020, tập trung chủ yếu một số chỉ tiêu như sau:
a) 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đăng ký học nghề được hỗ trợ đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ.
b) Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đi học đạt 98% trở lên, trong đó quan tâm đến trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ thất học.
c) 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.
d) Thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 100% hộ nghèo có đăng ký vay vốn làm nhà trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; huy động từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” các cấp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân xóa nhà tạm, nhà dột nát cho số hộ nghèo còn lại.
đ) Phấn đấu 95% trở lên người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, ưu tiên người nghèo, hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nguồn nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh.
e) Hỗ trợ 100% Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình theo chuyên đề phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương, nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân.
g) Trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
h) 100% cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động.
2.4. Phấn đấu 80% lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo trở lên có nhu cầu vay vốn được ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất.
2.5. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực giảm nghèo.
2.6. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên người nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ và trẻ em; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Phạm vi: Áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình; tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát; tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững; quản lý điều hành, thực hiện tốt Chương trình.
2. Giải pháp
- Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin.
- Triển khai các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và một số chính sách, dự án khác có liên quan nhằm hỗ trợ người nghèo về kiến thức kỹ năng xây dựng kế hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gắn vay vốn với việc hướng dẫn tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề có hiệu quả.
- Tăng cường lồng ghép có hiệu quả các chính sách và nguồn lực giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện giảm nghèo bền vững.
- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp và thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong tổ chức thực hiện Chương trình.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng nhu cầu kinh phí là: 5.187,280 tỷ đồng (Năm nghìn một trăm tám mươi bảy tỷ, hai trăm tám mươi triệu đồng), dự kiến huy động từ các nguồn:
- Ngân sách Trung ương: 1.567,343 tỷ đồng.
- Vốn tín dụng: 3.451,698 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 51,367 tỷ đồng.
- Vốn huy động hợp pháp khác: 116,872 tỷ đồng.
(Số kinh phí trên không bao gồm các chính sách, dự án được lồng ghép vào Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng 5 năm 2017./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2017 về quy định tạm thời về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2 Quyết định 90/2017/QĐ-UBND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3 Quyết định 2415/QĐ-UBND năm 2017 Quy định về phân cấp quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020
- 4 Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 73/NQ-CP năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành
- 8 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 9 Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 do Quốc hội ban hành
- 10 Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 1 Quyết định 2415/QĐ-UBND năm 2017 Quy định về phân cấp quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020
- 2 Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2017 về quy định tạm thời về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3 Quyết định 90/2017/QĐ-UBND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận