Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2011/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH TRƯỜNG MẦM NON BÁN CÔNG SANG CÔNG LẬP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHOÁ XV - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015”; Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 50/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2011 về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập. Cụ thể như sau:

1. Mục đích chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, đặc biệt đối với các xã nông thôn khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015”.

2. Yêu cầu phân kỳ thực hiện, xác định tiêu chí cụ thể làm căn cứ cho việc xét chuyển đổi, đảm bảo việc chuyển đổi không gây ảnh hưởng lớn trong các nhà trường, không làm bội chi ngân sách.

3. Tiêu chí xét chuyển đổi:

Ưu tiên chuyển đổi trước các trường thuộc các xã khó khăn, căn cứ theo các tiêu chí:

- Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, căn cứ theo Quyết định số 1044/QĐ-UBND ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010.

- Xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế kém phát triển.

- Xã có nguồn thu ngân sách thấp.

4. Cơ chế quản lý đối với các trường sau chuyển đổi:

Sau khi chuyển thành trường công lập, cơ chế quản lý các nhà trường thực hiện theo Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

a. Cơ sở vật chất, trang thiết bị: do Nhà nước quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị do Nhà nước đầu tư là chính.

b. Đội ngũ: giữ nguyên biên chế của cán bộ, giáo viên, nhân viên đã được tuyển dụng vào biên chế nhà nước, hàng năm tuyển dụng bổ sung đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng mới được bổ nhiệm.Việc tuyển dụng vào biên chế đối với giáo viên mầm non sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp khi toàn tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi.

c. Kinh phí:

- Giữ nguyên cơ chế kinh phí nhà nước cấp: hỗ trợ chi thường xuyên; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; trợ cấp cho giáo viên, nhân viên 75% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo; hỗ trợ cho giáo viên ngoài biên chế đi học nâng chuẩn 10.000đ/ngày.

- Thu học phí giữ nguyên như hiện nay.

- Được huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Thời gian thực hiện:

- Tháng 01/2012 chuyển 83 trường bán công sang công lập, có danh sách kèm theo (đạt 30,07%).

- Tháng 8/2012 chuyển 50% số trường bán công còn lại sang công lập (97 trường).

- Tháng 8/2013 chuyển toàn bộ số trường bán công còn lại sang công lập (96 trường).

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 2 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quyến