Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 15 tháng năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2016-2020 TỈNH THÁI BÌNH”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 1 tháng năm 2015;

Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”;

Xét Tờ trình số 131/TTr-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2061 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020” tỉnh Thái Bình Báo cáo thẩm tra số /BC-KTNS ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020” tỉnh Thái Bình, với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tranh thủ nguồn ngân sách Nhà nước từ Trung ương đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh;

- Tăng cường nguồn lực chi cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương hàng năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh;

- Tăng cường vận động thu hút nguồn viện trợ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

- Vận động ít nhất 30% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong doanh nghiệp vào năm 2016 và 50% vào năm 2020;

- Phấn đấu đến hết năm 2016 đạt 100% số người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế;

- Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu chi cho các hoạt động của dịch vụ này;

- Đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

2. Một số giải pháp chính

a) Nhóm giải pháp về huy động kinh phí

- Chủ động trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh;

- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí ngân sách phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý;

- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;

- Đưa nội dung vận động, kêu gọi tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS vào hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ của tỉnh;

- Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc lập và phân bổ kinh phí hàng năm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp;

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc;

- Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đẩy mạnh sự tham gia của bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ được cung cấp;

- Đẩy mạnh chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo hướng xã hội hóa.

b) Nhóm giải pháp về quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí

- Xây dựng tiêu chí và cơ cấu phân bổ nguồn kinh phí phù hợp với các đặc điểm và tình hình, thực tế của địa phương. Tập trung ưu tiên kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS;

- Tăng cường vai trò của các sở, ban, ngành, các địa phương đối với việc thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS;

- Mở rộng các hình thức cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm, đặc biệt là chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các hệ thống thiết chế kinh tế - xã hội hiện có, đặc biệt là hệ thống y tế và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng tại địa phương, đơn vị;

3. Nguồn kinh phí

a) Nguồn ngân sách nhà nước

- Ngân sách Trung ương;

- Ngân sách địa phương.

b) Nguồn viện trợ quốc tế

c) Nguồn xã hội hóa

- Nguồn huy động tham gia đóng góp của các doanh nghiệp;

- Nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ, chăm sóc điều trị HIV/AIDS;

- Nguồn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ điều trị HIV/AIDS;

- Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch và công tác quản lý tài chính của các chương trình, dự án của các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng