Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/NQ-HĐND

Khánh Hòa, ngày 08 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;

Sau khi xem xét Tờ trình số 6159/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Báo cáo thẩm tra số 56/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của chương trình

a) Mục tiêu chung

Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao nhận thức; xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Khánh Hòa có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh; xây dựng cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với chất lượng nguồn nhân lực và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thu hẹp dần khoảng cách với các vùng đồng bằng của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hàng năm 6 - 7% (tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 52,4%). Phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt khoảng 8,16 triệu đồng/ người/ năm (gấp 2 lần so với hiện nay, bằng 80% thu nhập bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh hiện nay);

- 100% xã đều có đường giao thông vào khu sản xuất tập trung, đảm bảo tạo được quỹ đất, đi lại, vận chuyển hàng hoá trong mùa mưa;

- 100% xã, thôn đều có các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh (đường liên thôn, cầu, cống, nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hoá cộng đồng);

- Giữ vững đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở;

- Trên 98% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% dân số miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- 100% người dân trong độ tuổi lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập huấn công tác dân tộc, kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề;

- 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào đối với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

2. Phạm vi và đối tượng thực hiện chương trình

a) Phạm vi: 38 xã, gồm: 35 xã miền núi thuộc 03 khu vực theo quy định tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 11 năm 2006, Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và 03 xã đồng bằng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng thôn, xóm (Phụ lục đính kèm).

b) Đối tượng: hộ gia đình và nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Nội dung chủ yếu của chương trình

a) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc tham gia thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn.

b) Hỗ trợ phát triển sản xuất

- Xây dựng, nhân rộng và hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững; tổ chức hội nghị đầu bờ và tham quan, trình diễn mô hình.

- Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình:

+ Hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa;

+ Cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng khó khăn theo Nghị quyết số 12/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa;

+ Hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất.

c) Thực hiện các chính sách an sinh xã hội

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm: thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Tiếp tục thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; huy động cộng đồng xã hội hỗ trợ sửa chữa nhà đã xuống cấp, hư hỏng cho đồng bào;

- Hỗ trợ đường dây và lắp đặt công tơ điện đến hộ gia đình;

- Hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước vào hộ gia đình.

d) Đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng

Đầu tư xây dựng đường giao thông vào những nơi có diện tích đất sản xuất tập trung nhằm tạo quỹ đất, luân chuyển hàng hóa từ các vùng sản xuất đến thị trường.

4. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015

Tổng vốn đầu tư: 540.227 triệu đồng.

Trong đó:

- Ngân sách tỉnh đầu tư trực tiếp cho chương trình: 272.420 triệu đồng;

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ (Theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg): 10.780 triệu đồng;

- Vốn tín dụng: 59.220 triệu đồng;

- Vốn lồng ghép Chương trình nông thôn mới: 182.039 triệu đồng;

- Vốn huy động xã hội: 15.768 triệu đồng.

5. Một số giải pháp thực hiện chương trình

a) Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc làm cho đồng bào hiểu rõ họ là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ; các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng ở thôn, xã bàn bạc dân chủ, quyết định và tổ chức thực hiện, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Công tác tuyên truyền cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm về văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

b) Ban hành các chính sách cụ thể trong hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm cụ thể hóa các nội dung của chương trình. Bố trí vốn hợp lý, đầu tư lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án; huy động sự đóng góp của nhân dân.

c) Phối hợp với Chương trình phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng, phương pháp, ứng dụng các mô hình kinh tế, giúp đỡ đồng bào các kỹ năng sản xuất, thực hiện các mô hình kinh tế đối với hộ, nhóm hộ.

d) Phát huy vai trò của các đội thanh niên tình nguyện, phối hợp với Trạm khuyến nông, khuyến nông viên làm nòng cốt trong việc tuyên truyền và hướng dẫn đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ đồng bào quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích; đề xuất các chính sách, hướng giải quyết khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình lên cấp có thẩm quyền nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

đ) Xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong hỗ trợ đào tạo nghề với giải quyết việc làm; đào tạo nghề cho lao động địa phương theo nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

e) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và các đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cho đồng bào dân tộc và miền núi trong thu mua nông sản, cung ứng hàng hóa vật tư nông nghiệp. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông theo hình thức: doanh nghiệp hỗ trợ hàng hóa, vật tư nông nghiệp (giống, vốn, kỹ năng, thuốc bảo vệ thực vật) và giải quyết đầu ra hàng hóa nông sản cho người dân.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khoá V kỳ họp thứ 3 thông qua./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần An Khánh