HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/NQ-HĐND | Lào Cai, ngày 18 tháng 07 năm 2016 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016-2020 TỈNH LÀO CAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 25/BC-HĐND ngày 11/7/2016 của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Lào Cai:
Phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội, địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế, giao lưu kinh tế của Vùng và cả nước về công nghiệp khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, dịch vụ cửa khẩu, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây - Nam Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nông dân; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.
1. Về kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm: Từ 10% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khoảng 5,4%/năm; Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 11,1%/năm; Dịch vụ tăng khoảng 11,5%/năm.
Năm 2020 GRDP bình quân /người/năm đạt 72 triệu đồng.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2020: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 13%; công nghiệp - xây dựng 44,5%; dịch vụ 42,5%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cả giai đoạn: 160 nghìn tỷ đồng.
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt 340 nghìn tấn (bình quân 475 kg/người/năm).
Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác năm 2020 trên 80 triệu đồng.
Xây dựng các xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: 29 xã (lũy kế hết 2020, có 50 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, bằng 35% tổng số xã trên địa bàn).
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 33,5 nghìn tỷ đồng (giá 2010).
Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu năm 2020 đạt 4,6 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2020: 28,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn năm 2020: Khoảng 4,5 triệu lượt người.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020: 9 nghìn tỷ đồng.
2. Về văn hóa - xã hội:
Củng cố kết quả, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tại 164 xã, phường, thị trấn; 57,7% số trường đạt chuẩn quốc gia; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương.
Tạo việc làm tăng thêm cả giai đoạn cho 60 nghìn lao động.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, trong đó qua đào tạo nghề 55%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm còn 63%.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 3 - 4%.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 giảm còn 1,2%/năm.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2020 giảm còn 18%.
83% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 75% số thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 95% số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 80% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
3. Về tài nguyên môi trường
Tỷ lệ che phủ rừng: Trên 56%, trong đó trồng mới 29 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh 5 nghìn ha.
100% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, phấn đấu 95% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, 75% các xã tại các huyện, thành phố được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
(Có phụ lục Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Lào Cai kèm theo)
III. Định hướng, nhiệm vụ phát triển của các ngành, lĩnh vực
1. Lĩnh vực kinh tế
Tiếp tục duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Xây dựng Lào Cai thành Trung tâm sản xuất giống cây trồng của vùng. Hình thành và phát triển các vùng tập trung sản xuất cây trồng có thế mạnh của tỉnh và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo vùng: Vùng thấp tập trung phát triển mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm; Vùng cao khuyến khích, ưu tiên phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa thịt; các giống lợn, gia cầm bản địa. Phát triển thủy sản trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của địa phương để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tổ chức quản lý tốt quy hoạch 3 loại rừng. Bảo vệ ổn định toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh. Phát triển mạnh rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng. Tập trung xây dựng nông thôn mới, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, có 35% tổng số xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, trên 70% số xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Ưu tiên phát triển công nghiệp luyện kim, chế biến sâu khoáng sản. Đầu tư mới các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất; nâng công suất Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng, Nhà máy gang thép Lào Cai... Chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các khu, cụm, điểm công nghiệp. Tập trung phát triển nghề và làng nghề tiểu, thủ công nghiệp để tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ. Tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Thành lập mới 02 khu công nghiệp.
Chủ động phối hợp hoàn thiện xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, sân bay Lào Cai, các tuyến đường kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi Sa Pa, Văn Bàn, Lai Châu; nâng cấp và kết nối tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai với Hà Khẩu (Trung Quốc). Nâng cấp đường quốc lộ trên địa bàn, đường tỉnh lộ, đường tới các trung tâm xã. Tập trung xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Huy động vốn đầu tư thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm của tỉnh như: Hồ điều phối lũ phường Bình Minh, kè sông Hồng khu vực Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, đường tuần tra biên giới, các công trình trung tâm hành chính các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa...; các dự án sử dụng vốn doanh nghiệp: Sân golf Bản Qua (Bát Xát), Công viên vui chơi giải trí thành phố Lào Cai, khách sạn 5 sao Accor... Tiếp tục đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, cấp điện, cấp nước sinh hoạt đến các thôn, bản.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, khuyến khích phát triển các hình thức thương mại hiện đại. Thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm soát thị trường. Mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu. Tập trung phát triển du lịch tại Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bát Xát với các loại hình độc đáo như du lịch nghỉ mát, leo núi, văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống, sinh thái, tâm linh, thăm quan ruộng bậc thang,... Chú trọng hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực du lịch để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch liên vùng và lữ hành quốc tế. Tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải. Tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông.
Đẩy mạnh tăng nguồn thu NSNN trên địa bàn, tăng thu nội địa, thu từ đất, cửa khẩu, du lịch, khoáng sản, chống thất thu ngân sách, đặc biệt ở khu vực ngoài quốc doanh. Thực hiện nhiệm vụ giảm chi thường xuyên, tăng vốn cho đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ tài chính của tỉnh. Phát triển mạng lưới, dịch vụ, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng; thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn.
2. Phát triển văn hóa - xã hội
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; chuẩn hóa giáo dục vùng cao; tập trung nâng cao chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Phát triển đa dạng các loại hình trường lớp và các loại hình đào tạo. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nâng cao hiệu quả hoạt động phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai tiến tới thành lập Trường Đại học Lào Cai.
Phát triển giá trị văn hóa truyền thống. Đảm bảo khai thác và phát huy giá trị các di tích; nâng cao chất lượng công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Mở rộng phủ sóng phát thanh, truyền hình Lào Cai; xây dựng mới và nâng cấp các trạm truyền thanh cơ sở. Tuyên truyền, duy trì dân số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Tập trung xây dựng các môn thể thao thành tích cao trọng điểm, đóng góp nhiều vận động viên cho các đội tuyển quốc gia. Khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian.
Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Tiếp tục đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh. Nghiên cứu xây dựng mới Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng cơ sở 2 tại Sa Pa và cơ sở 3 tại Bắc Hà. Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện chuyên khoa. Đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực đáp ứng quy mô của bệnh viện hạng III; nâng cấp phòng khám Tằng Loỏng lên thành Bệnh viện đa khoa Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Nâng cấp phòng khám Cốc Lếu lên thành Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế xã, thôn bản và thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và tư nhân phát triển bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các phòng khám, trung tâm tư vấn sức khỏe, mô hình “bác sĩ gia đình”, các cơ sở điều dưỡng tư nhân. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế và chăm sóc sức khỏe. Tổ chức tốt công tác bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách miễn phí y tế cho các đối tượng chính sách, người nghèo...
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân nói chung và của hộ nghèo nói riêng. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho các chính sách, dự án giảm nghèo. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các hộ mới thoát nghèo. Tạo môi trường thuận lợi về hạ tầng sản xuất và hành lang pháp lý thủ tục hành chính thông thoáng để người dân tự lập, tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm cho bản thân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút lao động. Phát triển đồng bộ thị trường lao động. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động tại các ngành lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là du lịch; có khả năng cạnh tranh việc làm với lao động ngoài tỉnh dịch chuyển cơ học tới làm việc tại địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các quá trình sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu được tác động tiêu cực lên môi trường.
3. Về tài nguyên môi trường
Cơ bản hoàn thành việc rà soát và lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Sử dụng đất hợp lý, đẩy mạnh khai thác đất, quỹ đất chưa sử dụng đúng quy định, tạo nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển. Kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động công nghiệp. Tăng cường kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; quản lý, xử lý có hiệu quả chất thải rắn, chất thải nguy hại. Đẩy mạnh lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh.
4. Về an ninh quốc phòng, đối ngoại
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị, ổn định với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Thực hiện có hiệu quả các cam kết hợp tác với Vùng Aquitaine Limousin Poitou - charentes (ALPC - Cộng hòa Pháp), các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, 4 tỉnh biên giới phía Bắc.
5. Về xây dựng chính quyền, cải cách hành chính
Tăng cường phân cấp mạnh cho cơ sở trên các lĩnh vực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tổ chức của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đề án vị trí việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng hơn nữa công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Duy trì và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và giải quyết các công việc.
IV. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch
Tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tạo đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và năng lực quản lý đô thị, nông thôn. Tập trung thực hiện một số quy hoạch về khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch Sa Pa, quy hoạch đô thị, quy hoạch các thị trấn, thị tứ... để làm cơ sở huy động vốn đầu tư toàn xã hội.
Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các chính sách thu hút đầu tư hợp lý để khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh như: Khoáng sản, du lịch, cửa khẩu, nông nghiệp ôn đới... Và các cơ chế, chính sách thực hiện 4 Chương trình, 19 Đề án trọng tâm giai đoạn 2016-2020 của BCH Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động; cân đối, phân bổ, lồng ghép nguồn lực hợp lý. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng: Ổn định tổ chức, sắp xếp lại một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn; phát huy hiệu quả đào tạo của phân hiệu Trường Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát ở các cấp, đặc biệt quản lý nhà nước về môi trường. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng môi trường; đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; củng cố quốc phòng, an ninh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng và chống tham nhũng.
Tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước, với các quốc gia để cùng phát triển.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Lào Cai Khóa XV - Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHÍNH VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI KẾ HOẠCH 5 NĂM 2016 - 2020 TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Nghị quyết số: 34/NQ-HĐND ngày 18/7/2016 của HĐND tỉnh Lào Cai)
STT | Chỉ tiêu | ĐVT | Mục tiêu KH 5 năm 2016- 2020 | So sánh KH 2016-2020 với TH 2011-2015 |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
I | Về Kinh tế |
|
|
|
1 | Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân (giá cố định 1994) | % | - | - |
| Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (giá so sánh 2010) | % | >10 | - |
- | Tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân(*) | % | 5,4 | - |
- | Tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng bình quân(*) | % | 11,1 | - |
- | Tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân (*) | % | 11,5 | - |
2 | GRDP bình quân đầu người | Triệu đồng | 72,0 | 182,7 |
3 | Cơ cấu GRDP |
|
|
|
- | Nông, lâm nghiệp và thủy sản | % | 13,0 | 82,8 |
- | Công nghiệp, xây dựng | % | 44,5 | 103,2 |
- | Dịch vụ | % | 42,5 | 103,2 |
4 | Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản |
|
|
|
- | Tổng sản lượng lương thực có hạt | Nghìn tấn | 340,0 | 120,6 |
- | Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản | Triệu đồng | 80,0 | 172,0 |
- | Diện tích rừng trồng mới | Ha | 29.000 | 87,2 |
- | Diện tích nuôi trồng thủy sản | Ha | 2.100 | 105,7 |
5 | Sản xuất công nghiệp |
|
|
|
- | Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá ss 2010) | Tỷ đồng | 33.500 | 187,9 |
6 | Đầu tư |
|
|
|
- | Tổng vốn đầu tư toàn xã hội | Tỷ đồng | 160.000 | 202,5 |
7 | Thương mại - dịch vụ |
|
|
|
- | Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ | Tỷ đồng | 28.500 | 191,4 |
- | Giá trị XNK hàng hóa trên địa bàn | Triệu USD | 4.600 | 214,5 |
- | Tổng lượng khách du lịch | Nghìn lượt người | 4.500 | 215,0 |
- | Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn | Tỷ đồng | 9.000 | 163,5 |
8 | Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới |
|
|
|
- | Tỷ lệ thôn, bản có đường giao thông liên thôn | % | 100 | 100,0 |
- | Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia | % | 96,0 | 103,1 |
- | Tổng số xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới | Xã | 50 | 238,1 |
II | Về Văn hóa Xã hội |
|
|
|
1 | Giáo dục - Đào tạo, việc làm |
|
|
|
- | Số xã, phường, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở | Xã, phường, thị trấn | 164 | 100,0 |
- | Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia | % | 57,7 | 127,7 |
- | Số lao động có việc làm mới | Người | 60.000 | 103,8 |
- | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | % | 65,0 | 118,2 |
- | Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề | % | 55,0 | 127,6 |
- | Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp | % | 63,0 | - |
2 | Y tế |
|
|
|
- | Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên | % | 1,20 | - |
- | Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng | % | 18,0 | - |
- | Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động | % | 100 | 104,4 |
- | Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế | % | 100 | 174,5 |
- | Số bác sỹ/ vạn dân | Bác sỹ | 11,0 | 112,2 |
3 | Giảm nghèo |
|
|
|
- | Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm | % | 3-4 | 64,7 |
4 | Văn hóa - Thể thao |
|
|
|
- | Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa | % | 83,0 | 101,2 |
- | Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa | % | 75,0 | 111,9 |
- | Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa | % | 95,0 | 100,0 |
- | Tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa | % | 80,0 | - |
- | Tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên | % | 35,0 | 100,0 |
III | Về Môi trường |
|
|
|
1 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | >56 | 105,1 |
2 | Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh | % | 95,0 | 111,8 |
3 | Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch | % | 100 | 108,7 |
4 | Tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung | % | 100 | 200,0 |
5 | Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý | % | 90,0 | 105,9 |
6 | Tỷ lệ các xã được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt | % | 75,0 | 150,0 |
Ghi chú: (*) Tốc độ tăng trưởng các ngành giai đoạn 2011-2015 theo giá cố định 1994; tốc độ tăng trưởng kế hoạch giai đoạn 2016-2020 theo giá so sánh 2010.
- 1 Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội
- 2 Nghị quyết 01/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2016 của thành phố Hà Nội
- 3 Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do tỉnh Nam Định ban hành
- 4 Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2016 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do tỉnh Long An ban hành
- 5 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2016 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 6 Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2016 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 7 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2017 tỉnh Điện Biên
- 8 Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 9 Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 10 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2 Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 3 Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2016 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2016 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do tỉnh Long An ban hành
- 5 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2016 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 6 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2017 tỉnh Điện Biên
- 7 Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội
- 8 Nghị quyết 01/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2016 của thành phố Hà Nội
- 9 Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do tỉnh Nam Định ban hành