Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 16 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ;

Xét Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 409/BC-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2014 của Ban Dân tộc của HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM

Quan điểm chung là: Bảo tồn kết hợp với phát triển bền vững.

1. Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ và các hình thức bảo tồn khác nhằm bảo đảm hiệu quả công tác bảo tồn, tính thống nhất và phù hợp với điều kiện của từng vùng trên phạm vi cả nước, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

2. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học.

3. Thống nhất theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của hệ thống các khu bảo tồn, rừng đặc dụng, vùng nước hiện có.

4. Bảo đảm an toàn đa dạng sinh học, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

6. Tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các nước có chung biên giới. Quản lý đa dạng sinh học của tỉnh có sự gắn kết, hòa nhập với bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, khu vực và quốc tế đặc biệt là kết hợp giữa các vùng lãnh thổ, các ngành, lĩnh vực không gian mở với các vùng Tây Bắc bộ và các tỉnh của nước CHDCND Lào có chung biên giới với Sơn La.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh bao gồm các hệ sinh thái, các loài, nguồn gen và các chức năng của chúng phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Bảo tồn phát triển các hệ sinh thái đặc thù vốn có của tỉnh Sơn La và giám sát đa dạng sinh học tỉnh Sơn La.

- Xây dựng dự án đầu tư cho khu bảo tồn thiên nhiên mới và khu bảo vệ cảnh quan (văn hóa- lịch sử - môi trường).

- Xây dựng các v­ườn thực vật, trại cứu hộ, thuần dưỡng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài vật nuôi, cây trồng bản địa và quý hiếm. Đánh giá sự hiện diện các nhóm sinh vật ngoại lai và sự xâm lấn của chúng đối với các nhóm sinh vật bản địa.

- Quản lý bền vững đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đánh giá tác động đến môi tr­ường và đa dạng sinh học của các chương trình phát triển trên địa bàn tỉnh.

- Tăng c­ường năng lực cho cơ quan quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu đa dạng sinh học.

III. TẦM NHÌN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030

Đến năm 2030, xã hội khẳng định được tầm quan trọng của đa dạng sinh học là nền tảng đảm bảo cho phát triển bền vững của tỉnh cũng như toàn quốc; tài nguyên đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học tiên tiến, pháp luật, chính sách và cơ chế quản lý hiệu lực và hiệu quả nhằm phục vụ lợi ích thiết yếu cho xã hội bao gồm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Đến năm 2020

1.1. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh Sơn La

1.1.1. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

Tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Sơn La đến năm 2020 với mục tiêu bảo vệ môi trường: Đến năm 2015 độ che phủ rừng đạt 45,7%; đến năm 2020 đạt 55%. Để đảm bảo được mục tiêu bảo vệ phát triển rừng, đến năm 2020 thì cần quy hoạch chuyển đổi giữa 3 loại rừng và cải tạo đưa diện tích đất chưa sử dụng để trồng mới và khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng. Dự báo đến năm 2020 diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có khoảng 779.594,2 ha, tăng so với 2012 là 145.877,12 ha.

1.1.2. Bố trí cơ cấu rừng

Tính đến tháng 12 năm 2012, tỉnh Sơn La có 633.687 ha rừng gồm: rừng tự nhiên 609.698 ha, rừng trồng 23.989 ha. Để đạt mục tiêu độ che phủ rừng 55%, quy hoạch đến năm 2020 như­ sau:

Tổng diện tích rừng: 779.594 ha; trong đó: Rừng tự nhiên 698.716 ha; rừng trồng 80.878 ha; phân theo 03 loại rừng bao gồm: rừng thuộc khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh 79.000 ha; rừng phòng hộ 356.658 ha; rừng sản xuất 343.936 ha.

Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ: Quản lý bền vững tài nguyên rừng, tập trung xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, đầu nguồn sông Mã, vùng đầu nguồn các công trình thủy điện nhỏ và vừa trong tỉnh. Bảo tồn và phát triển tốt các khu rừng đặc dụng đã có. Đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, tái sinh có kết hợp trồng rừng bổ sung; khuyến khích phát triển hệ thống rừng sản xuất, trọng tâm là rừng nguyên liệu. Tập trung hoàn thiện và triển khai chính sách thu phí môi trường rừng góp phần giảm nghèo và phát triển thủy điện bền vững.

1.1.3. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng

a) Các khu vực trọng điểm về bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước quy hoạch đến năm 2020 tại tỉnh bao gồm:

- Hồ thủy điện Hòa Bình (phạm vi tỉnh Sơn La): Diện tích khoảng 10.000 ha; phân hạng: Bảo tồn loài và sinh cảnh; phân loại: Đất ngập nước; cấp quản lý: cấp tỉnh; thuộc địa phận các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La.

- Hồ thủy điện Sơn La: Diện tích 22.400 ha; phân hạng: Bảo tồn loài và sinh cảnh; phân loại: Đất ngập nước; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc địa phận các huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai.

- Sông Mã (phạm vi tỉnh Sơn La): Diện tích khoảng 600 ha; phân hạng: Bảo tồn loài và sinh cảnh; phân loại: Đất ngập nước; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc các huyện Sông Mã, Thuận Châu.

b) Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ: Từng bước xây dựng và hoàn thiện các cơ quan quản lý, các đơn vị sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu đối với các vùng đất ngập nước trong tỉnh; rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng đối tượng nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thủy sản; phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng, cá bè trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh xây dựng trung tâm giống thủy sản kết hợp kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác mang tính hủy diệt và giảm dần các nghề khai thác tận thu; thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường, giám sát sự biến động của các hệ sinh thái và chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác thủy sản; quản lý tốt quy trình vận hành các hồ chứa, các công trình khai thác khoáng sản lòng sông.

1.2. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn

1.2.1. Duy trì và bảo vệ 04 khu vực dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh

- Khu bảo tồn tự nhiên Copia: Diện tích 6.311 ha; phân hạng: Dự trữ thiên nhiên; phân loại: Trên cạn; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc địa phận các xã: Nậm Lầu, Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu).

- Khu bảo tồn tự nhiên Sốp Cộp: Diện tích 18.020 ha; phân hạng: Dự trữ thiên nhiên; phân loại: Trên cạn; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc địa phận các xã: Nậm Mằn, Huổi Một, Mường Cai (huyện Sông Mã), Púng Bánh, Sốp Cộp, Dồm Cang (huyện Sốp Cộp).

- Khu bảo tồn tự nhiên Tà Xùa: Diện tích 16.553 ha; phân hạng: Dự trữ thiên nhiên; phân loại: Trên cạn; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc địa phận các xã: Háng đồng, Tà Xùa (huyện Bắc Yên), Suối Tọ, Mường Thải (huyện Phù Yên).

- Khu bảo tồn tự nhiên Xuân Nha: Diện tích 18.116 ha; phân hạng: Dự trữ thiên nhiên; phân loại: Trên cạn; cấp quản lý: Cấp tỉnh; thuộc địa phận các xã: Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha (huyện Vân Hồ), Lóng Sập, Chiềng Sơn, (huyện Mộc Châu).

Biện pháp tổ chức thực hiện: Khảo sát, đánh giá và xác định các ranh giới cũng như đưa ra các chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng có thêm thu nhập từng bước đi vào ổn định đời sống trước mắt và lâu dài; có chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân tích cực hoạt động quản lý bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh nghề rừng có hiệu quả; sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ cho sự phát triển lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cho nông dân nông thôn làm nghề rừng được hưởng lợi ích từ nghề rừng, vườn rừng đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương; chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng có các chương trình bảo vệ rừng điển hình, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của nhà nước… Những chính sách phù hợp sẽ là cơ sở để các khu bảo tồn thiên nhiên phát huy đúng nhiệm vụ và chức năng của mình.

1.2.2. Xây dựng thêm 01 khu bảo tồn thiên nhiên Mường La

- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới: Khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn 3 xã Hua Trai, Ngọc Chiến và Nậm Păm của huyện Mường La nằm ở phía Bắc của tỉnh Sơn La, cách Thị trấn huyện Mường La 50 km và cách thành phố Sơn La 120km về phía Tây Nam. Khu vực rừng phòng hộ là phần phía Tây Nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn.

- Diện tích khoảng 20.000 ha và có tọa độ địa lý trong khoảng từ 21o38’ đến 21o48’ vĩ độ Bắc và từ 103o56’ đến 104o10’ kinh độ Đông nằm trọn trong địa giới hành chính huyện Mường La. Phía Đông Bắc giáp huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) nối liền khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Căng Chải (khu vực này là vùng lõi có diện tích khoảng 5000 ha).

- Phân hạng khu bảo tồn: dự trữ thiên nhiên; phân loại: trên cạn; cấp quản lý: cấp tỉnh.

- Các biện pháp tổ chức quản lý: Quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi sinh thái các nhóm động thực vật trước đây đã có trong khu vực; tổ chức nghiên cứu khoa học và dịch vụ nghiên cứu khoa học về rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống hợp pháp trong khu dự trữ thiên nhiên: Quy hoạch dân cư, tạo quỹ đất sản xuất và phát triển những cây con phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu dự trữ thiên nhiên để người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững và bảo vệ, phát triển rừng cùng với các lực lượng bảo vệ rừng; nghiên cứu cơ chế giao đất giao rừng cho người dân để người dân cùng thực hiện mô hình đồng sở hữu rừng; phát triển các dịch vụ sinh thái rừng và tăng cường áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ sinh thái rừng, đảm bảo lợi ích cho cả người sử dụng và người cung cấp dịch vụ sinh thái; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo.

1.2.3. Quy hoạch 01 khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh

Xây dựng thêm khu bảo vệ cảnh quan văn hóa - lịch sử - môi trường (VH-LS-MT). Khu rừng mang tên: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”: phân hạng: Khu bảo vệ cảnh quan văn hóa - lịch sử - môi trường.

- Phân loại: trên cạn; cấp quản lý: cấp tỉnh.

- Diện tích khoảng 247 ha; Vị trí địa lý: Thuộc bản Nhọt, xã Gia Phù thuộc huyện Phù Yên (21o13’6” N, 104o32’31” E).

- Các biện pháp tổ chức quản lý: Quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi sinh thái các động thực vật trước đây đã có trong khu vực; tổ chức nghiên cứu khoa học và dịch vụ nghiên cứu khoa học về rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; bảo tồn cảnh quan di tích lịch sử văn hóa.

- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống trong khu bảo tồn: Nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học; cải thiện sinh kế cho người dân, thu hút họ tham gia các hoạt động bảo tồn theo phương thức đồng quản lý (cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm); bảo tồn địa bàn di sản lịch sử văn hóa, kiến thức bản địa; bảo tồn giống, nguồn gen gốc bản địa.

1.3. Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ

1.3.1. Quy hoạch hệ thống vườn thực vật

Vườn sưu tập thực vật Chiềng Sinh: Diện tích 37 ha; thuộc địa phận phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (21o15’34” N, 103o59’26” E). Vườn hiện nay thuộc Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Tây Bắc quản lý. Khu vực này có hạ tầng cơ sở tốt như nhà và vườn, ranh giới đã có. Diện tích rừng tái sinh xung quanh còn khá lớn dọc Quốc lộ 6 cũ. Đầu tư­ và mở rộng, v­ườn sưu tập thực vật Chiềng Sinh phát triển quy mô lớn hơn, sưu tập được thêm nhiều cây quý hiếm hơn và có thể mở cửa đón khách tham quan cũng như học tập.

1.3.2. Quy hoạch các v­ườn thú

Hiện nay chỉ có khu trại thú thuần hóa và nuôi dưỡng động vật hoang dã diện tích 2.000 m2 thuộc Trung tâm khoa học sản xuất Lâm nghiệp vùng Tây Bắc; tiếp tục duy trì khu vực vườn sưu tập thực vật Chiềng Sinh để xây dựng trại cứu hộ, thuần dưỡng thú.

1.3.3. Quy hoạch các nhà bảo tàng thiên nhiên, vườn sưu tập cây thuốc, ngân hàng gen

 Tận dụng diện tích vườn sưu tập thực vật Chiềng Sinh nằm trên địa bàn phường Chiềng Sinh để phát triển kết hợp thành bảo tàng thiên nhiên, vườn sưu tập cây thuốc, ngân hàng gen cho Sơn La và khu vực Tây Bắc.

1.3.4. Quy hoạch bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế đặc biệt

 Sử dụng đất trồng cây lâu năm để bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế:

- Về địa bàn, diện tích: Mộc Châu 6.860; Sông Mã 5.297 ha; Thuận Châu 3.713 ha; Mai Sơn 3.827 ha; Yên Châu 3.743 ha; Mường La 3.545 ha; Thành phố Sơn La 2.769 ha.

- Các giống cây trồng, vật nuôi ưu tiên bảo tồn: Cây lương thực (giống lúa nước: Tan nhe, tan hin, tan lo, tan lanh, săm ba tong, I1, nếp tan Mường Và; giống lúa cạn: Nếp con giòi, nếp đuôi trâu, nếp viêng, nếp cẩm; giống ngô: Ngô nếp mỡ gà, ngô mèo; giống khoai: Khoai sọ Củ Cang); cây ăn quả (quýt ngọt, đào mèo, xoài trứng Yên Châu, cam Mường Và); cây công nghiệp (chè san bản địa, cà phê Tirica, bông vải màu); giống vật nuôi (bò u địa phương, trâu ngố, lợn địa phương 6 điểm trắng, gà Hmông, gà đen Sam Kha, gà tre, ngỗng cỏ, ngan dé, vịt Mường Khiêng, trâu đen Mường Lạn).

2. Tầm nhìn đến năm 2030

2.1. Xác định các điểm đa dạng sinh học có hệ sinh thái tự nhiên và tiềm năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng; tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái.

2.2. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn mới.

2.3. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

2.4. Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học đã được đề xuất.

V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN BẢO TỒN

Các nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2014 - 2020

(ĐVT: Triệu đồng)

TT

Tên nhiệm vụ, dự án

Số năm thực hiện

Cơ quan chủ trì thực hiện

Cơ quan phối hợp

Tổng kinh phí

Kinh phí năm giai đoạn 2014 -2015

Kinh phí 2016 - 2020

1

Quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, vườn thực vật, trạm cứu hộ, thuần dưỡng thú, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

3

Sở NN&PTNT

Sở TN&MT; các Khu bảo tồn thiên nhiên

5.450

2.450

3.000

2

Điều tra, thu thập bổ sung đa dạng sinh học; Quy hoạch phục hồi rừng đầu nguồn các lưu vực thuộc tỉnh; triển khai mô hình quản lý rừng bền vững;

4

Sở TN&MT

Các sở TN&MT, KHCN

1.900

600

1.300

3

Lập quy trình Quan trắc diễn biến đa dạng sinh học; Điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu các hồ chứa, các thủy vực. và cấp khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Sơn La

4

Sở TN&MT

Các sở NN&PTN, KHCN

1.300

300

1.000

4

Xây dựng và áp dụng các mô hình canh tác nông nghiệp trên đất dốc;

5

Sở NN&PTNT

Các sở TN&MT, KHCN

1.200

300

900

5

Điều tra, đánh giá, thử nghiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh Sơn La.

3

Sở NN&PTNT

Các sở TN&MT KHCN, Công thương

1.700

500

1200

6

Đào tạo, tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học

5

Sở TN&MT

Các sở NNPTNT, KHCN, VHTTDL

1.500

300

1.200

VI. KHÁI TOÁN TỔNG MỨC VỐN ĐẦU TƯ VÀ NGUỒN VỐN

1. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư

- Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 của dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: 13.050.000.000 đồng (mười ba tỷ, không trăm năm mươi triệu đồng).

Giai đoạn 2014 - 2015: 4.450.000.000 đồng.

Giai đoạn: 2016 - 2020: 8.600.000.000 đồng.

2. Nguồn vốn

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ hàng năm theo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường từ ngân sách tỉnh và hỗ trợ của Trung ương.

Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng được sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường, vốn khoa học và công nghệ, vốn sự nghiệp kinh tế và các nguồn vốn từ các chương trình, dự án của tỉnh, trong và ngoài nước.

VII. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch

 Để thực hiện Quy hoạch và các kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học nhu cầu về vốn, các giải pháp về vốn bao gồm:

- Ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm.

- Nguồn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Kiện toàn lại các cơ quan quản lý về đa dạng sinh học của tỉnh và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý đa dạng sinh học cấp tỉnh, huyện, xã. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đa dạng sinh học và thực thi pháp luật về đa dạng sinh học. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn.

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý đa dạng sinh học. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; từ đó có những hành động thiết thực để bảo tồn đa dạng sinh học.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ

Đẩy mạnh việc nghiên cứu điều tra cơ bản, ứng dụng về đa dạng sinh học, quy hoạch các khu bảo tồn; phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn; xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư gắn với yêu cầu về bảo vệ đa dạng sinh học. Lồng ghép nhiệm vụ và chỉ tiêu về bảo vệ đa dạng sinh học vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, các dự án phát triển của tỉnh. Xây dựng chính sách và chế định cụ thể trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trên cơ sở luật đa dạng sinh học, luật môi trường, chiến lược phát triển bền vững của cả nước, có chính sách và biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý cương quyết, hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và đa dạng sinh học do các hoạt động kinh tế gây ra. Thực thi nghiêm ngặt Luật Bảo vệ môi trường, kế hoạch hành động đa dạng sinh học của cả nước.

5. Giải pháp về hợp tác quốc tế

Tăng cường tham gia các dự án quốc tế do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực nước ngoài và tăng cường hợp tác về đa dạng sinh học với nước bạn Lào.

6. Giải pháp về tổ chức thực hiện

- Phân công trách nhiệm cụ thể giữa các sở, ban, ngành; phân công trách nhiệm giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. Tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện chiến lược đa dạng sinh học quốc gia; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đa dạng sinh học của tỉnh.

- Tổ chức giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra với tiến độ, thời gian và nguồn lực dự kiến. Trên cơ sở đánh giá tổng quan việc thực hiện và kết quả đạt được, tìm ra những bất hợp lý trong hệ thống các cơ chế, chính sách, biện pháp thực hiện để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh hoàn thiện, công bố và tổ chức thực hiện nghị quyết.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Sơn La khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2014./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ban Công tác Đại biểu của UBTV Quốc hội;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- TT Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lãnh đạo, chuyên viên: VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH và HĐND, VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT, 450 (bản)

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất