Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2013/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 03 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ XI MĂNG ĐỂ ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THÔN, XÓM, ĐƯỜNG RA ĐỒNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2012-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 773-TB/TU ngày 21/02/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định cơ chế hỗ trợ xi măng để đầu tư xây dựng đường thôn, xóm và đường ra đồng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 26/BC-SKHĐT ngày 16/01/2013 về cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng hỗ trợ xi măng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cơ chế hỗ trợ xi măng để đầu tư các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT; CV: TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ HỖ TRỢ XI MĂNG ĐỂ ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THÔN, XÓM, ĐƯỜNG RA ĐỒNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2012-2015
(Kèm theo Quyết định số: 04/2013/QĐ-UBND ngày 08/3/2013 của UBND tỉnh)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Hưng Yên đầu tư các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015 được tỉnh hỗ trợ xi măng.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Hàng năm, căn cứ nguồn vón được bố trí trong kế hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt số lượng đường thôn, xóm, đường ra đồng của các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xi măng; các xã, phường, thị trấn đã được phê duyệt sẽ được hỗ trợ 100% xi măng tính theo khối lượng m3 bê tông thực hiện làm mới, cải tạo đường thôn, xóm, đường ra đồng (theo tiêu chuẩn thiết kế mẫu của Sở Giao thông vận tải):

- Đường thôn, đường ra đồng: Hỗ trợ 07 bao xi măng (50kg/bao) loại xi măng PC300 cho 01 m3 bê tông (Đường theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt có chiều dầy 18 cm, đá 2x4);

- Đường xóm: Hỗ trợ 07 bao xi măng (50kg/bao) loại xi măng PC300 cho 01 m3 bê tông (Đường theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt có chiều dầy 14 cm, đá 2x4);

Chỉ hỗ trợ xi măng để làm mặt đường; không hỗ trợ xi măng làm móng đường, nền đường.

Ưu tiên hỗ trợ các xã đạt nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng có mặt đường tối thiểu 3m.

2. Ngoài diện hỗ trợ của tỉnh:

- UBND các huyện, thành phố có kế hoạch hỗ trợ các xã, phường, thị trấn xây dựng các tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng;

- UBND các xã, phường, thị trấn có kế hoạch hỗ trợ làm đường các thôn, xóm và đường ra đồng.

3. Khuyến khích các xã, phường, thị trấn đầu tư các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước như: nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, hỗ trợ của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và UBND các cấp

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện quy định này; tổng hợp kế hoạch hỗ trợ, đề xuất cân đối nguồn vốn, cơ chế huy động vốn hỗ trợ;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch nguồn vốn mua xi măng, trên cơ sở thiết kế mẫu và danh mục đường thôn, xóm, đường ra đồng của các xã, phường, thị trấn đã được UBND phê duyệt;

- Căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước, tổ chức đấu thầu để lựa chọn 03 nhà thầu cung ứng xi măng (nhà thầu phải có nhà máy sản xuất để có giá thành thấp);

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư công trình hoàn thành; báo cáo Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của tỉnh và UBND tỉnh theo định kỳ.

2. Sở Tài chính:

- Trình UBND tỉnh phê duyệt giá để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung ứng xi măng;

- Căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện thanh, quyết toán công trình hoàn thành;

- Quản lý, cấp phát kinh phí để mua xi măng hỗ trợ các xã, phường, thị trấn theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư công trình hoàn thành của các xã;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy định này.

3. Sở Giao thông vận tải:

- Căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước, lập, duyệt, hướng dẫn thiết kế mẫu và dự toán chi tiết các tuyến đường được hỗ trợ đầu tư;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy định này;

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư công trình hoàn thành của các xã.

5. UBND các huyện, thành phố:

- Hỗ trợ các xã, phường, thị trấn xây dựng các tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng ngoài các tuyến đường đã được tỉnh hỗ trợ;

- Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện huy động góp tự nguyện của nhân dân, tự nguyện hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân;

- Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai và thực hiện giám sát của các đoàn thể quần chúng và nhân dân trong quá trình cung ứng nguyên vật liệu và thi công các tuyến đường trong thôn, xóm, đường ra đồng;

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý và đầu tư xây dựng công trình.

6. UBND các xã, phường, thị trấn:

- Xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông qua HĐND xã, phường, thị trấn;

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới tới cộng đồng dân cư;

- Bằng các hình thức thích hợp, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất và đóng góp xây dựng đường thôn, xóm, đường ra đồng và đóng góp xây dựng nông thôn mới;

- Ký hợp đồng mua nguyên vật liệu để đầu tư xây dựng đường (trong đó có hợp đồng cung ứng xi măng của các đơn vị trúng thầu theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư);

- Quản lý mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Huy động nguồn lực của xã, phường, thị trấn, của nhân dân, của các tổ chức, tập thể và cá nhân tự nguyện đóng góp làm đường thôn, xóm, đường ra đồng;

- Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai và thực hiện giám sát của các đoàn thể quần chúng và nhân dân trong quá trình cung ứng nguyên vật liệu và thi công các tuyến đường trong thôn, xóm, đường ra đồng.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn; các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư:

- Thực hiện giám sát cộng đồng trong xây dựng đường thôn, xóm, đường ra đồng và xây dựng nông thôn mới theo quy định hiện hành;

- Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến đất và thực hiện cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới.