Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1029/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 "NGHIÊN CỨU CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC NHẰM CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ”, MÃ SỐ: KX.06/21-30

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030;

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021;

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” (sau đây gọi tắt là Chương trình), mã số: KX.06/21-30. Mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và chỉ tiêu đánh giá của Chương trình quy định tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Cơ chế quản lý và tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ
(để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban KHCNMT của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Lưu VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Giang

 

PHỤ LỤC

MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC NHẰM CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ”, MÃ SỐ: KX.06/21-30
(Kèm theo Quyết định số: 1029/QĐ-BKHCN ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục tiêu

Nhận diện tình hình quốc tế và khu vực để xây dựng chiến lược và các giải pháp đối ngoại phù hợp với tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và chủ động hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển và bảo đảm an ninh đất nước. Mục tiêu cụ thể bao gồm:

1. Tổng kết đường lối, chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam trong 40 năm qua để xây dựng chiến lược và các giải pháp đối ngoại phù hợp với tình hình mới.

2. Nhận diện cục diện, dự báo xu hướng vận động và những biến đổi mới trong môi trường quốc tế và khu vực.

3. Xác định những vấn đề quốc tế có tác động đến các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... của Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển đất nước.

II. Nội dung

1. Các vấn đề lý luận và thực tiễn chung

- Nghiên cứu đánh giá, tổng kết đường lối, chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam trong 40 năm qua; nghiên cứu cơ sở lý luận cho việc đổi mới tư duy đối ngoại và định hướng cho hoạt động đối ngoại trong thời gian tới.

- Nghiên cứu phát triển hoạt động đối ngoại độc lập, tự chủ và hiệu quả của Việt Nam.

- Nghiên cứu những xu hướng, vấn đề mới trên thế giới và trong khu vực; Nghiên cứu cơ hội và thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới; Nghiên cứu các lý thuyết mới trong quan hệ quốc tế, những vấn đề liên quan của quá trình toàn cầu hóa.

- Nghiên cứu tổng kết đánh giá chính sách của Việt Nam với một số đối tác chính và cơ chế quốc tế; Nghiên cứu phát triển quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam.

- Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về việc nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trong bối cảnh quốc tế mới.

- Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về ngoại giao khoa học và công nghệ là cơ sở để đề xuất một số định hướng chính cho chiến lược ngoại giao khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghiên cứu lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa đảm bảo quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế và đối ngoại.

2. Các vấn đề quốc tế và khu vực

- Những vấn đề mới về an ninh quốc tế và khu vực. Những thách thức mới và những biến đổi mới trong vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; Xu hướng và cách thức đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong tình hình mới; Hợp tác quốc tế trong các vấn đề an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, di cư, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bệnh dịch, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...).

- Các vấn đề khu vực: Cục diện Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đối sách của Việt Nam; Cạnh tranh chiến lược của các nước lớn trong khu vực và đối sách của Việt Nam; Dự báo xu hướng và những vấn đề trong phát triển của khu vực; Nghiên cứu về chiều hướng tập hợp lực lượng trên thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tác động tới các nước ASEAN; Xu hướng phát triển và vai trò của ASEAN đối với sự phát triển của Việt Nam; Hợp tác khu vực trong bối cảnh quốc tế mới; Nghiên cứu về hợp tác an ninh phát triển ở Biển Đông và ở tiểu vùng sông Mê kông; Biến đổi văn hóa, xã hội và con người, trật tự thế giới, khu vực tầm nhìn đến năm 2045...

- Các vấn đề quốc tế: Hệ thống quốc tế hậu đại dịch Covid-19; Sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông; Những biến đổi trong quan hệ quốc tế dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Vấn đề và vai trò của các nước đang phát triển; Vai trò của các định chế quốc tế, tổ chức khu vực đối với vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam.

- Các nước lớn và đối tác chiến lược: Điều chỉnh chiến lược và chính sách đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và tác động tới Việt Nam; Nghiên cứu vai trò của các nước lớn trong việc xây dựng nền quản trị toàn cầu tốt.

- Nghiên cứu xu thế hình thành các dự án khoa học và công nghệ quy mô lớn trên thế giới (Big Science) và đề xuất lộ trình và giải pháp thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam.

- Nghiên cứu xu hướng lưu chuyển tri thức trên toàn cầu (Knowledge Mobility) và đề xuất các giải pháp thu hút chất xám khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao cho Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

3. Hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: Cơ hội và thách thức; Mối quan hệ tương tác giữa các hiệp định tự do thế hệ mới với Hiệp định thương mại tự do khu vực và Hiệp định WTO.

- Vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

- Khai thác và phát huy các nguồn lực nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

- Sự chủ động của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào các định chế quốc tế phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

- Nghiên cứu một số quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam: Cạnh tranh nước lớn; Quan hệ song phương Việt Nam - cường quốc; Quan hệ đa phương trong đó Việt Nam là một bên tham gia.

- Xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả.

- Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và đề xuất các giải pháp thúc đẩy hội nhập sâu rộng của khoa học và công nghệ Việt Nam với thế giới.

- Hội nhập văn hóa, xã hội trong bối cảnh quốc tế mới.

III. Dự kiến sản phẩm

1. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Chương trình cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chiến lược và các giải pháp đối ngoại phù hợp với tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và chủ động hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển và bảo đảm an ninh đất nước.

2. Báo cáo chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ gửi đến cơ quan của Đảng và Nhà nước để cung cấp luận cứ khoa học phục vụ bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành chính sách, giải pháp... đáp ứng yêu cầu phát triển và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

3. Báo cáo chuyên đề khoa học của nhiệm vụ chuyển giao đến các tổ chức khoa học và công nghệ để làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

4. Ấn phẩm khoa học công bố kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ, bao gồm: bài tạp chí, sách khoa học xuất bản trong nước và quốc tế, kỷ yếu, báo cáo tại hội thảo/ hội nghị khoa học trong và ngoài nước.

IV. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học

1. Đáp ứng yêu cầu đặt hàng của cơ quan Đảng và Nhà nước; bảo đảm có tính mới về khoa học; khả thi thực hiện chuyển giao và ứng dụng để phục vụ xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

2. Kế thừa và phát triển các kết quả nghiên cứu đã có; Xác định rõ những vấn đề lý luận - thực tiễn đặt ra liên quan trực tiếp đến những vấn đề phát triển đối ngoại và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; Đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi.

V. Chỉ tiêu đánh giá

1. Về ứng dụng vào thực tiễn:

- Ít nhất 30% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến cơ quan của Đảng phục vụ xây dựng các dự thảo văn kiện của Đảng.

- Ít nhất 40% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến các cơ quan để xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.

2. Về trình độ khoa học

- 100% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư nhà nước.

- Ít nhất 20% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín.

- Ít nhất 70% nhiệm vụ có kết quả được xuất bản thành sách khoa học.

3. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

100% nhiệm vụ góp phần đào tạo sau đại học./.