Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1032/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÀ NGUỒN LỰC NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC”, MÃ SỐ: KX.03/21-30

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030;

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021;

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” (sau đây gọi tắt là Chương trình), mã số: KX.03/21-30. Mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và chỉ tiêu đánh giá của Chương trình quy định tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Cơ chế quản lý và tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban KHCNMT của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Lưu VT, KHTC.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Giang

 

PHỤ LỤC

MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÀ NGUỒN LỰC NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC”, MÃ SỐ: KX.03/21-30
(Kèm theo Quyết định số: 1032/QĐ-BKHCN ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục tiêu

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn nhằm nhận diện giá trị, nguồn lực nhân văn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tại các địa phương, vùng miền, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội, từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp để phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể bao gồm:

1. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, về vai trò, chức năng, nội dung hệ giá trị nói chung, nguồn lực nhân văn làm cơ sở để nhận diện các giá trị cụ thể và nguồn lực nhân văn ở Việt Nam phục vụ phát triển đất nước.

2. Nghiên cứu, nhận diện, phân tích các giá trị, nguồn lực nhân văn thực tế và tiềm năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tại các địa phương, vùng miền, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội; đánh giá thực trạng sử dụng, phát huy các giá trị, nguồn lực nhân văn của Việt Nam trong phát triển đất nước;

3. Luận giải và đề xuất hệ thống quan điểm, giải pháp mang tính chiến lược và cụ thể đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi và nguồn lực nhân văn, tạo động lực, sức mạnh phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

II. Nội dung

1. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn làm cơ sở cho việc phát hiện, phát huy giá trị, nguồn lực nhân văn của Việt Nam hiện nay, tạo động lực, sức mạnh phát triển đột phá, toàn diện, nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045:

- Nghiên cứu về giá trị, giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi: giá trị phổ quát, giá trị toàn cầu, giá trị khu vực, giá trị quốc gia, giá trị đặc thù, giá trị cộng đồng, giá trị gia đình, giá trị cá nhân, giá trị truyền thống, giá trị phi truyền thống, các giá trị đạo đức, các giá trị văn hóa, giá trị pháp luật, giá trị con người; các giá trị yêu nước, dân chủ, công bằng, văn minh, tự do, Hòa Bình, hạnh phúc.

- Nghiên cứu, nhận diện các giá trị, nguồn lực nhân văn trong các lĩnh vực: văn hóa; xã hội; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính trị; kinh tế, môi trường xã hội, sinh thái; tôn giáo, tín ngưỡng; quốc phòng, an ninh; đối ngoại.

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phát huy các giá trị, nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước, làm cơ sở cho việc tiếp thu tinh hoa giá trị, hệ giá trị toàn cầu, phát triển hệ giá trị quốc gia, nguồn lực nhân văn Việt Nam làm điều kiện cho hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn thực tế và tiềm năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, các địa phương, vùng miền, các cộng đồng người, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội:

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn của các di sản văn hóa vật thể thông qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn của các loại hình văn hóa phi vật thể qua hệ thống lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, các loại hình nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, hát chèo, tuồng, cải lương,...), nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trang phục dân tộc, nghệ thuật ẩm thực.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn của văn hóa - nghệ thuật được kết tinh trong sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn của tri thức bản địa, đặc thù văn hóa vùng miền gắn với tiềm năng, lợi thế phát triển của từng địa phương, vùng, miền trên cả nước.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn thuộc về con người, phong tục, tập quán, lối sống, truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, truyền thống cố kết trong gia đình, cộng đồng, nhóm xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng cư dân ở Việt Nam... tạo ra lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn trong phát triển các địa phương, vùng miền và các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các giá trị, nguồn lực nhân văn trên không gian mạng.

- Nghiên cứu số hóa các giá trị, nguồn lực nhân văn.

3. Nghiên cứu, luận giải được hệ quan điểm, phương hướng mang tính định hướng, chiến lược nhằm định hình, phát triển hệ giá trị, giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn, tạo động lực, sức mạnh phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề xuất quan điểm, giải pháp phát huy hệ giá trị và nguồn lực nhân văn trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội phục vụ phát triển:

- Phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa;

- Phát triển khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;

- Phát triển cộng đồng, chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật, người yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội;

- Phát triển giáo dục, đào tạo;

- Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe;

- Bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội;

- Công tác định hướng truyền thông trong bối cảnh xã hội chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

III. Dự kiến sản phẩm

1. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Chương trình về giá trị, giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, về nguồn lực nhân văn, các loại nguồn lực nhân văn; về thực trạng các giá trị và nguồn lực nhân văn được nhận diện, phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tại các địa phương, vùng miền, cộng đồng tộc người, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội; về quan điểm, giải pháp được đề xuất nhằm phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Báo cáo chuyển giao kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước về việc: đề xuất ứng dụng, sử dụng quan điểm, giải pháp mang tính chiến lược và sách lược phát huy các giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn để tạo động lực, sức mạnh phát triển đất nước; đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể nhằm phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tham gia vào việc giải quyết nhu cầu lao động, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân, cộng đồng xã hội.

3. Báo cáo khoa học của nhiệm vụ chuyển giao đến các tổ chức khoa học và công nghệ (viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, v.v...) để làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

4. Ấn phẩm khoa học công bố kết quả nghiên cứu mới của nhiệm vụ, bao gồm: bài tạp chí; sách khoa học xuất bản trong nước và quốc tế; kỷ yếu, báo cáo tại hội thảo/hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.

IV. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học

1. Đáp ứng yêu cầu theo đề xuất đặt hàng của cơ quan Đảng và Nhà nước để giải quyết vấn đề cụ thể đặt ra từ thực tiễn; bảo đảm có tính mới về khoa học; khả thi thực hiện chuyển giao và ứng dụng để phục vụ xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực.

2. Luận giải, cập nhật được thành tựu nghiên cứu có liên quan ở trong và ngoài nước về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi và nguồn lực nhân văn; xác định rõ vấn đề thực tiễn đặt ra về phát hiện và phát huy các giá trị và nguồn lực nhân văn ở Việt Nam hiện nay; đề xuất quan điểm, phương hướng, giải pháp phát huy giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi và nguồn lực nhân văn tạo động lực, sức mạnh phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

V. Chỉ tiêu đánh giá

1. Về ứng dụng vào thực tiễn:

- Ít nhất 20% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến cơ quan của Đảng phục vụ xây dựng các dự thảo văn kiện của Đảng.

- Ít nhất 40% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến các cơ quan của Nhà nước có liên quan trong việc ứng dụng, sử dụng cho việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhanh, bền vững đất nước hiện nay; phát triển sản xuất và du lịch, dịch vụ; giải quyết nhu cầu lao động, việc làm, nâng cao đời sống của người dân, cộng đồng xã hội trong quá trình lưu giữ, sở hữu các giá trị, nguồn lực văn hóa và nhân văn.

2. Về trình độ khoa học:

- 100% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư nhà nước.

- Ít nhất 20% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín.

- Ít nhất 50% nhiệm vụ có kết quả được xuất bản thành sách khoa học.

5.3. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

100% nhiệm vụ góp phần đào tạo đại học và sau đại học./.