Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10293/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Công đoàn Cơ quan Bộ;
- Website MOIT;
- Lưu: VT, TĐKT.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10293/QĐ-BCT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Điều 1. Chức năng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Công Thương về công thi đua, khen thưởng ngành Công Thương.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng

1. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phối hợp với các tổ chức Đảng, Công đoàn, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua của ngành.

2. Định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn; phát hiện, đề xuất, nhân rộng những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong ngành; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng.

3. Theo dõi chỉ đạo công tác thi đua thuộc phạm vi ngành Công Thương. Đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị trong ngành.

4. Xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt xuất sắc để đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

5. Yêu cầu Hội đồng thi đua của các đơn vị trong ngành làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác thi đua khen thưởng của đơn vị mình.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng

Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hội đồng, chủ trì và kết luận các phiên họp của Hội đồng.

Điều 4. Phó Chủ tịch Hội đồng

Phó Chủ tịch Hội đồng đảm nhận, chịu trách nhiệm phát động, theo dõi các phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh trong ngành; chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến; chủ trì các phiên họp của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.

Điều 5. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng

Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn như Điều 4, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng còn có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Là người trực tiếp phụ trách Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Công Thương.

2. Lập kế hoạch và chương trình công tác của Hội đồng.

3. Thông qua dự thảo chương trình, nội dung công tác trình Hội đồng thảo luận tại các phiên họp, thông báo kết luận các phiên họp Hội đồng.

4. Tham mưu, tổ chức phát động các phong trào thi đua trong ngành.

5. Chuẩn bị báo cáo sơ kết, tổng kết công tác thi đua khen thưởng của Bộ.

6. Tổng hợp, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thi đua khen thưởng đối với các đơn vị trong ngành.

7. Thừa lệnh Bộ trưởng ký văn bản trả lời, giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ, điều hành công việc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác thi đua khen thưởng.

8. Giải quyết công việc hàng ngày của Hội đồng liên quan đến công tác thi đua khen thưởng.

Điều 6. Các thành viên Hội đồng

Các thành viên Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Theo dõi chỉ đạo các phong trào thi đua thuộc phạm vi mình phụ trách; đề xuất và tham gia ý kiến về các hình thức khen thưởng, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong việc xét khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị trong ngành.

2. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng và các chủ trương công tác của Hội đồng thuộc phạm vi mình phụ trách.

3. Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng theo quy định. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo với Chủ tịch Hội đồng.

Điều 7. Thường trực của Hội đồng

Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương là Thường trực của Hội đồng, có nhiệm vụ:

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác thi đua, khen thưởng.

2. Tổ chức thẩm định, lưu giữ hồ sơ đề nghị khen thưởng, đề xuất các hình thức khen thưởng và chế độ khen thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng để trình Hội đồng xem xét, quyết định.

3. Tổng hợp, thu thập các thông tin về hoạt động, sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực khác của các đơn vị trong ngành phục vụ việc đánh giá và đề xuất các hình thức khen thưởng.

4. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và dự trù kinh phí hoạt động (của Hội đồng) hàng năm cho công tác thi đua, khen thưởng.

5. Vận động các nguồn tài trợ và quản lý sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ, chỉ đạo và kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ thi đua khen thưởng ở các đơn vị trong ngành.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế về thi đua khen thưởng theo quy định của pháp luật

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 8. Phiên họp của Hội đồng

1. Hội đồng họp định kỳ mỗi quý một lần, Chủ tịch hội đồng (hoặc Phó chủ tịch Hội đồng khi được ủy quyền) điều hành các phiên họp của Hội đồng.

2. Phiên họp quý IV của Hội đồng tiến hành đánh giá công tác thi đua khen thưởng của năm, thông qua kế hoạch phát động phong trào thi đua, khen thưởng cho năm sau.

3. Các phiên họp bất thường của Hội đồng chỉ được tổ chức khi Chủ tịch Hội đồng yêu cầu hoặc khi có quá một nửa tổng số ủy viên Hội đồng đề nghị.

4. Hội đồng tiến hành họp khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt và quyết định khen thưởng của Hội đồng chỉ có hiệu lực khi số phiếu biểu quyết tán thành trên 50% số thành viên Hội đồng.

5. Trường hợp không có đủ điều kiện tổ chức họp Hội đồng hoặc khi nội dung trình Hội đồng không đòi hỏi phải triệu tập họp thì thường trực Hội đồng chuẩn bị nội dung bằng văn bản (hoặc thư điện tử) và gửi trực tiếp đến các Ủy viên Hội đồng để lấy ý kiến.

Điều 9. Lấy ý kiến Hội đồng

1. Việc lấy ý kiến của Hội đồng bằng văn bản (hoặc thư điện tử) khi:

a) Có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng hoặc ý kiến của Phó chủ tịch Hội đồng.

b) Có ít nhất 70% số thành viên Hội đồng đồng ý với việc lấy ý kiến bằng văn bản (hoặc thư điện tử).

2. Đề nghị khen thưởng của các tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị trong ngành liên quan đến Vụ, Tổng cục, Cục chuyên ngành nào thì xin ý kiến của Vụ, Tổng cục, Cục chuyên ngành đó.

Điều 10. Kết quả lấy ý kiến

1. Khi đạt trên 50% số phiếu được hỏi ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định khen thưởng hay trình cấp trên đề nghị khen thưởng.

2. Đối với trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng thì phải tổ chức họp Hội đồng và kết quả bỏ phiếu kín phải có số phiếu đồng ý của thành viên Hội đồng từ 90% trở lên.

3. Chậm nhất sau năm ngày làm việc kể từ ngày hết hạn xin ý kiến, nếu người được xin ý kiến không trả lời thì được coi là đồng ý.

Điều 11. Công tác kiểm tra, giám sát Hội đồng

Hội đồng thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, chỉ đạo của Bộ Công Thương đối với công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong toàn ngành.

Điều 12. Quan hệ của Hội đồng với các cơ quan, đơn vị trong ngành

Quan hệ làm việc giữa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan, đơn vị là quan hệ chỉ đạo, phối hợp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị trong ngành Công Thương có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Điều 13. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng

1. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc công khai, tập trung, dân chủ. Hội đồng quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến các thành viên Hội đồng ngang nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng lả quyết định, các ý kiến khác với quyết định của Hội đồng được bảo lưu.

2. Việc bình xét thi đua, khen thưởng căn cứ vào thành tích của tập thể, cá nhân trong công tác xây dựng ngành, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

3. Nội dung các cuộc họp của Hội đồng được ghi đầy đủ, trung thực trong biên bản; được chủ tọa, thư ký Hội đồng ký và lưu tại Vụ Thi đua - Khen thưởng.

4. Khiếu nại, tố cáo của tập thể, cá nhân về thi đua, khen thưởng gửi đến Hội đồng được nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Các thành viên Hội đồng bảo đảm bí mật về nội dung và kết quả quá trình xét khen thưởng, chỉ khi có quyết định của Bộ trưởng hoặc thông báo của cơ quan thi đua, khen thưởng cấp trên mới được phổ biến rộng rãi.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Khen thưởng

Các thành viên Hội đồng có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ được Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đề xuất để Hội đồng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương khen thưởng.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Quy chế này làm căn cứ hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Hội đồng đề xem xét sửa đổi, bổ sung./.