Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3033/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 2118/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 1393/SNV-TĐKT ngày 13 tháng 10 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hùng Dũng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3033/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập có chức năng tham mưu cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng

1. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền;

2. Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn;

3. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua và thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng;

4. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo thẩm quyền.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức Hội đồng

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thành viên là lãnh đạo một số Sở, ban ngành, đoàn thể và cơ quan Đảng của thành phố.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố là Ban Thi đua - Khen thưởng - Sở Nội vụ.

Chương II

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ CỦA CHỦ TỊCH, CÁC PHÓ CHỦ TỊCH, CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG TĐKT THÀNH PHỐ VÀ CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC

Điều 4. Chủ tịch Hội đồng

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo mọi hoạt động của Hội đồng, chủ trì và kết luận các phiên họp của Hội đồng.

Điều 5. Các Phó Chủ tịch Hội đồng

1. Phó Chủ tịch Hội đồng do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đảm nhận, chịu trách nhiệm chủ trì, kết luận các phiên họp của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng đi vắng và ủy quyền, thay mặt Chủ tịch Hội đồng ký các văn bản của Hội đồng.

2. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng do lãnh đạo Sở Nội vụ (phụ trách Thi đua - Khen thưởng) đảm nhận, chịu trách nhiệm thường trực giải quyết các công việc của Hội đồng; chuẩn bị nội dung các cuộc họp Hội đồng; dự thảo các văn bản, tham mưu trình Hội đồng quyết định các công việc theo thẩm quyền của Hội đồng, ký các văn bản của Hội đồng theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.

3. Phó Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đảm nhận, chịu trách nhiệm phụ trách phong trào thi đua của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

4. Phó Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đảm nhận chịu trách nhiệm phụ trách theo dõi phong trào thi đua trong công nhân viên chức và lao động thuộc các thành phần kinh tế và thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng

Thành viên Hội đồng là người đại diện cho cơ quan, đoàn thể tham gia với tư cách đại diện cho một tổ chức, được sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của Quy chế này. Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các cụm, khối thi đua và phong trào thi đua thuộc phạm vi ngành, đoàn thể mình phụ trách;

2. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương công tác của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và Thường trực Hội đồng, định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng;

3. Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng theo quy định. Trường hợp vắng mặt không tham dự cuộc họp của Hội đồng, thành viên Hội đồng phải báo cáo với Chủ tịch Hội đồng;

4. Thực hiện việc bỏ phiếu xét khen thưởng theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Quy chế này.

5. Thành viên Hội đồng được phân công theo dõi các đơn vị, địa phương sau:

5.1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố: Tham mưu tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản thuộc công tác thi đua, khen thưởng của thành phố do Sở Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng) trình;

5.2. Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra: Phụ trách theo dõi khối cơ quan báo đài và huyện Thới Lai;

5.3. Đại diện Ban Tổ chức, Ban Dân vận: Phụ trách theo dõi các cơ quan Đảng, quận Bình Thủy và quận Ô Môn;

5.4. Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phụ trách theo dõi khối công nhân các doanh nghiệp;

5.5. Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố: Phụ trách theo dõi khối quân sự địa phương và quận Cái Răng;

5.6. Đại diện lãnh đạo Công an thành phố: Phụ trách khối an ninh và huyện Phong Điền;

5.7. Đại diện lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố: Phụ trách theo dõi khối Đoàn Thanh niên và quận Ninh Kiều;

5.8. Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố: Phụ trách theo dõi khối cơ quan Hội Phụ nữ và huyện Cờ Đỏ;

5.9. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân thành phố: Phụ trách theo dõi khối cơ quan Hội Nông dân và huyện Vĩnh Thạnh;

5.10. Đại diện lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh thành phố: Phụ trách theo dõi khối cơ quan Hội Cựu Chiến binh và quận Thốt Nốt;

5.11. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng: Phụ trách Thư ký Hội đồng.

Các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 7. Cơ cấu, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng

1. Thường trực Hội đồng gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng.

2. Thường trực Hội đồng có các nhiệm vụ sau đây:

a) Lập kế hoạch và chương trình công tác của Hội đồng;

b) Thông qua dự thảo chương trình nội dung công tác trình Hội đồng thảo luận tại các kỳ họp, thông báo kết luận các kỳ họp của Hội đồng;

c) Xử lý những vấn đề phát sinh đột xuất khi cần có ý kiến của tập thể Hội đồng do không thể chờ đến kỳ họp của Hội đồng hoặc không thể tổ chức họp Hội đồng, sau đó báo cáo lại với Hội đồng trong phiên họp Hội đồng gần nhất;

d) Thông qua dự thảo các văn bản để triển khai các chủ trương công tác và kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

3. Thường trực Hội đồng họp thường kỳ 03 tháng một lần. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng và các Phó Chủ tịch Hội đồng thường xuyên xem xét, kiểm tra tiến độ việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.

Điều 8. Cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng

1. Dự thảo nội dung các văn bản tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng;

2. Thực hiện nhiệm vụ Ban Kiểm phiếu để tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng khi xét khen thưởng; báo cáo kết quả kiểm phiếu và lập thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng đối với các trường hợp:

a) Đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên, tính trên tổng số thành viên của Hội đồng;

b) Đề nghị tặng thưởng Huân chương các loại, Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng như sau:

- Từ 80% trở lên đối với các hình thức đề nghị Huân chương các loại;

- Từ 75% trở lên đối với các hình thức Cờ của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tỷ lệ phiếu được tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng phiếu bầu).

c) Thời gian lấy ý kiến bằng phiếu bầu được gửi cho các thành viên Hội đồng vắng mặt sau khi kết thúc cuộc họp Hội đồng và thời gian các thành viên Hội đồng gửi lại ý kiến cho cơ quan Thường trực (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) tối đa không quá 03 ngày làm việc để tổng hợp và lập biên bản trình Chủ tịch Hội đồng. Nếu quá thời gian quy định xem như đã thống nhất.

3. Xem xét, tổng hợp hồ sơ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trình Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu Cờ thi đua; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét tặng danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố;

4. Tổ chức triển khai các kết luận của Hội đồng, thường trực giải quyết các công việc nghiệp vụ của Hội đồng, xử lý các thông tin, ý kiến đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện; tổng hợp báo cáo công tác của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố;

5. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và dự trù kinh phí hoạt động của Hội đồng (công tác tuyên truyền, hội họp, trình khen cao, làm ngoài giờ của thành viên Hội đồng và chi khác…); gửi tài liệu chuẩn bị họp cho thành viên Hội đồng trước 03 ngày.

Chương III

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 9. Phiên họp thường kỳ của Hội đồng

Hội đồng họp định kỳ 06 tháng một lần để đánh giá công tác của Hội đồng, tổng hợp tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng tiếp theo; xét khen thưởng theo thẩm quyền và cho ý kiến giải quyết những vấn đề cần thiết khác. Hội đồng có thể họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.

Điều 10. Công tác kiểm tra, giám sát

Hội đồng thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng ở các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố và các quận, huyện.

Điều 11. Quan hệ với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp

Quan hệ làm việc giữa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố, các quận, huyện là quan hệ chỉ đạo và phối hợp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Điều 12. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, biểu quyết theo đa số, các ý kiến khác nhau của các thành viên Hội đồng về việc đề xuất các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đều được báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, quyết định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Trụ sở cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đặt tại Ban Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở Nội vụ. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố có con dấu riêng.

Điều 14. Quy chế này là căn cứ hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố có trách nhiệm thực hiện Quy chế này./.