Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1043/QĐ-UBND

Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 04 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HIỆN CÓ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “ Tái cơ cấu ngành thủy lợi”;

Căn cứ Quyết định 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có;

n cứ Quyết định 785/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 99/TTr-SNN-KH ngày 04 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ; thành phố Bà Rịa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr. Tỉnh ủy (b/c);
- TTr-HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Như điều 3;
- Lưu: VT.KT8

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Quốc

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU”
(Kèm theo Quyết định số 1043/QĐ-UBND ngày 04/05/2016 của UBND tỉnh BR - VT)

Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 785/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 kèm theo Kế hoạch hành động thực hiện “ Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có”; Trên cơ sở đó UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành kế hoạch hành động thực hiện “ Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 49 công trình thủy lợi, bao gồm: 27 hồ chứa nước, 09 đập dâng, 03 kênh tiêu, 03 đê ngăn mặn, 01 đê ngăn lũ và 04 kè biển, 02 trạm bơm; tổng dung tích trữ của các hồ chứa nước theo thiết kế là 316,28 x 106 m3; trong đó:

- Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý 17 hồ chứa nước (trong đó có hồ chứa nước Sông Ray do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 làm chủ đầu tư), gồm 04 hồ chứa có dung tích trữ trên 10 x 106 m3; 11 hồ chứa nước có dung tích trữ từ 1x 106 m3 đến dưới 10 x 106 m3 và 02 hồ chứa nước có dung tích trữ dưới 1x 106 m3; 09 đập dâng, 03 kênh tiêu, 03 đê ngăn mặn, 01 đê ngăn lũ và 01 kè biển, 02 trạm bơm;

- UBND các huyện, thành phố quản lý 10 hồ chứa nước; 03 kè biển (Kè biển Thùy Vân - Đoạn từ mũi Nghinh Phong đến khách sạn tháng Mười thành phố Vũng Tàu; Kè biển từ Công viên Võ Thị Sáu đến Mũi Lò Vôi và Kè biển từ Mũi Lò Vôi - Côn Đảo) ngoài ra các huyện, thành phố còn xây dựng mới các công trình thủy lợi nhỏ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của từng địa phương.

Năng lực theo nhiệm vụ thiết kế các công trình thủy lợi do Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý:

- Tổng dung tích của các hồ chứa nước :

308,78 x 106 m3;

- Tổng diện tích tưới:

20.329 ha;

- Tổng điện tích tiêu úng:

3.262 ha;

- Tổng diện tích ngăn lũ:

600 ha;

- Tổng diện tích ngăn mặn:

4.900 ha;

- Tổng khối lượng cấp nước sinh hoạt:

645.000 m3/ ngày;

- Bảo vệ dân cư:

11.000 dân cư;

- Chiều dài kênh mương đang quản lý:

116.325m;

- Chiều dài kênh mương đã kiên cố:

108.347 m;

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo sự thống nhất trong hành động, phát huy tối đa vai trò và nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có, phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu;

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại, đảm bảo an toàn công trình, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai;

Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp tưới theo hướng hiện đại, ưu tiên cho các cây trồng cạn chủ lực của Tỉnh phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh;

Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ có thu từ công trình thủy lợi, phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của công trình thủy lợi hiện có, đảm bảo tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao hiệu quả, khai thác công trình thủy lợi.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

2.1. Đối với hệ thống thủy lợi nội đồng tưới lúa

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng, phục vụ sản xuất theo quy mô lớn đảm bảo đến năm 2020 có 50% diện tích canh tác lúa được thực hiện các phương thức canh tác tiên tiến (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí nạo vét, phát quang kênh mương, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân;

Kiên cố hóa kênh nội đồng hồ chứa nước Sông Ray gồm:

* 65 tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 có tổng chiều dài 83,24 km trong đó:

+ Kênh cấp 1: Xây dựng 3 tuyến với tổng chiều dài 4,98 km để bao phủ vùng tưới thêm 330 ha mà các tuyến kênh chính, kênh cấp 1 đã đầu tư chưa đảm trách;

+ Kênh cấp 2: Xây dựng 49 tuyến với tổng chiều dài 63,8 km để bao phủ vùng tưới 6.012ha;

+ Kênh cấp 3: Xây dựng 13 tuyến với tổng chiều dài 13,06 km để bao phủ vùng 1.325 ha;

Công trình trên kênh nội đồng hồ Sông Ray: Dọc các kênh tùy vào địa hình sẽ bố trí một số công trình trên kênh như: 04 cầu máng, 339 cống lấy nước (92 cống lấy nước 1 bên, 247 cống lấy nước 2 bên), 164 cống qua đường, 55 cống qua đường + cống qua đường kết hợp điều tiết, 23 cống tiêu.

- Củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở ( tổ chức hợp tác dùng nước, hợp tác xã dùng nước...), đến năm 2020 có 100% tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững trên cơ sở tự nguyện, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

2.2. Tưới cho cây trồng cạn

Áp dụng các giải pháp đồng bộ để triển khai trên diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nước và hiệu quả cho cây trồng cạn;

Đến năm 2020 có 356 ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm:

+ 30 ha rau, màu, khu tưới Châu Pha- Sông Xoài, nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Đá Đen; 20 ha rau, màu, thuộc khu tưới xã Đá Bạc, Sơn Bình; nguồn nước sử dụng (dọc theo kênh chính) từ hồ chứa nước Sông Ray;

+ 100 ha cây hồ tiêu, cà phê, thuộc khu tưới sau hồ Kim Long; nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Kim Long; 98 ha cây hồ tiêu, cà phê, hạ lưu hồ Suối Các; nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Suối Các; 108 ha cây ăn quả, hạ lưu hồ Sông Hỏa; nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Sông Hỏa;

2.3. Với hệ thống thủy lợi vừa và lớn do Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý

Nâng cấp bảo đảm an toàn công trình, hoàn thiện hệ thống và các trang thiết bị quan trắc, để nâng cao năng lực dự báo lũ, hạn hán, tăng cường năng lực điều hành hệ thống thủy lợi:

+ Cứng hóa mái mặt đập hồ chứa nước: hồ Xuyên Mộc huyện Xuyên Mộc; hồ Đá Bàng huyện Châu Đức, Đất Đỏ; hồ Lồ Ồ huyện Đất Đỏ, nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa và tạo cảnh quang môi trường;

+ Nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước, do không đảm bảo an toàn, không tích nước: Hồ chứa nước Suối Sao huyện Châu Đức;

+ Nâng cấp sửa chữa đê Chu Hải, đê Phước Hòa thuộc huyện Tân Thành và thành phố Bà Rịa;

+ Sửa chữa Nâng cấp đập Suối Sỏi TP Bà Rịa;

+ Đo đạc, cắm mốc vùng phụ cận bảo vệ các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn Tỉnh, theo pháp Lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi quy định;

+ Tiếp tục thực hiện kiểm định an toàn đập cho 05 hồ chứa nước: hồ Xuyên Mộc huyện Xuyên Mộc, hồ Núi Nhan huyện Châu Đức, hồ Suối Môn huyện Đất Đỏ, hồ Châu Pha huyện Tân Thành, hồ Sông Hỏa huyện Xuyên Mộc;

+ Lắp đặt trạm đo mưa tự động tại 06 hồ chứa nước: hồ Đá Đen huyện Tân Thành, Châu Đức; hồ Suối Giàu huyện Châu Đức; hồ Đá Bàng huyện Châu Đức, Đất Đỏ; hồ Tầm Bó huyện Châu Đức ; hồ Xuyên Mộc và hồ Suối Các huyện Xuyên Mộc;

+ Xây dựng nhà điều hành; hệ thống quan trắc và điều khiển từ xa công trình hồ chứa nước Đá Đen huyện Tân Thành, Châu Đức.

Tiếp tục hoàn chỉnh, kiên cố hóa hệ thống kênh mương từ kênh chính đến các tuyến kênh cấp I,II;

+ Nâng cấp tuyến mương Cây Vông - Bà Đáp (đoạn từ đập Bà đến Đá Me Heo) thuộc huyện Đất Đỏ và TP Bà Rịa;

+ Nâng cấp kênh tiêu Bà Đáp (đoạn từ Cầu Dài đến Đập Thầu) thuộc huyện Đất Đỏ;

+ Xây dựng hệ thống kênh Bàu So huyện Xuyên Mộc;

+ Xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực xã Phước Tân, Hòa Bình huyện Xuyên Mộc;

+ Xây dựng hệ thống kênh tràn xả lũ hồ Lồ Ồ huyện Đất Đỏ, Châu Đức;

+ Xây dựng hệ thống kênh tưới hồ Gia Hoét I huyện Châu Đức;

+ Xây dựng hệ thống kênh tưới Đồng Dầu TP Bà Rịa;

Kiện toàn Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, theo hướng Công ty TNHH Một thành viên, hoạt động theo luật doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ có thu, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh trong các công trình thủy lợi, ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nguồn thu và giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống công trình, từng bước hiện đại hóa, chống xuống cấp công trình.

2.4. Thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản

Áp dụng các giải pháp nuôi tiết kiệm nước và có xử lý nước để đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thủy sản tập trung, nuôi công nghiệp; gắn các thiết đo đếm việc sử dụng nước của các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, thu tiền nước theo quy định, tạo công bằng giữa các thành phần kinh tế cạnh tranh trên thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;

Đến năm 2020 có 48 ha nuôi trồng thủy sản (nước ngọt);

+ 22 ha ao cá, khu nuôi trồng thủy sản Len, huyện Đất Đỏ, nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Suối Giàu; 27 ha ao cá, khu nuôi trồng thủy sản thôn 1 Suối Rao, huyện Châu Đức, nguồn nước sử dụng từ công trình hồ chứa nước Suối Giàu;

+ Nuôi cá trong lòng hồ thủy lợi, tận dụng diện tích mặt nước hồ để nuôi, hình thức nuôi quảng canh, không bổ sung thức ăn cho cá, ăn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước, tạo ra lượng thực phẩm lớn cung cấp cho thị trường.

II. NỘI DUNG CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Điều chỉnh nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi

1.1. Đánh giá hệ thống công trình thủy lợi

Nội dung đánh giá gồm: Cơ sở hạ tầng, phương thức tổ chức quản lý, năng lực đội ngũ cán bộ, công nhân viên; hiện trạng và khả năng mở rộng cung cấp dịch vụ;

Tổ chức đánh giá các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Kế hoạch đến năm 2017 rà soát và đánh giá toàn bộ các hệ thống thủy lợi do UBND các huyện, thành phố và Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý;

Từ kết quả đánh giá, căn cứ vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy lợi và Đề án quy hoạch phát triển sản xuất của Tỉnh, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng để điều chỉnh nhiệm vụ của hệ thống công trình.

1.2. Rà soát qui hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản

Rà soát quy hoạch thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, khắc phục nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua nguồn nước, tăng cường kiểm soát chất lượng nước. Đề xuất các giải pháp cung cấp nước mặn, ngọt chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho khu vực nuôi công nghiệp, trọng tâm nuôi cá, tôm nước lợ. Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước.

1.3. Rà soát quy hoạch thủy lợi cho cây trồng cạn

Tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cấp nước tưới cho các cây trồng cạn chủ lực trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như cây cà phê, hồ tiêu, điều; nghiên cứu tưới một số vùng có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, các loại cây ăn quả.

1.4. Rà soát an toàn đập

Điều chỉnh, bổ sung Chương trình an toàn hồ chứa, rà soát các công trình hồ đập hư hỏng, xuống cấp để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn; kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa; tăng cường năng lực dự báo lũ, hạn hán cho các hồ chứa; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu trong trường hợp xả lũ khẩn cấp hoặc sự cố công trình.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách

2.2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế

- Sau khi Quốc hội ban hành Luật Thủy lợi; triển khai Luật Thủy lợi, tạo hành lang pháp lý, cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp với cơ chế thị trường và các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; triển khai thực hiện và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong quản lý an toàn đập.

- Triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi, chú trọng vận dụng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường trong quản lý khai thác, nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân và các bên có liên quan trong thủy lợi. Cụ thể:

+ Áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về đặt hàng, đấu thầu, bao gồm cả hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá quản lý khai thác công trình thủy lợi để chuyển đổi hình thức hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi từ giao kế hoạch sang đặt hàng;

+ Áp dụng cơ chế quản lý tài chính cho các tổ chức quản lý khai thác (gồm cả Tổ chức Hợp tác dùng nước) theo hướng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đẩy mạnh cơ chế khoán, đảm bảo tài chính bền vững (áp dụng thông tư thay thế Thông tư số 11/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, Thông tư số 75/2004/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

+ Triển khai các cơ sở pháp lý để thúc đẩy, nhân rộng các hoạt động khai thác tổng hợp, cung cấp các dịch vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các giải pháp tưới phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng nguồn thu, nâng cao tính tự chủ, bền vững về tài chính, tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực;

+ Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, từ hệ thống liên huyện, liên xã và tổ chức thủy nông cơ sở (Hợp tác xã, Tổ hợp tác dùng nước) gắn với xây dựng nông thôn mới. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước, quản lý khai thác công trình thủy lợi;

+ Xây dựng cơ chế để nâng cao tính tự nguyện, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi;

+ Nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, tư nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi.

2.2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách

2.2.1. Chính sách khuyến khích đầu tư công - tư

Chuyển dịch vai trò của nhà nước từ cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, điều phối, giám sát thực hiện, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư công - tư trong các hoạt động sau:

+ Tiếp tục nghiên cứu các chính sách để phát triển Trạm bơm điện cho các vùng có nguồn nước nhưng chưa có công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu; chính sách để quản lý, nạo vét hệ thống công trình thủy lợi cho các hồ chứa nước;

+ Nghiên cứu, đề xuất chính sách để thúc đẩy xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới;

+ Nghiên cứu, đề xuất chính sách để đẩy mạnh áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng nhà lưới, nhà kính.

2.2.2. Hệ thống chính sách để củng cố, phát triển tổ chức thủy nông cơ sở

- Ngoài những chính sách đã được quy định trong Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã cho các tổ chức và người trực tiếp sản xuất, cần đề xuất chính sách đặc thù, phù hợp với từng loại tổ chức, hỗ trợ cho các loại hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở:

+ Chính sách hỗ trợ để thành lập, củng cố và ổn định tổ chức;

+ Hỗ trợ đào tạo kiến thức cho cán bộ quản lý và thành viên Tổ chức hợp tác dùng nước (bao gồm cả quản lý và khoa học công nghệ);

+ Hỗ trợ tổ chức thủy nông cơ sở có thể cung cấp các dịch vụ, như: cung cấp nước sạch, cung cấp dịch vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng nhà lưới, nhà kính, sản xuất các cấu kiện, thiết bị cho kiên cố hóa kênh mương;

+ Hỗ trợ lồng ghép hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở với các hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, liên kết nông dân với các tổ chức kinh tế, xã hội (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà nước) theo hướng hợp tác cùng có lợi, tăng giá trị chuỗi sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường.

- Chính sách thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng:

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế mẫu hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, hướng dẫn thực hiện;

+ Chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế, khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức thủy nông cơ sở sản xuất các cấu kiện, thiết bị công nghệ cho kiên cố hóa kênh mương, nhà lưới, nhà kính.

2.2.3. Chính sách để triển khai diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

- Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở khu vực cần ưu tiên cho các loại cây trồng cạn chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cây điều, cây ăn quả, rau, màu...), tăng cường đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thiết kế mẫu, đào tạo lắp đặt, sử dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, làm nhà lưới,…;

- Phổ biến các chính sách về vay vốn ưu đãi cho hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

-Phổ biến các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, cá nhân (tín dụng ưu đãi, thuế, các chính sách khác) để sản xuất, cung ứng các vật tư thiết bị, cấu kiện, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhà kính;

3. Củng cố cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa

- Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp để hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có, đặc biệt là hệ thống đã có công trình đầu mối, thiếu kênh mương các cấp và kênh nội đồng để có thể áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả công trình, cụ thể:

+ Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới để áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến cho lúa và công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực của Tỉnh.

+ Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi cây lúa, cấp nước tưới cho cây trồng cạn chủ lực đang có của Tỉnh, tưới cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ…,

+ Sửa chữa, nâng cấp các đập bị hư hỏng đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du.

+ Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo, cảnh báo sớm phục vụ quản lý và chỉ đạo điều hành phòng, chống úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và vận hành công trình.

+ Xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Thúc đẩy các dự án đầu tư công - tư thông qua rà soát, phân loại dự án đầu tư, như: Các dự án xây dựng hồ chứa và hệ thống dẫn nước, cung cấp nước cho công nghiệp, dịch vụ, kết hợp cung cấp nước cho thủy sản, nông nghiệp có giá trị cao; phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, như Trạm bơm điện cho các vùng có nguồn nước nhưng chưa có công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, hệ thống thủy lợi nội đồng; khai thác nguồn nước kết hợp phát điện…,

4. Áp dụng khoa học công nghệ

- Đổi mới phương pháp chuyển giao công nghệ và nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển, lấy chủ thể là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng công nghệ, nhà nước hỗ trợ cho liên kết giữa cơ quan khoa học, các doanh nghiệp và tổ chức của người dân.

- Xác định các nhiệm vụ khoa học trọng tâm trong quản lý khai thác, thực hiện các giải pháp đồng bộ để áp dụng hiệu quả trên diện rộng trong thời gian trước mắt và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Tập trung chủ yếu như sau:

+ Nghiên cứu cơ sở khoa học, để hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển thủy lợi hiệu quả bền vững; huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý khai thác; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi;

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm về lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành;

+Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thiết kế phục vụ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế tạo cấu kiện, thiết bị cho xây dựng thủy lợi gắn với giao thông nội đồng để có thể áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch tái cơ cấu của từng hệ thống.

+ Nghiên cứu chế độ mưa, dòng chảy để nâng cao chất lượng xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, vận hành hồ chứa trong các tình huống khẩn cấp;

+ Nghiên cứu, dự báo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; phát triển thượng nguồn, tác động của phát triển kinh tế - xã hội khu vực hạ du tới hệ thống thủy lợi, đề xuất giải pháp quản lý vận hành công trình thủy lợi phù hợp;

+ Hướng dẫn các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở, người dân phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp các biện pháp canh tác khoa học, phục vụ mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất nông nghiệp;

+ Nghiên cứu cơ chế tài chính bền vững trong quản lý khai thác công trình thủy lợi,

- Xây dựng một số mô hình trình diễn đổi mới một số nội dung, phương thức trong quản lý khai thác và hoạt động thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp:

+ Mô hình Hội đồng quản lý hệ thống công trình thủy lợi thực hiện chức năng đặt hàng, đấu thầu và mô hình đổi mới phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm thủy lợi phí;

+ Mô hình hoàn thiện tổ chức và cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng để phục vụ phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi

Thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác:

- Mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi.

- Chính sách thủy lợi phí, giá nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hoạt động này.

- Công nghệ, giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước; công nghệ cao (viễn thám, không gian); công nghệ quản lý vận hành công trình; dự báo, cảnh báo sớm phục vụ vận hành, giảm thiểu thiệt hại.

6. Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và thông tin truyền thông

6.1. Đào tạo và đào tạo lại

- Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi, kể cả đội ngũ thanh tra chuyên ngành các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi và an toàn đập.

- Xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân quản lý, vận hành công trình thủy lợi;

- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh, ưu tiên cấp huyện, xã, hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước và chủ quản lý hồ, đập nhỏ.

- Hàng năm, bố trí kinh phí thực hiện đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi.

6.2. Tăng cường công tác thông tin truyền thông

- Thực hiện tuyên truyền, truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí để nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm.

- Phát động phong trào làm thủy lợi, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể để vận động toàn dân tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

- Phổ biến các mô hình quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tiên tiến, hiệu quả, bền vững để phát triển và nhân rộng trên phạm vi của Tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

- Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch thủy lợi nội đồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Tổ chức đánh giá lại mục tiêu, nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi hiện có để có giải pháp nâng cao hiệu quả phù hợp.

- Xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung có liên quan trong Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Tỉnh.

- Huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

- Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch này về UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Các Sở ngành trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở Kế hoạch này, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các Sở, Ngành phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình triển khai thực hiện, xem xét, ưu tiên bố trí vốn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án sau khi được UBND Tỉnh phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch này, bảo đảm hoàn thành kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế;

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm, tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão) để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải sửa đổi, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, Các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét và quyết định./.

(phụ lục các nhiệm vụ chi tiết kèm theo kế hoạch)

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TT

NHIỆM VỤ

TIẾN ĐỘ

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cơ quan thực hiện

Cơ quan phối hợp

I

Tuyên truyền, phổ biến nội dung kế hoạch thực hiện Đề án “ Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi”

1

Tổ chức phổ biến chủ trương, nội dung Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi”

Năm 2016

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

2

Tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi”

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

II

Nội dung các giải pháp chính

 

 

 

1

Điều chỉnh nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi:

 

 

 

Đánh giá hệ thống công trình thủy lợi, rà soát đánh giá an toàn đập

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

Rà soát qui hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng cạn

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

2

Hoàn thiện thể chế, chính sách:

 

 

 

Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong quản lý an toàn đập

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

3

Củng cố cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa:

 

 

 

Sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Thúc đẩy các dự án đầu tư công - tư thông qua rà soát, phân loại dự án đầu tư

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

4

Áp dụng khoa học công nghệ:

 

 

 

Đổi mới phương pháp chuyển giao công nghệ và nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tưới tiên tiến tiết kiệm nước

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

5

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

6

Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi và an toàn đập

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố