Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 11/2008/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 02 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LUÂN CHUYỂN VÀ THU HÚT CÁN BỘ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về Quy định một số chính sách nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2007 - 2010 và đến năm 2015;
Căn cứ Công văn số 22/TTHĐ-VP ngày 28/02/2008 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh tại Tờ trình số 182/TTr-SNV ngày 21 tháng 3 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ các Quyết định: tiết 1.2 khoản 1 và tiết b khoản 2 mục III Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 17/2002/QĐ-UB ngày 25/03/2002 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Cơ chế chính sách đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam; tiết 2.3 khoản 2 mục IV Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 130/2003/QĐ-UB ngày 23/12/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VP Chính phủ;
- Bộ Nội vụ (HN, ĐN);
- Bộ Tư pháp (Cục KT VB QPPL);
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ và các Ban của Đảng;
- UB MTTQ VN tỉnh và các đoàn thể;
- Kho bạc NN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT, NC, SNV.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LUÂN CHUYỂN VÀ THU HÚT CÁN BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ:

- Cán bộ luân chuyển theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị;

- Thu hút người có trình độ đào tạo sau đại học về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam;

- Thu hút người có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng về công tác tại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).

Điều 2. Mục tiêu

Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành thông qua thực tiễn, gắn việc luân chuyển cán bộ với quy hoạch và đào tạo cán bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học, đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học - kỹ thuật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có năng lực chuyên môn, có phẩm chất chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới nhằm từng bước xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh.

Điều 3. Yêu cầu

Việc luân chuyển cán bộ phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành của tỉnh.

Cán bộ có trình độ sau đại học được thu hút phải có chuyên ngành đào tạo nằm trong danh mục các chuyên ngành tỉnh có nhu cầu thu hút cán bộ phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam. Cán bộ thu hút về xã, phường, thị trấn phải đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của xã, phường, thị trấn.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ

Điều 4. Đối tượng, điều kiện và chính sách hỗ trợ

Cán bộ, công chức nằm trong quy hoạch bổ nhiệm giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển có thời hạn từ 03 năm trở lên theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị “về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý” thì ngoài chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước do đơn vị sử dụng cán bộ chi trả, được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

1. Cán bộ thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được luân chuyển về huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ); cán bộ huyện được luân chuyển từ huyện này sang huyện khác đảm nhận các chức vụ từ Uỷ viên Ban Thường vụ (Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ), Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện trở lên được trợ cấp:

- Luân chuyển đến các huyện Điện Bàn, Duy xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, thị xã Hội An, TP Tam Kỳ: 1.500.000 đồng/người;

- Luân chuyển đến các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước: 2.000.000đồng/người;

- Luân chuyển đến các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang: 2.500.000đồng/người;

- Luân chuyển đến các huyện Nam Trà My, Tây Giang: 3.000.000đồng/người.

2. Cán bộ tỉnh, huyện luân chuyển về xã, phường, thị trấn (trừ cán bộ huyện, thị xã, thành phố luân chuyển về thị trấn huyện lỵ hoặc các phường nội thị của thị xã, thành phố) được trợ cấp:

- Luân chuyển về xã thuộc các huyện Điện Bàn, Duy xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, thị xã Hội An, TP Tam Kỳ: 2.000.000 đồng/người;

- Luân chuyển về xã thuộc các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước: 2.500.000đồng/người;

- Luân chuyển về xã thuộc các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang: 3.000.000đồng/người;

- Luân chuyển về xã thuộc các huyện Nam Trà My, Tây Giang: 3.500.000đồng/người.

Trong số các đối tượng luân chuyển thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số hoặc là nữ thì được hỗ trợ thêm 500.000đồng/người.

3. Cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác tại các huyện miền núi cao được luân chuyển về tỉnh và bổ nhiệm giữ các chức vụ trưởng hoặc phó Sở, Ban, Ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, thì được trợ cấp 2.000.000 đồng/người.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển về có trách nhiệm bố trí nhà công vụ hoặc nơi ở thuận lợi cho cán bộ trong thời gian luân chuyển. Trường hợp địa phương, cơ quan, đơn vị không có nhà công vụ hoặc không có điều kiện để bố trí chỗ ở và nếu cán bộ luân chuyển đến địa phương có trụ sở cơ quan cách nhà ở từ 20 km trở lên thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở với mức không quá 200.000đồng/người/tháng đến khi được cơ quan, đơn vị bố trí hoặc tự túc được nhà ở.

Chương III

CHÍNH SÁCH THU HÚT CÁN BỘ

Mục 1. THU HÚT CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC

Điều 5. Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách

Những người không thuộc biên chế của các cơ quan Nhà nước của tỉnh tốt nghiệp sau đại học trình độ tiến sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II; thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I; bác sĩ nội trú thoả mãn các điều kiện:

- Tiến sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II có tuổi đời không quá 45 tuổi. Thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I; bác sĩ nội trú có tuổi đời không quá 40 tuổi;

- Thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại khá trở lên, có chuyên ngành phù hợp với ngành học thạc sĩ;

- Chuyên ngành đào tạo nằm trong danh mục các ngành tỉnh có nhu cầu thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội được UBND tỉnh phê duyệt;

- Có cam kết tình nguyện công tác tại tỉnh Quảng Nam ít nhất 05 năm.

Điều 6. Chính sách đãi ngộ và hỗ trợ ban đầu

1. Chính sách đãi ngộ thu hút cán bộ:

- Được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhà nước không qua thi tuyển;

- Được bố trí làm việc phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh;

- Sau 2 năm công tác, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện đi đào tạo ở trình độ cao hơn thì được xem xét cử đi học và được hưởng các chế độ hỗ trợ đi học theo quy định hiện hành của tỉnh;

2. Mức hỗ trợ ban đầu:

- Tiến sĩ;                                                                        40.000.000 đồng.

- Thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II:                        20.000.000 đồng.

- Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I; bác sĩ nội trú:                15.000.000 đồng.

3. Hỗ trợ tiền để mua đất làm nhà ở:                               22.500.000 đồng.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ thu hút đối với các đối tượng khác

Hỗ trợ thu hút Giáo sư, Phó Giáo sư, chuyên gia đầu ngành và người có học vị tiến sỹ được Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ký hợp đồng hoặc các hình thức hợp tác khác trong một thời gian nhất định cho một công việc cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị được chi trả thù lao theo thoả thuận nhưng không vượt quá 15.000.000đồng/người/tháng.

Điều 8. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền quyết định tuyển dụng

1. Hồ sơ, thủ tục tuyển dụng:

- Đơn xin tự nguyện công tác;

- Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú);

- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học và sau đại học (có chứng thực);

- Bản sao Bản điểm học tập sau đại học (có chứng thực);

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (không quá 6 tháng);

- Cam kết phục vụ công tác tại tỉnh Quảng Nam.

2. Thẩm quyền quyết định tuyển dụng: Hội đồng thẩm định, sát hạch trình độ thực tế của người được tiếp nhận hoặc tuyển dụng và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định phê duyệt kết quả tiếp nhận hoặc tuyển dụng.

Giám đốc Sở Nội vụ quyết định tiếp nhận hoặc tuyển dụng và phân công công tác sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả tiếp nhận hoặc tuyển dụng.

Điều 9. Trách nhiệm vật chất của người được hưởng chính sách thu hút cán bộ

Người được hưởng chính sách thu hút cán bộ quy định tại mục này nếu tự ý bỏ việc hoặc nếu nghỉ việc trước thời hạn 05 năm theo cam kết ban đầu mà không được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản thì phải hoàn trả lại toàn bộ các chế độ, chính sách hỗ trợ đã được hưởng. Thời hạn hoàn trả là 01 năm sau khi có quyết định thu hồi tiền hỗ trợ.

Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại điều 15 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

Nếu không thực hiện việc hoàn trả tiền hỗ trợ đúng thời hạn thì cơ quan trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.

Mục 2. THU HÚT CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC VỀ CÔNG TÁC TẠI CẤP XÃ

Điều 10. Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách

1. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của địa phương, có nguyện vọng về xã, phường, thị trấn công tác và thoả mãn các điều kiện:

- Có tuổi đời không quá 30 tuổi;

- Tự nguyện về công tác tại xã, phường, thị trấn ít nhất 05 năm;

2. Người có trình độ đào tạo bác sĩ, đại học chuyên ngành y khoa thuộc các đối tượng:

2.1. Tình nguyện về công tác tại trạm y tế cấp xã ít nhất 05 năm.

2.2. Đang công tác tại trạm y tế cấp xã (trừ cán bộ y tế cơ sở (trạm y tế cấp xã) được cử đi học bác sĩ chuyên ngành y tế cộng đồng, hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức của UBND tỉnh đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ 5 năm công tác tại trạm y tế cấp xã sau khi tốt nghiệp theo quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đối với đối tượng này).

Bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều động biệt phái về công tác tại trạm y tế cấp xã từ 01 năm trở lên.

Điều 11. Chính sách đãi ngộ và hỗ trợ

1. Chính sách đãi ngộ:

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy định này được xét tuyển vào công chức xã.

- Đối tượng quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 10 Quy định này được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp y tế.

- Đối tượng quy định tại khoản 1 và điểm 2.1 khoản 2 Điều 10 Quy định này được UBND cấp xã tạo điều kiện để mua đất làm nhà ở.

- Đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 10 Quy định này, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp nhận viên chức biệt phái có trách nhiệm bố trí nhà công vụ hoặc nơi ở thuận lợi cho viên chức trong thời gian biệt phái đến. Trường hợp địa phương, cơ quan, đơn vị không có nhà công vụ hoặc không có điều kiện để bố trí chỗ ở và nếu viên chức biệt phái đến địa phương có trụ sở cơ quan cách nhà ở từ 20 km trở lên thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở với mức không quá 200.000đồng/người/tháng đến khi được cơ quan, đơn vị bố trí hoặc tự túc được nhà ở.

2. Mức hỗ trợ:

2.1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy định này ngoài chế độ chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước, được hỗ trợ 1 lần như sau:

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên hỗ trợ 12.000.000đồng/người;

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 đến 0,4 hỗ trợ 9.000.000đồng/người;

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,2 hỗ trợ 6.000.000đồng/người;

- Các xã còn lại hỗ trợ 4.000.000đồng/người.

2.2. Đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Quy định này ngoài chế độ chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước (tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 10 Quy định này thực hiện theo khoản 3 và khoản 5 Điều 40 Nghị định 116/2003/NĐ-CP), được hỗ trợ hằng tháng:

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên trợ cấp 800.000đồng/người/tháng;

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 đến 0,4 trợ cấp 500.000đồng/người/tháng;

- Các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,2 trợ cấp 400.000đồng/người/tháng;

- Các xã còn lại trợ cấp 300.000đồng/người/tháng.

Điều 12. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền quyết định tuyển dụng

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 và điểm 2.1 khoản 2 Điều 10 Quy định này tuyển dụng vào công chức cấp xã hoặc vào viên chức sự nghiệp y tế phải có đầy đủ các hồ sơ thủ tục sau:

- Đơn xin tự nguyện công tác;

- Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú);

- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có chứng thực);

- Bản sao Bản điểm học tập ở bậc đại học (có chứng thực);

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (không quá 6 tháng).

- Cam kết phục vụ công tác tại UBND cấp xã.

2. Thẩm quyền quyết định tuyển dụng: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tuyển dụng và phân công công tác người có trình độ đào tạo đại học về công tác tại UBND cấp xã hoặc về trạm y tế cấp xã;

Điều 13. Trách nhiệm vật chất của người được hưởng chính sách thu hút cán bộ về công tác tại cấp xã

Người được hưởng chính sách thu hút cán bộ quy định khoản 1 Điều 10 Quy định này nếu tự ý bỏ việc hoặc nghỉ việc trước thời hạn 05 năm theo cam kết ban đầu mà không được Chủ tịch UBND cấp huyện đồng ý bằng văn bản thì phải hoàn trả lại toàn bộ chế độ, chính sách hỗ trợ đã cấp. Thời hạn hoàn trả không quá 01 năm sau khi có quyết định thu hồi tiền hỗ trợ.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại điều 15 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

Nếu không thực hiện việc hoàn trả tiền đãi ngộ đúng thời hạn thì UBND cấp huyện lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Lập danh mục chuyên ngành thu hút cán bộ

1. Danh mục các chuyên ngành thu hút cán bộ có trình độ sau đại học: Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm lập danh mục các chuyên ngành cần thu hút cán bộ có trình độ sau đại học của cơ quan, đơn vị, địa phương mình báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) vào tháng 10 hằng năm.

Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp danh mục các chuyên ngành thu hút cán bộ có trình độ sau đại học theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trình UBND tỉnh quyết định ban hành vào tháng 12 hằng năm.

2. Danh mục các chuyên ngành thu hút cán bộ có trình độ đại học về công tác tại cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo nhu cầu chuyên ngành thu hút cán bộ về công tác tại cấp xã cho Chủ tịch UBND cấp huyện vào tháng 10 hằng năm.

Chủ tịch UBND cấp huyện tổng hợp, xây dựng kế hoạch thu hút cán bộ có trình độ đại học về xã và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức tuyển dụng.

Điều 15. Xây dựng phương án điều động biệt phái bác sĩ về công tác tại trạm y tế cấp xã

Chủ tịch UBND cấp huyện xây dựng danh mục các xã có nhu cầu tăng cường bác sĩ đến gửi UBND tỉnh (qua Sở Y tế tỉnh) vào tháng 10 hằng năm.

Giám đốc Sở Y tế tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch điều động biệt phái bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh về tuyến xã báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) vào tháng 11 hằng năm.

Quyết định điều động biệt phái bác sĩ tăng cường cho trạm y tế cấp xã thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện hành của UBND tỉnh.

Quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ

Nguồn kinh phí: Kinh phí luân chuyển và thu hút cán bộ do ngân sách nhà nước chi trả.

Điều 16. Lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí:

1. Nguồn kinh phí: Kinh phí di chuyển và thu hút cán bộ do ngân sách nhà nước chi trả.

2. Lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí

2.1. Lập dự toán: Hằng năm, căn cứ kế hoạch luân chuyển cán bộ và kế hoạch thu hút cán bộ, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tỉnh.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh phê duyệt cùng với phê duyệt kế hoạch dự toán kinh phí hằng năm của các địa phương, đơn vị.

2.2. Quản lý, cấp phát, sử dụng và quyết toán kinh phí:

Sở Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi số lượng cán bộ luân chuyển hoặc thu hút quy định tại văn bản này; đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ cho các địa phương, đơn vị.

Căn cứ vào dự toán ngân sách chi cho luân chuyển và thu hút cán bộ được HĐND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh quyết định cấp phát kinh phí kịp thời và quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo đúng quy định.

Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh: được bổ sung dự toán chi thường xuyên để thực hiện.

Đối với các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã: Sở Tài chính thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu về ngân sách cấp huyện để thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định và tổng hợp quyết toán chung vào kinh phí thường xuyên của đơn vị.

2.3. Hồ sơ, thủ tục cấp phát kinh phí, gồm có:

- Tờ trình của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức;

- Quyết định luân chuyển (hoặc tiếp nhập hoặc tuyển dụng) cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan có thẩm quyền.

Các địa phương, đơn vị tổng hợp (các Sở, Ban ngành tổng hợp nhu cầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã) gửi tất cả các hồ sơ nêu trên về Sở Nội vụ để thẩm định và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai Quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện.

2. Các Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh được áp dụng chính sách này bằng kinh phí của đơn vị để thu hút cán bộ theo quy định tại Mục 1 Chương II Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị thủ trưởng các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tỉnh) để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sữa đổi, bổ sung./.