Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1217/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 20 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2013/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2013 của HĐND tỉnh Sơn La điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 339/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015);

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định Dự án Rà soát, bổ sung quy hoạch Phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La tại Báo cáo thẩm định số 07/BC-HĐTĐ ngày 20 tháng 12 năm 2013 và của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 27/TTr-SNN ngày 17 tháng 02 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Rà soát, bổ sung quy hoạch Phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Quy hoạch phát triển cây cao su bám sát vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; HĐND và UBND tỉnh cho từng giai đoạn. Tổng kết đánh giá những mặt làm được và những mặt chưa làm được, đưa ra giải pháp thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tập trung nghiên cứu đưa ra các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân vùng dự án phát triển cao su tiểu điền.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Hình thành vùng trồng cây cao su tập trung, ổn định cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, phấn đấu quy mô vùng nguyên liệu đạt 10.000 ha vào năm 2015 và 30.000 ha vào năm 2020. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát triển vùng trồng cây cao su trở thành cây xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho nhân dân các dân tộc vùng nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực; chuyển đổi một phần diện tích đất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng, kinh doanh cây cao su, dần chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp trong vùng sang làm công nhân cao su và dịch vụ. Xây dựng mô hình làng công nhân, bản công nhân.

b) Mục tiêu cụ thể

Diện tích cây cao su đến năm 2015: 10.000 ha, đến năm 2020: 30.000 ha.

Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Diện tích toàn vùng phấn đấu đạt 10.000 ha cao su. Sản lượng mủ cao su năm 2015 đạt 3.647 tấn.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu diện tích trồng mới 20.000 ha để đưa diện tích cao su toàn vùng lên 30.000 ha. Sản lượng mủ cao su năm 2020 đạt 10.863 tấn. Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân và lao động trực tiếp tham gia trồng cao su.

- Quy hoạch 4 vùng nguyên liệu tập trung gắn với 4 nhà máy chế biến với tổng diện tích 30.000 ha cây cao su.

3. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020

a) Quy hoạch diện tích

Diện tích quy hoạch đến năm 2015: 10.000 ha được bố trí quy hoạch trên địa bàn 06 huyện như sau: Huyện Mường La: 2.248 ha; huyện Quỳnh Nhai: 1.065 ha; huyện Thuận Châu: 1.882 ha; huyện Yên Châu: 1.787 ha; huyện Mai Sơn: 1.018 ha; huyện Vân Hồ: 2.000 ha.

Đến năm 2020 phấn đấu diện tích trồng thêm 20.000 ha để đưa diện tích cao su toàn vùng lên 30.000 ha, được bố trí quy hoạch theo địa bàn tại 08 huyện như sau: Huyện Mường La 2.248 ha; huyện Quỳnh Nhai 2.201 ha; huyện Thuận Châu 2.847 ha; huyện Yên Châu 4.000 ha; huyện Mai Sơn 2.104 ha; huyện Mộc Châu 1.000 ha; huyện Vân Hồ 4.000 ha; huyện Sông Mã 11.600 ha.

b) Quy hoạch một số giống cao su trong vùng quy hoạch 

Các giống cao su trồng tại Sơn La là những giống cao su sinh trưởng phát triển tốt như: PB260, GT1, VNg77-2, VNg77-4, IAN873, RRIV124…

c) Quy hoạch, kế hoạch xây dựng vườn ươm cây cao su

Trong giai đoạn quy hoạch đầu tư xây dựng mới 12 vườn ươm tại các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ; sửa chữa, nâng cấp 10 vườn ươm tại các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Vân Hồ. Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng mới và sửa chữa 10 vườn, trong đó:

+ Xây dựng mới 05 vườn tại các xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu; 03 xã: Chiềng Hặc, Chiềng Sàng, Tú Nang, huyện Yên Châu; xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn.

+ Sửa chữa, nâng cấp 5 vườn tại xã Mường Khiêng huyện Thuận Châu; xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai; xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu; xã Mường Bon, huyện Mai Sơn; xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.

- Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới và sửa chữa 12 vườn ươm, trong đó:

+ Xây dựng mới 07 vườn ươm tại xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai; xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn; 03 xã: Chiềng Khoong, Chiềng En, Chiềng Cang, huyện Sông Mã; xã Hua Păng, huyện Mộc Châu; xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ.

+ Sửa chữa, nâng cấp 05 vườn tại xã Tú Nang, huyện Yên Châu; 02 xã: Mường Khiêng, Bó Mười, huyện Thuận Châu; 02 xã: Mường Bằng, Mường Bon, huyện Mai Sơn.

d) Quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến

Đến năm 2020 xây dựng 04 nhà máy, trong đó: 01 nhà máy chế biến mủ trên địa bàn xã Mường Bú, huyện Mường La; 01 nhà máy chế biến mủ cho các vùng nguyên liệu cao su trên địa bàn 02 huyện: Mộc Châu, Vân Hồ được xây dựng trên địa bàn huyện Vân Hồ; 01 nhà máy chế biến mủ cho các vùng nguyên liệu cao su trên địa bàn các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, được xây dựng trên địa bàn huyện Yên Châu; 01 nhà máy chế biến mủ cho các vùng nguyên liệu cao su trên địa bàn các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu trên địa bàn huyện Thuận Châu.

đ) Phương án tiêu thụ sản phẩm

Công ty Cổ phần cao su Sơn La là doanh nghiệp tiêu thụ chính các sản phẩm cao su như: Mủ, gỗ cao su… Ngoài ra, thu hút một số doanh nghiệp khác tham gia vào quá trình tiêu thụ sản phẩm.

4. Các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm

a) Đầu tư xây dựng mới 12 vườn ươm; sửa chữa và nâng cấp 10 vườn ươm.

b) Đầu tư xây dựng 04 nhà máy chế biến mủ cao su.

c) Các dự án hạ tầng phục vụ trồng và chế biến cao su 

- Đường giao thông có tổng chiều dài 284 km, trong đó:

+ Đường xã có chiều dài 175 km, gồm các huyện: Thuận Châu 11 km; Mường La 9 km; Mộc Châu 15 km; Vân Hồ 35 km; Sông Mã 65 km, Mai Sơn 40 km.

+ Đường chuyên dùng có chiều dài 109 km, gồm các huyện sau: Mai sơn 3 km; Yên Châu 26 km, Mộc Châu 25 km, Vân Hồ 55 km.

- Các công trình lồng ghép:

+ Nhà văn hóa 50 nhà thuộc địa bàn các huyện: Mộc Châu 3 nhà; Vân Hồ 5 nhà; Yên Châu 9 nhà; Quỳnh Nhai 3 nhà; Thuận Châu 7 nhà; Mường La 3 nhà; Mai Sơn 8 nhà; Sông Mã 12 nhà.

+ Nhà trẻ, mẫu giáo 46 nhà thuộc địa bàn các huyện: Mộc Châu 3 nhà; Vân Hồ 5 nhà; Yên Châu 9 nhà; Quỳnh Nhai 3 nhà; Thuận Châu 7 nhà; Mường La 3 nhà; Mai Sơn 4 nhà; Sông Mã 12 nhà.

5. Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch

a) Tổng vốn đầu tư: 8.733.982 triệu đồng. Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 1.979.778 triệu đồng (Trong đó vốn ngân sách Nhà nước: 133.476 triệu đồng; vốn nhà đầu tư: 1.796.662 triệu đồng; vốn dân góp giá trị quyền sử dụng đất: 49.640 triệu đồng).

- Giai đoạn 2016 - 2020: 6.754.204 triệu đồng (Trong đó vốn ngân sách Nhà nước: 517.200 triệu đồng; vốn nhà đầu tư: 6.037.004 triệu đồng; vốn dân góp giá trị quyền sử dụng đất: 200.000 triệu đồng).

b) Vốn đầu tư ngân sách theo hạng mục: 650.676 triệu đồng. Trong đó:

- Khảo sát lập dự án quy hoạch:

850 triệu đồng.

- Đo đạc quy chủ:

17.850 triệu đồng.

- Lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

29.956 triệu đồng.

- Đền bù giải phóng mặt bằng:

124.820 triệu đồng.

- Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông:

426.000 triệu đồng.

- Xây dựng nhà văn hóa:

24.000 triệu đồng.

- Xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo:

27.200 triệu đồng.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp tổ chức, quản lý quy hoạch vùng dự án

Sau khi dự án được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ và Sông Mã, chỉ đạo công bố công khai trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng toàn thể nhân dân trong vùng quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch tiến hành triển khai lập các dự án đầu tư như nâng cấp các tuyến đường giao thông; xây dựng nhà máy chế biến; sửa chữa, nâng cấp vườn ươm cây giống… Đồng thời triển khai phổ biến các chính sách đầu tư về phát triển vùng nguyên liệu cao su đến nhân dân trong vùng nguyên liệu.

Từng bước cụ thể hóa công tác quy hoạch và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện. Ngoài ra, tùy theo sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, dự án quy hoạch vùng nguyên liệu cần được bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với quá trình phát triển.

Sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phát triển cao su tạo vùng nguyên liệu tập trung. Hoàn thiện Phương án cá nhân, hộ gia đình góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và giao đất trồng cây cao su để hợp tác kinh doanh.

Tổ chức quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh và Công ty Cổ phần cao su Sơn La và quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Công ty Cổ phần cao su Sơn La về công tác bảo vệ an ninh trật tự chương trình phát triển trên địa bàn tỉnh, kiểm soát chặt chẽ diễn biến an ninh tư tưởng trong nhân dân vùng trồng cao su.

b) Giải pháp về cơ chế chính sách

Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, giải quyết cơ bản những vướng mắc từ thực tế hiện nay của tỉnh; phát huy nội lực gắn với huy động có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh chương trình phát triển cây cao su của tỉnh.

Chú trọng vận hành tốt cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành không để các cơ quan chuyên môn giải quyết công việc chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân và chủ trương thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, xử lý những trường hợp mang tính tình huống nhằm đáp ứng yếu tố liền vùng, liền khoảnh phù hợp với quy hoạch.

Kêu gọi thêm doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có tiềm lực về tài chính, kỹ thuật…, đầu tư vào phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu và vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, lồng ghép các dự án để đảm bảo quyền lợi cho người dân trồng cao su; nhất là đối với nhóm hộ có diện tích dưới một ha và những hộ có đất góp nhưng không đủ điều kiện tuyển dụng làm công nhân.

- Phân công rõ trách nhiệm từng ngành giải quyết công việc theo thẩm quyền đảm bảo tiến độ trồng cao su từng năm.

c) Giải pháp huy động vốn

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước

Huy động các nguồn vốn của Trung ương, địa phương đầu tư cho chương trình phát triển cây cao su và vốn lồng ghép các chương trình dự án đang được đầu tư thực hiện trong vùng quy hoạch như:

Nguồn vốn ngân sách tỉnh có thể xin hỗ trợ của Trung ương đối với các chi phí khảo sát lập dự án quy hoạch; đo đạc quy chủ; lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đền bù giải phóng mặt bằng.

Huy động từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình lồng ghép của Trung ương đang đầu tư như: Chương trình 30a, Chương trình 1460, Chương trình Nông thôn mới..., cho các dự án sửa chữa, nâng cấp đường giao thông; xây dựng nhà văn hóa; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo…

- Nguồn vốn của nhà đầu tư (Công ty Cổ phần cao su Sơn La và các doanh nghiệp khác).

Huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình tự nguyện tham gia dự án phát triển trồng cao su. Nhưng nguồn lực chủ yếu là của Công ty Cổ phần cao su Sơn La, các Công ty thành viên và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện đầu tư trồng, chăm sóc, xây dựng vườn ươm, cơ sở chế biến và cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý.

- Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia

Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây cao su. Được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có sự thống nhất giữa người góp giá trị quyền sử dụng đất với Công ty Cổ phần cao su Sơn La và có các quyền lợi từ việc góp giá trị quyền sử dụng đất.

d) Giải pháp về nguồn nhân lực

Để đáp ứng nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, chế biến 30.000 ha cao su đến năm 2020. Ngoài lực lượng cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân của công ty. Cần lực lượng lao động tại chỗ và lao động thủ công vào các hoạt động xây dựng và phát triển cây cao su trên địa bàn vùng quy hoạch. Tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, ưu tiên tuyển dụng lao động của những hộ gia đình tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty, sau đó đến lao động tại địa phương. Đối với hộ gia đình có vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty nhưng đã quá tuổi lao động thì được Công ty giao nhiệm vụ khoán vườn cây để chăm sóc, bảo vệ hàng tháng hưởng tiền công và các chế độ an sinh xã hội khác nếu có. Việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động theo hợp đồng thỏa thuận giữa các bên. Công ty có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nhu cầu lao động cho các giai đoạn và cả thời kỳ phát triển trồng, chế biến cao su vùng quy hoạch.

Ngoài ra nguồn lao động sẽ được tập huấn nghiệp vụ và đào tạo tay nghề tại chỗ, hoặc Công ty sẽ liên kết cùng các cơ sở đào tạo khác để đào tạo công nhân đối với một số ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Đối với lao động trực tiếp, tập trung nâng cao trình độ học vấn, tay nghề kỹ thuật cho công nhân, nông dân trồng cao su, đặc biệt đối với công nhân, lao động là người dân tộc thiểu số nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

đ) Giải pháp về khoa học, công nghệ

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; đặc biệt các tiến bộ khoa học về chọn lọc giống cây cao su để trồng ở độ cao trên 600 m so với mặt nước biển nhằm giải quyết có hiệu quả một số khó khăn vướng mắc hiện nay để mở rộng sản xuất.

Tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài - dự án khoa học, công nghệ về Chương trình Phát triển cây cao su để sớm áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Kế thừa và tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ khoa học của các nước trên thế giới, khu vực và các tỉnh trong nước đã được áp dụng vào điều kiện thực tế trong vùng quy hoạch. Trong quá trình triển khai dự án các kết quả khảo nghiệm giống, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam giúp cho dự án xác định được giống cây trồng có khả năng đem lại kết quả tốt và xác định kỹ thuật trồng, mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc.

Mở các lớp tập huấn kỹ thuật để phổ cập tuyên truyền chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công nhân và người dân, xây dựng các mô hình điểm.

Xử lý đào rãnh theo đường đồng mức ở những nơi trồng cây cao su có độ dốc từ 150 trở lên để tránh xói mòn, rửa trôi ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cao su.

e) Giải pháp về bảo vệ môi trường

Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của ngành bảo vệ thực vật trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây cao su và các loại cây trồng xen canh khác.

Nhà máy chế biến mủ nên bố trí diện tích từ 5 - 10 ha, tại các vùng có diện tích cao su tập trung, gần đường giao thông vừa thuận lợi trong việc bố trí dây chuyền chế biến, vận chuyển sản phẩm mủ trước, sau chế biến, vừa thuận lợi cho việc bố trí hệ thống xử lý chất thải.

Áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng các thiết bị hiện đại cả trong dây chuyền chế biến cũng như xử lý chất thải tận dụng tối đa sản phẩm mủ đạt sản lượng và chất lượng tốt, đồng thời đảm bảo các quy chuẩn bảo vệ môi trường.

Tăng cường biện pháp bảo vệ phòng chống cháy, sâu bệnh và gia súc phá hoại. Đối với những lô cao su trồng trên đất dốc phải xây dựng hệ thống mương bờ chống xói mòn, kích thước mương bờ và khối lượng đất đào đắp tuỳ theo độ dốc (Quy trình kỹ thuật trồng cao su vùng miền núi phía bắc).

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện phối hợp với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây cao su tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

2. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện, theo dõi, tổng hợp những nội dung của chương trình báo cáo Thường trực UBND tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan:

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai quy hoạch; kịp thời cập nhật về sản xuất, thông tin về thị trường, tiến bộ khoa học, công nghệ để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Kiểm tra đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về thường trực UBND tỉnh.

4. Các sở, ban, ngành trong tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý Nhà nước đối với quy hoạch điều chỉnh, bổ sung phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo đúng quy định; hướng dẫn các huyện trong vùng quy hoạch sử dụng đất chuyển đổi đúng pháp luật và có hiệu quả; bảo đảm các yếu tố, nhất là vốn đầu tư cho phát triển theo quy hoạch. Trong đó giao thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Chương trình Phát triển cây cao su.

b) Sở tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho Chương trình Phát triển cây cao su theo quy định của pháp luật.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường ở nơi có dự án đầu tư trồng cây cao su và xây dựng nhà máy chế biến.

d) Sở Công thương

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp chế biến cao su, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến cao su trên địa bàn tỉnh.

đ) Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây cao su; xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến cây cao su.

e) Ban Chỉ đạo Phát triển cây cao su tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các vấn đề có liên quan đến phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.

f) UBND các huyện thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án quy hoạch theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, quán triệt tổ chức thực hiện bàn giao đất trồng cây cao su và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phát triển trồng cây cao su; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án, xác định địa bàn chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo sang trồng cao su, công khai, minh bạch để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam, Công ty Cổ phần cao su Sơn La tiến hành các thủ tục về lập các dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật theo quy định, triển khai lập dự án chi tiết và trồng theo đúng tiến độ đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện; Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Sơn La; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- TT. UBND tỉnh;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, (M01), 140bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đức Hải