Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 356/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 12 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 19/12/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Thực hiện Thông báo số 676-TB/TU ngày 28/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về điều chỉnh qui hoạch phát triển cao su và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn;

Xét Tờ trình số 4302/TTr-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc thông qua dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 26 /BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2014 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua điều chỉnh Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch diện tích trồng cây cao su có quy mô đủ lớn để tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung.

- Vùng phát triển cây cao su phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương; khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của một số địa bàn để phát triển bền vững. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su trên thị trường.

- Đầu tư phát triển cây cao su theo hướng thâm canh, chuyển đổi diện tích sản xuất cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả và đất trống quy hoạch là rừng sản xuất sang trồng cao su.

- Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế với sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển cao su đảm bảo bền vững, có hiệu quả kinh tế ổn định và bảo vệ môi trường.

- Tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế tình trạng di cư tự do.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Phấn đấu trồng cao su đến năm 2015 đạt diện tích 6.000 ha (5.700 ha cao su đại điền, 300 ha cao su tiểu điền); xây dựng 01 nhà máy chế biến mủ có tổng công suất khoảng 6.000 tấn/năm.

2. Từ năm 2016 đến năm 2020 tiếp tục trồng mới thêm 14.000 ha (10.300 ha cao su đại điền, 3.700 ha cao su tiểu điền); dự kiến xây dựng thêm 03 nhà máy chế biến mủ có tổng công suất 3.000-7.000 tấn/năm.

3. Phấn đấu đến hết năm 2020 tổng diện tích cây cao su của toàn tỉnh là 20.000 ha.

III. NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH

1. Phạm vi, quy mô Điều chỉnh bổ sung quy hoạch

Điều chỉnh diện tích từ 72.900 ha đã quy hoạch trên địa bàn 07 huyện, thành phố xuống còn 38.825 ha; đồng thời bổ sung diện tích trồng cao su trên địa bàn các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa.

2. Tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phát triển cao su

Chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất có rừng nghèo thuộc quy hoạch phát triển rừng sản xuất, diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cao su; các loại đất đưa vào quy hoạch phải phù hợp yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây cao su và quy định của các Bộ Nông nghiệp PTNT.

3. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cao su đến năm 2020

3.1. Diện tích điều chỉnh quy hoạch phát triển cao su phân theo đơn vị hành chính

Quy hoạch phát triển cao su có tổng diện tích là 38.825 ha phân bố trên 40 xã, phường, thị trấn, thuộc 08 huyện và thành phố, cụ thể như sau:

ĐVT: Ha

TT

Huyện

Diện tích điều chỉnh lại đến năm 2020

 

 

Diện tích

Các xã trong vùng điều chỉnh quy hoạch

 

Tổng

38.825

 

1

Điện Biên

1.639

Thanh Nưa, Mường Pồn, Hua Thanh, Thanh An, Sam Mứn, Thanh Xương.

2

TP. Điện Biên Phủ

96

Thanh Minh

3

Mường Ảng

772

Ẳng Tở

4

Mường Chà

5.095

TT Mường Chà, Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Pa Ham

5

Tuần Giáo

8.042

Chiềng Sinh, Nà Sáy, Mường Thín, Mùn Chung, Mường Mùn, Chiềng Đông, Phình Sáng, Rạng Đông, Pú Nhung, Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Nà Tòng

6

Tủa Chùa

2.130

Huổi Só, Mường Báng, Trung Thu

7

Mường Nhé

15.131

Nậm Kè, Mường Toong, Mường Nhé,
Chung Chải, Nậm Vì, Leng Su Sìn, Huổi Lếch, Pá Mỳ

8

Nậm Pồ

5.920

Nà Hỳ, Nà Khoa, Nậm Chua

3.2. Diện tích quy hoạch phát triển cao su phân theo quy hoạch ba loại rừng

Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ đã đưa ra khỏi vùng quy hoạch phát triển cao su, trong giai đoạn tới diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang quy hoạch phát triển cao su tỉnh Điện Biên đến năm 2020 đều thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

3.3. Diện tích quy hoạch phát triển cao su phân theo trạng thái đất lâm nghiệp

STT

Trạng thái

Diện tích (ha)

 

Tổng cộng

38.825

I

Đất có rừng

13.500

1

Rừng tự nhiên nghèo

8.327

1.1

Trạng thái IIa

5.544

1.2

Trạng thái IIb

1.395

1.3

Trạng thái IIIa1

1.256

1.4

Rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa

132

2

Rừng trồng

12

3

Cao su đã trồng từ năm 2008 - 2014

5.161

II

Đất chưa có rừng

25.325

1

Đất trống

16.458

1.1

Trạng thái Ia

11.498

1.2

Trạng thái Ib

1.991

1.3

Trạng thái Ic

2.969

2

Đất nương rẫy kém hiệu quả

8.867

3.4. Diện tích quy hoạch phát triển cao su phân theo độ cao so với mặt nước biển

STT

Hạng mục

Diện tích quy hoạch
(ha)

Phân theo độ cao (ha)

< 600m

600m - 700m

 

Tổng cộng

38.825

24.332

14.493

1

Điện Biên

1.639

991

648

2

TP. Điện Biên Phủ

96

35

61

3

Mường Ảng

772

621

151

4

Mường Chà

5.095

3.512

1.583

5

Tuần Giáo

8.042

3.916

4.126

6

Tủa Chùa

2.130

1.083

1.047

7

Mường Nhé

15.131

9.835

5.296

8

Nậm Pồ

5.920

4.339

1.581

3.5. Dự kiến diện tích cao su thực trồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên

STT

Huyện, thành phố

Tổng (ha)

Diện tích trồng cao su đến 2020(ha)

Đại điền

Tiểu điền

 

Tổng

20.000

16.000

4.000

1

Điện Biên

1.313

1.113

200

2

TP. Điện Biên Phủ

96

96

 

3

Mường Ảng

467

167

300

4

Mường Chà

3.013

2.513

500

5

Tuần Giáo

4.339

3.839

500

6

Tủa Chùa

959

859

100

7

Mường Nhé

7.258

5.858

1.400

8

Nậm Pồ

2.555

1.555

1.000

4. Tiến độ thực hiện phát triển cao su

Để đáp ứng mục tiêu dự án, triển khai trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh dự kiến phân theo từng giai đoạn, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 2008 - 2015: Trồng 6.000 ha cây cao su (5.700 ha cao su đại điền, 300 ha cao su tiểu điền) ở những vùng có điều kiện giao thông thuận lợi, có độ cao dưới 600 m so với mực nước biển và những diện tích nằm trong kế hoạch mà các công ty cao su đã chuẩn bị cho kế hoạch trồng mới năm 2015;

- Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục trồng mới thêm 14.000ha (10.300 ha cao su đại điền và 3.700 ha cao su tiểu điền), bình quân mỗi năm trồng mới 2.700 ha. Ưu tiên trồng ở những vùng có độ cao dưới 600 m so với mực nước biển; đối với diện tích đai cao từ 600 m đến 700m, chỉ được trồng sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 20.000 ha cây cao su.

IV. VỐN VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

1. Vốn đầu tư : Tổng vốn đầu tư là 3.480.383 triệu đồng.

2. Nguồn vốn đầu tư

- Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp: 3.260.000 triệu đồng chiếm 93,67% tổng vốn đầu tư (bao gồm vốn đầu tư trồng cao su, xây dựng nhà làm việc, xưởng chế biến, điện nước, giao thông, thủy lợi, nhà máy và đầu tư trang thiết bị…).

- Nguồn vốn từ chương trình 30a, Đề án 79, Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ít người: 65.213 triệu đồng chiếm 1,8% tổng vốn đầu tư (Bao gồm vốn hỗ trợ trồng cao su cho nhân dân trên địa bàn các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên).

- Nguồn vốn hỗ từ ngân sách địa phương: 155.170 triệu đồng chiếm 4,53% tổng vốn đầu tư (bao gồm: hỗ trợ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; đo đạc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ phát triển cao su theo Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh; hỗ trợ trồng cao su tiểu điền theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh).

3. Phân kỳ đầu tư

Căn cứ diện tích cao su đã trồng và định hướng phát triển cao su của tỉnh, dự kiến vốn đầu tư chia cho các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 2008-2015 là: 1.044.097 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016-2020 là: 2.436.286 triệu đồng.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về đất đai

- Các địa phương phối hợp với các bên liên quan tiến hành các thủ tục: Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, thanh lý rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoàn thành việc đo đạc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân để nhân dân tham gia góp đất trồng cao su với Doanh nghiệp.

- Tạo điều kiện để doanh nghiệp được thuê đất, được giao đất đảm bảo diện tích trồng cao su kịp thời vụ theo kế hoạch giao hàng năm.

- Thời hạn sử dụng đất được giao, được thuê để trồng cây cao su đối với mỗi dự án không quá 50 năm kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa.

- Đối với người dân góp đất với Doanh nghiệp để trồng cao su thông qua hợp đồng góp đất, không chuyển quyền sử dụng đất từ người góp đất sang doanh nghiệp. Khi vườn cao su được khai thác, người góp đất được hưởng tỷ lệ 10% sản phẩm theo thỏa thuận thống nhất giữa UBND tỉnh Điện Biên với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

- Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể trạng thái đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất được phép chuyển đổi sang trồng cao su, làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yên tâm góp đất với doanh nghiệp để đầu tư trồng cao su.

- Đối với diện tích đất lâm nghiệp sau khi rà soát không đáp ứng các tiêu chí trồng cao su theo quy định, thì tiếp tục đầu tư vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng.

2. Về khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

2.1. Về giống

- Sử dụng giống có chất lượng tốt, có xuất xứ rõ ràng và theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) ban hành, vùng trồng cao su của tỉnh Điện Biên theo bảng cơ cấu giống vùng Tây Bắc, chú ý đến bộ giống cây cao su có sức chống chịu rét tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

- Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam và báo cáo đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển vườn cây đã trồng trên địa bàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần cao su Điện Biên; cơ cấu giống tạm thời cho các tỉnh miền núi phía Bắc: GT1, RRIM 600, RRIM 712, IAN 873 và RRIV1. Song song với việc sử dụng các loại giống tạm thời, cần trồng thí nghiệm các loại giống có khả năng chịu rét, trồng ở độ cao trên 600 m so với mực nước biển như: YITC 77-2, YITC 77-4….Để theo dõi, đánh giá tuyển chọn thêm các giống thích nghi với tiểu khí hậu vùng.

- Để giảm chi phí, hạ giá thành, tạo cây giống cao su có chất lượng và quản lý được giống cây trồng trên địa bàn; các doanh nghiệp phát triển cây cao su trong khu vực quy hoạch chủ động xây dựng vườn ươm, vườn nhân cây giống để cung cấp cây giống tốt cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đảm bảo trồng cao su đạt hiệu quả.

2.2. Về kỹ thuật

a) Kỹ thuật canh tác vườn cao su

- Thực hiện theo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cây cao su của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành; kết hợp với hướng dẫn của các cán bộ có chuyên môn kỹ thuật thuộc phòng kỹ thuật của các Công ty cổ phần cao su trên địa bàn Điện Biên.

- Diện tích phát triển cao su chủ yếu ở các huyện có phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng lao động hầu như chưa được đào tạo. Vì vậy, để phát triển diện tích cao su vừa đảm bảo số lượng vừa đảm bảo về chất lượng, cần mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mủ cao su cho nông dân.

b) Kỹ thuật khai thác mủ

Vườn cây cao su trồng được 6 - 7 năm sẽ bắt đầu đưa vào khai thác; cây đạt tiêu chuẩn khai thác mủ khi bề vòng thân cây đo cách mặt đất 1 m đạt từ 50 cm trở lên (tương đương đường kính 15 cm trở lên), thời gian khai thác là 20 năm. Khi tiến hành khai thác phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật khai thác của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành.

c) Kỹ thuật chế biến mủ

Xây dựng nhà máy chế biến mủ: Với diện tích cao su trồng toàn tỉnh dự kiến là 20.000 ha trên địa bàn 08 huyện, thành phố; dự kiến xây dựng 4 nhà máy chế biến mủ trong 2 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Xây dựng nhà máy tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên với công suất của nhà máy khoảng 6.000 tấn/năm, thu mua và chế biến sản phẩm mủ của khu vực cao su trồng tại các xã thuộc huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và các xã thuộc huyện Mường Chà.

- Căn cứ vào diện tích trồng cao su trên địa bàn các huyện, giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành xây dựng thêm 03 nhà máy chế biến mủ cao su, với công suất từ 3.000 - 7.000 tấn, tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ.

d) Đào tạo nguồn nhân lực

- Để tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc khai thác, chế biến mủ cao su, các địa phương cần phối hợp với 02 Công ty cổ phần cao su xây dựng kế hoạch cử người đi đào tạo ở những cơ sở có điều kiện về trang thiết bị chế biến và quy trình kỹ thuật công nghệ chế biến phù hợp với địa phương.

- Lựa chọn công nghệ chế biến phù hợp với điều kiện thực tế, chú trọng đến xử lý nước thải và ô nhiễm môi trường do chế biến mủ gây ra.

3. Về đầu tư và tín dụng đầu tư

- Khuyến khích, huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư, vốn nhàn rỗi và góp đất của người dân để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng cao su;

- Tỉnh ưu tiên bố trí vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng dự án đầu tư trồng cây cao su;

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng cao su ở các địa bàn khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất theo các chính sách quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Cơ chế, chính sách

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển cao su theo Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh; hỗ trợ trồng cao su tiểu điền theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh.

VI. HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế

- Phát triển trồng, khai thác, chế biến cao su trên địa bàn tỉnh giúp các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn, lợi nhuận cao, tận dụng được cơ sở hạ tầng và tiềm năng (đất đai, nhân công…) sẵn có của địa phương.

- Người dân tham gia trồng cao su sẽ có thu nhập từ tiền công lao động, thu nhập từ trồng xen lúa và hoa màu trong 3 năm đầu trên diện tích đất trồng cao su thu nhập bình quân dự tính là: 4,9 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, khi cây cao su cho khai thác mủ, người dân góp đất để trồng cao su sẽ được hưởng lợi việc chia sản phẩm mủ ước tính khoảng 8 - 10 triệu đồng/ha/năm. Tại một số vùng trồng cao su của các doanh nghiệp người dân sẽ được tuyển dụng làm công nhân.

- Đối với tỉnh: Khi vườn cây cho khai thác mủ, hàng năm các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh từ 25 đến 30 tỷ đồng bằng các nguồn như tiền thuê đất làm nhà máy, thuế thu nhập doanh nghiệp....

2. Hiệu quả về mặt xã hội

- Xây dựng được vùng sản xuất cao su tại tỉnh Điện Biên, không những làm tăng sản phẩm cho xã hội, mà còn góp phần nâng cao vị thế sản phẩm mặt hàng cao su của Việt Nam trên thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng dự án cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động; trình độ dân trí ngày một nâng cao, tập quán sản xuất lạc hậu từng bước được xoá bỏ, gắn với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.

- Cơ sở hạ tầng trong vùng sẽ được xây dựng và cải thiện, đường giao thông trong địa bàn các xã lưu thông dễ dàng hơn, 100% số hộ gia đình vùng trồng cao su có thể sử dụng điện, người dân có điều kiện được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực hiện canh tác hợp lý trên đất dốc và áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

3. Hiệu quả về môi trường

- Phát triển cao su đúng kỹ thuật nhằm góp phần tăng độ che phủ cho đất, tránh được tình trạng xói mòn, rửa trôi đất. Nguồn tài nguyên đất đai sẽ được sử dụng hợp lý.

- Với nhận định cây cao su là cây đa mục đích, là cây kinh tế và có tác dụng bảo vệ môi trường, nên phát triển cao su trên địa bàn tỉnh có tác dụng duy trì nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân đồng thời tăng cường phòng hộ đầu nguồn nước.

- Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hữu cơ... chăm sóc cho vườn cây và khâu chế biến mủ được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật ban hành sẽ bảo vệ được môi trường sinh thái.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 107/2007/NQ-HĐND ngày 10/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc định hướng và giải pháp phát triển cây cao su của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2014./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Hoa