Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1222/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND ngày 29/04/2008 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung chính sau:

1. Tên đề án: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020.

2. Mục tiêu đề án:

a) Mục tiêu chung: Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời qua các hoạt động du lịch góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đầu tư, hỗ trợ phát triển 16 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đối với các làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn.

- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lao động làng nghề, trong đó, chú trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, phấn đấu đạt 100% làng nghề có lao động được đào tạo qua các nghiệp vụ;

- 100% số làng được hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, Festival di sản Quảng Nam;

- Có 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành;

- Hàng năm, thu hút trên 60.000 lượt khách du lịch đến với các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh;

- Tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn tại các làng nghề, làng nghề truyền thống có gắn với các hoạt động du lịch;

- Nâng mức thu nhập các hộ hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch từ 01 - 02 lần so với sản xuất thuần nông.

4. Phạm vi của Đề án: Đề án tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ tại 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch tại các huyện, thành phố gồm:

- Thành phố Hội An: Làng nghề gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà; Làng nghề mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim; Làng nghề rau Trà Quế, xã Cẩm Hà; Làng nghề đèn lồng phường Minh An.

- Huyện Điện Bàn: Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây, xã Điện Phương.

- Huyện Duy Xuyên: Làng chiếu cói Bàn Thạch, xã Duy Vinh; Làng nghề dệt chiếu An Phước, xã Duy Phước; Làng nghề dệt vải Tơ lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước.

- Thành phố Tam Kỳ: Làng nghề dệt chiếu cói, xã Tam Thăng.

- Huyện Phú Ninh: Làng nghề truyền thống Mộc Văn Hà, xã Tam Thành.

- Huyện Đông Giang: Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Bhờ -Hôồng, xã Sông Kôn; Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhờ- Rôồng, xã Tà Lu.

- Huyện Nam Giang: Làng nghề dệt thổ cẩm Zara, xã TàBhing.

- Huyện Nông Sơn: Làng nghề dó trầm hương xã Quế Trung.

5. Nội dung thực hiện

- Xây dựng cơ sở hạ tầng: xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông làng nghề, xây dựng kè bảo vệ làng nghề, cầu tàu du lịch, hệ thống cấp thoát nước, cải tạo cảnh quan môi trường, hệ thống điện chiếu sáng, cổng chào du lịch làng nghề, nhà vệ sinh công cộng); sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường.

- Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu (đay, cói, dâu tằm); hỗ trợ trang thiết bị máy móc (máy dệt chiếu, máy may...); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới; xúc tiến thương mại (hội chợ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm); xây dựng bản đồ và tập gấp giới thiệu làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch; đào tạo tập huấn...

6. Các giải pháp thực hiện

a)Về quy hoạch:

- Xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có nội dung quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các làng nghề một cách bền vững, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường;

- Triển khai xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và có kế hoạch đầu tư, gây dựng những loại giống nguyên liệu có chất lượng cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất, tập trung chủ yếu vùng nguyên liệu sản xuất như chiếu cói, đay, may, tre ...;

- Tiếp tục triển khai và rà soát lại các làng nghề đã có quy hoạch, thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề đã được quy hoạch. Trước mắt ưu tiên những nơi đã có quy hoạch khu, cụm công nghiệp làng nghề nên tổ chức di dời và hỗ trợ kinh phí để các cơ sở làng nghề gây ô nhiễm môi trường đến các khu cụm công nghiệp.

- Bố trí các cửa hàng, phòng trưng bày để giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề.

b) Về đào tạo nguồn nhân lực, lao động; công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyến thống, công nhận nghệ nhân và thợ giỏi:

- Về đào tạo nguồn nhân lực, lao động:

Khuyến kích, hỗ trợ nghệ nhân trực tiếp mở các lớp truyền nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, kỹ năng quản lý kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch... cho các hộ làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức rà soát, công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam, trong đó có các sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống theo Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 18/8/2014 của Bộ Công Thương; tổ chức xét tặng, công nhận, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về làng theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh.

c) Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển:

- Tiếp tục phát huy một số cơ chế chính sách hiện có của Trung ương, tỉnh có tác động tích cực đến phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch như: chính sách phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn tại Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ; Quy định khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp-làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 37/2001/QĐ-UBND ngày 30/7/2001 của UBND tỉnh Quảng Nam.

- Bổ sung, điều chỉnh một số cơ chế chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách mới để thúc đẩy phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; trong đó, cần tập trung các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay ưu đãi, đào tạo, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ...; trước mắt, ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ, nhằm khuyến khích các nội dung: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới; hỗ trợ tham gia hội chợ triễn lãm; hỗ trợ sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường...theo quy định tại Quyết định số 2420/QĐ-UBND ngày 05/8/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam.

d) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng du lịch, làng nghề hiện có và triển khai một số tuyến đường chính dẫn đến các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp, những làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm, tuyến du lịch.

e) Triển khai thực hiện Kế hoạch số 3995/KH-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh về quản lý thương hiệu đối với các sản phẩm thủ công tại Quảng Nam, nhằm giúp nâng khả năng cạnh tranh của những sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin đối với khách du lịch muốn mua các sản phẩm của địa phương, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm địa phương đối với khách du lịch khi đến tham quan tại Quảng Nam nói chung và tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng.

f) Bảo vệ môi trường: Tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường các làng nghề, tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng môi trường để có phương án xử lý; đối với làng nghề tập trung, cần áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xây dựng hệ thống nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, thực hiện việc thu phí môi trường, tăng cường áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Xây dựng các mô hình điểm về xử lý môi trường làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch...

g) Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế như JICA, ILO, UNESCO, FIDR... để hỗ trợ làng nghề các hoạt động về tư vấn kỹ thuật, xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu, xây dựng các bộ sản phẩm thủ công dấu ấn, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm tại các Trạm dừng nghỉ đường bộ...

h) Các giải pháp khác:

- Tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho các chủ thể liên quan đến phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch;

- Đẩy mạnh quảng bá làng nghề, sản phẩm làng nghề trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện, chương trình văn hóa gắn với du lịch làng nghề; tổ chức các hoạt động famtrip về du lịch làng nghề; biên tập và giới thiệu bản đồ du lịch, sản phẩm làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nhật...;

- Tổ chức hội chợ, lễ hội làng nghề truyền thống với nhiều hoạt động như triễn lãm, biểu diễn nghề, thi thiết kế sản phẩm, làm quà lưu niệm, thiết kế bao bì...;

- Thực hiện việc kết nối giữa làng nghề và lữ hành, giới thiệu sản phẩm mới cho việc xây dựng các tour tham quan du lịch làng nghề;

- Phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, THT) tại các địa phương, nhằm tạo ra sự liên kết sản xuất giữa làng nghề với các doanh nghiệp, các tổ chức góp phần giải quyết tốt đầu ra sản phẩm cho các làng nghề.

7. Nhu cầu vốn đầu tư: 85.300 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển: 65.490 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 18.610 triệu đồng.

8. Nguồn vốn đầu tư:

a) Cơ cấu nguồn vốn đầu tư: 85.300 triệu đồng, trong đó:

-

Vốn ngân sách Trung ương

: 12.330 triệu đồng.

-

Vốn ngân sách địa phương

: 58.300 triệu đồng.

-

Vốn lồng ghép các chương trình, dự án

: 2.340 triệu đồng.

-

Vốn đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ làng nghề

: 12.330 triệu đồng.

b) Phân kỳ vốn đầu tư

TT

Vốn đầu tư

Giai đoạn 2015-2020

 

Năm
 2015

Năm
 2016

Năm
 2017

Năm
 2018

Năm
2019

Năm
2020

 

 

1

Vốn ngân sách TW

1.318

3.301

3.199

1.991

1.416

1.105

 

2

Vốn ngân sách địa phương

7.340

14.411

14.117

9.301

7.177

5.953

 

3

Vốn lồng ghép các chương trình, dự án

395

391

382

391

391

391

 

4

Vốn đóng góp của DN, HTX và hộ làng nghề

1.318

3.301

3.199

1.991

1.416

1.105

 

 

Tổng cộng

10.371

21.404

20.897

13.674

10.401

8.554

 

9. Thời gian đầu tư: Từ năm 2015 - 2020.

10. Đơn vị thực hiện đề án: UBND các huyện, thành phố Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch;

- Chủ trì soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế xét, công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng năm tổng hợp, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống báo cáo Hội đồng thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định công nhận;

- Xem xét, tổng hợp kế hoạch đầu tư hàng năm của các địa phương, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương để triển khai các nội dung của Đề án được UBND tỉnh phê duyệt;

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện Đề án; đề xuất và tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án;

- Định hướng quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của các làng nghề.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch hiện có; phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng tuyến, điểm du lịch mới, trong đó, gắn kết, lấy làng nghề là sản phẩm du lịch; xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu các sản phẩm làng nghề Quảng Nam; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tại các làng nghề về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề và các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề, thu hút khách du lịch.

3. Sở Công thương:

- Chủ trì tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam; xét tặng, công nhận, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về làng, báo cáo Hội đồng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt công nhận;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn vay tín dụng ưu đãi hàng năm để xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề; lồng ghép các nguồn vốn khuyến công để tổ chức thực hiện Đề án.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút các dự án đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết, liên doanh với các làng nghề để phát triển sản xuất và khai thác du lịch; tham mưu nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng làng nghề gắn với du lịch; trong đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống điện, hệ thống vệ sinh môi trường và các hạ tầng dịch vụ cho các làng nghề.

5. Sở Tài chính: Cân đối kế hoạch ngân sách, ưu tiên bố trí vốn sự nghiệp hàng năm để thực hiện Đề án; tham mưu lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án khác có liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo tiến độ.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý thương hiệu đối với các sản phẩm sản xuất thủ công tại Quảng Nam;

- Hướng dẫn các làng nghề, cơ sở sản xuất, hộ làng nghề quy trình cấp nhãn hiệu hàng hoá, bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm đủ điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp các ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án về lao động và việc làm có có liên quan nhằm tăng cường nguồn nhân lực và tạo việc làm cho các đối tượng ở làng nghề.

9. Đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Quảng Nam tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tốt nội dung thỏa thuận hợp tác số 01/2013/NHNo-SNN-SVHTTDL ngày 29/10/2013 (giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về hỗ trợ nguồn vốn vay đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh và các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các địa phương.

10. Đề nghị Mặt trận và các Hội, Đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; trong đó, quan tâm vận động thực hiện tốt công tác môi trường làng nghề; vận động thực hiện tốt việc xã hội hoá đầu tư thực hiện Đề án, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước.

11. UBND các huyện, thành phố có liên quan:

- UBND huyện, thành phố (là chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện Đề án) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung đầu tư theo Đề án đã được phê duyệt;

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch;

- Trước ngày 15/8 hàng năm, tổng hợp, báo cáo sơ kết việc thực hiện Đề án tại địa phương và xây dựng kế hoạch thực hiện năm tiếp theo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra tham mưu UBND tỉnh kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện Đề án; phân công trách nhiệm, chỉ đạo các Phòng Ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án tại địa phương;

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn và thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTTH, KTN, VX.
D:\Thanh a 2015\Du lich\QD 120215
De an phat trien lang nghe.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Khánh Toàn