Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1231/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 12 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH TRỒNG CAO SU VÀ CÂY NGUYÊN LIỆU TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2008 - 2020 TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng Cao su trên đất lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 10/2009/TT-BNN ngày 04/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung một số điểm của Thông tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn việc trồng Cao su trên đất lâm nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 1339/CT-BNN-TT ngày 17/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển cây Cao su trong thời gian tới;

Căn cứ Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN ngày 17/9/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố việc xác định cây Cao su là cây đa mục đích;

Căn cứ Công văn số 209/BNN-LN ngày 24/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi diện tích có rừng sang trồng Cao su;

Căn cứ Công văn số 208/LN-QLR ngày 13/3/2009 của Cục Lâm nghiệp về việc Phương án Quy hoạch trồng Cao su trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 tỉnh Bình Phước;

Căn cứ Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 11/9/2008 của UBND tỉnh ban hành Quy định về chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng trồng không thành rừng hiệu quả thấp sang trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày;

Căn cứ Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ngày 27/02/2009 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định về chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng trồng không thành rừng hiệu quả thấp sang trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày ban hành kèm theo Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 11/9/2008;

Căn cứ Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 14/5/2008 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch sử dụng rừng, đất rừng và đất chuyển ra khỏi lâm phần sau rà soát quy hoạch 03 loại rừng;

Căn cứ Công văn số 4020/UBND-SX ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh về việc xây dựng Phương án trồng cây Cao su đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 116/TTr-SNN ngày 14/4/2009 về việc phê duyệt Phương án Quy hoạch trồng Cao su và cây nguyên liệu gỗ trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 tỉnh Bình Phước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án Quy hoạch trồng Cao su và cây nguyên liệu trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 tỉnh Bình Phước (kèm theo Phương án) với những nội dung chính như sau:

1. Tổng diện tích quy hoạch 62.810 ha, phân thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2008 - 2010 và giai đoạn 2011- 2020.

2. Giai đoạn 2008 - 2010: 13.122 ha, gồm các hạng mục sử dụng đất:

- Trồng Cao su: 7.466 ha.

- Trồng cây nguyên liệu: 2.886 ha.

- Rừng tự nhiên không đủ tiêu chí cải tạo phải quản lý bảo vệ: 1.421 ha.

- Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án tái định canh, định cư cho đồng bào dân tộc: 1.312 ha.

- Đất khác (sông suối, vùng ngập nước): 37 ha.

3. Giai đoạn 2011- 2020: 49.688 ha, gồm các hạng mục sử dụng đất:

- Trồng Cao su: 29.620 ha.

- Trồng cây nguyên liệu: 9.037 ha.

- Rừng tự nhiên không đủ tiêu chí cải tạo phải quản lý bảo vệ: 5.966 ha.

- Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các dự án định canh định cư cho đồng bào dân tộc: 4.969 ha.

- Đất khác (sông suối, vùng ngập): 96 ha

(Có bảng thống kê chi tiết kèm theo)

Điều 2. Về điều kiện đất đai

Trên diện tích đất quy hoạch 62.810 ha, diện tích có độ dốc trung bình từ 5 - 150 chiếm khoảng 80%; phần diện tích còn lại có độ dốc trung bình từ 15 - 300.

Trong diện tích quy hoạch có 2 nhóm đất chính là nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất xám, trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm khoảng 70% diện tích, gồm đất nâu đỏ phát triển trên đá Bazan (Fk), đất nâu vàng trên đá Bazan (Fu), đất nâu vàng trên đá phù sa cổ (Fp), nhóm đất xám chiếm khoảng 30% diện tích quy hoạch.

Điều 3. Về hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp

1. Phân theo hiện trạng:

Tổng diện tích quy hoạch: 62.810 ha, trong đó:

- Đất có rừng: 47.337 ha, gồm:

+ Rừng tự nhiên: 46.168 ha (rừng gỗ thuần loại: 20.271 ha; rừng hỗn giao gỗ - lồ ô: 25.897 ha).

+ Rừng trồng kém hiệu quả: 1.169 ha.

- Đất không có rừng: 15.339 ha, trong đó:

+ Đất trống trạng thái IA, IB, IC: 5.182 ha.

+ Đất xâm canh trồng cây công, nông nghiệp: 10.157 ha.

- Đất khác (đường sá, sông suối): 133 ha.

2. Phân theo cấp phòng hộ

Tổng diện tích quy hoạch: 62.810 ha, trong đó:

- Phòng hộ xung yếu: 985 ha.

- Đất rừng vành đai biên giới (thuộc rừng sản xuất): 5.303 ha.

- Đất rừng sản xuất: 56.522 ha.

(Có Phương án quy hoạch kèm theo)

Điều 4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1. Tổ chức triển khai Phương án Quy hoạch trồng Cao su và cây nguyên liệu trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 tỉnh Bình Phước (gọi tắt là Phương án)

2. Hướng dẫn các chủ rừng, tổ chức, cá nhân được giao rừng và đất lâm nghiệp thực hiện dự án trồng Cao su theo đúng quy định hiện hành.

3. Tổ chức thẩm định các dự án và trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt các dự án theo đúng quy định.

4. Hướng dẫn chủ rừng thiết kế, khai thác và tiêu thụ lâm sản tận thu, tận dụng sau khi dự án đã có đánh giá tác động môi trường theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 và Công văn số 1326/BNN-LN ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Hướng dẫn chủ rừng, chủ dự án lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại: Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ, đối với những dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh.

2. Hướng dẫn chủ rừng, chủ dự án liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Hướng dẫn chủ rừng, chủ dự án lập hồ sơ thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

4. Tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng đất không phải lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai đối với những diện tích đất đã quy hoạch ra ngoài lâm nghiệp.

Điều 6. UBND các huyện

1. Căn cứ vào quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, xác định phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu trồng mới lại rừng, cây công nghiệp trên diện tích đã được quy hoạch.

2. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án lập quy hoạch chi tiết giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trên diện tích đất đã được quy hoạch.

3. Phối hợp với các chủ dự án trong việc tuyển dụng lao động, trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, người dân địa phương.

Điều 7. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Danh