Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1231/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 23 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 24/2008/TT-BTC ngày 14/03/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch;

Căn cứ Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-BNN-KH ngày 31/7/1998 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành giá thiết kế quy hoạch xây dựng Thủy lợi; Quyết định số 557/QĐ-BNN-KH ngày 11/3/2010 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc điều chỉnh giá thiết kế quy hoạch xây dựng Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 102/TTr-SNN ngày 28/4/ 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương và dự toán lập Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020, với nội dung như sau:

I. Nội dung đề cương quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:

1. Sự cần thiết phải xây dựng quy hoạch:

Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh có khoảng 73,29% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt; khoảng 53,03% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 43,3% chuồng trại chăn nuôi được cải tạo và xây mới đảm bảo quản lý chất thải; khoảng 93,22% tổng số trường học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, 93,81% tổng số trạm xá xã, 20,83% tổng số chợ ở khu vực nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt và có công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện cảnh quan môi trường, điều kiện sống và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Trong giai đoạn 2001 - 2010, Chương trình đã xây dựng mới đưa vào sử dụng 46 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân thực hiện xây dựng hơn 6.400 giếng đào mới, cải tạo, nâng cấp 18.926 giếng đào tại các xã, thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 14.562 hộ dân nông thôn vay vốn tín dụng để xây dựng 14.562 công trình cấp nước (chủ yếu là giếng đào, giếng khoan nhỏ lẽ và lu, bể chứa nước mưa). Song song với thực hiện nhiệm vụ cấp nước, nhiệm vụ vệ sinh môi trường đã được Chương trình chú trọng thực hiện, trong 10 năm thực hiện Chương trình đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 71 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường học; 27 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trạm y tế. Ngoài ra, vận động người dân nông thôn trong tỉnh tự đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng khoảng 7.802 hố xí hợp vệ sinh, 10.366 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh kết hợp với Biogas. Trong đó có 14.561 hộ dân được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để xây dựng 14.561 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình nông thôn trong tỉnh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2001 - 2010, quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh chỉ mới tập trung xác lập việc xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và vệ sinh của người dân nông thôn trong tỉnh. Các nghiên cứu trong quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được áp dụng vào thực tiển và đã xây dựng được hàng loạt công trình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhưng các nghiên cứu này được thực hiện mới chỉ để giải quyết việc đưa tỷ lệ người dân có nguồn nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng, còn vấn đề chất lượng nguồn nước cũng như công tác xử lý nước sinh hoạt chỉ được ứng dụng vào các hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, công tác xử lý nước hộ gia đình chưa được thực hiện. Quy hoạch của giai đoạn này chỉ mới tập trung đến việc khai thác sử dụng nước ngầm, mà trữ lượng nước ngầm chỉ có hạn. Trên thực tế, việc sử dụng nước ngầm cho phát triển kinh tế cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân sinh trên địa bàn tỉnh khá phổ biến, theo kết quả quan trắc chất lượng nước sinh hoạt hàng năm thì chất lượng nguồn nước ngầm tầng nông đang có dấu hiệu ô nhiễm, hàm lượng vi sinh trong nước rất cao. Vì vậy, nếu sử dụng lâu dài không có quy hoạch thì nguồn nước ngầm sẽ bị cạn kiệt và chất lượng nước sẽ bị ô nhiểm nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, trong giai đoạn tiếp theo cần được điều tra để tìm ra các biện pháp cải thiện chất lượng nguồn nước để sử dụng và bảo vệ hợp lý nguồn nước này; đồng thời, xây dựng các giải pháp bảo vệ, khai thác và xử lý nguồn nước mặt để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn mà trong quy hoạch cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001 - 2010 chưa đề cập.

Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với mục đích đạt yêu cầu tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã. Đến 2015 có 35% số xã đạt chuẩn và đến 2020 có 80% số xã đạt chuẩn. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu trên, việc xem xét đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cần thiết được thực hiện theo quy hoạch giai đoạn 2010 - 2020 để đạt yêu cầu theo tiêu chí nông thôn mới.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, do những tác động, ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu, hiện tượng elnino kéo dài làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa đã làm cho nguồn nước trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu suy giảm, vì vậy để có những định hướng cơ bản, chiến lược ứng phó thích hợp, cần phải nghiên cứu xem xét một cách thích đáng những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 để thực hiện.

2. Mục tiêu của quy hoạch:

- Quy hoạch nhằm làm cơ sở pháp lý để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn một cách ổn định, bền vững và lâu dài;

- Cụ thể hóa định hướng phát triển cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020;

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn nông thôn tỉnh;

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh;

- Làm cơ sở xây dựng đề án nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân nông thôn trong tỉnh, đặc biệt là đối với từng hộ, nhóm hộ gia đình.

3. Đối tượng, phạm vi lập quy hoạch:

Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Đối tượng nghiên cứu chính bao gồm các vấn đề liên quan đến nguồn nước như hệ thống các công trình thủy lợi đã có, các công trình cấp nước và công trình vệ sinh môi trường hiện có; các công trình đề xuất mới; các vấn đề liên quan đến các ảnh hưởng do nước gây ra như lũ lụt, tiêu úng, hạn hán, các vấn đề liên quan đến chiến lược ứng phó và các chương trình giảm thiểu các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

4. Nội dung lập quy hoạch:

a) Trình tự các bước thực hiện:

- Thu thập, chuẩn bị tài liệu cơ bản và khảo sát bổ sung các số liệu, tài liệu hiện trạng cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:

+ Tài liệu định hướng chính sách;

+ Tài liệu về điều kiện tự nhiên: địa hình, điều kiện khí hậu, nguồn nước mặt; xác định các đặc trưng và lập bản đồ địa chất thủy văn nước dưới đất;

+ Tài liệu dân sinh kinh tế - xã hội và môi trường.

- Thu thập và khảo sát bổ sung các số liệu, tài liệu, hiện trạng cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn: Thực trạng cấp nước; thực trạng nguồn nước; thực trạng vệ sinh môi trường nông thôn; các nghiên cứu, phát triển có liên quan đến phát triển cấp nước, vệ sinh môi trường đã có; các tài liệu liên quan đến các chiến lược, chương trình cấp nước và vệ sinh môi trường của quốc gia vùng và địa phương.

- Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển, xác định tiềm năng, đánh giá và dự báo:

+ Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên tác động đến cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn;

+ Điều tra, tổng hợp, đánh giá nguồn lực xã hội;

+ Điều tra, đánh giá quá trình phát triển kinh tế - xã hội;

+ Phân tích, dự báo xu thế phát triển , cơ hội và thách thức đối với cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trong tương lai.

- Tính toán, thiết kế, xây dựng phương án quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn và đánh giá môi trường chiến lược.

- Lập báo cáo quy hoạch, bao gồm:

+ Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020.

+ Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020.

- Lập 03 bản đồ tỷ lệ 1/100.000, bao gồm:

+ Bản đồ hiện trạng cấp nước và bản đồ hiện trạng vệ sinh môi trường nông thôn;

+ Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển dân sinh - kinh tế;

+ Bản đồ quy hoạch cấp nước và bản đồ quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn.

- Trình phê duyệt quy hoạch:

+ Báo cáo lấy ý kiến bổ sung;

+ Chỉnh sửa, bổ sung báo cáo;

+ Báo cáo và bảo vệ quy hoạch;

+ Hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và trình phê duyệt.

b) Nội dung trong quy hoạch:

- Phân tích các yếu tố về điều kiện và nguồn lực phát triển:

+ Đặc điểm địa lý tự nhiên: vị trí địa lý, phạm vi hành chính, đặc điểm địa hình, địa chất thủy văn, thổ nhưỡng, khí hậu;

+ Đặc điểm nguồn nước: nước mặt, nước ngầm;

+ Dân cư và lao động;

+ Các làng nghề, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Đánh giá quá trình phát triển:

+ Quá trình phát triển kinh tế - xã hội;

+ Quá trình phát triển cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Xu thế phát triển, cơ hội và thách thức đối với cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, đánh giá tác động môi trường:

+ Quy hoạch cấp nước sinh hoạt;

+ Quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn và đánh giá tác động môi trường.

- Giải pháp thực hiện:

+ Quan điểm, cơ chế, tổ chức quản lý, chính sách;

+ Vốn đầu tư;

+ Trình tự thực hiện quy hoạch.

5. Thời gian thực hiện: Năm 2011 - 2012.

6. Sản phẩm giao nộp: 10 bộ hồ sơ, mỗi bộ bao gồm:

- Thuyết minh tổng hợp;

- Thuyết minh tóm tắt;

- Bản đồ:

+ Bản đồ hiện trạng cấp nước và bản đồ hiện trạng vệ sinh môi trường nông thôn; tỷ lệ 1/25.000 đến 1/250.000;

+ Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển dân sinh - kinh tế; tỷ lệ 1/25.000 đến 1/250.000;

+ Bản đồ quy hoạch cấp nước và bản đồ quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn; tỷ lệ 1/25.000 đến 1/250.000.

- Đĩa CD với các file dữ liệu đính kèm.

II. Dự toán kinh phí:

1. Tổng kinh phí: 626.334.000 đồng, bao gồm:

- Giá thiết kế quy hoạch: 475.150.000 đồng;

Trong đó:

+ Giá thiết kế quy hoạch: 431.955.000 đồng;

+ Thuế GTGT 10%: 43.195.000 đồng.

- Chi phí thu thập xử lý số liệu, chi phí khảo sát thực tế, chi phí quản lý điều hành: 151.184.000 đồng.

(Có bảng dự toán chi tiết kèm theo).

2. Nguồn kinh phí:

Nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2011 đã được UBND tỉnh Bình Phước giao kế hoạch vốn tại Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 là 550.000.000 đồng; phần còn lại là 76.334.000 đồng sẽ được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong kế hoạch năm 2012.

III. Cơ quan quản lý thực hiện quy hoạch: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước.

(Có đề cương và dự toán chi tiết mang số hiệu QH0: 01 - 2010 - NSNT do Chi cục Thủy lợi & PCLB lập kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo đề cương được duyệt đảm bảo theo quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tòng

 



BẢNG DỰ TOÁN CHI PHÍ LẬP QUY HOẠCH, TỔNG THỂ CẤP NƯỚC & VSMT NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

(Kèm theo Quyết định số: 1231/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh Bình Phước)

STT

Khoản mục chi phí

Mức chi phí tối đa %

Thành tiền (đồng)

Ghi chú

 

Tổng kinh phí ở mức tối đa

100.00

626,334,000

(I+II+III)

I

Chi phí cho công việc chuẩn bị đề cương quy hoạch

2.00

12,527,000

(1+2)

1

Chi phí xây dựng đề cương và trình duyệt đề cương

1.60

10,021,600

 

1.1

Xây dựng đề cương nghiên cứu

1.00

6,263,500

 

1.2

Hội thảo, xin ý kiến chuyên gia thống nhất đề cương và trình duyệt

0.60

3,758,100

 

2

Lập dự toán kinh phí theo đề cương đã thống nhất và trình duyệt

0.40

2,505,400

 

II

Chi phí nghiên cứu xây dựng báo cáo dự án quy hoạch

88.00

551,174,000

(1+2+3+4)

1

Chi phí thu thập, xử lý số liệu, dữ liệu ban đầu

8.00

50,106,727

 

2

Chi phí thu thập bổ sung vê số liệu, tư liệu theo yêu cầu quy hoạch

4.00

25,053,364

 

3

Chi phí khảo sát thực tế

20.00

125,266,818

 

4

Chi phí thiết kế quy hoạch

56.00

350,747,091

(4.1+…+4.8)

4.1

Phân tích, đánh giá vai trò của nước sạch & VSMT nông thôn

1.00

6,263,341

 

4.2

Phân tích đánh giá hiện trạng phát triển và tiêu thụ nước sạch & VSMT nông thôn

4.00

25,053,364

 

4.3

Dự báo khả năng công nghệ và sức cạnh tranh của nước sạch & VSMT nông thôn

4.00

25,053,364

 

4.4

Nghiên cứu mục tiêu và quan điểm phát triển

3.00

18,790,023

 

4.5

Nghiên cứu, đề xuất các phương án phát triển

6.00

37,580,045

 

4.6

Nghiên cứu các giải pháp thực hiện mục tiêu

20.00

125,266,818

 

 

a) Luận chứng các phương án và giải pháp phát triển nước sạch & VSMT nông thôn

5.00

31,316,705

 

 

b) Dự báo và xây dựng phương án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực

1.00

6,263,341

 

 

c) Xây dựng các phương án và giải pháp phát triển khoa học công nghệ

1.00

6,263,341

 

 

d) Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ môi trường

1.50

9,395,011

 

 

đ) Xây dựng các phương án, tính toán nhu cầu và đảm bảo vốn đầu tư

4.00

25,053,364

 

 

e) Xây dựng các chương trình dự án đầu tư trọng điểm

1.50

9,395,011

 

 

g) Xây dựng phương án tổ chức địa phương và phân bố

3.00

18,790,023

 

 

h) Xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án thực hiện

3.00

18,790,023

 

4.7

Xây dựng báo cáo tổng hợp và hệ thống các báo cáo liên quan

10.00

62,633,409

 

 

a) Xây dựng báo cáo đề dẫn

1.00

6,263,341

 

 

b) Xây dựng báo cáo tổng hợp

8.00

50,106,727

 

 

c) Xây dựng các báo cáo tóm tắt

0.60

3,758,005

 

 

d) Xây dựng văn bản trình thẩm định

0.20

1,252,668

 

 

đ) Xây dựng văn bản trình phê duyệt dự án quy hoạch

0.20

1,252,668

 

4.8

Xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch

8.00

50,106,727

 

III

Chi phí quản lý và điều hành

10.00

62,633,000

(1+2+3+4)

1

Chi phí quản lý dự án của Ban quản lý

3.00

18,789,900

 

2

Chi phí hội thảo và xin ý kiến chuyên gia

2.00

12,526,600

 

3

Chi phí thẩm định và hoàn thiện báo cáo tổng hợp quy hoạch theo kết luận thẩm định của Hội đồng thẩm định.

2.00

12,526,600

 

4

Chi phí công bố quy hoạch

3.00

18,789,900