Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1242/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 12 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

- Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

- Căn cứ Công văn số 2733/BNN- TCLN của Bộ NN&PTNT ngày 21/9/2011 về việc thẩm định báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011- 2020;

- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh tại Tờ trình số 178/TTr-KL ngày 28/3/2011 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Địa điểm và qui mô: Trên địa bàn 03 huyện và 01 thành phố, quy mô 645,3 ha diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Thu hút mọi nguồn lực xã hội và sự tham gia của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, nâng cao mức sống của người dân vùng đồi rừng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Về môi trường: Giữ vững độ che phủ 2,8 % vào năm 2020 (tính cả diện tích cây phân tán là 4.000.000 cây tương đương 1.600 ha).

- Về kinh tế: Góp phần nâng tỉ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản trong nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và cung cấp được 1 phần nhu cầu gỗ củi phục vụ tiêu dùng tại chỗ cho bộ phận dân cư sống gần rừng.

3. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

3.1. Quy hoạch bảo vệ rừng

Quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ môi trường theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích rừng cần được bảo vệ: 645,3 ha (giai đoạn 2011- 2015: 590,8 ha; giai đoạn 2016-2020: 645,3 ha).

3.2. Quy hoạch xây dựng và phát triển rừng

- Làm giàu rừng có trồng bổ sung lâm sản ngoài gỗ, trồng bổ sung các loài cây bản địa, cây lâm sản như: Tre măng Bát độ, cây thuốc quý như Đảng sâm, Kim ngân, Thổ sâm…

- Làm giàu rừng kết hợp trồng bổ sung các loài cây bản địa: Trên diện tích 179,97ha rừng trồng thuần loài Keo, Bạch đàn.

- Trồng rừng (tập trung) mới trên diện tích đất trống 54,5 ha, mật độ 1.600cây/ha, trong đó có 1.000 cây Thông và cây bản địa, 600 cây Keo

- Cải tạo rừng trồng thành lâm viên: Diện tích 59,76 ha ở một số khu di tích lịch sử có khả năng chuyển sang du lịch sinh thái hoặc là nơi nghỉ ngơi cuối tuần cho du khách.

- Trồng 4.000.000 cây phân tán trên các diện tích vườn hộ gia đình, đất công cộng, công sở, trường học, các khu công nghiệp, đất xen kẽ khu dân cư, đường giao thông nông thôn, kênh, mương…(trong đó: Giai đoạn 2011-2015: 2.000.000 cây; Giai đoạn 2016-2020: 2.000.000 cây).

3.3. Quy hoạch khai thác tận dụng rừng

- Giai đoạn 2011-2015: Đối tượng là diện tích rừng trồng hiện có 590,8 ha và 54,5 ha trồng rừng giai đoạn 2011 -2015, và mỗi năm khai thác diện tích cây phân tán khoảng 70,0 ha. Tổng trữ lượng khai thác khoảng 1.837m3 gỗ và 1.125 ster củi.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đối tượng là 645,3ha rừng và khoảng 2.000.000 cây phân tán. Tổng trữ lượng khoảng 3.978m3 gỗ và 1.000 ster củi.

3.4. Quy hoạch chế biến và tiêu thụ lâm sản

- Giai đoạn 2011-2015: Rà soát lại các cơ sở chế biến hiện có, đầu tư cải tạo nâng cấp nhà xưởng, thay thế dây truyền công nghệ hiện đại.

- Giai đoạn sau 2015: Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ mộc mỹ nghệ…

3.5 Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, lâm sinh

- Xây dựng trạm bảo vệ rừng: Tiến hành xây dựng 4 trạm bảo vệ rừng.

- Xây dựng chòi canh rừng: Khối lượng 4 chòi; địa điểm tại xã có rừng.

- Xây dựng đường băng xanh cản lửa: Tiến hành xây dựng đường băng xanh cản lửa tại những khu vực trồng rừng tập trung từ 10 ha trở lên.

- Cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp.

+ Khối lượng 200 mốc, áp dụng 100% mốc cấp I cho 645,3 ha.

+ Đối tượng: Rừng phòng hộ cảnh quan môi trường.

Điều 2. Phân công nhiệm vụ:

1. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định của nhà nước.

2. UBND các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan; Chi cục Kiểm lâm căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tiến Nhường