Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1397/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỔ CHỨC TRONG GIÚP ĐỠ CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, XÃ BIÊN GIỚI, XÃ CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh tại Tờ trình số 186/TTr-SNV ngày 22 tháng 5 năm 2014 ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 1550/1998/QĐ-UB ngày 22 tháng 8 năm 1998 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp thực hiện Quyết định số 109 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, công ty có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, NC, D120b.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA CÁC TỔ CHỨC TRONG GIÚP ĐỠ CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, XÃ BIÊN GIỚI, XÃ CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị xã hội, Công ty (sau đây gọi chung là tổ chức) với UBND các huyện, thành phố và UBND các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công trên địa bàn tỉnh trong việc giúp đỡ xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 3. Các tổ chức được phân công giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công theo Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, các phương án triển khai giúp xã kiểm tra, giám sát tình hình, đôn đốc cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của xã; đồng thời chỉ ra những thiếu sót ở xã. Các tổ chức phụ trách xã không làm thay cho xã mà gợi mở định hướng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; động viên, khích lệ, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sự giúp đỡ phải đảm bảo không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực và năng lực điều hành của chính quyền; không ngừng mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Điều 4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Thông tin, phối hợp tạo điều kiện để các tổ chức thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; thống nhất kế hoạch, tháo gỡ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền cho cơ sở.

2. Chỉ đạo, phân công các phòng, ban chức năng của huyện phụ trách, giúp đỡ các xã vùng I, vùng II đảm bảo các xã đều có đơn vị giúp đỡ, tránh trùng chéo với phân công của tỉnh.

Điều 5. Chính quyền các xã, bản

1. Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra đôn đốc toàn diện của UBND huyện, thành phố và các tổ chức phụ trách xã nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của UBND các cấp phát huy nội lực, sức sáng tạo chủ động, thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

2. Tạo điều kiện để các tổ chức nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

3. Kiến nghị những tồn tại, khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân sở tại.

Chương 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC TỔ CHỨC, UBND CẤP HUYỆN, UBND CẤP XÃ

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức phụ trách, giúp đỡ xã

1. Nhiệm vụ của các tổ chức với xã

a) Nắm chắc tình hình an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

b) Tuyên truyền quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh, của huyện có liên quan đến các xã, bản trên địa bàn phụ trách.

c) Chủ động phối hợp với huyện, xã thực hiện việc xây dựng chính quyền, củng cố tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

d) Giúp đỡ, hỗ trợ xã về vật chất, kỹ thuật phù hợp với khả năng và lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.

đ) Kịp thời kiến nghị những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc với các cấp, các ngành có liên quan. Đề xuất giải pháp và phương hướng giúp xã khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, định cư và phát triển sản xuất.

e) Cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất việc xây dựng, thẩm định các dự án, những vấn đề tồn tại ở xã để đưa ra giải pháp, giúp các xã tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

f) Giúp UBND các xã thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới theo quy hoạch đã được phê duyệt và kế hoạch của từng xã cho từng tiêu chí.

g) Định kỳ 6 tháng/lần các tổ chức bố trí cán bộ lãnh đạo hoặc chuyên viên của ngành về xã để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhiệm vụ an ninh quốc phòng và củng cố hệ thống chính trị.

2. Quyền hạn của các tổ chức phụ trách giúp đỡ xã

a) Được tham dự các cuộc họp của Đảng uỷ, HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị xã hội ở xã, bản trong các đợt tổng kết, đại hội, sơ kết (xã mời các tổ chức về dự, nếu các cơ quan không về dự phải thông báo cho xã biết).

b) Được tham dự các cuộc họp giao ban do huyện tổ chức đối với xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; được quyền chất vấn hoặc giải đáp và dự trình các dự án, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xã.

c) Được quyền giải quyết những công việc ở xã khi có vướng mắc theo quyền hạn chuyên môn của ngành sau khi đã thống nhất với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội có liên quan ở cấp huyện.

d) Được phép cùng với xã xây dựng các đề án, dự án kêu gọi vốn đầu tư giúp đỡ của Nhà nước, các tổ chức Phi Chính phủ, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các chương trình bồi dưỡng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn UBND các huyện, thành phố

1. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động của xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, UBND huyện, thành phố ra Quyết định cho các xã thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và tổ chức thực hiện kiểm tra việc thi hành các Quyết định đó.

2. Tổ chức họp giao ban theo định kỳ 6 tháng/lần giữa các tổ chức phụ trách, giúp đỡ với xã (UBND cấp huyện mời); cung cấp những thông tin về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, hệ thống chính trị của xã cho tổ chức phụ trách nắm được để thực hiện nhiệm vụ giúp cơ sở.

3. Kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động của xã và định hướng chỉ đạo, điều hành để nhân dân phát huy quyền làm chủ, sáng tạo trong lao động, công tác thực hiện tốt chủ trương, định hướng của huyện, của tỉnh; tổng hợp những kiến nghị, đề xuất những giải pháp, đề án giúp xã.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND xã

1. Báo cáo phản ánh trung thực những diễn biến tình hình ở xã cho các tổ chức, UBND huyện biết: Những việc xã đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân? Kiến nghị, đề xuất với tổ chức và UBND cấp huyện.

2. Trực tiếp lãnh đạo, điều hành, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt những chủ trương, chính sách và kế hoạch phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và củng cố hệ thống chính trị.

3. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong tỉnh, huyện xuống xã hoàn tành nhiệm vụ.

4. Chủ động mời tổ chức phụ trách xã; huyện, thành phố đến dự các cuộc họp của Đảng ủy hoặc chi bộ, HĐND, UBND để nghe và tham gia ý kiến giúp xã.

5. Báo cáo UBND cấp huyện đối với những tổ chức lợi dụng hình thức giúp đỡ xã để làm trái với các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để UBND cấp huyện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

Chương 3

NỘI DUNG PHỐI HỢP GIÚP ĐỠ XÃ

Điều 9. Các tổ chức được phân công phụ trách, giúp đỡ xã phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố

1. Hướng dẫn giúp đỡ xã trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

2. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh, huyện bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các xã.

3. Định kỳ hàng năm các tổ chức được phân công phụ trách, giúp đỡ xã cùng UBND cấp huyện, UBND cấp xã được giúp đỡ tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và tổ chức tổng kết vào đầu tháng 12. Báo cáo kết quả, đánh giá đầy đủ những yếu tố khách quan và chủ quan, những mặt làm được và chưa làm được; những tồn tại hạn chế và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị; những bài học kinh nghiệm rút ra trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xã và những giải pháp triển khai trong các năm tiếp theo.

Điều 10. Công tác phối hợp giữa các tổ chức được phân công phụ trách, giúp đỡ xã và các huyện, thành phố với xã

1. Giúp xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

2. Giúp xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế sát với thực tế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh việc đưa giống vật nuôi, cây trồng cho năng xuất, sản lượng cao vào sản xuất; khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển vườn đồi cây công nghiệp, cây ăn quả, tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại hóa cây, con phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương.

3. Ổn định và điều chỉnh dân cư trên địa bàn, chăm lo an sinh xã hội, nâng cao dân trí, chú trọng công tác giáo dục đặc biệt là các điểm trường. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

4. Tuyên truyền, vận động nhân dân “không trồng, không vận chuyển, không tàng trữ, không mua bán, không sử dụng trái phép chất ma túy và không nghiện hút thuốc phiện”.

5. Xây dựng nội quy, quy ước để giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để cho kẻ địch thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, phòng chống tôi phạm và các tệ nạn xã hội.

Chương 4

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 11. Việc thực hiện nhiệm vụ phụ trách, giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công của các tổ chức được tính vào tiêu chuẩn thi đua hàng

năm theo quy định hiện hành. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh xét khen thưởng đối với những đơn vị có nhiều thành tích trong giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Điều 12. Đối với các tổ chức đã được phân công phụ trách, giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công không tổ chức triển khai thực hiện  nhiệm vụ (không có báo cáo lý do của cơ quan, đơn vị) tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Chương trình, nội dung giúp đỡ xã phải được đưa vào kế hoạch thực hiện hàng tháng, quý và cả năm của các tổ chức.

1. Định kỳ hàng năm (6 tháng và cuối năm) các tổ chức báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phụ trách, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) theo dõi, chỉ đạo.

2. UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả với UBND tỉnh việc giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công của các tổ chức được phân công trên địa bàn tại cuộc họp giao ban với UBND tỉnh. Hàng năm báo cáo kết quả việc phân công các đơn vị ở cấp huyện phụ trách, giúp đỡ các xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện quản lý./.