Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
T
ỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2006/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 06 tháng 04 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA UBND CÁC CẤP VÀ HỘI NÔNG DÂN CÙNG CẤP TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;

Căn cứ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg , ngày 24-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về trách nhiệm các bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả;

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29-07-2005 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh KonTum, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội nông dân và phong trào nông dân.

Sau khi thống nhất giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Kon Tum,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.Ban hành kèm quyết định này Quy chế về mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa UBND các cấp và Hội Nông dân cùng cấp tỉnh KonTum.

Điều 2.Các Ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2,
- Văn phòng Tỉnh ủy,
- Lưu VT-VXH.

TM. UBND TỈNH KON TUM
CHỦ TỊCH




Hà Ban

 

QUY CHẾ

MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA UBND CÁC CẤP VÀ HỘI NÔNG DÂN CÙNG CẤP TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UB ngày 06/04/2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.Mối quan hệ công tác giữa UBND các cấp và Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp là mối quan hệ phối hợp, nhằm tạo điều kiện để mỗi bên thực hiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng chính quyền và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Điều 2. UBND các cấp của tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, phát huy quyền làm chủ của nông dân, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh.

Điều 3. Hội Nông dân là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có trách nhiệm tham gia xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh; tập hợp, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Chương II

MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP

Điều 4. UBND các cấp thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức chỉ đạo, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quyết định 17/1998/QĐ-TTg và Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, UBND các cấp phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, trên cơ sở đó cùng thảo luận, bàn bạc, quyết định những chương trình phối hợp năm tiếp theo.

UBND các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân cùng cấp tiếp nhận các chương trình, dự án đầu tư cho nông dân, nông thôn; hàng năm cân đối giao một phần ngân sách đầu tư khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dạy nghề, giới thiệu việc làm để Hội Nông dân cùng cấp thực hiện.

Điều 5. UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị cơ quan chuyên môn phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức chuyển giao những tiến độ khoa học - kỹ thuật giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; triển khai các dự án, các nguồn vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, giải quyết việc làm; cung cấp dịch vụ giống, vật tư nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân; phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hướng vào dịch vụ sản xuất và đời sống theo nhu cầu của nông dân; giải quyết tốt vấn đề đất ở, đất sản xuất cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng gắn với hưởng lợi trực tiếp sản phẩm từ rừng; đào tạo nghề cho nông dân nhằm phát triển những ngành nghề mới ở nông thôn (may mặc, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, nề, mộc...) và khôi phục ngành nghề truyền thống.

Điều 6. Khi xây dựng chính sách, kế hoạch và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân, nhiệm vụ công tác của Hội Nông dân, UBND các cấp cần thông báo và tạo điều kiện để Hội Nông dân cùng cấp tham gia. Các kỳ họp của UBND các cấp bàn về các nội dung có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, UBND các cấp mời lãnh đạo Hội Nông dân cùng cấp tham dự và đóng góp ý kiến. Khi thành lập các tổ chức tư vấn của UBND các cấp mà nội dung hoạt động gắn với quyền và nghĩa vụ của nông dân, phải mời lãnh đạo Hội Nông dân cùng cấp tham gia với tư cách thành viên.

Điều 7. Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn nông thôn, UBND các cấp phối hợp với Hội nông dân cùng cấp tổ chức chỉ đạo và tạo điều kiện để phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân trong các phong trào của nông dân.

Điều 8. UBND các cấp phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, nông dân; thường xuyên thông tin về các chủ trương, chính sách mới, các thông tin về khoa học - kỹ thuật, những mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh; về tình hình thực hiện các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân cùng cấp thực hiện tốt chức năng giám sát và kiểm tra.

Kịp thời xem xét, giải quyết và trả lời những kiến nghị của nông dân theo quy định của pháp luật.

Khi thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành và thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nông dân, UBND các cấp mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham gia làm thành viên.

Điều 9. Hội Nông dân các cấp có nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh về mọi mặt, hàng năm phối hợp với UBND cùng cấp có biện pháp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh.

Tổ chức lãnh đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát huy vai trò trung tâm nòng cốt của Hội trong các phong trào nông dân, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng làm cho hội viên, nông dân các dân tộc trong tỉnh hiểu sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là các chính sách về dân tộc và tôn giáo, nội dung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; luôn đề cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên, nông dân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong công cuộc đổi mới của đất nước. Khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tự ti, ỷ lại; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, có ý thức vươn lên vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng. Vận động nông dân tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh có kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đẩy mạnh thực hiện các chương trình công tác xã hội. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng cường lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, HTX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của nông dân, những vấn đề vướng mắc trong nội bộ nông dân và nông thôn; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Điều 11. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh có biện pháp đẩy mạnh 3 phong trào lớn tại cơ sở; tổ chức cho nông dân nghèo nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đi tham quan học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, vận động nông dân thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự xã hội; tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường; thực hiện chương trình Dân số - Gia đình và Trẻ em; học tập văn hóa xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ thông cơ sở; đẩy mạnh hoạt động văn hóa – thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân.

Điều 12. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân và chỉ đạo xây dựng quỹ Hội ở cơ sở để tạo nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động Hội; tổ chức điều hành, quản lý các quỹ của Hội, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và các nguồn vốn khác liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo đúng điều lệ, pháp luật quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Định kỳ 6 tháng, năm, UBND các cấp và Hội Nông dân cùng cấp tổ chức họp định kỳ để trao đổi tình hình, rút kinh nghiệm phối hợp hoạt động, bàn nhiệm vụ và biện pháp phối hợp hoạt động cho thời gian tới. Khi có công việc cần thiết UBND các cấp và Hội Nông dân cùng cấp sẽ tổ chức các cuộc họp đột xuất để phối hợp giải quyết kịp thời.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, UBND các cấp và Hội Nông dân cùng cấp sẽ trao đổi thống nhất, tiếp tục hoàn chỉnh quy chế này cho phù hợp./.