Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1460/QĐ-UBND

An Giang, ngày 25 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định 679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10 tháng 5 năm 2011 phê duyệt Chương trình hành động về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Kế hoạch Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi kết quả thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục PCTNXH (Bộ LĐTB&XH) (báo cáo);
- TT. UBND tỉnh (báo cáo);
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1460/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. TÌNH HÌNH MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (2006-2010).

An Giang là tỉnh biên giới, có đường biên giới gần 100 km tiếp giáp với Campuchia; có nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, hệ thống giao thông thủy bộ qua lại biên giới giữa hai nước dễ dàng, thuận lợi. Giáp cửa khẩu, về phía Campuchia có 2 Casino lớn, nhỏ thu hút nhiều lao động nữ trong nước sang phục vụ, cùng với nhiều nhà trọ có hoạt động phức tạp chứa chấp mại dâm. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại biên giới làm ăn, buôn bán, du lịch...từ việc giao thương qua lại biên giới thuận tiện đã tạo điều kiện cho kinh tế, thương mại, dịch vụ phát triển, nhưng cũng làm nảy sinh các loại tệ nạn xã hội, trong đó bao gồm cả tệ nạn mại dâm và vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới vì mục đích mại dâm; cùng với các hoạt động mại dâm ngấm ngầm diễn ra trong nội địa, luôn còn là vấn đề phức tạp và khó kiểm soát..

Theo kết quả điều tra, năm 2005 toàn tỉnh có hồ sơ quản lý 408 người bán dâm, 63 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.250 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 1.667 lao động nữ là tiếp viên; năm 2007 có 178 người bán dâm, 41 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.641 cơ sở kinh doanh dịch vụ, với 2.860 nữ nhân viên phục vụ; năm 2010 có 51 người bán dâm, 8 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.414 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 4.186 lao động nữ.

So sánh số liệu qua các thời điểm cho thấy, số lượng người bán dâm, chủ chứa mại dâm có giảm nhưng tính chất, hình thức hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu liên lạc qua điện thoại di động, hoạt động lưu động, thường xuyên di chuyển địa bàn nên rất khó kiểm soát; đặc biệt là hoạt động thông qua các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: nhà hàng, khách sạn, quán bia, karaoke, cơ sở massage, nhà trọ... Do lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê với nhiều hình thức và thiếu kiểm soát, đã tạo kẻ hở cho gái gọi, đối tượng có nguy cơ lén lút hoạt động mại dâm…

Nhìn chung trên địa ban tỉnh, tệ nạn mại dâm giảm về bề nổi nhưng vẫn còn là vấn đề bức xúc trong cộng đồng và xã hội, nạn buôn bán người qua biên giới vì mục đích mại dâm còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư mà còn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đến nòi giống, làm suy thoái đạo đức truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội trên nhiều mặt.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MẠI DÂM (2006 -2010).

A. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh:

Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Trung ương, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy; những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, cụ thể như sau:

a) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2004/NQ.HĐND về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND, về kinh phí cho Đội hoạt động xã hội tình nguyện và phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang.

b) UBND tỉnh đã ban hành:

- Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 20/7/2005 phê duyệt Đề án Phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2005 - 2010;

- Quyết định số 3267/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác tỉnh An Giang;

- Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 16/3/2009 về việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác tỉnh An Giang (thay thế Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 02/01/2007);

- Quyết định số 1517/QĐ-UBND và Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 08/8/2006 về việc thành lập Đội và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động Đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm 178 của tỉnh (gọi tắt là Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh An Giang);

- Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm;

- Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND, ngày 13/4/2010 ban hành mức kinh phí cho Đội hoạt động xã hội tình nguyện và và phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Các văn bản chỉ đạo: Công văn số 1537/UBND-VX ngày 10/6/2006 về việc ngăn chặn các hoạt động tiêu cực trong quán bar, karaoke, vũ trường; Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND ngày 27/6/2007 về việc tăng cường chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các ngành liên quan xây dựng:

- Kế hoạch liên ngành số 66/KHLN-LĐTBXH-CA-VHTT-UBMTTQ ngày 03/5/2006 hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTƯMTTQVN ngày 14/11/2005 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm;

- Kế hoạch số 92/LĐTBXH-PCTNMD ngày 31/5/2005 về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010;

- Kế hoạch liên ngành số 62/KHPH-SLĐTBXH-STC-UBMTTQ, ngày 16/4/2010 về việc thành lập và tổ chức hoạt động thí điểm Đội hoạt động xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn.

2. Công tác tuyên truyền giáo dục:

Từ năm 2006 - 2010, toàn tỉnh đã tổ chức:

- Tuyên truyền, giáo dục được 6.560 cuộc, có trên 432.000 lượt người tham dự với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Tổ chức diễn kịch, ca múa nhạc thông qua các tụ điểm “hát với nhau”; họp tổ, họp khóm, ấp tự quản, thuyết trình, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo chuyên đề; tổ chức mitting, tuần hành, xe hoa cổ động tuyên truyền, ngoài nội dung phòng, chống mại dâm còn lồng ghép tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS;

- Tuyên truyền qua Báo, Đài Phát thanh và Tuyền hình địa phương 4.200 lượt.

- Hội thi truyên truyền viên phòng, chống ma túy, mại dâm toàn ngành LĐTB&XH (năm 2007).

- Biên soạn và nhân bản nhiều bộ ảnh, triển lãm, tranh cổ động; 02 cuộc triển lãm trưng bày trên 150 bộ ảnh, phát hành hơn 60.000 tờ rơi, tờ bướm các loại và xây dựng 68 pano, áp phích và 460m bandron cổ động tuyên truyền các nội dung trên.

3. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động mại dâm:

Toàn tỉnh đã thành lập 12 Đội kiểm tra liên ngành 178 (phòng, chống mại dâm), trong đó có một đội cấp tỉnh; đã thực hiện kiểm tra được 3.226 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phát hiện 2.228 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 69,06% số lượt cơ sở được kiểm tra), trong đó: Nhắc nhở 957 cơ sở (chiếm 42,06% số lượt cơ sở vi phạm), lập biên bản xử phạt 1.271 cơ sở (chiếm 57,09% số lượt cơ sở vi phạm), với số tiền phạt là 668 triệu đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết số cơ sở trên đều vi phạm về lĩnh vực lao động như: Không đăng ký lao động tại cơ quan quản lý lao động, không ký kết hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ...

4. Điều tra phát hiện và xử lý:

Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã thực hiện 124 cuộc truy quét, phát hiện 52 vụ hoạt động mại dâm, liên quan đến 202 đối tượng vi phạm, gồm: 62 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm, 72 đối tượng mua dâm và 68 đối tượng bán dâm. Đã lập hồ sơ đưa 17 đối tượng bán dâm vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh để chữa bệnh, giáo dục; 51 đối tượng còn lại: xử phạt hành chính 8 đối tượng, 43 đối tượng quản lý tại xã, phường theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP (trong đó Công an tỉnh đã triệt phá 26 vụ hoạt động mại dâm, liên quan đến 98 đối tượng).

5. Công tác chữa trị, giáo dục, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:

Trong 05 năm qua, đã quyết định tập trung vào các trung tâm chữa bệnh và áp dụng biện pháp quản lý giáo dục tại xã, phường, trị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP là 523 lượt người bán dâm, trong đó tập trung tại trung tâm: 31 lượt/người và quản lý, giáo dục, dạy nghề tại cộng đồng 492 lượt/người; ngoài ra có 46 người bán dâm đang chấp hành quyết định tập trung chữa bệnh, giáo dục, lao động tại các trung tâm ngoài tỉnh.

Từ năm 2006 đến nay, các trung tâm đã tổ chức 1.862 lượt khám, điều trị bệnh thông thường cho 186 lượt học viên bán dâm; điều trị ARV cho 02 học viên, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị nhiễm trùng cơ hội trên 18 học viên và xét nghiệm máu cho 36 lượt đối tượng. Đồng thời, tổ chức 02 lớp dạy nghề cho 36 học viên bán dâm tại hai trung tâm của tỉnh.

Thực hiện hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, thông qua công tác quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, đã giúp vốn làm ăn cho 228 đối tượng hoàn lương, với số tiền 458 triệu đồng (trong 5 năm).

6. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh:

Những năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới, củng cố, duy trì được:

- 107/156 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

- 147/156 xã, phường, thị trấn lành mạnh không mại dâm.

Đồng thời, Sở LĐTB&XH đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBMTTQ tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ chí Minh xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành thực hiện thành lập thí điểm 03 Đội Hoạt động xã hội tình nguyện tham gia các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn phường, xã trong năm 2010 [tại phường Mỹ Long, phường Mỹ Phước (thành phố Long Xuyên) và thị trấn An Châu (huyện Châu Thành)].

B. Đáng giá chung về công tác phòng chống mại dâm 2006-2010.

1. Mặt mạnh:

Việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống mại dâm trong những năm gần đây luôn được cấp ủy, HĐND, UBND quan tâm chỉ đạo, do đó công tác phòng, chống mại dâm ở các cấp được tăng cường và hiệu quả hơn. Nhìn chung, những năm qua các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo các cấp đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và đưa ra nhiều biện pháp tổ chức thực hiện, như tuyên truyền, vận động, xử lý hành chính và đạt được một số kết quả nhất định.

Công tác phòng, chống ma túy, mại dâm được đưa vào Nghị quyết, chủ trương của cấp ủy Đảng; UBND có chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm và 5 năm; đồng thời, được sự quan tâm phối hợp của các sở, ban ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp, nên đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch phòng, chống mại dâm do Ban chỉ đạo tỉnh đề ra trong giai đoạn 2006-2010.

Ngay từ đầu năm 2006, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình kế hoạch công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác cho Ban chỉ đạo các huyện, thị, thành phố; từ đó, các địa phương chủ động bám sát chương trình kế hoạch năm để thực hiện, nhất là việc đăng ký chỉ tiêu kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Thường xuyên duy trì tốt công tác điều trị bệnh, quản lý tốt đối tượng tập trung tại trung tâm và tại cộng đồng. Tình hình tệ nạn mại dâm giảm qua từng năm không còn những điểm nóng nơi công cộng, giảm dần tụ điểm phức tạp ở địa bàn giáp ranh…

Công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức thông qua các cơ quan thông tin, báo, đài, qua hoạt động tuyên truyền trong hệ thống MTTQ, đoàn thể các cấp đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng trong cán bộ, nhân dân; từ đó, tạo được sự hưởng ứng và đồng thuận trong cộng đồng, xã hội.

Việc duy trì xây dựng nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần thiết thực chuyển hóa tốt địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm.

2. Mặt yếu, những tồn tại, hạn chế:

- Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mại dâm thời gian qua chưa chú trọng đến chất lượng, chưa đi sâu vào từng đối tượng nên hiệu quả chưa cao, nhận thức của người dân ở vùng nông thôn về phòng ngừa và đấu tranh tố giác tệ nạn mại dâm còn hạn chế.

- Công tác quản lý, giám sát, cập nhật đối tượng phát sinh ở địa bàn chưa đầy đủ, số bán dâm chưa có hồ sơ quản lý còn khá nhiều ở ngoài cộng đồng; đối với số người bán dâm sau khi tập trung chữa bệnh trở về địa phương chưa được gia đình quan tâm, chính quyền địa phương chưa có biện pháp cụ thể phù hợp để quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ hoàn lương tránh tái phạm.

- Hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh còn hạn chế, nguyên nhân là do sự phối hợp phụ thuộc vào công tác chuyên môn của từng ngành và thời gian hoạt động (thường là kiểm tra ngoài giờ), do đó có một số thành viên không tham gia hoạt động Đội thường xuyên. Đội kiểm tra liên ngành 178 ở một số huyện, thị, thành chưa hoạt động độc lập, còn ghép với Đội kiểm tra liên ngành 814, có nơi lãnh đạo địa phương còn nhầm lẫn chức năng hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 814 và Đội kiểm tra liên ngành 178 nên chưa quan tâm cấp kinh phí hoạt động, chủ yếu hoạt động từ nguồn kinh phí hỗ trợ kiểm tra của tỉnh.

- Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm chưa được cấp ủy, UBND ở một số địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu tập trung để làm chuyển hóa địa bàn trọng điểm. Hình thức, thủ tục để công xã, phường lành mạnh phức tạp, khó làm, từ đó có nhiều địa phương bỏ qua các quy trình phân loại, chấm điểm theo 6 nội dung, 15 tiêu chí của Nghị quyết liên tịch 01/2008/NQLT nên việc đánh giá, công nhận thiếu chính xác.

- Công tác dạy nghề tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội còn lúng túng, thiếu mặt bằng, thiếu trang thiết bị, ngành nghề dạy chưa phù hợp do trung tâm mới đang xây dựng, tiến độ chậm. Việc huy động, khuyến khích rộng rãi các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia hoạt động hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm còn hạn chế, chưa có giải pháp thích hợp.

- Cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cấp huyện (thị, thành) và xã (phường, thị trấn) chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên, chế độ chính sách còn nhiều bất cập, trình độ năng lực còn hạn chế, có trên 97% cán sự xã hội phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí thực hiện chương trình, nhất là kinh phí cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh chưa đáp ứng theo yêu cầu hoạt động, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí phòng, chống tệ nạn xã hội, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ở cơ sở.

3. Nguyên nhân:

- Nguyên nhân sâu sa là do tác động của nền kinh tế thị trường, một số ít người vì lợi ích cá nhân, đã lao vào làm ăn bất chính kể cả việc kinh doanh tình dục để trục lợi. Một số người do cuộc sống khó khăn, thiếu nghề nghiệp và việc làm ổn định, văn hóa thấp, thiếu định hướng cuộc sống, do hoàn cảnh bức bách đã sa chân vào hoạt động mại dâm hoặc do đua đòi chạy theo lối sống thực dụng, sa đọa phải bán thân nuôi miệng (số này chiếm tỉ lệ rất thấp).

- Do tính chất hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp, tinh vi, biến tướng nhiều hình thức, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong móc nối, đã gây khó khăn trong công tác phát hiện đấu tranh phòng, chống.

- Các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: Khách sạn, massage, karaoke, quán bia, vũ trường và các loại hình văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, dịch vụ internet ngày càng phát triển và hoạt động khá phức tạp là môi trường dễ phát sinh các loại tệ nạn xã hội, tác động đến đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ.

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, các ban ngành thiếu quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, chỉ đạo chưa kịp thời, công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, để tệ nạn mại dâm phát sinh, tồn tại ở những nơi có điều kiện…

III. KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 -2015.

1. Mục tiêu:

- Giảm số người bán dâm hàng năm từ 10% - 20%, hạn chế tối đa đối tượng phát sinh mới; đến năm 2015, phấn đấu đạt 80% số người bán dâm có hồ sơ quản lý tập trung và tại cộng đồng, được chữa bệnh, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập.

- Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm đã phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, karaoke, cơ sở massage…); kiên quyết xoá bỏ không để phát sinh tệ nạn mại dâm trẻ em.

- 100% cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác phòng chống mại dâm.

- Nâng cao hiệu quả công tác chữa bệnh, dạy nghề, quản lý, giáo dục và hỗ trợ tái hòa nhập, tạo việc làm cho đối tượng mại dâm đã được chữa bệnh từ các trung tâm trở về địa phương và đối tượng có nguy cơ. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương.

- Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng 85% số xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; trong đó duy trì xã, phường, thị trấn không mại dâm giai đoạn 2006-2010 và xây dựng mới đạt 90% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình hỗ trợ giảm tổn thương.

- 100% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm, tác hại của mại dâm; hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm.

2. Các nhiệm vụ chủ yếu:

a) Công tác thông tin tuyên truyền:

- Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; phòng chống buôn bán người và lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy trong nhân dân, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ như tiếp viên nhà hàng, khách sạn, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ; xây dựng mô hình câu lạc bộ truyền thông ở các địa bàn trọng điểm.

- Xây dựng đường dây nóng, phát động toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện các cơ sở, tụ điểm hoạt động mại dâm, tạo công luận tấn công vào bọn chủ chứa, môi giới, dẫn dắt kinh doanh trá hình, người quản lý thiếu trách nhiệm hoặc năng lực yếu kém để cho tệ nạn mại dâm tồn tại trên địa bàn hoặc ở cơ sở kinh doanh. Vận động nhân dân tham gia cảm hóa giúp đỡ người bán dâm, hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện đối tượng hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng.

b) Công tác quản lý nhà nước, xử lý pháp luật:

- Tăng cường quản lý tạm trú, tạm vắng, thường xuyên kiểm tra bảo vệ an ninh, trật tự ở các địa bàn trọng điểm như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, vũ trường ... ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực phát sinh, không để gia tăng đối tượng mới. Tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ký kết hợp đồng lao động, đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động ở địa phương và ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm.

- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, qua đó đưa ra biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép; thúc đẩy ngành chức năng quy hoạch mạng lưới cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -2015. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, với các cơ sở lợi dụng việc kinh doanh để hoạt động mại dâm trá hình và rút giấy phép hoạt động nếu tái phạm nhiều lần.

- Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê lập danh sách, lập hồ sơ quản lý đối tượng mại dâm tại xã, phường, thị trấn; kiên quyết đấu tranh với bọn tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em và người chưa thành niên; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc lập hồ sơ đưa người vi phạm tệ nạn mại dâm vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề đúng theo quy định. Đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì áp dụng biện pháp tập trung thời gian tối đa để giáo dục nhân cách, học nghề, điều chỉnh hành vi để tiến bộ.

- Tăng cường sự phối hợp giữa công an và bộ đội biên phòng trong công tác đấu tranh, triệt phá ổ, nhóm, đường dây hoạt động mại dâm, phòng chống mua bán người qua biên giới nhằm mục đích mại dâm, thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mại dâm ở khu vực; tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.

c) Công tác quản lý và giúp đỡ người hành nghề mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

- Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng; củng cố, nâng chất hoạt động các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tệ nạn xã hội do đoàn thể quản lý và các CLB quản lý đối tượng sau giáo dục tập trung trở về cộng đồng, tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng có nguy cơ, người bán dâm lưu trú tại trung tâm trở về cộng đồng, giúp họ có thu nhập từng bước ổn định, tránh trường hợp tái hành nghề. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hình thức hỗ trợ, nhằm huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về hoà nhập cộng đồng.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, tăng cường hoạt động tư vấn, tuyên truyền giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho đối tượng về giá trị cuộc sống, kỹ năng sống, giáo dục lối sống lành mạnh, phục hồi nhân cách nhằm giảm tối đa tỷ lệ tái phạm.

d) Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống cộng đồng.

- Thực hiện đạt kế hoạch đề ra về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm (theo Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLDTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTWMTTQVN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm). Gắn kết chặt công tác giáo dục vận động nhân dân tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xem đây là tiêu chí quan trọng trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng và tổ chức các Đội hoạt động xã hội tình nguyện, nhằm thực hiện tốt hơn công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng bán dâm hoàn lương, người bị mua bán trở về.

- Lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề và các chính sách an sinh xã hội khác, các chương trình, dự án nhân đạo, xã hội, các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng,.. trong công tác phòng ngừa phát sinh mại dâm do cuộc sống nghèo đói, khó khăn bức bách; đây cũng là một trong những nội dung căn bản xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

đ) Công tác nâng cao năng lực.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an cấp huyện (thị xã, thành phố) và cấp xã (phường, thị trấn) về phòng, chống mại dâm.

- Đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện (thị xã, thành phố) và cấp xã (phường, thị trấn); cán bộ tuyên truyền và cán bộ, nhân viên của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để tham mưu và thực hiện tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương.

e) Củng cố tổ chức bộ máy.

Thúc đẩy việc bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện (thị xã, thành phố) và cấp xã (phường, thị trấn); củng cố tổ chức Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; quan tâm bố trí đủ biên chế đảm bảo yêu cầu hoạt động và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho các cơ quan chuyên trách (Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh).

3. Giải pháp thực hiện.

a) Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp xã, phường, thị trấn. Lấy hiệu quả của công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng và phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung tại địa bàn quản lý làm chỉ tiêu thi đua đánh giá hàng năm.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng; tăng cường các hoạt động truyền thông phòng ngừa với các hình thức đa dạng, lấy phòng ngừa là chính.

c) Tập trung kiện toàn bộ máy cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống mại dâm, ưu tiên cho địa bàn trọng điểm (cho cả ba cấp). Từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm, huy động sự tham gia của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, xã hội, tổ chức quốc tế,... tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa, giảm tác hại, giảm phân biệt đối xử, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Kết hợp lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề và các chương trình dự án nhân đạo khác để tăng nguồn lực và hiệu quả trong công tác hỗ trợ đối tượng, nạn nhân hoàn lương chống tái phạm.

d) Tăng cường hợp tác quốc tế với nước bạn Campuchia trong công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mại dâm, không để hình thành điểm nóng, ổ, nhóm, mại dâm phức tạp, mại dâm trẻ em ở khu vực biên giới; trong công tác phòng chống buôn bán người, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và người chưa thành niên vì mục đích bóc lột tình dục.

đ) Tiếp tục xây dựng thí điểm và đánh giá tác động xã hội các mô hình CLB; nhóm trong phòng ngừa tệ nạn mại dâm; các CLB quản lý hỗ trợ đối tượng giảm tổn thương, từng bước hòa nhập cộng đồng. Triển khai thí điểm hoạt động của các Đội Hoạt động xã hội tình nguyện tại cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa là chính và trợ giúp đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

e) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm theo tinh thần Quyết định 155/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm và Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh An Giang, ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

4. Kinh phí thực hiện.

Tổng kinh phí thực hiện 05 năm 2011-2015: 10.410 triệu đồng (mười tỷ bốn trăm mười triệu đồng, đính kèm bảng kế hoạch kinh phí); bình quân kinh phí mỗi năm trên 2 tỷ đồng được phân bổ từ tỉnh đến 156 xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

TT

Nội dung hoạt động

Số tiền
(Triệu đồng)

1

Thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về phòng chống mại dâm.

1680

2

- Tổ chức điều tra, đấu tranh triệt phá ổ nhóm mại dâm, kiểm tra đánh giá tình hình mại dâm;

- Tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng;

- Công tác quản lý, chữa trị cho đối tượng tại Trung tâm và cộng đồng.

2.200

3

- Duy trì, nhân rộng mô hình CLB quản lý, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng,

- Xây dựng Đội hoạt động xã hội tình nguyện tại 11 huyện, thị xã, thành phố.

3.420

4

Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh và xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm.

2.110

5

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách.

1.000

 

Tổng cộng

10.410

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Là cơ quan thường trực trong việc triển khai thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện nhưng nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai, theo dõi, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch này cho Ban chỉ đạo tỉnh, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Xây dựng khung kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hàng năm.

b) Chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động về phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ cũng như kế hoạch của tỉnh trong hệ thống ngành lao động - thương binh và xã hội.

c) Tổng hợp, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm.

2. Công an tỉnh:

Chủ động đề ra kế hoạch phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng các cấp thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát và tổ chức triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm hoạt động mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động phòng chống mại dâm tại khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, đặc biệt khu vực cửa khẩu. Kịp thời phát hiện hoạt động mại dâm, tội phạm mua bán người qua biên giới nhằm mục đích mại dâm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phân loại, đánh giá, xây dựng và công nhận xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

5. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đổi mới: Các hình thức, nội dung, phương pháp truyền thông; các loại hình văn hóa nghệ thuật nhằm đảm bảo tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh;

Tham gia với các ngành chức năng thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Công thương và UBND huyện, thị xã, thành phố sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trong toàn tỉnh; chấn chỉnh việc cấp giấy phép và quản lý đăng ký kinh doanh đối với các loại hình này. Kiên quyết xử lý rút giấy phép các cơ sở hoạt động kinh doanh không đủ điều kiện, cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

7. Sở Y tế:

Phối hợp thực hiện tốt các biện pháp y tế để chữa bệnh cho người bán dâm tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tại cộng đồng.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về:

a) Nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, bao gồm cả việc phòng, chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục;

b) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các phương tiện thông tin, intenet để tự quảng cáo, giới thiệu,... để hoạt động mại dâm.

9. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác phòng, chống mại dâm, hoạt động đội, nhóm, CLB; chế độ đóng góp, trợ cấp đối với đối tượng đưa vào chữa trị, giáo dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, chế độ hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.

10.Ủy ban nhân dân các cấp:

Dựa trên kế hoạch này, UBND các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và kế hoạch hàng năm về phòng, chống mại dâm tại địa bàn mình quản lý. Lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương như kế hoạch giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS và phòng chống buôn bán người, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.

11. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Liên đoàn Lao động tỉnh:

Hưởng ứng và phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống mại dâm; tham gia xây dựng mô hình hỗ trợ đối tượng hoàn lương và phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp hỗ trợ các cơ quan chức năng triển thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này./.


DỰ TOÁN KẾ HOẠCH KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG MẠI DÂM 5 NĂM (GIAI ĐOẠN 2011 - 2015)

(Đính kèm Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang về Kế hoạch phòng chống mại dâm 5 năm giai đoạn 2011 - 2015)

STT

Nội dung hoạt động

Mức chi theo năm (ĐVT: triệu đồng)

Tổng

2011

2012

2013

2014

2015

1

Thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về phòng chống mại dâm.

1680

280

300

350

350

400

2

- Tổ chức điều tra, đấu tranh triệt phá ổ nhóm mại dâm, kiểm tra đánh giá tình hình mại dâm;

- Tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng;

- Công tác quản lý, chữa trị cho đối tượng tại Trung tâm và cộng đồng.

2.200

350

400

450

500

500

3

- Duy trì, nhân rộng mô hình CLB quản lý, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng,

- Xây dựng Đội hoạt động xã hội tình nguyện tại 11 huyện, thị xã, thành phố.

3.420

420

600

700

800

900

4

Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh và xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm.

2110

210

350

450

500

600

5

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách.

1.000

200

200

200

200

200

 

Tổng cộng

10.410

1.460

1.850

2.150

2.350

2.600