ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1588/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 28 tháng 07 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ NGOÀI 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ “V/v lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị”;
Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-UBND ngày 27/2/2013 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050”;
Căn cứ Nghị quyết số 141/QĐ-UBND ngày 29/05/2014 của HĐND tỉnh Quảng Ninh “V/v thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 125/TTr-SXD ngày 30/06/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 (kèm theo Sơ đồ định hướng phát triển không gian toàn vùng tỷ lệ 1/25.000) với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch
1.1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên 6.102 km2.
1.2. Thời hạn lập quy hoạch: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020; dài hạn đến năm 2030; tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 và ngoài năm 2050.
2. Vị trí, tính chất vùng tỉnh Quảng Ninh:
- Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ; là khu vực đầu mối quan trọng trong các tuyến hành lang kinh tế thuộc khu vực hợp tác kinh tế Việt - Trung.
- Quảng Ninh là trung tâm phát triển công nghiệp, cảng; biển, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là trung tâm du lịch Quốc tế, trung tâm cung cấp năng lượng cấp quốc gia; là cửa ngõ ra biển và ra quốc tế của khu vực.
- Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Phù hợp với đường lối chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước; các chiến lược - định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng cấp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng; đảm bảo thực hiện các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; bám sát không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.
- Đặt tỉnh Quảng Ninh trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh với vùng và khu vực; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của Tỉnh để thu hút đầu tư, phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc về quốc phòng an ninh của Quảng Ninh, góp phần tạo động lực cho phát triển của cả vùng và miền Bắc.
- Thực hiện một trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XI đề ra: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”; góp phần làm cơ sở cho định hướng phát triển đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Từng bước xây dựng hệ thống đô thị Quảng Ninh trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái; có một nền kiến trúc khác biệt, đặc biệt, văn minh hiện đại; phát huy tối đa đặc trưng riêng gắn với truyền thống văn hóa Quảng Ninh, đồng thời phù hợp với kiến trúc tổng thể Vùng Bắc Bộ và các đô thị lớn trong vùng; vùng đô thị Quảng Ninh trở thành một trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao thương trong nước và quốc tế.
4. Mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch
4.1. Mục tiêu đến năm 2030:
Tổ chức, định hướng không gian các cơ sở công nghiệp chủ yếu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không gian hệ thống đô thị, điểm dân cư trên phạm vi vùng theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, tiềm năng của từng khu vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý của toàn vùng. Thực hiện các mục tiêu đã được xác định, định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013): “Tới năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của Miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững; giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”
4.2. Tầm nhìn chiến lược đến năm 2050:
“Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch - công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, Di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới”. Cụ thể:
(1) Trở thành đầu tàu của cực tăng trưởng kinh tế Bắc Bộ, là trung tâm của “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, cửa ngõ của ASEAN ra Trung Quốc và ngược lại; phát triển đô thị đặc sắc, đặc biệt, văn minh hiện đại ngang tầm với di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
(2) Trở thành vùng trung tâm du lịch - dịch vụ quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; trong đó dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, y tế và thương mại chiếm tỷ trọng lớn và phát triển mang tầm cỡ quốc tế.
(3) Trở thành vùng đô thị phát triển bền vững, định hướng là vùng đô thị đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương với các đặc trưng:
- Là vùng đô thị phát triển hiện đại, bền vững, văn minh và có bản sắc; vùng đô thị xanh, đô thị sinh thái phong phú và thân thiện với môi trường; an toàn và ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu;
- Là vùng đô thị cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo tốt an sinh và chất lượng cuộc sống;
- Phát triển gắn kết giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực;
(4) Trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
5. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng đến năm 2020, 2030
5.1. Kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân: Giai đoạn đến 2020 đạt khoảng 12%÷13%/năm; Giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6%÷7%/năm.
- Cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ - công nghiệp; dịch vụ chiếm 51%÷52%, công nghiệp và xây dựng 45%÷46%, nông nghiệp 3%÷4%.
- GDP bình quân đầu người (giá thực tế): Đến năm 2020 đạt 8.000 USD - 8.500 USD; Đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD.
5.2. Quy mô dân số:
- Năm 2020: Dân số thường trú là 1.668.000 người, dân số quy đổi là 157.500 người; dân số đô thị là 1.171.700 người; tỷ lệ đô thị hóa là 70,2 %.
- Năm 2030: Dân số thường trú là 1.990.000 người, dân số quy đổi là 345.000 người; dân số đô thị là 1.534.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 77,1%.
5.3. Dự báo nhu cầu sử dụng đất:
- Đất đô thị mới: Diện tích cần phát triển thêm giai đoạn đến năm 2020 là 5.830ha; đến năm 2030 là 10.050ha.
- Đất khu công nghiệp tập trung: Tổng diện tích đất ưu tiên phát triển toàn tỉnh đến năm 2020 là 5.200ha, đến năm 2030 là 9.200ha.
- Đất nông nghiệp: Tổng diện tích toàn tỉnh đến năm 2020 là 445.226ha, đến năm 2030 là 431.000ha.
6. Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh đến năm 2030
6.1. Quan điểm, định hướng phát triển vùng:
- Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, hệ thống các điểm đô thị và dân cư nông thôn; phát huy các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và tăng khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển cân bằng của các vùng trong tỉnh; đồng thời thúc đẩy liên kết với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế, hạ tầng đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường; nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu cho tỉnh trong vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng ĐBSH và quốc tế.
- Bám sát và cụ thể hóa định hướng phát triển: “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”; “kết nối vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế”.
- Định hướng phát triển vùng bám sát định hướng chuyển đổi phương thức phát triển bền vững; thực hiện một trong ba khâu đột phá chiến lược gắn với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững và chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; đồng thời phải đảm bảo tính “Toàn diện, cân bằng, bền vững, sáng tạo và an toàn”.
- Điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, khai khoáng (công nghiệp nhiệt điện, khai thác than, xi măng...) theo định hướng xanh, sử dụng các biện pháp công nghệ đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường; hướng tới phát triển dịch vụ du lịch theo định hướng bền vững.
6.2. Tổ chức không gian vùng:
Lựa chọn định hướng phát triển, tổ chức không gian vùng tỉnh Quảng Ninh theo hướng:
- Phát triển vùng đô thị Trung tâm Hạ Long (Hạ Long - Cẩm Phả - Hoành Bồ) là vùng đô thị trung tâm gắn kết 04 tiểu vùng đô thị vệ tinh (Tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, Tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, Tiểu vùng phía Tây, Tiểu vùng Khu vực miền núi phía Bắc).
- Phát triển 02 vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông; gồm: (1) Vành đai phát triển công nghiệp - đô thị, (2) Vành đai cảnh quan và du lịch biển.
- Phát triển 02 phân khu, gồm: (1) Phân khu rừng (gồm khu vực rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng đầu nguồn tại phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh, trải dài từ Tây sang Đông), khu vực này có đặc trưng là các khu thiên nhiên có cảnh quan phong phú, nhiều khu du lịch văn hóa, lịch sử quan trọng là nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo; (2) Phân khu biển đảo (gồm khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, hệ thống các đảo và hải đảo), khu vực này có cảnh quan phong phú, là nơi hấp dẫn với du khách có nhiều hình thức du lịch trải nghiệm khác nhau, có tiềm năng to lớn về kinh tế biển, vận tải, du lịch, thủy hải sản... có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh.
6.3. Định hướng phát triển không gian các tiểu vùng:
(1) Vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ)
- Tính chất: Là vùng trung tâm hạt nhân của tỉnh Quảng Ninh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh với trung tâm là thành phố Hạ Long; gắn kết không gian vịnh Hạ Long với vịnh Bái Tử Long; là đầu mối giao thông quốc tế, quốc gia và khu vực; thế mạnh về công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, xi măng; cảng biển và công nghiệp hỗ trợ cảng biển; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Trong đó:
+ Hạ Long là trung tâm phát triển của vùng; lấy phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa - giải trí làm trọng tâm và thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững; là thành phố du lịch xanh, bảo tồn phát huy giá trị Vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới; cảng biển quốc tế văn minh hiện đại, hướng tới đô thị du lịch quốc tế.
+ Cẩm Phả là đô thị phát triển công nghiệp (than, nhiệt điện, công nghiệp phụ trợ...), dịch vụ theo hướng hiện đại bền vững với môi trường; là đô thị điển hình trong việc thực hiện cụ thể hóa chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững.
+ Hoành Bồ là vùng hỗ trợ Hạ Long, Cẩm Phả; phát triển công nghiệp, các công trình hạ tầng đầu mối cấp vùng để hỗ trợ hoạt động kinh tế và phát triển công nghiệp của Hạ Long, Cẩm Phả; là vùng sinh thái, nguồn nước...
- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Tăng cường liên kết kinh tế thông qua QL18, đường cao tốc, monorail, đường thủy, hệ thống đường hầm tuynel kết nối qua Vịnh Cửa Lục, đường hầm kết nối đường cao tốc với trung tâm thành phố Cẩm Phả và kết nối tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... để rút ngắn thời gian di chuyển trong vùng dần hình thành, kết nối vùng đô thị lớn Hạ Long - Cẩm Phả; dừng phát triển mới, di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện nằm tại các trung tâm đô thị, xung quanh các vịnh lên các khu vực đồi núi phía Bắc; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường, các công trình điểm nhấn cảnh quan ven biển; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng.
(2) Tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu)
- Tính chất: Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mỗi hành lang kinh tế Việt - Trung; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng biên giới của quốc gia trên bộ và trên biển. Trong đó:
+ Móng Cái là động lực, trung tâm phát triển của vùng; phát triển thành cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực; là đô thị xanh gắn với xây dựng khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà thành một Khu đô thị lớn Hải Hà - Móng Cái với nhiều chức năng trong tương lai và phát triển thành trung tâm công nghiệp cảng biển, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới và trung tâm hội chợ quốc tế.
+ Hải Hà phát triển khu công nghiệp - cảng biển, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh để hỗ trợ, gắn kết với phát triển của Móng Cái, phát triển sản xuất và chế biến nông sản.
+ Đầm Hà phát triển thành trọng điểm sản xuất, chế biến nông sản lớn của vùng và của Tỉnh.
+ Bình Liêu phát triển KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn; đồng thời phát triển các sản phẩm lâm nghiệp đặc sắc và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.
- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Xây dựng đồng bộ đường cao tốc, QL18, đường sắt Móng Cái - Hải Hà, cảng biển; khai thác, phát triển KCN Hải Hà cùng với KKT Móng Cái tạo ra hiệu quả tổng hợp, phát triển toàn tiểu vùng; phát triển, gắn kết các KKT cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn, đồng thời xây dựng tuyến đường biên giới để phát triển dịch vụ thương mại, tăng cường chức năng quốc phòng của vùng; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng.
(3) Tiểu vùng KKT Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô
- Tính chất: Là Trung tâm kinh tế miền Đông tỉnh Quảng Ninh; trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ; là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của Vùng Đông Bắc Việt Nam; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng trên tuyến biển đảo ở phía Bắc Việt Nam. Trong đó:
+ Vân Đồn là trung tâm phát triển tiểu vùng; thí điểm xây dựng mô hình khu hành chính kinh tế đặc biệt; xây dựng thành khu vực phát triển năng động, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa cho vùng và cả nước; trở thành thành phố biển quốc tế, văn minh, hiện đại, có sân bay quốc tế; trung tâm giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, cửa ngõ giao thương quốc tế, thương cảng Vân Đồn...
+ Cô Tô đẩy mạnh phát triển du lịch, ngư nghiệp, trung tâm hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô để hỗ trợ khu kinh tế Vân Đồn phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biển đảo.
- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Tăng cường kết nối du lịch, kinh tế giữa Cô Tô và Vân Đồn bằng các phương tiện giao thông như tàu du lịch, tàu cao tốc, du thuyền, thủy phi cơ, máy bay trực thăng; xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn, khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế hạng nhất, khu đô thị lịch sử, văn hóa với di tích thương cảng Vân Đồn - thương cảng lâu đời nhất Việt Nam; phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ của vịnh Bái Tử Long để gắn kết, tương hỗ cho các hoạt động của vịnh Hạ Long; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng.
(4) Tiểu vùng phía Tây (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều)
- Tính chất: Là khu vực cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh với vùng thủ đô Hà Nội; vùng ĐBSH, vùng duyên hải Bắc Bộ; phát triển công nghiệp khai thác than, công nghiệp điện, sản xuất VLXD bền vững, hài hòa với phát triển nông nghiệp và du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh gắn với các khu di tích Yên Tử - Nhà Trần - Bạch Đằng. Trong đó:
+ Uông Bí là đô thị trung tâm; là trọng điểm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa với cơ sở của trường đại học Hạ Long, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển và phát triển Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử; xây dựng đô thị thông minh an toàn với môi trường, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững song song, hài hòa với phát triển ngành than.
+ Quảng Yên là trọng điểm công nghiệp phía Tây với vùng đất công nghiệp lớn nhất tỉnh; xây dựng khu đô thị công nghiệp thông minh (intelligent park) sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhờ vào công nghệ kỹ thuật tiên tiến; liên kết cảng Tiền Phong, khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc với khu cảng Lạch Huyện - Hải Phòng; phát triển cảng xăng dầu; phát triển Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia; phát triển du lịch tại đảo Hoàng Tân.
+ Đông Triều phát triển thành thị xã, tương xứng với vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh; phát triển công nghiệp khai thác than hài hòa, vật liệu xây dựng, điện phát triển du lịch dịch vụ gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần tại Đông Triều; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trọng điểm, sản xuất, chế biến nông nghiệp lớn của Tỉnh.
- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Kết nối và phát triển đường cao tốc, QL18, KCN, cảng biển nhằm tăng cường liên kết kinh tế với các tỉnh bạn; phát triển giao thông công cộng để rút ngắn thời gian di chuyển trong vùng; xây dựng các tuyến xe buýt du lịch xung quanh các khu di tích lịch sử, văn hóa; phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao (Đông Triều, Uông Bí), công nghiệp quy mô lớn vùng (Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều); phát triển, gắn kết các trọng điểm di tích (Yên Tử, Nhà Trần, Bạch Đằng) để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng.
(5) Tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên)
- Tính chất: Là khu vực miền núi, đầu mối giao thông kết nối với Lạng Sơn; là khu vực trọng điểm phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái; phát triển thành khu vực hỗ trợ cho khu vực các khu kinh tế cửa khẩu và vùng đô thị Hạ Long; phát triển công nghiệp nhiệt điện. Trong đó:
+ Tiên Yên là đô thị trung tâm; là cửa ngõ ra biển của Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc với cụm cảng Mũi Chùa (mở rộng sang phía bắc cảng Cái Bầu Vân Đồn), phát triển công nghiệp, logistic; bố trí trọng điểm chế biến, giao dịch nông lâm nghiệp; xây dựng trung tâm chế biến, phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp khu vực.
+ Ba Chẽ phát triển thế mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông lâm nghiệp hỗ trợ cho các vùng đô thị lớn Cẩm Phả, Hạ Long; kết hợp phát triển du lịch trên cơ sở các sản phẩm lâm nghiệp đặc sắc, di tích khu căn cứ kháng chiến chống Pháp, văn hóa và sản vật của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Kết nối thông qua Quốc lộ và Tỉnh lộ 329; hỗ trợ cho sự phát triển của Hạ Long và Cẩm Phả về nguồn nước sinh hoạt và rừng; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng.
7. Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu
7.1. Các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp:
a) Các khu, cụm công nghiệp:
- Trên cơ sở điều chỉnh thu gọn quy mô một số các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) cũ đồng thời đề xuất một số KCN mới; trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 quy hoạch 14 KCN và 21 CCN với tổng diện tích đất khoảng 14.700ha trong đó ưu tiên phát triển 9.200ha và dự trữ phát triển 5.500ha.
- Trọng điểm phát triển thu hút đầu tư là Khu đô thị công nghiệp thông minh Quảng Yên; các khu công nghiệp Phương Nam, Đầm Nhà Mạc, Tiền Phong, Cái Lân, Việt Hưng, Nam Hoành Bồ, Hải Hà, Hải Yên, v.v...
- Từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời do ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng đô thị.
b) Các nhà máy xi măng:
- Đối với các nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả, Thăng Long, Hạ Long, Lam Thạch) có ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như môi trường đô thị, môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long: Dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có; di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch (lên phía Bắc đường cao tốc).
- Giai đoạn trước mắt, yêu cầu các nhà máy phải có các giải pháp công nghệ giảm thiểu tác động tới cảnh quan và môi trường khu vực lân cận; sau năm 2030, khi các nhà máy ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy xi măng hiện có (Cẩm Phả, Lam Thạch, Hạ Long, Thăng Long) sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đồ thị, phát triển công nghiệp sạch phù hợp.
c) Các nhà máy nhiệt điện:
- Khai thác ổn định và có các giải pháp môi trường hiệu quả các Nhà máy nhiệt điện hiện có: Mạo Khê 1-2, Uông Bí 1-2, Quảng Ninh 1-2, Cẩm Phả 1-2, Mông Dương 1-2;
- Tiếp tục thực hiện QH điện VII: Đề xuất chuyển địa điểm quy hoạch các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí 3; Yên Hưng; Thăng Long; Cẩm Phả 3 về khu vực phía Bắc đường 18 và đường cao tốc.
- Lộ trình: Đến năm 2021, dừng khai thác Nhiệt điện Uông Bí 1 (Theo QH điện VIl); đến năm 2030 xem xét và đánh giá lại sự phù hợp các Dự án Nhiệt điện: Uông Bí 2, Quảng Ninh 1-2; sau năm 2030 di chuyển nhiệt điện Cẩm Phả 1-2 về khu vực Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà và phía Bắc đường cao tốc.
d) Các mỏ than:
- Tuân thủ lộ trình phát triển khai thác than theo Quyết định số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam (đặc biệt là lộ trình kết thúc khai thác lộ thiên đối với các mỏ than khu vực thành phố Hạ Long, Cẩm Phả; các mỏ than nằm giáp các khu đô thị, đầu nguồn nước và các khu di tích Quốc gia).
- Chuyển dần từ khai thác than lộ thiên sang khai thác hầm lò theo đúng lộ trình trong quy hoạch đã được duyệt; áp dụng các hình thức vận chuyển than từ mỏ đến nơi chế biến, tiêu thụ đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; phân vùng không gian khai thác và vùng phát triển dân cư, đô thị và du lịch đồng thời bố trí các vùng đệm cây xanh quy mô lớn tại các khu vực giữa khai trường và đô thị; sớm hoàn nguyên các mỏ than không còn hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu công viên cây xanh, các khu chức năng phục vụ đô thị... phù hợp với sự phát triển của du lịch và dịch vụ.
7.2. Thương mại, dịch vụ:
- Xây dựng 01 trung tâm dịch vụ thương mại cấp quốc gia và hướng tới đẳng cấp quốc tế tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với tổng diện tích khoảng 500ha; gồm: Khu mậu dịch thương mại tự do, khu phố thương mại, khu phố tài chính, khu dịch vụ du lịch cửa khẩu gần cửa khẩu Bắc Luân II...
- Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ du lịch cấp tỉnh tại 5 khu vực: Hạ Long (khoảng 65ha), Vân Đồn (khoảng 50ha), Hải Hà (khoảng 100ha), Bình Liêu (khoảng 50ha), Quảng Yên (khoảng 65ha).
- Xây dựng khu thương mại bán các mặt hàng thương hiệu, chất lượng cao, giá cả tốt (outlet mall) có quy mô 35 ÷ 65 ha tại khu vực gần nút giao với đường cao tốc trên địa bàn huyện Đông Triều, Tiên Yên (sau khi đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long được xây dựng).
- Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ cấp khu vực (quy mô 10 ÷ 40 ha) tại các địa phương: Cẩm Phả, Hoành Bồ, Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ, Uông Bí.
7.3. Du lịch:
- Xây dựng, phát triển các khu du lịch, dịch vụ trong đô thị: ở Móng Cái hình thành khu phố ẩm thực, mua sắm để phát huy lợi thế của khu biên giới và mậu dịch với Trung Quốc; xây dựng Khu nghỉ dưỡng phức hợp tại Vân Đồn với các hình thức như tổ hợp khách sạn gắn liền với sòng bạc (Casino), công viên chủ đề, sân golf, các khu du lịch hội nghị, mua sắm...; xây dựng các Công viên chủ đề, trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng, khu du lịch hội nghị… tại khu vực hoàn nguyên các mỏ than của Hạ Long, Cẩm Phả.
- Phát triển xây dựng các khu du lịch sinh thái (tuyến du lịch đi bộ, khám phá, leo núi, cắm trại...) tại Móng Cái, Bình Liêu, Tiên Yên...; du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với các vùng nông nghiệp nông thôn tại Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều...; các khu du lịch văn hóa địa phương (giới thiệu văn hóa, hình thức sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương).
- Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo thông qua việc, gắn kết khu di tích Yên Tử, khu di tích nhà Trần, di tích chiến thắng Bạch Đằng...
- Phát triển du lịch biển đảo tại Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Vạn Cảnh, Phượng Hoàng, Cô Tô... xây dựng bến du thuyền, thuyền buồm, các khu vui chơi lướt ván, ca nô, lặn, câu cá...
- Tăng số lượng khách sạn từ 3 ÷ 5 sao, xây dựng các công trình lưu trú đa dạng, phong phú đa dạng; hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ (các tuyến xe buýt dành cho du lịch, dịch vụ tàu cao tốc, bến cảng du lịch...), xây dựng tuyến đường sắt 1 ray, xây dựng sân bay trực thăng tại các khu vực và các đảo lớn có hoạt động du lịch.
7.4. Các khu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp:
- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn kết hợp phục vụ đắc lực cho ngành du lịch của tỉnh thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực...
- Nông nghiệp: Duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất các khu đất nông nghiệp tại các đô thị để phục vụ địa phương; xuất ra ngoài tỉnh; từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao.
- Lâm nghiệp: Hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp: (1) vùng cây nguyên liệu gỗ cho chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp gỗ mỏ cho ngành than, gỗ xây dựng; (2) vùng cây lâm nghiệp đặc sản, cây dược liệu (ba kích, quế, hồi, thông...), phục vụ xuất khẩu.
- Thủy sản: Phát triển thủy sản toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến để có thể khai thác hết tiềm năng của tỉnh. Tăng chế biến phục vụ xuất khẩu đối với những mặt hàng chất lượng cao; đảm bảo bảo vệ môi trường vùng biển và ven biển, đặc biệt là môi trường cho các hoạt động du lịch.
- Trên cơ sở các tính toán, thiết lập các khu vực nông lâm thủy sản cũng như định hướng phát triển (đặc trưng, chức năng) cho từng khu vực.
7.5. Định hướng phát triển phân khu biển:
- Không gian biển tỉnh Quảng Ninh được phân làm 5 khu vực: Khu vực bảo tồn tuyệt đối di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; khu vực bảo tồn vườn quốc gia Bái Tử Long; khu vực phát triển năng động, phục vụ du lịch; khu vực hạn chế phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh; khu vực không phát triển, ranh giới với vịnh Bắc Bộ. Các khu vực này có những đặc trưng riêng, kết nối với nhau, hỗ trợ phát triển vành đai du lịch biển đảo, phát triển kinh tế biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững của tỉnh.
- Bảo vệ môi trường tự nhiên và tăng cường liên kết giữa vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long có đặc trưng khác nhau cần có các giải pháp quản lý, phát triển, tăng cường liên kết để phát huy tối đa lợi thế của các khu vực. Khu vực vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới được bảo tồn tuyệt đối, chủ yếu là núi đá; khu vực vịnh Bái Tử Long (bao gồm cả các đảo đất và đảo đá vôi có người dân sinh sống) quy hoạch phát triển các không gian, loại hình du lịch tương hỗ, giảm tải cho Vịnh Hạ Long, phát triển du lịch phức hợp, kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch.
- Phát triển các khu nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp hấp dẫn tại khu vực các đảo thuộc các địa phương Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà.
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các làng chài trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang, Hoa Cương - sau khi di chuyển tất cả các hộ dân đang sinh sống lên đất liền) để đầu tư bài bản, chuyên nghiệp tăng cường quản lý nhà nước để hình thành, phát triển các hoạt động du lịch, thương mại dịch vụ đồng thời kết nối với các khu tái định cư làng chài trên đất liền (phục vụ nhu cầu ở cho dân cư các làng chài); các khu dịch vụ du lịch, bảo tồn làng chài được tổ chức, quản lý đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, môi trường vịnh, bảo tồn giá trị di sản thế giới; các khu vực nằm ngoài các vùng bảo vệ tuyệt đối của di sản, có thể nghiên cứu xây dựng quần thể du lịch, dịch vụ trên biển, đào tạo các không gian mới cho người dân và du khách.
8. Định hướng phát triển các đô thị và điểm dân cư nông thôn
8.1. Hệ thống các đô thị, điểm dân cư nông thôn:
Đến năm 2030, vùng đô thị Quảng Ninh gồm 16 đô thị và 76 điểm dân cư nông thôn; trong đó:
- 05 thành phố trực thuộc tỉnh: Hạ Long (đô thị loại I); Cẩm Phả (đô thị loại II); Uông Bí (đô thị loại II); Móng Cái (đô thị loại II); Quảng Yên (đô thị loại II).
- 02 đô thị loại II: Cái Rồng (Vân Đồn), Đông Triều.
- 02 đô thị loại III: Hải Hà, Tiên Yên.
- 05 đô thị loại IV: Thị trấn Trới (Hoành Bồ), thị trấn Đầm Hà (Đầm Hà), thị trấn Bình Liêu (Bình Liêu), thị trấn Ba Chẽ (Ba Chẽ), thị trấn Cô Tô (Cô Tô).
- 02 đô thị loại V: Thị trấn Hoành Mô - Đồng Văn (Bình Liêu), thị trấn Bắc Phong Sinh (Hải Hà).
8.2. Định hướng mô hình phát triển hệ thống mạng lưới đô thị:
- Xây dựng phát triển các đô thị biên giới tại khu vực các cửa khẩu như Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn... thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Xây dựng đô thị ngoài hải đảo để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại các khu vực như Cô Tô, Vân Đồn...
- Xây dựng phát triển các đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường tại các khu vực rừng núi phía Bắc kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với khu vực xung quanh, lân cận; định hướng phát triển tại các khu vực Đông Triều, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn.
- Phát triển các khu đô thị, thành phố thông minh gắn với các khu công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường tại Uông Bí, Quảng Yên (khu đô thị công nghiệp AMATA).
- Sau năm 2050, xây dựng, phát triển các đô thị, các khu ở trên mặt nước tại các khu vực ngoài vùng bảo vệ các di sản, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực.
- Các khu trung tâm đô thị hiện hữu có dân cư tập trung, không đảm bảo hạ tầng đô thị, thực hiện quy hoạch cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng bổ sung các công trình công cộng, công viên, cây xanh... đảm bảo đời sống dân cư và nâng cao chất lượng đô thị.
8.3. Định hướng phát triển nông thôn:
- Nhanh chóng cải thiện, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch và thoát nước thải, đồng thời tiến hành bảo tồn môi trường sống nông thôn (trong đó có bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa làng xã) và bảo tồn môi trường tự nhiên.
- Ngoài ra, tiến hành xây dựng hạ tầng nông thôn như các tuyến đường nông thôn, cấp điện nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất nông thôn phát triển, nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, khả năng lưu thông hàng hóa nông nghiệp...
- Đối với những khu vực nông thôn ổn định lâu dài sẽ phát triển theo mô hình nông thôn mới; những khu vực nông thôn có khả năng đô thị hóa cao sẽ phát triển hợp lý trên cơ sở phù hợp với lộ trình và các yêu cầu đô thị hóa.
9. Định hướng phát triển các cơ sở hạ tầng xã hội:
9.1. Hệ thống nhà ở:
- Chỉ tiêu nhà ở đến năm 2030: Nhà ở khu vực đô thị: 35m2/người; Nhà ở khu vực nông thôn: 29m2/người.
- Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là công nhân (cho ngành than, các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp lớn của tỉnh) và người có thu nhập thấp tại đô thị nhất là tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà.
- Phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển nhà ở, khu dân cư mới với chỉnh trang nhà ở, hạ tầng hiện có; tôn trọng hiện trạng, giữ gìn bản sắc nhà ở truyền thống.
9.2. Các trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao:
- Hệ thống các trường đại học: Duy trì, nâng cấp Trường Đại học công nghiệp Quảng Ninh hiện có, phân viện (phân hiệu) Trường Đại học Ngoại thương tại Uông Bí; thành lập trường Đại học Hạ Long tại Uông Bí và Hạ Long; quy hoạch xây dựng mới 03 Trường Quốc tế (đa bậc học, có cả Đại học) tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa, phục vụ các trọng điểm kinh tế).
- Hệ thống bệnh viện: Duy trì, nâng cấp 11 bệnh viện đa khoa, chuyên ngành cấp tỉnh; quy hoạch, xây dựng mới 02 bệnh viện chuyên ngành (Mắt, Lão) và viện dưỡng lão ở Hạ Long, Vân Đồn; quy hoạch xây dựng mới 03 bệnh viện quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa, phục vụ các trọng điểm kinh tế); các bệnh viện đa khoa cấp huyện đều có các khoa khám chữa bệnh chính, quy mô từ 150÷1.000 giường bệnh/bệnh viện, đạt từ cấp I-III.
- Hệ thống các công trình văn hóa - thể thao: Hoàn thành các công trình văn hóa đang được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng; xây dựng bảo tàng mỹ thuật ở thành phố Móng Cái và KKT Vân Đồn; xây dựng, hoàn thiện Khu liên hợp thể thao vùng Đông Bắc tại thành phố Hạ Long; quy hoạch, xây dựng 06 khu công viên, văn hóa thể thao với quy mô 50 ÷ 100ha/công trình tại huyện Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Hải Hà và KKT Vân Đồn.
9.3. Hệ thống các sân golf trên địa bàn:
Dự kiến xây dựng, phát triển hệ thống sân golf trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch và các trọng điểm kinh tế; gồm 12 địa điểm:
- Các địa điểm sân golf đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009; Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014: (1) Vĩnh Thuận - Móng Cái (đã hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn I); (2) Ao Tiên - Vân Đồn (đang thực hiện GPMB); (3) Hoàng Tân - Quảng Yên (đã được quy hoạch phân khu); (4) Tuần Châu - Hạ Long (đã được quy hoạch phân khu); (5) Khu đồi Cột 3 đến Cột 8 - Hạ Long.
- Các địa điểm sân golf đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 22/2013/NQ-CP ngày 07/02/2013: (6) Hùng Thắng - Hạ Long; (7) Khu vực hồ An Biên - Hoành Bồ; (8) Khu vực Hồ Khe Chè - Đông Triều.
- Các địa điểm đề xuất mới để nghiên cứu, thu hút đầu tư, báo cáo bổ sung vào quy hoạch hệ thống sân golf quốc gia: (9) Khu vực công viên phức hợp thuộc Khu kinh tế Vân Đồn; (10) Khu vực Dự án Khu du lịch sinh thái Yến Long - Đảo Trà Ngọ lớn - Vân Đồn; (11) Khu vực hoàn nguyên mỏ than Hạ Long; (12) Khu vực đồi Bãi Cháy - Hạ Long.
10. Quy hoạch hệ thống vị trí đất quân sự và quốc phòng, an ninh:
- Cập nhật quy hoạch hệ thống các cảng, bến, các tuyến đường trên các đảo; hệ thống các khu vực phòng thủ, trận địa, điểm cao, kho quân sự, trung tâm huấn luyện... đảm bảo công tác an ninh quốc phòng; quy hoạch xây dựng các công trình xung quanh khu vực đất an ninh quốc phòng đảm bảo không ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ, nhất là các điểm địa hình có điểm cao tự nhiên.
- Xây dựng các KCN, hạ tầng kỹ thuật như sân bay, bến cảng, khu vực neo đậu tàu thuyền, các đường giao thông... để phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và có khả năng sẵn sàng phục vụ nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.
- Dọc đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ Móng Cái đến Lạng Sơn sẽ hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tuần biên (tỉnh lộ 341, tương lai sẽ nối thông sang Lạng Sơn thành Quốc lộ) để đảm bảo an ninh quốc phòng, và phát triển kinh tế biên giới; nghiên cứu tuyến đường Đồng Văn - Khe Tiên - Đào Long Tú - Quảng Sơn - Quảng Đức (Hải Hà) dự bị, hỗ trợ cho tuyến đường tuần biên.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực tiểu vùng KKT cửa khẩu với Trung Quốc để phát triển kinh tế và gắn việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế với hoạt động đối ngoại; phát triển KCN cảng biển Hải Hà để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vùng biển, hỗ trợ biên giới; nối thông các cửa khẩu biên giới để chia sẻ phát triển lưu thông hàng hóa cũng như giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng.
11. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
11.1. Chuẩn bị kỹ thuật:
- Căn cứ điều kiện địa hình, chia thành thành 8 lưu vực thoát nước với các trục thoát nước chính ra hệ thống sông, suối, kênh rạch rồi đổ ra biển.
- Quy hoạch san nền định hướng phù hợp với tổ chức hệ thống thoát nước mưa hiện có; tận dụng đến mức cao nhất địa hình tự nhiên, giữ được hệ thống cây xanh hiện có, hạn chế khối lượng đào đắp và hạn chế chiều cao đất đắp; đề xuất cao độ xây dựng tối thiểu đối với các khu vực đặc trưng trên toàn tỉnh (các khu vực ven biển, các khu vực đồi núi, các khu công nghiệp...).
- Đề xuất các giải pháp quy hoạch xây dựng đối với các công trình kỹ thuật khác: Hệ thống kênh tiêu, hồ điều hòa, đắp đê, các trạm bơm...
11.2. Giao thông:
a) Đường bộ:
- Liên kết vùng: Xây dựng các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái và tuyến Hải Phòng - Hạ Long; xây dựng tuyến đường ven biển kết nối với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định; xây dựng các tuyến quốc lộ liên kết Quảng Ninh với các tỉnh thành khác: QL10, QL279, QL4B, QL18C.
- Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hình thành vành đai kết nối các địa phương trong tiểu vùng, các khu vực nội - ngoại thị.
- Xây dựng mới các tuyến đường kết nối các khu vực ven biển, các tuyến đường tránh và các tuyến đường vành đai.
b) Đường sắt: Hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân; xây dựng tuyến mới các đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Lạng Sơn - Mũi Chùa, Uông Bí - Tiền phong (nối sang Lạch Huyện - Hải Phòng).
c) Đường thủy: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảng vận tải hàng hóa, hành khách và các bến du thuyền.
- Cảng biển: Nâng cấp, cải tạo và mở rộng cảng Hòn Gai (cảng Cái Lân), cảng Vạn Gia, cảng Vạn Hoa - Mũi Chùa, cảng Cẩm Phả, cảng Hải Hà theo quy hoạch hệ thống cảng biển.
- Cảng du lịch: Hoàn chỉnh, xây dựng mới các cảng du lịch có chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế tại đào Tuần Châu, Bãi Cháy, Hồng Gai, Quang Hanh, Cái Rồng, Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô, Vạn Gia, Mũi Ngọc.
- Hệ thống cảng khác: Xây dựng cảng Tiền Phong và cảng Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên; xây dựng cảng phía Bắc đảo Cái Bầu ở khu kinh tế Vân Đồn; nâng cấp cảng Hòn Nét là cảng than; nâng cấp cảng Cửa Ông là cảng tổng hợp.
d) Hàng không: Xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết - Vân Đồn với tổng diện tích đất theo khoảng 300ha; nghiên cứu và phát triển các sân bay có quy mô nhỏ phục vụ du lịch tại huyện đảo Cô Tô, thành phố Móng Cái, thành phố Hạ Long và các đảo nhỏ khác thuộc Khu kinh tế Vân Đồn.
e) Giao thông công cộng:
- Phát triển các tuyến xe buýt kết nối Quảng Ninh với các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định…), kết nối các đô thị quan trọng trong tỉnh, kết nối các trọng điểm du lịch.
- Phát triển hệ thống tàu điện một ray (Monorail) kết nối Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn và kết nối hệ thống với Hải Phòng.
f) Bãi đỗ xe: Bố trí tại các địa điểm tập trung lượng giao thông lớn; xây dựng các bãi để xe ngầm tại các trung tâm đô thị có mật độ dân cư lớn.
11.3. Cấp nước: Tổng nhu cầu sử dụng nước của toàn tỉnh khoảng 691.500m3/ng.đ; sử dụng các hồ, đập trong khu vực nghiên cứu, nâng khả năng khai thác tối đa đối với các hồ, đập trên địa bàn tỉnh; nâng cấp hệ thống các hồ, đập, nhà máy, trạm bơm đáp ứng nhu cầu phát triển theo các giai đoạn phát triển (ưu tiên phát triển công nghiệp tiết kiệm nước, sử dụng công nghệ tuần hoàn nước).
11.4. Cấp điện: Tổng nhu cầu dùng điện năm 2030 khoảng 3.987MVA; nâng cấp, xây mới các Trạm biến áp 500, 220, 110 KV đáp ứng nhu cầu phát triển theo các giai đoạn phát triển.
11.5. Thoát nước thải:
- Tổng lượng nước thải khoảng 598.302 (m3/ngđ); trong đó nước thải các đô thị khoảng 345.354 (m3/ng.đ), nước thải công nghiệp khoảng 202.836 (m3/ng.đ), nước thải khu vực nông thôn khoảng 50.112 (m3/ng.đ).
- Khu vực đô thị: Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước cho các thành phố, thị trấn, thị xã và các khu đô thị; các khu vực phát triển mở rộng và các khu đô thị mới yêu cầu đảm bảo 100% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thoát ra môi trường.
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các bệnh viện và cơ sở y tế: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước rồi mới xả vào nguồn tiếp nhận.
- Khu vực nông thôn: Xử lý tại chỗ bằng các bể xử lý nước tiên tiến, hợp vệ sinh rồi xả ra các ao hồ, sông suối.
11.6. Quản lý CTR, nghĩa trang:
- Xây dựng các khu xử lý tập trung, gồm: Khe Giang - Uông Bí; Dương Huy - Cẩm Phả; Khu liên hiệp Quang Hanh - Cẩm Phả; Đông Ngũ - Tiên Yên; Quảng Nghĩa - Móng Cái; Vạn Yên - Vân Đồn; Đồng Tiến - Cô Tô; Thanh Lân - Cô Tô; Quảng Thành - Hải Hà; Tràng Lương - Đông Triều...
- Xây dựng các công viên - nghĩa trang quy mô lớn phục vụ cho các tiểu vùng đô thị lớn như tiểu vùng Hạ Long, tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu...
12. Giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và phát triển trên địa bàn vùng:
- Có giải pháp bảo vệ thiên nhiên, các di sản văn hóa - lịch sử phục vụ cho phát triển du lịch dịch vụ; xử lý hiện trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn cho nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, bảo vệ môi trường đất, môi trường không khí; bảo vệ quỹ rừng, các hệ sinh thái đặc trưng.
- Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua các biện pháp: Giám sát, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm; đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án; tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thích hợp trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
- Xây dựng Quy chế quản lý bảo vệ môi trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường đối với các vùng bảo tồn, hạn chế phát triển; vùng dân cư đô thị và khu du lịch; vùng rừng phòng hộ, vành đai xanh, hành lang xanh và hệ thống cây xanh công cộng; vùng nông thôn...
13. Tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch
13.1. Mô hình tổ chức quản lý thực hiện Quy hoạch:
- Đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị cho Thành phố Hạ Long (thành phố Hạ Long là đô thị loại I, thành phố gắn với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long).
- Đề xuất thí điểm mô hình Chính quyền đô thị để thực hiện xây dựng Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn theo Đề án đang được trình duyệt; khi đủ điều kiện thì vận dụng mở rộng sang khu vực huyện Cô Tô, tiến tới thống nhất việc mở rộng Khu kinh tế Vân Đồn - Cô Tô.
- Phân định trách nhiệm, không gian phát triển và quản lý các khu vực cụ thể trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn giữa Ban Quản lý KKT tỉnh với UBND thành phố Móng Cái, UBND huyện Hải Hà, UBND huyện Bình Liêu để thuận lợi đầu tư phát triển các KKT; đảm bảo quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
- Thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị cấp tỉnh, cấp địa phương (thực hiện theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị).
13.2. Các giải pháp thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng:
- Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình trọng điểm gồm: Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030; Chương trình bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; các chương trình và chính sách thu hút đầu tư chung của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, trước mắt ưu tiên lập Quy hoạch chung các đô thị trung tâm các tiểu vùng, các đô thị, các khu kinh tế, khu du lịch... có điều kiện phát triển; xây dựng các chương trình đầu tư xây dựng và phát triển vùng theo kế hoạch.
- Xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Quy hoạch: Chính sách cho Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn; chính sách cho Cô Tô được hưởng các chính sách như Vân Đồn; chính sách phát triển riêng cho các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, cho thành phố Hạ Long...
- Tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư và thu hút các nguồn vốn; Chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch, làm tốt công tác tái định cư phục vụ cho thu hút đầu tư, phát triển các dự án đầu tư xây dựng.
- Coi trọng công tác tư tưởng, chính trị, phát huy dân chủ trong cộng đồng và vai trò tham dự của dân cư trong việc tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.
- Tăng cường phát triển các mối quan hệ liên vùng, đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang... nhằm huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển vùng.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tiếp tục tiếp thu, cập nhật các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhân dân.... để xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn...
13.3. Các dự án ưu tiên đầu tư: 89 dự án và các nhóm dự án với thứ tự ưu tiên và dự kiến cụ thể nguồn lực để thực hiện quy hoạch (phụ lục kèm theo); gồm: 04 dự án quy hoạch, kế hoạch, chương trình; 23 dự án hạ tầng giao thông; 18 dự án du lịch, dịch vụ, thương mại (Bổ sung 01 dự án so với Nghi quyết số 141/NQ-HĐND của HĐND tỉnh); 07 dự án phát triển đô thị; 21 dự án công nghiệp, khai thác than, xi măng, nhiệt điện; 16 dự án hạ tầng xã hội, công trình công cộng, cấp nước môi trường, An ninh quốc phòng.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh:
Thống nhất quản lý toàn diện các hoạt động về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:
- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt.
- Rà soát, đề xuất kế hoạch việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật... trên địa bàn để cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
3. Sở Xây dựng:
- Tổ chức công bố, công khai thông tin và nội dung đồ án quy hoạch được duyệt để toàn bộ các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân biết, thực hiện.
- Chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh và một số khu vực đặc biệt, đặc thù theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.
- Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; rà soát, đề xuất kế hoạch việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh.
- Giúp UBND tỉnh quản lý, lưu giữ hồ sơ quy hoạch để phục vụ công tác quản lý và cung cấp các thông tin quy hoạch xây dựng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
4. Các Sở, Ban, ngành:
- Rà soát, đề xuất kế hoạch việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch vùng tỉnh.
- Giao Sở Kế hoạch & Đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư rà soát, đưa các Danh mục các dự án thực hiện theo Quy hoạch vùng tỉnh vào Danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh theo từng giai đoạn để huy động các nguồn lực, thu hút, hướng dẫn các Nhà đầu tư tham gia thực hiện.
5. Các tổ chức, cá nhân và nhân dân:
- Tuân thủ và thực hiện nghiêm túc những nội dung đã nêu của Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện các hoạt động liên quan đến quy hoạch xây dựng trên địa bàn Tỉnh.
- Khuyến khích và tạo điều kiện để các Hội nghề nghiệp có liên quan và cộng đồng dân cư tham gia tư vấn và phản biện về việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Tỉnh trên cơ sở những nội dung đã nêu của Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch UBND các địa phương; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc các Sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN THEO QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ NGOÀI 2050
(Kèm theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh)
TT | Danh mục dự án, nhóm dự án | Giai đoạn xây dựng | Địa điểm |
I | Dự án quy hoạch, kế hoạch, chương trình | Hình thức đầu tư: Đầu tư công; BT | |
1 | Lập, điều chỉnh QH chung xây dựng các đô thị; QH phân khu, QH chi tiết các khu vực phát triển, các trung tâm đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại... | Trước năm 2015 | Trên địa bàn tỉnh |
2 | Lập, điều chỉnh các QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật khác: Giao thông, cấp nước, cấp điện, xử lý nước thải, xử lý rác thải, nghĩa trang... | Trước năm 2015 | Trên địa bàn tỉnh |
3 | Lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh | Trước 2015 | Trên địa bàn tỉnh |
4 | Nâng cấp các đô thị theo lộ trình QH | - | Trên địa bàn tỉnh |
II | Dự án hạ tầng giao thông | Hình thức đầu tư: BT; BOT; BTO; Đầu tư công | |
1 | Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng | 2014-2020 | Hạ Long, Quảng Yên, Hải Phòng |
2 | Đường dẫn, cầu Bắc Luân II và cầu Bắc Luân | 2014-2020 | Móng Cái |
3 | Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái | 2014-2020 | Hạ Long - Móng Cái |
4 | Đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long - Cái Lân (đã và đang triển khai xây dựng, nâng cấp) | Trước 2015 | Đông Triều - Hạ Long |
5 | Tuyến đường tránh Quốc lộ 18 (tránh Mạo Khê - Đông Triều, Uông Bí) | 2015-2020 | Đông Triều, Uông Bí |
6 | Đường bộ nối Thị trấn Quảng Hà với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà | 2014-2015 | Hải Hà |
7 | Đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái, Hạ Long - Cẩm Phả | 2015-2020 | Móng Cái |
8 | Đường sắt Hải Hà - Móng Cái (kết nối KCN cảng biển Hải Hà với cảng Phòng Thành - Trung Quốc) | 2015-2020 | Hải Hà - Móng Cái |
9 | Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long | 2020-2030 |
|
10 | Đường sắt Uông Bí - Lạch Huyện | 2020-2030 | Trên địa bàn tỉnh |
11 | Đường sắt Lạng Sơn - Mũi Chùa | Sau 2030 | Trên địa bàn tỉnh |
12 | Đường sắt Hạ Long - Hải Hà | Sau 2030 | Trên địa bàn tỉnh |
13 | Các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng, băng tải chuyên dùng của ngành than; các nút giao cắt với đường dân sinh, đường quốc lộ | 2014-2020 | Trên địa bàn tỉnh |
14 | Đường sắt trên cao (Monorail) Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả (phục vụ giao thông công cộng, giảm tải QL 18, khai thác cảnh quan dọc tuyến) | 2020-2030 | Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả |
15 | Đường sắt trên cao (Monorail) Uông Bí - Quảng Yên, Quảng Yên - Hải Phòng, Cẩm Phả - Vân Đồn (phục vụ giao thông công cộng, kết nối các tiểu vùng của Quảng Ninh với nhau, nối với tuyến đường sắt của Hải Phòng, nối với sân bay Vân Đồn) | Sau 2030 | Quảng Yên - Uông Bí, Hạ Long - Vân Đồn |
16 | Các dự án xây dựng cảng: Cảng khách Hồng Gai, Cái Lân (mở rộng), cảng Cái Rồng mới, cảng Hải Hà (GDI), cảng Tiền Phong (GDI), Đầm Nhà Mạc (GDI), cảng Cửa Ông, các cảng tàu du lịch, bến du thuyền phục vụ du lịch - dân sinh trên các đảo, trên vịnh Hạ Long - vịnh Bái Long | 2015-2020 | Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà |
17 | Xây dựng mới, hoàn thiện các cảng cá tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô | 2015-2020 | Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô |
18 | Xây dựng Sân bay Vân Đồn (GDI) và các hạ tầng đấu nối, các tuyến đường trên các đảo Vân Đồn | 2015-2020 | Vân Đồn |
19 | Quốc lộ 4B kéo dài, cầu Vân Tiên, nối sang cảng Bắc đảo Cái Bầu (Mũi Chùa - Vạn Hoa) | 2020-2030 | Tiên Yên, Vân Đồn |
20 | Các dự án xây dựng cảng Hải Hà (GĐII), Cái Chiên (Hải Hà), Tiền Phong (GĐII), Đầm Nhà Mạc (GĐII), Hòn Nét - Con Ong, Mũi Chùa - Vạn Hoa, Vĩnh Thực | 2020-2030 | Hải Hà, Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Móng Cái |
21 | Cải tạo, nâng cấp Tuyến đường vành đai biên giới Hải Hà - Bình Liêu - Móng Cái, các cảng quốc phòng trên các đảo kết hợp phát triển kinh tế với An ninh quốc phòng | 2020-2030 | Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn |
22 | Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 sang Bắc Giang, 4B sang Lạng Sơn, đường Quốc lộ 10 sang Thủy Nguyên (Hải Phòng), Quốc lộ 188 sang Kinh Môn - Hải Dương... | 2020-2030 | Hạ Long - Hoành Bồ, Tiên Yên, Uông Bí... |
23 | Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn từ Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long | 2014 | Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long |
III | Dự án du lịch, dịch vụ, thương mại. | Hình thức đầu tư: Đầu tư tư nhân | |
1 | Trung tâm thương mại - vui chơi giải trí VinGroup, Trung tâm thương mại - khách sạn Ocean Group, Trung tâm thương mại | 2014-2015 | Hạ Long |
2 | Khách sạn 5 sao Vine Group tại Bãi Cháy - Hạ Long | 2014-2020 | Hạ Long |
3 | Hoàn thiện hạ tầng, công trình dịch vụ tài chính - thương mại - du lịch Khu du lịch Bãi Cháy - Hùng Thắng | 2015-2020 | Hạ Long |
4 | Hoàn thiện hạ tầng, khách sạn, công trình Khu du lịch Quốc tế Tuần Châu | 2015-2020 | Hạ Long |
5 | QH, xây dựng Khu dịch vụ, thương mại gắn với cổng tỉnh tại Đông Triều; điểm dừng chân tại Tiên Yên | 2015-2020 | Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà |
6 | QH, xây dựng Khu du lịch Hoàng Tân (Quảng Yên) | 2015-2020 | Quảng Yên |
7 | Hoàn thiện hạ tầng, các công trình di tích, công trình dịch vụ các Khu di tích trọng điểm: Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Di tích nhà Trần tại Đông Triều, Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng tại Quảng Yên | 2015-2020 | Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên |
8 | Hoàn thiện, xây dựng mới các sân Golf tại Hạ Long, Hoàng Tân (Quảng Yên), Ao Tiên (Vân Đồn) | 2014-2020 | Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn |
9 | Hạ tầng chính khu công viên phức hợp Vân Đồn; hạ tầng, các khu du lịch trên các đảo, tiến tới hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch quốc gia Vân Đồn | 2014-2020 | Vân Đồn |
10 | Xây dựng mới sân Golf tại Khe Chè - Đông Triều, tại khu công viên phức hợp Vân Đồn, tại An Biên - Hoành Bồ | 2020-2030 | Đông Triều, Vân Đồn, Hoành Bồ |
11 | Hoàn thiện hạ tầng, công trình Khu du lịch quốc gia Trà Cổ | 2015-2020 | Móng Cái |
12 | Hạ tầng, các công trình phục vụ cho Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn | 2015-2020 | Hải Hà, Bình Liêu |
13 | Xây mới, cải tạo, nâng cấp các Trung tâm thương mại tại Móng Cái | 2015-2020 | Móng Cái |
14 | Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung GĐI (tại khu vực cầu Bắc Luân II) | 2015-2020 | Móng Cái |
15 | Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung GĐII (tại khu vực cầu Bắc Luân II) | 2020-2030 | Móng Cái |
16 | Khu du lịch đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Cái Chiên | 2020-2030 | Móng Cái, Hải Hà |
17 | Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, các công trình dịch vụ du lịch suối khoáng Quang Hanh (điều chỉnh so với NQ HĐND) | 2015-2020 | Cẩm Phả |
18 | Khu du lịch nghỉ dưỡng tại Minh Châu, Quan Lạn (Bổ sung so với NQ HĐND) | 2015-2020 | Vân Đồn |
IV | Dự án phát triển đô thị | Hình thức đầu tư: BT; Đầu tư tư nhân | |
1 | Hoàn thiện các Dự án hạ tầng, lấp đầy các khu đô thị, khu dân cư hiện có tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái | 2015-2020 | Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái |
2 | QH, xây dựng mới Khu đô thị du lịch sinh thái Tây Hạ Long (GĐ I) | 2015-2020 | Hạ Long |
3 | QH, xây dựng mới Khu đô thị thông minh MICE Khu công nghiệp - đô thị thông minh (GĐ I) | 2014-2020 | Quảng Yên |
4 | QH, xây dựng mới Khu đô thị thông minh tại Vân Đồn | 2020-2030 |
|
5 | QH, xây dựng mới Khu đô thị Móng Cái, Hải Hà | 2020-2030 | Móng Cái, Hải Hà |
6 | QH, xây dựng mới Khu đô thị phía Bắc Hoành Bồ, phía Bắc Đông Triều, phía Nam Uông Bí, phía Bắc Cẩm Phả, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, đô thị tại các đảo Vân Đồn, Cô Tô | 2020-2030 | Trên địa bàn tỉnh |
7 | QH, xây dựng mới Khu đô thị thông minh MICE Khu công nghiệp - đô thị thông minh (GĐ II), Nam Uông Bí, Tây Hạ Long (GĐ II) | 2020-2030 | Quảng Yên, Nam Uông Bí, Tây Hạ Long |
V | Dự án Khu công nghiệp, khai thác than, sản xuất xi măng, nhiệt điện | Hình thức đầu tư: BT; Đầu tư tư nhân | |
1 | Hoàn thiện hạ tầng, xử lý môi trường, chuyển đổi dần các cơ sở công nghiệp hiện có để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất trong Khu công nghiệp Cái Lân | 2015-2020 | Hạ Long |
2 | Hoàn thiện hạ tầng, lấp đầy cơ sở sản xuất tại các KCN: Việt Hưng, Đông Mai, Phương Nam, Hải Yên | 2015-2020 | Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Móng Cái |
3 | Triển khai hạ tầng Khu công nghệ cao Khu công nghiệp - đô thị thông minh (GĐ I) | 2015-2020 | Quảng Yên |
4 | Triển khai hạ tầng KCN Hải Hà (GĐ I) | 2014-2020 | Hải Hà |
5 | Triển khai hạ tầng KCN Đầm Nhà Mạc (GĐ I), KCN hậu cần cảng Tiền Phong (GĐI) | 2015-2020 | Quảng Yên |
6 | Triển khai hạ tầng KCN Hoành Bồ | 2015-2020 | Hoành Bồ |
7 | Triển khai hạ tầng KCN, logistics gần sân bay Vân Đồn | 2015-2020 | Vân Đồn |
8 | Triển khai hạ tầng Khu công nghệ cao Khu công nghiệp - đô thị thông minh (GĐ II) | 2020-2030 | Quảng Yên |
9 | Triển khai hạ tầng KCN Hải Hà (GĐ II) | 2020-2030 | Hải Hà |
10 | Triển khai hạ tầng KCN Đầm Nhà Mạc (GĐ II), KCN hậu cần cảng Tiền Phong (GĐII) | 2020-2030 | Quảng Yên |
11 | Triển khai hạ tầng KCN phía Bắc đảo Cái Bầu (cụm cảng Mũi Chùa - Vạn Hoa) | 2020-2030 | Vân Đồn |
12 | Triển khai hạ tầng các KCN khác tại Đông Triều, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà | 2020-2030 | Đông Triều, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà |
13 | Nâng cấp công nghệ sản xuất, xử lý bảo vệ môi trường các Dự án xi măng Thăng Long, Hạ Long, Cẩm Phả, Lam Thạch | trước năm 2030 | Hoành Bồ, Cẩm Phả, Uông Bí |
14 | Dừng sản xuất, hoặc di chuyển các Dự án: Dự án xi măng Thăng Long, Hạ Long, Cẩm Phả, Lam Thạch đến các địa điểm phù hợp; chuyển đổi các quỹ đất thành KCN sạch, phát triển đô thị... | Sau năm 2030 | Hoành Bồ, Cẩm Phả, Uông Bí |
15 | Nâng cấp công nghệ sản xuất, xử lý bảo vệ môi trường các Dự án nhiệt điện Uông Bí, Cẩm Phả I-Il | Trước năm 2030 | Uông Bí, Cẩm Phả |
16 | Dừng sản xuất, hoặc di chuyển các Dự án: Dự án nhiệt điện Uông Bí, Cẩm Phả I-II về khu vực Mông Dương - Cẩm Phả | Sau năm 2030 | Uông Bí, Cẩm Phả |
17 | Triển khai các Cụm công nghiệp địa phương để di chuyển các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong đô thị, gần khu dân cư để quản lý môi trường | 2015-2020 | Trên địa bàn tỉnh |
18 | Thực hiện các dự án khai thác, sản xuất, sàng tuyển, vận chuyển than theo lộ trình QĐ 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ | - | Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả |
19 | Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển, tàu sông tại Hạ Long, Quảng Yên, Hải Hà | 2015-2020 | Hạ Long, Quảng Yên, Hải Hà |
20 | Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đông Triều, Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên | 2015-2020 | Đông Triều, Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên |
21 | QH, xây dựng mới cảng xăng dầu B12 tại Quảng Yên (giảm tải cho cảng B12 hiện nay) | 2015-2020 | Quảng Yên |
VI | Dự án hạ tầng xã hội, công trình công cộng, cấp nước, môi trường, an ninh quốc phòng | Hình thức đầu tư: BT; BOT; BTO; Đầu tư công | |
1 | Duy trì, nâng cấp Trường Đại học công nghiệp Quảng Ninh hiện có (Bộ Công thương) tại Đông Triều và Quảng Yên | 2015-2020 | Đông Triều, Quảng Yên |
2 | Xây dựng mới Trường Đại học Hạ Long (mới thành lập thuộc tỉnh Quảng Ninh) tại Uông Bí; | 2014-2020 | Uông Bí |
3 | QH xây dựng mới 03 Trường Quốc tế (liên cấp, có cả Đại học) tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa) phục vụ cho con em người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, đào tạo nhân lực cho tỉnh và khu vực | 2020-2030 | Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái |
4 | Duy trì, cải tạo, nâng cấp 11 bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa hiện có | 2014-2015 | Trên địa bàn tỉnh |
5 | QH, Xây dựng mới 02 bệnh viện chuyên ngành: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lão Khoa tại TP Hạ Long, Vân Đồn. | 2015-2020 | Hạ Long, Vân Đồn |
6 | QH xây dựng mới 03 bệnh viện quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa) phục vụ cho người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh. | 2020-2030 | Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái |
7 | Xây dựng, hoàn thiện cụm các công trình trọng điểm trung tâm văn hóa của tỉnh tại TP Hạ Long như: Bảo tàng tỉnh, thư viện tỉnh, quảng trường, cung quy hoạch tỉnh, công viên, trung tâm văn hóa..., bảo tàng than, bảo tàng sinh thái Hạ Long... | 2015-2020 | Hạ Long |
8 | QH, xây dựng mới 01 Bảo tàng mỹ thuật ở thành phố Móng Cái hoặc tại KKT Vân Đồn (trong khu MICE) sau khi đã xem xét đến sự cân bằng, hài hòa trên toàn Tỉnh. | 2020-2030 | Móng Cái, Vân Đồn |
9 | QH, xây dựng 05 công viên thể thao cấp huyện tại huyện Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Hải Hà và KKT Vân Đồn. | 2015-2020 | Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn |
10 | QH, xây dựng 01 Khu liên hợp thể thao vùng Đông Bắc tại phường Đại Yên, thành phố Hạ Long (Sân vận động, nhà thi đấu 5000 chỗ, bể bơi...) | 2014-2020 | Hạ Long |
11 | QH, xây dựng nghĩa trang dùng chung, khu xử lý rác thải dùng chung cho Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả | 2014-2020 | Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả |
12 | QH, xây dựng nghĩa trang, khu xử lý rác thải cho các địa phương còn lại | 2015-2020 | Trên địa bàn tỉnh |
13 | Hoàn thiện các hạ tầng, bảo vệ môi trường, dự án bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long | 2014-2020 | Hạ Long |
14 | Dự án trung tâm huấn luyện phòng chống khủng bố Bộ Công an | 2014-2020 | Quảng Yên |
15 | Dự án xây dựng 100ha khu thương mại dịch vụ cổng Tỉnh tại Đông Triều | 2014-2015 | Đông Triều |
16 | Xây dựng, cải tạo một số hồ, đập quan trọng tại Ba Chẽ phục vụ cấp nước sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ môi trường | 2015-2020 | Ba Chẽ |
Ghi chú: Bổ sung 01 dự án (Khu du lịch nghỉ dưỡng tại Minh Châu, Quan Lạn); điều chỉnh 01 dự án (khu dịch vụ du lịch suối khoáng Quang Hanh) từ nhóm dự án sản xuất công nghiệp sang nhóm dự án dịch vụ, du lịch, thương mại Danh mục kèm theo Nghị quyết số 141/NQ-HĐND ngày 29/5/2014 của HĐND tỉnh.
- 1 Quyết định 4095/QĐ-UBND năm 2015 Quy định về quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2 Quyết định 896/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050
- 3 Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang
- 4 Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 5 Nghị quyết 138/2014/NQ-HĐND thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6 Nghị quyết 141/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050
- 7 Quyết định 795/QĐ-TTg năm 2014 điều chỉnh danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 kèm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 2622/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Phước
- 10 Quyết định 608/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050
- 11 Quyết định 60/2013/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 12 Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Quảng Ninh
- 13 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị
- 14 Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 15 Quyết định 60/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 17 Nghị quyết 136/2010/NQ-HĐND thông qua quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2025
- 18 Quyết định 1946/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19 Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 20 Thông tư 07/2008/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 21 Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 22 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 23 Luật xây dựng 2003
- 1 Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2 Nghị quyết 136/2010/NQ-HĐND thông qua quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2025
- 3 Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Phước
- 4 Nghị quyết 138/2014/NQ-HĐND thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 6 Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang
- 7 Quyết định 60/2013/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 8 Quyết định 896/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050
- 9 Quyết định 4095/QĐ-UBND năm 2015 Quy định về quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050