Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2012/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2012-2016

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 về việc thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016;

Xét đề nghị của Liên Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 77/LS: NN&PTNT-TC-KH&ĐT ngày 06 tháng 6 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 của UBND Thành phố quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội đang thực hiện trái với quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực: Thành uỷ, HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (Để báo cáo)
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các PCT UBND TP;
- Các Ban của HĐND TP,
- UBMTTQ và các đoàn thể TP,
- Các Sở, Ban, ngành TP;
- HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- CVP, PVP UBND TP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Webste, Công báo, cổng TTĐT thành phố,
- Đài PT&TH HN, báo HN mới, KTĐT;
- Lưu: VT, NNNT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT, CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Việt

 

QUY ĐỊNH

THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2012)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới Thành phố đã đề ra đến năm 2015.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Qui định này áp dụng trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện dồn điền đổi thửa, thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội,

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài), các hợp tác xã, hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (sau đây gọi là các tổ chức, cá nhân) khi thực hiện các nội dung tại Điều 2 của Quy định này trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Chương 2.

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN

Điều 4. Chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa

1. Đối tượng áp dụng

Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện “dồn điền, đổi thửa”

2. Điều kiện áp dụng

Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện “dồn điền, đổi thửa” trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với qui hoạch nông nghiệp đến năm 2020, đạt yêu cầu sau khi dồn chỉ con 01-02 thửa/hộ. Phương án dồn điền đổi thửa được thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách câp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

b) Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp, tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

c) Hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa, trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

d) Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

4. Phương thức hỗ trợ

Ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt.

5. Trình tự thực hiện

a) Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban;

- Xây dựng Phương án dồn điền đổi thửa. Lập dự toán kinh phí thực hiện việc đo đạc để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng (theo định mức quy định của Nhà nước) và căn cứ tổng diện tích được phê duyệt trong vùng chuyển đổi xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho Ban chỉ đạo cấp xã theo quy định.

- Lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện việc đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (theo định mức kinh tế kỹ thuật quy định của Nhà nước).

- Trình Hội đồng nhân dân xã thông qua Phương án dồn điền đổi thửa; Kế hoạch làm mới, cải tạo nâng cấp đường trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng đào và dự toán kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa, làm mới, cải tạo nâng cấp đường trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng.

- Hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt: Phương án dồn điền đổi thửa; Kế hoạch đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng; Báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng và dự toán kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa, đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Phòng Kinh tế huyện là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của các xã (Phương án, báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa; làm mới, cải tạo nâng cấp đường trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng;

- Sau 10 ngày (ngày làm việc), Phòng kinh tế có trách nhiệm phối hợp với các Phòng, ban liên quan của huyện thẩm định hồ sơ và trình UBND huyện phê duyệt;

- Sau 7 ngày (ngày làm việc) UBND huyện phê duyệt Phương án, báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí công tác dồn điền đổi thửa; làm mới, cải tạo nâng cấp trục chính đường giao thông, thủy lợi nội đồng;

c) Đối với các công trình giao thông, thủy lợi: Căn cứ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được duyệt, Ủy ban nhân dân cấp xã lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật (KTKT) và tổng hợp danh mục các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Nội dung báo cáo KTKT gồm: Tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, quy mô kỹ thuật công trình, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn đầu tư và cơ chế huy động vốn đầu tư, kèm theo thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán.

Căn cứ vào nội dung quyết định đầu tư và hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, dự toán công trình được duyệt; Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp toàn bộ chi phí mua vật tư (trong khoản mục chi phí xây dựng) từng dự án, công trình kèm theo Tờ trình gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã thực hiện.

d) Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách: Ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện hỗ trợ các xã thực hiện các nội dung chính sách quy định tại khoản 3; ngân sách cấp huyện hỗ trợ cấp xã thực hiện các nội dung chính sách quy định tại điểm c, điểm d, khoản 3 Điều này. Các khoản chi khác còn lại Ủy ban nhân dân cấp xã huy động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 5. Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

1. Đối tượng áp dụng

Các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới theo quy hoạch trên địa bàn thành phố.

2. Điều kiện áp dụng

a) Giống cây trồng nông, lâm nghiệp

- Cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm

Cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với mục đích thương mại đáp ứng quy định tại Quyết định số 64/2008/QĐ-BNN ngày 23/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.

- Cây hàng năm

Các cơ sở sản xuất giống cây hàng năm đáp ứng quy định tại Thông tư 79/2011/TT-BNNPTNT ngày 14/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về chứng nhận và công bố chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

- Cây lâm nghiệp

Các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đáp ứng quy định tại Quyết định 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

b) Giống vật nuôi, thuỷ sản

- Giống vật nuôi đáp ứng quy định tại:

+ QCVN 01-43: 2011/BNNPTNT về quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định bò hướng sữa, QCVN 01-44: 2011/BNNPTNT về quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định bò hướng thịt; QCVN 01-45: 2011/BNNPTNT về quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định vịt giống; QCVN 01-46: 2011/BNNPTNT về quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định gà giống.

+ Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN ngày 31/01/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Qui định về quản lý và sử dụng lợn đực giống; Quyết định số 66/2005/QĐ-BNN ngày 31/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Qui định về quản lý và sử dụng bò đực giống; Quyết định số 67/2002/QĐ-BNN ngày 16/7/2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Qui định tạm thời các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đối với giống vật nuôi.

- Giống thủy sản: Cơ sở sản xuất giống thủy sản đáp ứng quy định tại Thông tư 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-15:2009/BNNPTNT về điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 5 khoản 4 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Chương 2; Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Chương 3 Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

b) Được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 7, Điều 8, Điều 12, Điều 13 Thông tư 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 01/3/2012 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020.

c) Được ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 100% lãi suất tính theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất là 70% giá trị đầu tư của dự án.

4. Phương thức hỗ trợ

Hỗ trợ sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

5. Trình tự thực hiện

a) Thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ lãi suất vốn vay

- Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mức hỗ trợ dự án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có mức đầu tư từ trên 50 tỷ đồng.

- Sở Nông nghiệp & PTNT phê duyệt mức hỗ trợ dự án chuyên ngành (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) có mức đầu tư từ dưới 50 tỷ đồng trở xuống.

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

- Văn bản đề nghị hỗ trợ lãi suất vốn vay (theo mẫu); hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công; hồ sơ nghiệm thu, quyết toán công trình; bản sao hợp lệ Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ; bảng sao kê lãi suất tiền vay do các tổ chức Ngân hàng cấp.

c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

- Sở Nông nghiệp &PTNT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

- Thời gian thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ quy định mỗi Quý một lần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư tuần cuối của tháng cuối quý.

- Hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lần đầu phải gửi trước 15 ngày. Hồ sơ xin hỗ trợ từ lần thứ hai trở đi, bao gồm đơn xin hỗ trợ kèm theo bản sao kê lãi suất của ngân hàng nơi vay vốn.

Điều 6. Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản

1. Đối tượng áp dụng

Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo quy hoạch.

2. Điều kiện áp dụng

Các dự án đầu tư đáp ứng đủ một trong các điều kiện sau.

a) Nhà sơ chế rau, củ (khoai tây, khoai lang), quả (bưởi, cam, chuối, nhãn, ổi) có công suất tối thiểu 05 tấn/ngày trở lên

b) Cơ sở chế biến chè có công suất tối thiểu 10 tấn búp tươi/ngày trở lên.

c) Cơ sở sơ chế trứng gia cầm các loại quy mô tối thiểu 50.000 quả/ngày trở lên.

d) Kho lạnh bảo quản giống, rau, củ, hoa, quả, thịt, cá, trứng có thể tích tối thiểu 100 m3 trở lên.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 5, khoản 4 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Chương 2; Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Chương 3 Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

- Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất là 70% giá trị đầu tư của dự án.

4. Phương thức hỗ trợ

Hỗ trợ sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

5. Trình tự thực hiện

a) Thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ lãi suất vốn vay

- Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mức hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản đối với các doanh nghiệp, tổ chức.

- Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt mức hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản đối với hộ gia đình, cá nhân.

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vốn vay thực hiện theo Điểm b, Điểm c, Khoản 5, Điều 6 Quy định này.

c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và chi trả kinh phí hỗ trợ

- Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và chi trả kinh phí hỗ trợ giống và sản phẩm cây trồng; sản phẩm vật nuôi; sản phẩm thủy sản.

- Thời gian thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ quy định mỗi Quý một lần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư tuần cuối của tháng cuối quý.

- Hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lần đầu phải gửi trước 15 ngày. Hồ sơ xin hỗ trợ từ lần thứ hai trở đi, bao gồm đơn xin hỗ trợ kèm theo bản sao kê lãi suất của ngân hàng nơi vay vốn.

Điều 7. Khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

1. Đối tượng áp dụng

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp (quá trình giết mổ có một số công đoạn bằng máy, một số công đoạn làm thủ công)

2. Điều kiện áp dụng

a) Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (công nghiệp, bán công nghiệp) trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Cơ sở phải hoạt động có công suất giết mổ từ 20 con trâu, bò, ngựa trở lên; hoặc từ 100 con lợn trở lên; hoặc 500 con gia cầm/ngày trở lên.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

Ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.

4. Trình tự thực hiện

a) Hàng năm Sở Nông nghiệp &PTNT chủ trì phối hợp với các Sở Công thương, Sở Tài chính xây dựng định mức chi phí giết mổ gia súc, gia cầm; Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định về định mức chi phí giết mổ gia súc, gia cầm để làm cơ sở cho việc hỗ trợ.

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

- Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (theo mẫu);

- Biên lai thu phí, lệ phí kiểm soát giết mổ do cơ quan thú y cấp.

- Bảng kê số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ (theo mẫu), có xác nhận của cơ quan thú y trực tiếp quản lý;

- Bản sao hợp lệ giấy kiểm dịch vận chuyển động vật do cơ quan thú y cấp.

c) Tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ

- Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định Luật ngân sách.

- Thời gian thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ quy định mỗi Quý một lần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư tuần cuối của tháng cuối quý.

- Hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lần đầu phải gửi trước 15 ngày.

Điều 8. Chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

1. Đối tượng, điều kiện áp dụng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp

2. Chủng loại máy được hỗ trợ

a) Máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy hạt; máy phun thuốc có động cơ; hệ thống tưới nước; máy phát điện; máy vắt sữa; máy thái cỏ; hệ thống làm mát chuồng trại; hệ thống cho ăn, uống tự động; thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; máy quạt nước trong nuôi thủy sản.

b) Các loại máy móc do các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu; có nhãn hàng hóa theo quy định tại nghị định số 89/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

Ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm.

4. Phương thức hỗ trợ:

- Hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các Ngân hàng Thương mại, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

5. Trình tự thực hiện

- Văn bản đề nghị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã (theo mẫu);

- Bản sao hợp lệ: Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, bản kê tính lãi của ngân hàng thương mại, hóa đơn mua máy móc, thiết bị.

- UBND cấp huyện tổng hợp các trường hợp đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ:

- Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định Luật ngân sách.

- Thời gian thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ quy định mỗi Quý một lần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư tuần cuối của tháng cuối quý.

- Hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lần đầu phải gửi trước 15 ngày. Hồ sơ xin hỗ trợ từ lần thứ hai trở đi, bao gồm đơn xin hỗ trợ kèm theo bản sao kê lãi suất của ngân hàng nơi vay vốn.

Điều 9. Chính sách khuyến khích xây dựng kiên cố hoá đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới

1. Đối tượng áp dụng

Thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nông thôn khi thực hiện kiên cố hoá đường giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Điều kiện áp dụng

- Các thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nằm trong phạm vi các xã thuộc huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đề án và quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đường liên thôn, đường trục thôn và đường ngõ, xóm (bao gồm cả cầu, cống, hệ thống thoát nước) theo quy hoạch được duyệt.

Ngân sách cấp Thành phố và cấp huyện thực hiện hỗ trợ sau khi công trình đã quyết toán hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

Hỗ trợ bằng tiền mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước). Đơn giá các loại vật tư được tính theo quy định của Thành phố tại thời điểm thi công xây dựng công trình.

4. Phương thức hỗ trợ

Ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ sau đầu tư 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%. Các khoản chi còn lại do ngân sách cấp xã thực hiện và huy động ủng hộ đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn tài chính khác.

5. Trình tự thực hiện

a) Trình tự lập thủ tục hồ sơ, xét duyệt kinh phí hỗ trợ:

- Căn cứ nội dung đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt, Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch phát triển giao thông nông thôn kèm theo danh mục các dự án, công trình gửi phòng Quản lý đô thị thẩm định, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

- Ủy ban nhân dân cấp xã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán công trình (khối lượng vật tư tính theo định mức kinh tế kỹ thuật quy định của Nhà nước). Đối với công trình có quy mô giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc có yêu cầu kỹ thuật cao phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán kinh phí phục vụ cho quyết toán công trình.

- Hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán công trình trình ủy ban nhân huyện phê duyệt đầu tư.

- Quá trình chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán) các công trình, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn phải có ý kiến tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư (đối tượng hưởng lợi trực tiếp) về các nội dung đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế huy động nguồn vốn và hình thức đóng góp (bằng tiền, hiến đất, vật tư, nhân công) của tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án, công trình;

b) Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách: Ngân sách các cấp hỗ trợ thông qua ngân sách xã để tổ chức thực hiện, cụ thể:

- Căn cứ vào nội dung quyết định phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành được duyệt; Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp toàn bộ phần quyết toán chi phí mua vật tư (trong khoản mục chi phí xây dựng) từng dự án, công trình kèm theo tờ trình gửi phòng Tài chính- Kế hoạch cấp huyện tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã thực hiện.

- Căn cứ vào Quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Thành phố, phòng Tài chính- Kế hoạch cấp bổ sung mục tiêu cho ngân sách xã; Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 10. Thẩm quyền phê duyệt dự án

Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, ngành Thành phố

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án, dự án thuộc cấp thành phố.

b) Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

c) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

d) Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện chính sách hàng năm, tiếp nhận ý kiến đóng góp và đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm cân đối đủ nhu cầu vốn theo kế hoạch thực hiện các chính sách.

b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách theo chức năng.

3. Sở Tài chính

a) Tổng hợp, đề xuất bố trí đủ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chính sách ở cấp thành phố và bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách hàng năm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân.

4. Hệ thống các Ngân hàng thương mại

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã

1. Xây dựng kế hoạch hàng năm về "dồn điền đổi thửa", xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp báo cáo các Sở: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND thành phố giao chỉ tiêu kinh tế xã hội và ngân sách hàng năm; Chịu trách nhiệm về các quyết định phê duyệt phương án, đề án trên địa bàn.

2. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về các nội dung của Quy định “thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016” để các tổ chức, cá nhân biết chủ động tham gia hiệu quả.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả chính sách. Khuyến khích, động viên các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện dồn điền đổi thửa; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn.

4. Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Thành phố.

Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn tới các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

2. Tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ trên địa bàn xã theo quy định này và các quy định khác của pháp luật.

3. Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã về kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung chính sách chưa phù hợp.

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Các quy định trước đây của Thành phố về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phổ Hà Nội trái với quy định này đều bãi bỏ.

2. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các quy định của chính sách này được khen thưởng theo quy định.

3. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện chính sách, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, các chủ đầu tư dự án, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.