Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1774/TCHQ/QĐ/KTTT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1774/TCHQ/QĐ/KTTT NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN THEO THÔNG TƯ 118/2003/TT/BTC NGÀY 8/12/2003

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26 tháng 12 năm 1991 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.
Căn cứ Thông tư 118/2003/TT/BTC ngày 8/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ;
Xét đề nghị của vụ trưởng Vụ kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về kiểm tra, xác định trị giá tính thuế của cơ quan hải quan theo Thông tư 118/2003/BTC".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Cục trưởng, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục hải quan các tỉnh, thành phố, liên tỉnh và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Ngọc Túc

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN THEO THÔNG TƯ SỐ 118/2003/TT-BTC
(Ban hành kèm theo quyết định số 1774/TCHQ/QĐ/KTTT ngày 29/12/2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Cán bộ, công chức hải quan trong quá trình kiểm tra xác định trị giá tính thuế phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và Thông tư số 118/2003/TT/BTC ngày 8/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 của Chính phủ (dưới đây viết tắt là Thông tư) và các quy định dưới đây:

A. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA NỘI DUNG KHAI BÁO TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ

Chi cục Hải quan và đơn vị tương đương có trách nhiệm tổ chức công tác kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng Thông tư, trừ các trường hợp trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định nhưng Chi cục Hải quan không có thông tin để xác định thì chuyển hồ sơ lên Cục Hải quan tỉnh, thành phố để xác định trị giá tính thuế.

I. Tại khâu tiếp nhận đăng ký tờ khai

Công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký tờ khai phải cập nhật thông tin trên tờ khai trị giá vào máy tính và kiểm tra các nội dung sau đây:

1. Đối tượng áp dụng Thông tư:

Công chức hải quan phải căn cứ vào nội dung khai báo và các chứng từ liên quan để xác định hàng hoá nhập khẩu có thuộc đối tượng áp dụng Thông tư hay không.

2. Tên hàng trên tờ khai: tên hàng hoá khai báo phải là tên thương mại thông thường kèm theo các đặc trưng cơ bản về hàng hoá.

3. Hợp đồng thương mại:

Đối chiếu hình thức, nội dung hợp đồng với khái niệm hợp đồng thương mại theo quy định của Thông tư, đặc biệt là các nội dung về tên hàng hoá, giá cả hoặc phương thức xác định giá cả của hàng hoá, cách thức thanh toán. Nếu hợp đồng không rõ ràng hoặc có nghi ngờ về nội dung cũng như tính pháp lý của hợp đồng thì ghi chép vào tờ khai trị giá phần dành cho công chức hải quan để quyết định việc tham vấn hoặc tiếp tục kiểm tra.

4. Hoá đơn thương mại:

Hoá đơn thương mại phải phù hợp với hợp đồng thương mại.

5. Tính hợp lệ, thống nhất của tờ khai trị giá tính thuế với tờ khai hàng hoá nhập khẩu.

6. Các chứng từ phải nộp kèm theo tờ khai trị giá.

Các chứng từ phải nộp kèm theo tờ khai trị giá được quy định tại Thông tư, tuỳ theo từng phương pháp mà người khai hải quan đã sử dụng để xác định trị giá tính thuế. Trong trường hợp có nghi vấn về các chứng từ hoặc trị giá khai báo thì ghi ý kiến vào tờ khai trị giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu (bản lưu tại cơ quan hải quan) để các khâu sau kiểm tra tiếp.

II. Tại khâu kiểm hoá:

Công chức làm nhiệm vụ kiểm hoá phải xác định tên gọi thương mại thông thường của hàng hoá, các đặc trưng cơ bản của hàng hoá nhập khẩu thực tế.

Trường hợp người khai hải quan sử dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự, phương pháp khấu trừ, phương pháp khác, công chức làm nhiệm vụ kiểm hoá phải so sánh, đối chiếu và có ý kiến về việc hàng hoá được lựa chọn là hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự và hàng hoá nhập khẩu thực tế có đáp ứng định nghĩa về hàng hoá nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hoá nhập khẩu tương tự hay không và ghi kết quả vào tờ khai nhập khẩu.

III. TẠI KHÂU KIỂM TRA TÍNH THUẾ:

Công chức làm nhiệm vụ kiểm tra xác định trị giá tính thuế phải thực hiện các công việc dưới đây trong thời gian thông quan theo quy định của pháp luật.

1. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch:

1.1. Kiểm tra các điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch.

Căn cứ vào bộ hồ sơ khai báo và hồ sơ doanh nghiệp được lưu giữ tại cơ quan hải quan, tiến hành kiểm tra người nhập khẩu và người xuất khẩu có mối quan hệ đặc biệt hay không.

Đối với các trường hợp người khai hải quan khai báo hoặc cơ quan hải quan xác định được người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt thì phải cập nhật vào hồ sơ doanh nghiệp.

1.2. Kiểm tra trị giá khai báo, bao gồm các nội dung:

1.2.1. Tính thống nhất giữa các khoản điều chỉnh theo quy định tại mục VII và Phần II Thông tư, các khoản thanh toán gián tiếp, chiết khấu, tiền lãi khấu trừ... với các chứng từ liên quan. Việc kiểm tra được tiến hành tuần tự theo các tiêu thức nêu tại phần xác định trị giá tính thuế trên tờ khai trị giá tính thuế.

1.2.3. Tính trung thực của trị giá tính thuế.

Trên cơ sở kết quả khai báo, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra xác định trị giá tính thuế phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, hiểu rõ bản chất của hàng hoá, các đặc tính cơ bản trong việc kinh doanh ngành hàng nhập khẩu và tiến hành so sánh, đối chiếu trị giá tính thuế khai báo với các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan. Khi sử dụng các thông tin này, công chức hải quan phải in hoặc chép ra giấy, ký ghi rõ họ tên và đính kèm hồ sơ nhập khẩu lưu tại hải quan.

Trường hợp phát hiện những bằng chứng rõ ràng về sự gian lận thì xử lý theo quy định. Trường hợp nghi ngờ về mức giá khai báo quá bất hợp lý nhưng không đủ cơ sở kết luận thì vẫn cho thông quan, sau đó yêu cầu người khai hải quan tiến hành tham vấn để xác định tính trung thực của trị giá khai báo.

Các trường hợp nghi ngờ phải tham vấn bao gồm:

- Trị giá khai báo thấp hơn 80% so với trị giá tính thuế của các lô hàng giống hết, tương tự nhập khẩu trong khoảng thời gian 90 ngày trước ngày nhập khẩu của lô hàng đang kiểm tra.

- Trí giá khai báo thấp hơn giá thành sản xuất hay các chi phí nguyên vật liệu chính sản xuất ra hàng hoá giống hết hoặc tương tự.

- Trị giá khai báo thấp hơn so với giá bán công khai mặt hàng giống hết hoặc tương tự trên thị trường quốc tế (tính theo giá FOB).

- Trị giá khai báo thấp hơn 80% giá bán công khai mặt hàng đó vào thị trường Việt Nam.

- Trị giá khai báo thấp hơn 80% so với giá bán hàng hoá đó sang một nước thứ ba.

- Các khoản phải cộng không được khai báo đẩy đủ, chính xác.

- Các khoản được trừ dựa trên các số liệu không có thật, không trung thực, không đủ cơ sở.

Quy định về kiểm tra tính trung thực của trị giá tính thuế và tham vấn tại mục này được áp dụng cho tất cả các trường hợp người khai hải quan sử dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế khác.

2. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự.

Các nội dung phải kiểm tra bao gồm:

2.1. Kiểm tra các điều kiện lựa chọn hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự.

Căn cứ vào hồ sơ của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự, các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan nơi xác định trị giá tính thuế để kiểm tra các nội dung sau:

2.1.1. Đối chiếu số, ngày đăng ký tờ khai hải quan của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hoặc hàng hoá nhập khẩu tương tự được chọn với dữ liệu lưu trữ tại cơ quan hải quan.

Đối với các trường hợp người khai hải quan sử dụng tờ khai hải quan hàng hoá giống hệt, tương tự đã hoàn thành thủ tục hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác mà không có trong dữ liệu lưu trữ tại cơ quan hải quan nơi kiểm tra thì định kỳ hàng tháng sao tờ khai nhập khẩu và gửi văn bản (FAX) đến Cục Hải quan đó để yêu cầu xác minh. Khi nhận được yêu cầu xác minh, Cục Hải quan tỉnh thành phố liên quan tiến hành xác định tính trung thực của tờ khai đó và thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố có yêu cầu biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản (FAX).

2.1.2. Tính phù hợp của hàng hoá được lựa chọn với định nghĩa về hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự theo quy định.

2.1.3. Phương pháp đã áp dụng để xác định trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự (phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu).

2.1.4. Thời điểm xuất khẩu của lô hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự và thời điểm xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế.

Nếu một trong các nội dung trên đây không được đáp ứng thì cơ quan hải quan sẽ xác định trị giá tính thuế theo quy định.

2.1.5. Kiểm tra việc điều chỉnh đơn giá của hàng hoá nhập khẩu được lựa chọn.

Trường hợp có sự điều chỉnh đơn giá về cấp độ thương mại, số lượng, phương thức và quãng đường vận chuyển, nhưng người khai hải quan không đưa ra được các chứng từ hợp lệ chứng minh cho việc điều chỉnh đó thì trị giá khai báo không được chấp nhận và cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế.

3. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá khấu trừ.

3.1. Kiểm tra việc lựa chọn giá bán.

Kiểm tra tính hợp pháp của các chứng từ chứng minh giá bán hàng hoá nhập khẩu trên thị trường nội địa.

Các hoá đơn bán lại hàng hoá nhập khẩu trong nước tương ứng với đơn giá được lựa chọn để khấu trừ phải có tổng lượng hàng hoá đạt từ 10% trở lên so với lượng hàng hoá của lô hàng được lựa chọn để khấu trừ.

Nếu các chứng từ đưa ra không hợp pháp, hợp lệ hoặc cơ quan hải quan có đủ căn cứ xác định giá bán không phù hợp với giá mua bán thực tế trên thị trường nội địa thì cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế.

3.2. Kiểm tra các khoản khấu trừ.

3.2.1. Kiểm tra các chứng từ sử dụng để khấu trừ về chi phí vận chuyển, bảo hiểm phát sinh trong nước.

3.2.2. Kiểm tra sự phù hợp của tỷ lệ giữa lợi nhuận và chi phí chung so với doanh thu.

Trường hợp một hay nhiều khoản khấu từ không phù hợp với nguyên tắc kế toán do Bộ Tài chính quy định thì trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định.

4. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá tính thuế theo phương pháp khác.

4.1. Kiểm tra sự phù hợp của phương pháp xác định trị giá tính thuế do người khai hải quan sử dụng với các nguyên tắc quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2002/NĐ-CP và Thông tư.

4.2. Kiểm tra tính khách quan, trung thực của các số liệu, chứng từ đã sử dụng.

Sau khi kiểm tra nội dung khai báo, công chức làm nhiệm vụ xác định trị giá tính thuế đưa ra kết luận cụ thể đối với việc xác định trị giá tính thuế của lô hàng đó:

- Chấp nhận trị giá khai báo khi xác định được:

+ Bộ hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ.

+ Hàng hoá nhập khẩu đúng so với khai báo và hợp đồng thương mại, hoá đơn thương mại.

+ Trị giá tính thuế khai báo phù hợp với các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan tại thời điểm nhập khẩu.

+ Hồ sơ không có những sai phạm hoặc có thì đó không phải là những sai phạm về trị giá tính thuế.

+ Công chức hải quan không phát hiện hoặc không có nghi ngờ về tính trung thực của trị giá khai báo.

- Chấp nhận trị giá khai báo và tiến hành tham vấn, xác định nội dung cần tham vấn.

- Chấp nhận trị giá khai báo, yêu cầu tiến hành kiểm tra sau thông quan, nêu vấn đề nghi vấn.

- Không chấp nhận trị giá khai báo, nêu rõ lý do.

B. QUY ĐỊNH VỀ VIÊC CƠ QUAN HẢI QUAN XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ VÀ THAM VẤN:

I. Thời gian và trình tự xác định trị giá tính thuế:

1. Đối với các trường hợp trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định thì việc xác định trị giá tính thuế phải được thực hiện tại Chi cục hải quan cửa khẩu, trong thời hạn thông quan và tiến hành theo các bước sau:

1.1. Xác định tên hàng hoá kèm theo các đặc trưng cơ bản về hàng hoá cần xác định trị giá tính thuế.

1.2. Xác định trị giá tính thuế: Việc xác định trị giá tính thuế phải áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế được quy định (từ phương pháp thứ 2 đến phương pháp thứ 6, trừ các phương pháp được bảo lưu) và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế. Khi xác định trị giá tính thuế, công chức hải quan phải tra cứu toàn bộ các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan liên quan đến hàng hoá nhập khẩu và các thông tin trong bộ hồ sơ nhập khẩu để xác định trị giá tính thuế, các thông tin được sử dụng phải in ra giấy, ký ghi rõ họ tên và đính kèm hồ sơ xác định trị giá tính thuế.

1.3. Ra thông báo xác định trị giá tính thuế. Chi cục trưởng hoặc người được uỷ quyền ký thông báo xác định trị giá tính thuế. Mẫu thông báo xác định trị giá tính thuế ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Trường hợp không có thông tin để xác định được trị giá tính thuế trong thời hạn thông quan thì tạm thời chấp nhận trị giá tính thuế theo khai báo và ghi vào Tờ khai trị giá, bản trả cho người khai hải quan, nội dung "tạm chấp nhận trị giá khai báo, trị giá tính thuế sẽ được xác định chính thức trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai". Sau đó gửi bản sao toàn bộ hồ sơ nhập khẩu chuyển lên Cục Hải quan tỉnh, thành phố vào ngày làm việc hôm sau để xác định trị giá tính thuế.

3. Đối với các hồ sơ xác định trị giá tính thuế do Chi cục chuyển lên, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải tiến hành xác định trị giá tính thuế trong thời hạn quy định. Trình tự, thủ tục xác định trị giá tính thuế thực hiện như quy định tại điểm 1 trên đây. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu xác định trị giá tính thuế, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải xác định xong trị giá tính thuế và gửi Chi cục Hải quan có yêu cầu để ra thông báo cho người khai hải quan.

II. Quy định về tham vấn:

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lô hàng được thông qua, cơ quan hải quan phải tiến hành xác định mức độ rủi ro, xác định nghi ngờ về trị giá tính thuế đã khai báo để tiến hành tham vấn.

Việc tham vấn thực hiện theo quy định tại Thông tư.

2. Trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày kết thức tham vấn cơ quan hải quan phải xử lý kết quả tham vấn, thông báo cho người khai hải quan biết kết quả tham vấn: chấp nhận trị giá khai báo, trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định lại, đồng thời thông báo kết quả xác định lại trị giá tính thuế.

3. Theo dõi, kiểm tra hoạt động tham vấn:

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu phải chỉ đạo chặt chẽ việc tham vấn không để xảy ra tình trạng tham vấn tràn lan, phiền hà sách nhiễu, gây khó khăn cho người khai hải quan.

Định kỳ hàng tháng Chi cục Hải quan cửa khẩu phải có báo cáo về việc tham vấn, đánh giá kết quả của hoạt động này về Cục Hải quan.

Trên cơ sở các báo cáo tham vấn do Chi cục Hải quan cửa khẩu gửi về, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có những đánh giá, phân tích chỉ đạo kịp thời về hoạt động tham vấn tại các Chi cục. Khi có từ 70% trở lên số vụ sau khi kết thúc tham vấn mà không xác định được chứng cứ cụ thể về gian lận hay bác bỏ trị giá khai báo thì Cục Hải quan tỉnh thành phố phải tiến hành kiểm tra hoạt động tham vấn ở Chi cục Hải quan cửa khẩu đó.

Định kỳ 3 tháng một lần Cục Hải quan tỉnh thành phố báo cáo về Tổng cục kết quả hoạt động tham vấn theo các chỉ tiêu: số vụ tiến hành tham vấn, kết quả cụ thể của việc tham vấn (bác bỏ trị giá khai báo, xác định có gian lận...).

C. MỐI LIÊN HỆ CỦA CÔNG TÁC XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ VỚI CÁC BỘ PHẬN LIÊN QUAN:

Đối với các trường hơp có nghi ngờ gian lận thương mại qua giá Chi cục đã tiến hành tham vấn nhưng không đủ cơ sở kết luận thì lập phiếu chuyển nghiệp vụ (mẫu kèm theo văn bản này) gửi các bộ phận nghiệp vụ liên quan như kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, tuỳ theo tính chất vụ việc để tiếp tục xử lý. Bộ phận trị giá tính thuế phải mở sổ theo dõi đối với các trường hợp này và cập nhật kết quả khi có thông báo kết quả kiểm tra, điều tra từ các đơn vị liên quan.

Khi nhận được yêu cầu của bộ phận trị giá, các bộ phận nghiệp vụ liên quan phải tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được phiếu chuyển nghiệp vụ.

Kết quả kiểm tra, điều tra xuất phát từ các thông tin do bộ phận trị giá cung cấp phải được thông báo trở lại để đưa vào cơ sở dữ liệu giá và làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệp cho công tác trị giá.

Đối với các thông tin liên quan đến trị giá do các bộ phận liên quan cung cấp, công chức hải quan phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu giá và sử dụng để kiểm tra chặt chẽ các tờ khai nhập khẩu hàng hoá liên quan.

Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối việc phối hợp hoạt động giữa các bộ phận liên quan đến công tác giá đảm bảo hiệu quả công tác chung của toàn đơn vị và chống gian lận thương mại qua giá.

D. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TƯ VẤN:

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có tổ chức Phòng giá tính thuế phải thành lập tổ tư vấn đề giải đáp, hướng dẫn cho người khai hải quan khai báo trị giá tính thuế theo quy định của Thông tư. Tổ tư vấn đặt tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Số điện thoại của Tổ tư vấn được niêm yết công khai tại các điểm thông quan.

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác tuỳ theo điều kiện có thể thành lập Tổ tư vấn hoặc công bố số điện thoại để tư vấn cho người khai hải quan khi có yêu cầu.

Đ. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trong thời đầu thực hiện Thông tư, để tránh ùn tắc và đảm bảo thời gian thông quan theo quy định, đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu bằng không (0%), hàng nhập khẩu thuộc đối tượng xét miễn thuế thì chỉ tiến hành kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ lô hàng với tờ khai trị giá do doanh nghiệp xác định.

2. Kiểm tra hệ thông thông tin và công tác xác định trị giá tính thuế ở các Chi cục:

Cục hải quan các tỉnh, thành phố phải thường xuyên kiểm tra việc cập nhật, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin tại cơ quan hải quan, công tác xác định trị giá tính thuế ở các Chi cục hải quan trực thuộc.

3. Căn cứ quy định tại văn bản này và đặc điểm tình hình của đơn vị mình, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức bố trí cán bộ công chức và xác định quy trình nghiệp vụ trị giá tính thuế, luân chuyển hồ sơ phù hợp đảm bảo nguyên tắc không kéo dài thời gian thông quan, thông thoáng và tuân thủ pháp luật.

Trong quá trình thực hiện quy định này có nảy sinh vướng mắc yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục Hải quan nghiên cứu xử lý.