Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1776/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 653/TTr-SCT ngày 05 tháng 9 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành cơ khí phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành cơ khí làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước nâng cao năng lực chế tạo, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế để phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế, dần dần rút ngắn khoảng cách và làm chủ trình độ công nghệ, thiết bị so với các tỉnh trong khu vực và cả nước;

- Huy động mọi nguồn lực cho phát triển ngành cơ khí, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh;

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, thiết bị, lấy phương án “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để đẩy nhanh quá trình nâng cao trình độ công nghệ của ngành; cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh;

- Ưu tiên phát triển các ngành nghề cơ khí sử dụng công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh; tập trung xây dựng, phát triển ngành cơ khí phục vụ các lĩnh vực sản xuất của địa phương như: máy móc phục vụ sản xuất - chế biến - bảo quản nông - lâm - thủy sản; thiết bị, phụ tùng thay thế trong sản xuất công nghiệp; sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống người dân;

- Tận dụng tối đa lợi thế địa lý và các chính sách tuyến hành lang kinh tế Đông

- Tây để khai thác, phát triển thị trường;

- Phát triển ngành cơ khí phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.2. Mục tiêu tổng quát

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cơ khí nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành cơ khí đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu giai đoạn đến năm 2020 xác lập được một số sản phẩm cơ khí thế mạnh, xuất khẩu ra các nước khu vực và làm chủ được trình độ máy móc thiết bị. Giai đoạn đến 2025, phát triển các sản phẩm cơ khí đồng bộ và công nghệ cao.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành cơ khí giai đoạn 2013 - 2015 đạt 12,6%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm;

- Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành cơ khí trong ngành công nghiệp (giá so sánh 2010) đến năm 2015 là 8,29%, năm 2020 là 7,98%;

- Tạo việc làm trong ngành cơ khí đến năm 2015 là 2.200 lao động và năm 2020 là 2.800 lao động.

3. Định hướng phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị

* Giai đoạn đến 2015:

- Mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có, tăng cường đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ mới, ưu tiên thiết bị hiện đại, duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm cơ khí hiện tại, khuyến khích cải tiến và phát triển sản phẩm mới;

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí.

* Giai đoạn 2016 - 2020:

- Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, công nghệ cao như: sản xuất thiết bị đồng bộ, chi tiết cơ khí hỗ trợ có độ chính xác cao, sản phẩm điện tử…

- Tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn đến phát triển ngành cơ khí và kinh tế - xã hội toàn tỉnh như nhà máy đóng tàu tại Khu Đông Nam Quảng Trị;

- Đẩy mạnh công tác bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm cơ khí địa phương.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020

1. Kế hoạch phát triển đối với những ngành nghề cơ khí đã có của địa phương

1.1. Cơ khí đúc, cán, kéo kim loại

Duy trì hoạt động và phát huy năng lực sản xuất của các đơn vị hiện có theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặt trọng tâm vào lĩnh vực đúc chi tiết máy để phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm có số lượng lớn cung ứng cho các công ty lắp ráp máy móc, thiết bị khu vực kinh tế duyên hải miền Trung để kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước.

Đối với lĩnh vực đúc chi tiết máy cần hoàn thiện, nâng dần chất lượng các bộ phận thay thế, lắp ráp cho máy động lực, máy nông nghiệp như: mặt bích, cổ hút, cổ xả động cơ điezen, vỏ máy bơm nước, bơm cát, chân đế, buli, gối đỡ…; các chi tiết cho ngành xi măng, vật liệu xây dựng: bi nghiền, má nghiền, tấm nghiền, tấm lót, ruột gà máy đùn… hay bơm cát trong khai thác khoáng sản, dao nghiền trong băm dăm gỗ và đúc chi tiết hoa văn gang trang trí trong xây dựng… trên cơ sở đầu tư, liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài, mở rộng các doanh nghiệp của tỉnh. Nhu cầu vốn đầu tư khoảng từ 05 - 10 tỷ đồng.

Lĩnh vực đúc phôi, cán kéo thép xây dựng của địa phương trong thời gian tới cần phải duy trì để phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời chuyển hướng chuyên nghiệp hóa trong đúc phôi để cung cấp cho các cơ sở rèn, dập trong tỉnh hay các tỉnh phía Bắc đang rất có nhu cầu. Khuyến khích các cơ sở áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, chuyển đổi công nghệ nấu luyện theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 ổn định ở mức 5.000 tấn/năm.

Lĩnh vực cán, kéo kim loại: mục tiêu đến năm 2015 đạt 2.000 tấn/năm và năm 2020 là 3.000 tấn/năm. Phát triển thị trường qua nước bạn Lào, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm như tôn cách âm - cách nhiệt, xà gồ mạ kẽm, ống thép các loại.

Duy trì, phát triển làng rèn Phường 3, thành phố Đông Hà trên cơ sở sắp xếp lại hoạt động sản xuất theo hướng chuyên môn hóa từng công đoạn, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất. Đưa các kỹ thuật mạ kẽm, mạ nhúng nóng vào hoạt động sản xuất. Thành phố Đông Hà chủ trì xây dựng Đề án phát triển nghề rèn Phường 3 để có cơ sở, định hướng cụ thể trong việc đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Lĩnh vực đúc là nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (bụi, tiếng ồn…), do đó cần thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường và bố trí cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi trong xử lý ô nhiễm môi trường.

1.2. Cơ khí xây dựng

Tập trung phát triển chủ yếu các sản phẩm phục vụ trong xây dựng công nghiệp và dân dụng như: nhà tiền chế, vách ngăn, cửa, cầu thang… và các thiết bị đơn giản phục vụ xây dựng như: máy duỗi sắt, máy trộn bê tông, máy cắt sắt, máy uốn sắt xây dựng.

Nâng dần năng lực chế tạo nhà tiền chế, nhà xưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2013 - 2015 cần tập trung vào chế tạo, lắp đặt các dạng nhà tiền chế, nhà xưởng công nghiệp trên cơ sở đầu tư mở rộng các nhà máy hiện có. Giai đoạn 2016 - 2020 phát triển thêm 1 - 2 nhà máy mới tại Hải Lăng, Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, nâng tổng công suất lên 1.000 tấn/năm. Phấn đấu sau năm 2020 đảm bảo đáp ứng xây dựng các công trình nhà tiền chế trên địa bàn toàn tỉnh và mở rộng thị trường sang các địa bàn lân cận và nước bạn Lào. Nhu cầu vốn đầu tư dự báo khoảng 35 tỷ đồng trong giai đoạn đến năm 2020.

Phát triển mở rộng các nhà máy sản xuất cửa cuốn, cửa sắt, nhôm kính, vách ngăn công nghệ cao phục vụ xây dựng trên địa bàn trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, mẫu mã, kiểu dáng và các sản phẩm mới, chất lượng cao.

Đối với các thiết bị hạng nặng như: máy khoan, đóng cọc nhồi, bơm bê tông, thang máy… không có lợi thế sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo việc bảo dưỡng, duy tu trên nền tảng mở rộng các cơ sở sửa chữa máy móc thiết bị và thành lập các trung tâm bảo dưỡng công nghiệp trên địa bàn.

Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các máy đơn giản phục vụ trong xây dựng như: máy trộn bê tông cỡ nhỏ, thiết bị vận chuyển, thiết bị nâng hạ, máy duỗi sắt, máy cắt sắt loại nhỏ, máy khoan giếng… với công suất 500 - 700 máy/năm. Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng.

1.3. Cơ khí lắp ráp, sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ, xe thô sơ

Đẩy nhanh dự án sản xuất lắp ráp ô tô Đông Hà của Công ty Cổ phần ô tô Đông Hà tại Khu Công nghiệp Quán Ngang với công suất 35.000 chiếc/năm (5.000 tải nặng, 25.000 tải nhẹ, 3.000 xe bus và 2.000 xe khách) với tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục đầu tư và chuẩn bị triển khai thực hiện. Phấn đấu đến 2015 đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất.

Xu thế phát triển dẫn đến nhu cầu phương tiện giao thông vận tải ngày càng tăng cao. Ngoài việc khuyến khích các cơ sở sửa chữa nhỏ đang có trên địa bàn đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ thiết bị thì cần hình thành 03 - 04 trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy, máy công trình tại thành phố Đông Hà và dọc theo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 được trang bị các thiết bị hiện đại, công suất ban đầu 500 xe/trung tâm/năm, giai đoạn 2016 - 2020 nâng công suất lên 1.000 xe/trung tâm/năm. Dự kiến tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng.

Đầu tư nhà máy lắp ráp, sản xuất xe đạp, xe đạp điện tại Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo và thành phố Đông Hà, công suất 3.000 xe đạp và 1.000 xe đạp điện/năm.

1.4. Cơ khí đóng - sửa chữa tàu thuyền

Giai đoạn đến 2015, đầu tư phát triển, nâng cấp nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu cá Cửa Việt, huyện Gio Linh. Đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng và đóng mới tàu cá có công suất 30 - 90 CV. Đến năm 2020, đủ năng lực đóng tàu cá có công suất 200 - 400 CV. Dự kiến vốn đầu tư giai đoạn đến 2015 cần 05 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 20 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, kêu gọi đầu tư nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuyền tại Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong. Nhà máy đóng mới tàu cá, tàu hút cát công suất 100 - 200 m3/giờ và xà lan 1.500 tấn. Vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng cơ sở sữa chữa, bảo dưỡng tàu cá tại cụm công nghiệp Cửa Tùng, Vĩnh Linh để phục vụ sửa chữa thông thường cho tàu cá trong vùng.

Nhà máy đóng tàu công suất đến 30.000 - 50.000 DWT tại Khu Đông Nam Quảng Trị thuộc danh mục dự án trọng điểm và kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn sau 2016. Đây là dự án lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó cần kết hợp nhiều kênh để xúc tiến đầu tư, kêu gọi giúp đỡ từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Vốn đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng.

1.5. Cơ khí sản xuất thiết bị ngành điện

Duy trì và phát triển thị trường sản phẩm que hàn điện của các nhà máy sản xuất que hàn tại Khu Công nghiệp Quán Ngang và Cụm Công nghiệp Diên Sanh.

Khuyến khích các đơn vị trong tỉnh đầu tư phát triển, mở rộng các nhà máy sản xuất cấu kiện phục vụ ngành điện như: cột điện, xà đỡ, thanh giằng… của ngành điện, đồng thời phát triển các sản phẩm khác như: bulông - đai ốc, nẹp định vị mạ nhúng kẽm… cung ứng cho ngành điện trong và ngoài tỉnh.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới phù hợp với địa phương

2.1. Cơ khí sản xuất dụng cụ gia đình, dụng cụ cầm tay và đồ kim khí

Khuyến khích 02 - 04 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đầu tư thêm thiết bị hiện đại và chuyển hướng chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm đồ dùng gia đình; đồng thời phát triển thêm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế biến gỗ, ngành hóa chất như: ốc vít, ke đỡ, phụ kiện sử dụng trong đồ gỗ, thùng đựng hóa chất, sơn… Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất bình gas tại Khu Đông Nam Quảng Trị giai đoạn sau 2020, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư nhà máy dập nguội các chi tiết kim loại tại thị xã Quảng Trị trong giai đoạn 2016 - 2020. Vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

2.2. Cơ khí chế tạo, bảo dưỡng máy, thiết bị sản xuất nông - lâm - thủy sản

Tập trung phát triển ngành cơ khí phục vụ chế biến sâu các sản phẩm như: sấy - hấp cá, tôm, bột cá, cá đông lạnh xuất khẩu; xay xát, đánh bóng gạo xuất khẩu; sản xuất tinh dầu lạc, tinh bột sắn; hồ tiêu xuất khẩu; cà phê bột, cà phê hoà tan; sản xuất bia, rượu, nước khóang; giết mổ gia súc tập trung, chế biến súc sản; sản xuất ván gỗ MDF, ghép thanh, giấy bao bì, đồ gỗ nội - ngoại thất; chế biến nhựa thông…

Đối với các cơ sở cơ khí của địa phương cần khuyến khích đầu tư đổi mới, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tạo thêm điều kiện để nghiên cứu cải tiến, chế tạo các thiết bị hỗ trợ người dân sản xuất trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đủ mạnh cho các cơ sở tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

Kêu gọi đầu tư nhà máy sửa chữa, lắp ráp và trưng bày sản phẩm sản xuất nông - lâm - ngư (máy gieo hạt, máy làm cỏ, máy gặt đập, máy làm đất, máy ấp trứng, máy đánh nước hồ tôm, máy bơm nước…) tại Cụm Công nghiệp Hải Thượng, Hải Lăng, công suất lắp ráp 500 máy/năm giai đoạn 2013 - 2015 và 1.000 máy/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng.

Khuyến khích hình thành doanh nghiệp sản xuất các thiết bị bảo quản, sơ chế sau thu hoạch như: cấp đông, sấy, hấp sử dụng công nghệ hơi nước tại Vĩnh Linh hoặc Gio Linh. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 15 tỷ đồng.

2.3. Cơ khí chế tạo máy công cụ, thiết bị công nghiệp

Khuyến khích đầu tư các nhà máy chế tạo, lắp ráp các thiết bị công nghiệp quy mô vừa như: máy cưa gỗ; máy đóng gói, máy trộn, máy xay, máy rang… phục vụ sản xuất thực phẩm, đồ uống; máy chế biến thức ăn gia súc; máy sản xuất vật liệu xây dựng; thiết bị nâng hạ; nồi hơi nhỏ… tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong.

Thành lập các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị công nghiệp tại các huyện Hải Lăng, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Vốn đầu tư khoảng 06 tỷ đồng.

2.4. Cơ khí gia công chính xác

Khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực gia công khuôn dập nguội, khuôn cho các chi tiết nhựa kỹ thuật, sản phẩm bánh răng, bánh vít, trục vít cho các công ty trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2016 - 2020, kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy gia công cơ khí chính xác, ứng dụng công nghệ cao như cắt tia lửa điện, gia công CNC, ăn mòn điện hóa… để sản xuất các sản phẩm cơ khí phụ trợ như: trục, bánh răng, bạc đỡ, khuôn mẫu, mặt bích… tại Khu Công nghiệp Quán Ngang hoặc Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá.

2.5. Cơ khí xử lý, phủ tráng bề mặt và nhiệt luyện kim loại

Khuyến khích đầu tư 02 - 03 cơ sở xử lý bề mặt kim loại sử dụng công nghệ phun cát, phun bi, sơn tĩnh điện và xi mạ kim loại tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Cam Lộ. Vốn đầu tư khoảng 07 - 10 tỷ đồng/cơ sở.

Trên cơ sở liên kết đầu tư, tổ chức 01 - 02 cơ sở nhiệt luyện và xử lý bề mặt kim loại đối với chi tiết máy đòi hỏi chất lượng cao.

2.6. Cơ khí thiết bị điện, điện tử, viễn thông

Xúc tiến đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất anten viễn thông trước năm 2015, đến năm 2020 mở rộng đầu tư sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông khác. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 54 tỷ đồng tại các khu công nghiệp.

Thu hút đầu tư nhà máy chế tạo linh kiện, lắp ráp điện tử, điện lạnh tại Khu Công nghiệp Quán Ngang và Khu Công nghiệp Nam Đông Hà trong giai đoạn 2016 - 2020. Vốn đầu tư khoảng 75 tỷ đồng.

Kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất đèn chiếu sáng công cộng, dây và cáp điện tại Khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo, với công suất thiết kế 01 triệu mét cáp/năm, giai đoạn sau năm 2020 đầu tư phát triển các thiết bị điện công nghiệp và dân dụng. Tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị đo lường điện tử, trên cơ sở sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến như: Đức, Nhật, Mỹ… Dự kiến vốn đầu tư 150 tỷ đồng vào giai đoạn sau 2020.

Kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị điện gió, điện mặt trời quy mô nhỏ (1 - 5 KW) giai đoạn sau năm 2020.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác quản lý nhà nước

Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp (tỉnh, huyện). Tăng cường vai trò của Hội Cơ khí tỉnh, tạo điều kiện cho Hội hoạt động mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển. Quan tâm, kiện toàn bộ máy và chính sách đối với cán bộ tham gia Hội Cơ khí.

Tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu và thông tin đến các nhà đầu tư.

Hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn tham gia chương trình xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại.

Thực thi chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các ngành, sản phẩm thuộc công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành cơ khí.

2. Nhu cầu vốn đầu tư và phương án huy động vốn đầu tư

Dự kiến nhu cầu vốn để đầu tư phát triển và vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí giai đoạn 2013 - 2020 là 6875,75 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách hỗ trợ để phát triển ngành cơ khí là 8,75 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, trong đó ưu tiên vốn FDI. Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước khác thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh với nhau và với các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Nghiên cứu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có điều kiện, trong đó ưu tiên đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực cơ khí. Hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở sản xuất cơ khí thành lập mới, hoặc đầu tư đổi mới thiết bị, có dự án khả thi, được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn vốn khoa học công nghệ của tỉnh triển khai các đề tài nghiên cứu thử nghiệm để chế tạo sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm cơ khí.

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vốn đầu tư vào lĩnh vực cơ khí tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ tốt hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sử dụng các công cụ huy động vốn mới trên thị trường như phát hành cổ phiếu, tín phiếu cho các công trình cơ khí trọng điểm trên địa bàn.

3. Phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp cơ khí, đáp ứng nhu cầu của các ngành theo từng giai đoạn phát triển. Khuyến khích mở rộng hình thức đào tạo tại chỗ, gắn kết việc đào tạo với sử dụng lao động. Lồng ghép các kênh đào tạo để đào tạo mới, đào tạo lại lao động trong ngành cơ khí theo Đề án đào tạo nghề lao động

nông thôn (Chương trình 1956) hoặc đào tạo nghề bằng nguồn kinh phí khuyến công… Xây dựng cơ chế phối hợp đào tạo 03 bên: Nhà đầu tư (doanh nghiệp), cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo để triển khai đào tạo nghề cho công nhân kỹ thuật cơ khí.

Quan tâm đầu tư nâng cấp và chuyên môn hóa các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật trên địa bàn (các trường nghề, dạy nghề tổng hợp trên địa bàn). Tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, viện nghiên cứu về đào tạo tại chỗ hoặc gửi đi đào tạo.

Chú trọng thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí công nghệ cao như: tự động hóa, cơ điện, gia công chính xác…

Thành lập hệ thống khuyến khích và chứng nhận công nhân lành nghề, thợ bậc cao trong ngành cơ khí.

4. Cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí

Thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương... Khuyến khích áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến sản xuất trong nước có chất lượng cao, tiêu hao ít vật tư, năng lượng và bảo vệ môi trường. Đổi mới công nghệ, thiết bị lạc hậu đối với các dây chuyền sản xuất hiện có. Lựa chọn thiết bị, công nghệ tiên tiến đối với đầu tư mới. Áp dụng hình thức quản lý tiên tiến, sản xuất sạch hơn.

Tập trung quyết liệt việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ như thành lập cơ quan đầu mối để có chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách nhất quán, hiệu quả; thiết lập nhanh hệ thống cơ sở dữ liệu cho công nghiệp hỗ trợ và lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.

Theo định hướng quy hoạch, không gian phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ được mở rộng ở Khu Đông Nam Quảng Trị. Do đó, cần nhanh chóng định hướng các ngành công nghiệp gắn với cảng biển Mỹ Thủy như công nghiệp đóng tàu. Cần tiếp tục ưu tiên tập trung vào lĩnh vực cơ khí sửa chữa, nhất là cơ khí sửa chữa phục vụ ngành giao thông vận tải, nông nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức hệ thống dịch vụ phù hợp để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nói chung, ngành cơ khí nói riêng.

5. Phát triển sản phẩm cơ khí và phát triển thị trường

Nâng cao năng lực thông tin và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại để xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu cải tiến, chế tạo và phát triển một số sản phẩm cơ khí mới trên địa bàn. Lồng ghép các chính sách (khuyến công, khoa học công nghệ) hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới.

Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thị trường, giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu, chi tiết bán thành phẩm, máy móc, nguồn lao động, qảng cáo, giới thiệu, tư vấn về công nghệ thiết bị hiện đại.

Nâng cao nhận thức doanh nghiệp về nghiên cứu và phát triển thị trường như là một yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài, bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Trong thời gian tới chú trọng tập trung phát triển các thị trường vùng duyên hải miền Trung và Trung - Nam Lào.

6. Tổ chức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh

Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, hợp lý hóa - chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh cá thể mở rộng sản xuất, chuyển đổi mô hình quản lý thành doanh nghiệp tư nhân, công ty hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác.

Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ sản xuất sạch phù hợp với từng đơn vị. Tiến hành đánh giá, tư vấn các cơ sở, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, thiết bị, các công nghệ mới phù hợp có khả năng áp dụng tại đơn vị.

Thực hiện liên doanh, liên kết nhằm chia sẻ rủi ro, huy động được tối đa trí tuệ, nguồn vốn để phát triển bền vững.

7. Ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường

Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường cung cấp công nghệ, chọn lựa công nghệ phù hợp, hỗ trợ đàm phán các hợp đồng chuyển giao công nghệ; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Đảm bảo nguồn vốn nhà nước đầu tư cho khoa học - công nghệ. Tăng cường hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí ứng dụng công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm cơ khí của địa phương.

Tăng cường kiểm tra, có biện pháp hướng dẫn và xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Di dời hoặc đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở cấp độ nặng, các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường không thể khắc phục được ra khỏi các khu đông dân cư và khu đô thị.

8. Giải pháp về mặt bằng

Ưu tiên tạo điều kiện về mặt bằng để phát triển ngành cơ khí ở các địa phương có lợi thế về phát triển công nghiệp, dễ thu hút đầu tư, thu hút lao động, thuận lợi về giao thông, nhất là các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương lập hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí trên các lĩnh vực: hạ tầng, cung cấp thông tin, tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tài chính, tiêu thụ sản phẩm…

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát và xây dựng danh mục các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;

- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí giai đoạn đến năm 2020 và năm 2025;

- Hàng năm, Sở Công Thương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để cân đối các nguồn vốn phù hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho các dự án phát triển cơ khí;

- Hàng năm, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư đối với ngành cơ khí. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Nghị định số 45/2012/NĐ-CP .

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí đến năm 2020 và năm 2025;

- Triển khai chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ;

- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt với các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc;

- Phối hợp với các ngành lập kế hoạch phát triển trường trung cấp nghề tổng hợp, nâng cao cơ sở vật chất và trình độ dạy học của trường trong đó chú trọng đào tạo lao động kỹ thuật ngành cơ khí.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách ưu đãi về mặt bằng và bảo đảm môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển cơ khí;

- Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về hạ tầng theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban ngành cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cơ khí, bao gồm vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…

- Hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện chế độ ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung của đề án trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tổ chức thẩm định các dự án của các doanh nghiệp về sản phẩm cơ khí cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc triển khai các đề tài khoa học - công nghệ nâng cao năng suất chất lượng, nghiên cứu - ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất cơ khí.

6. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ và cân đối nguồn hỗ trợ theo các chương trình để phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt.

7. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực phát triển cơ khí.

8. Cục thuế tỉnh Quảng Trị

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ trong lĩnh vực thuế, thực hiện các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án của các doanh nghiệp về sản phẩm cơ khí.

9. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng quan tâm, ưu tiên kêu gọi các dự án cơ khí vào đầu tư tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

10. UBND các huyện, thành phố, thị xã

Theo chức năng, nhiệm vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban triển khai các nhiệm vụ liên quan của đề án trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường