Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2273/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ:

Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lượt phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020;

Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;

Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 26 tháng 4 năm 2006 của Tỉnh uỷ Bến Tre về việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 hướng đến năm 2020;

Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

Nhằm thúc đẩy ngành cơ khí tỉnh Bến Tre phát triển ngang tầm với các tỉnh trong khu vực; làm nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

A. THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ TRONG TỈNH

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN

Ngành cơ khí tỉnh Bến Tre những năm gần đây đã có bước khởi sắc, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí được thành lập mới và đang trên đà phát triển, tuy phần lớn còn ở quy mô nhỏ nhưng vẫn giữ được sản xuất ổn định và đã xuất hiện một số sản phẩm cơ khí đặc trưng Bến Tre. Bước đầu hình thành một số chuyên ngành cơ khí quan trọng như cơ khí phục vụ công nghiệp chế biến dừa, cơ khí đóng tàu, cơ khí phục vụ các khu, cụm công nghiệp và các hoạt động sản xuất công nghiệp khác, cơ khí gia công sửa chữa máy nổ, máy cày, cơ khí xây dựng…

Nhìn chung, các cơ sở, doanh nghiệp ngành cơ khí chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Tính đến năm 2012, toàn tỉnh có 413 cơ sở cơ khí sửa chữa và gia công các loại máy móc với vốn cố định khoảng 485 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn cao nhất là 38 tỷ đồng, thấp nhất 10 triệu đồng. Phân chia như sau:

- Theo loại hình tổ chức sản xuất: 10 công ty trách nhiệm hữu hạn, 21 doanh nghiệp tư nhân và 382 cơ sở sản xuất, được phân bố theo địa bàn huyện, thành phố. Ngoài ra, còn có một số phân xưởng cơ khí nằm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp để phục vụ sửa chữa thường xuyên các máy móc thiết bị của doanh nghiệp.

- Theo ngành nghề sản xuất: 12 cơ sở cơ khí đóng tàu; 28 cơ sở sửa chữa cơ khí máy tàu thuỷ; 12 cơ sở doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ ngành dừa; 279 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại; 82 cơ sở cơ khí sửa chữa máy nổ, máy cày.

Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí năm 2012 ước đạt 185 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,77% so với toàn ngành công nghiệp, kế hoạch năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí hướng tới 200 tỷ đồng.

II. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

1. Những khó khăn, hạn chế chủ yếu:

- Các cơ sở sản xuất cơ khí trong tỉnh có quy mô nhỏ, nằm đan xen trong dân cư và đô thị, mặt bằng chật hẹp, chưa được quy hoạch đất cho sản xuất công nghiệp cơ khí gắn với từng địa bàn phù hợp.

- Máy móc thiết bị cũ kỹ, chậm đổi mới, sản xuất đơn chiếc, sản phẩm hàng hoá chất lượng không ổn định và có hàm lượng khoa học công nghệ thấp.

- Lực lượng lao động có kỹ thuật còn thiếu, lao động phổ thông qua học việc tại xưởng còn chiếm tỉ trọng lớn. Việc đào tạo thợ lành nghề chưa cân đối với cơ cấu lao động, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, chưa cập nhật kịp thời với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các chương trình đầu tư trọng điểm để phát triển sản phẩm cơ khí, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

- Hầu hết các doanh nghiệp cơ khí đều thiếu vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

- Thiếu sự liên kết, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trong ngành cơ khí với nhau cũng như với các hiệp hội chuyên ngành nhằm phối hợp lực lượng, phân công chuyên môn hoá, hợp tác hoá làm tăng sức mạnh cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

2. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế:

- Nhiều doanh nghiệp, cơ sở cơ khí chưa được đào tạo kiến thức quản lý kinh doanh; các doanh nghiệp cơ khí chưa được tích luỹ lớn về vốn nên sức vươn còn hạn chế; tinh thần học hỏi của một số chủ doanh nghiệp chưa cao, dễ thoả mãn, chưa chú trọng đầu tư thu thập thông tin, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao trình độ công nghệ… sớm hài lòng với thành tựu đang có, cạnh tranh không lành mạnh, tính liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí rất kém.

- Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do không phù hợp danh mục ưu tiên hỗ trợ hoặc gặp khó khăn với các thủ tục vay vốn.

- Môi trường làm việc, tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác vẫn chậm được cải thiện, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp cơ khí.

B. KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2020 ngành cơ khí của tỉnh có đủ năng lực đáp ứng các nhu cầu dịch vụ gia công, sửa chữa, bảo dưỡng, chế tạo các công cụ, thiết bị máy móc, phương tiện phục vụ phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh với chất lượng cao; từng bước tiến tới chế tạo, sản xuất các sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh trong và ngoài tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp cơ khí đạt 545 tỷ đồng (tính theo giá cố định 1994) tăng trưởng bình quân 27%/năm; hệ thống các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí đáp ứng 70% nhu cầu sửa chữa, bảo trì cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2013-2020 thực hiện hỗ trợ 07 cơ sở, doanh nghiệp cơ khí: Đầu tư mở rộng nhà xưởng; công nghệ thiết bị; nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gia công, chế tạo, sửa chữa công cụ máy móc phục vụ phát triển công nghiệp chế biến dừa, phục vụ các khu - cụm công nghiệp và công nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu đánh cá.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhóm ngành công nghiệp cơ khí phục vụ ngành công nghiệp chế biến dừa, chế biến nông sản thực phẩm:

- Tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp nên đầu tư sản xuất sản phẩm theo dây chuyền để ổn định chất lượng sản phẩm, hạ giá thành hoặc xây dựng mô hình liên hiệp các cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở sản xuất chuyên môn hoá từng khâu, liên hiệp lại hoàn chỉnh sản phẩm. Mô hình này giúp cho cơ sở, doanh nghiệp đi vào sản xuất chuyên môn hoá, chất lượng sản phẩm nâng cao, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao.

- Hoàn thiện môi trường pháp lý, bảo vệ sở hữu cá nhân, sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng tạo; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu và thu hút những tập đoàn đa quốc gia có tiềm năng về công nghệ, thị trường, vốn để kéo theo các vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ tùng, từ đó thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời chú trọng thu hút các doanh nhân Việt kiều.

2. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhóm ngành công nghiệp cơ khí phục vụ chế biến thuỷ - hải sản, đóng tàu đánh bắt cá xa bờ:

- Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đóng tàu, cơ khí gia công, sửa chữa, chế tạo máy tàu ở quy mô nhỏ, vừa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần để mở rộng quy mô, thuận lợi cho việc liên doanh, liên kết đầu tư mở rộng sản xuất.

- Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập giai đoạn 2008-2010 và đến 2015; Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

- Ưu đãi cho các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ cao; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá công nghệ sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất sạch hơn.

- Xúc tiến thành lập các hiệp hội theo quy mô ngành nghề, địa bàn hoạt động như Hiệp hội đóng tàu, Hiệp hội cơ khí… để các doanh nghiệp, cơ sở tạo thành các mối liên kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh như: Hỗ trợ đào tạo nhân sự, quảng bá công nghệ, thiết bị tiên tiến, cho vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất, quảng bá xúc tiến thị trường và giải quyết các tranh chấp thương mại.

3. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhóm ngành cơ khí phục vụ sửa chữa nhỏ, xây dựng, thiết bị dân dụng:

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ hoặc áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến.

- Tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và tư vấn chuyển giao công nghệ; hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học gắn với các doanh nghiệp.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí chủ chốt di dời ra khỏi khu dân cư đến nơi quy hoạch đủ điều kiện phát triển lâu dài, ổn định, bảo vệ môi trường.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2013-2020 là 3 tỷ đồng từ các nguồn vốn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh; vốn xúc tiến thương mại; Quỹ quốc gia về việc làm; vốn sự nghiệp kinh tế. Trong đó:

- Nguồn vốn từ Trung ương phân bổ: 650 triệu đồng.

- Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 1.250 triệu, gồm: Quỹ phát triển khoa học công nghệ tỉnh: 750 triệu; Quỹ quốc gia về việc làm: 200 triệu; kinh phí sự nghiệp kinh tế tỉnh: 50 triệu; khuyến công địa phương 250 triệu.

- Vốn đối ứng của doanh nghiệp: 1.100 triệu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương: Là cơ quan đầu mối chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, tổ chức thực hiện kế hoạch; phân công một bộ phận chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn giúp đỡ các doanh nghiệp cơ khí xây dựng dự án đầu tư để được hưởng các chế độ ưu đãi của tỉnh đã được ban hành; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, đề xuất với UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để kích thích phát triển mạnh mẽ ngành cơ khí trong những năm tiếp theo; hỗ trợ, vận động tổ chức thành lập Hiệp hội ngành nghề cơ khí, đóng tàu; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại thực hiện các dự án hỗ trợ doanh nghiệp theo nội dung Kế hoạch; thông qua các Chương trình Xúc tiến thương mại, Khuyến công, Tuần lễ doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí chủ chốt quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, giao lưu học tập các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp Sở Công Thương đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí để làm đòn bẩy khuyến khích sản xuất; bố trí hỗ trợ tài chính đối với các dự án đào tạo nghề để đáp ứng đủ nhân lực cho ngành cơ khí phát triển.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Đề xuất các giải pháp về công nghệ, hàng năm bố trí vốn nghiên cứu khoa học giúp các doanh nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyển giao các sản phẩm cơ khí thiết thực phục vụ cho nhu cầu sản xuất của tỉnh; cân đối kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ thực hiện các dự án hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí theo nội dung Kế hoạch; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và Hội nhập tỉnh giai đoạn 2008-2010 và đến 2015.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức tốt việc dạy nghề cho lao động, mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề gắn với doanh nghiệp để tiếp cận với công nghệ mới; gắn đào tạo với giải quyết việc làm, chú trọng đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề nghiệp của các doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí tập trung đào tạo các nghề cho người lao động như: Nghề cơ khí, sửa chữa ô tô, đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh khi được Chính phủ phê duyệt, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho các khu - cụm công nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cho các ngành công nghiệp cơ khí; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh.

6. UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan để quy hoạch đất đai hình thành các làng, điểm, cụm sản xuất cơ khí; triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành cơ khí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đến các phòng, ban huyện, UBND các xã và thị trấn, các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn biết, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiêp cơ khí hoạt động.

Trên đây là Kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành cơ khí phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2020; yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương chủ trì cùng với các ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện triển khai kế hoạch. Trong qúa trình thực hiện có khó khăn vướng mắc phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn

 

BẢNG TỔNG HỢP DANH MỤC CÁC DỰ ÁN VÀ NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2013-2020

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 2273/KH-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2013)

ĐVT: triệu đồng

TT

Tên dự án/nhiệm vụ

Thời gian thực hiện

Đơn vị thực hiện

Tổng kinh phí

Nguồn kinh phí

Ghi chú

Sự nghiệp TW

Sự nghiệp địa phương(*)

Vốn doanh nghiệp

1

Dự án hỗ trợ đầu tư máy gia công cơ khí chính xác cho doanh nghiệp chuyên sửa chữa, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm

2017

Sở KHvà CN

500

0

250

250

(*) Quỹ phát triển khoa học công nghệ tỉnh

2

Dự án hỗ trợ đào tạo các ngành nghề lĩnh vực cơ khí

2014-2017

Sở LĐ –TB và XH

250

0

200

50

(*) Quỹ quốc gia về việc làm

3

Dự án hỗ trợ đầu tư nâng cấp cầu cảng, đường ray kéo tàu cho doanh nghiệp sữa chữa tàu đánh cá

2014

Sở KH và CN

750

0

500

250

(*) Quỹ phát triển khoa học công nghệ tỉnh

4

Xúc tiến thành lập Hiệp hội đóng tàu tỉnh, hiệp hội cơ khí tỉnh

2014

Sở CT

50

0

50

0

(*) Sự nghiệp kinh tế

5

Dự án hỗ trợ đầu tư máy ép chân vịt, hệ thống sửa chữa chân vịt tàu đánh cá cho doanh nghiệp sửa chữa tàu đánh cá.

2015

TT Khuyến công và TVPTCN

600

300

0

300

Hỗ trợ từ vốn khuyến công quốc gia.

6

Hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hội chợ triễn lãm của tỉnh và các tỉnh lân cận

2013-2020

TT Xúc tiến thương mại

350

350

0

0

Nguồn vốn xúc tiến thương mại hàng năm

7

Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhóm ngành cơ khí chế tạo, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ các khu - cụm công nghiệp

2016

TT Khuyến công và TVPTCN

500

0

250

250

(*) Khuyến công địa phương

 

Tổng cộng

3.000

650

1.250

1.100