Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 19/2008/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THI, CẤP, ĐỔI BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THUYỀN VIÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Quyết định:

Số 36/2004/QĐ-BGTVT ngày 23/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa.

Số 38/2006/QĐ-BGTVT ngày 01/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa (ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-BGTVT ngày 23/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải).

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3.
- VP Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Quốc Phòng, KHĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, Nông nghiệp & PTNT;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG





Hồ Nghĩa Dũng

QUY CHẾ

THI ,CẤP, ĐỔI BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THUYỀN VIÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2008/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc thi, kiểm tra, cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa.

2. Quy chế này áp dụng đối với:

a) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa;

b) Cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện;

c) Cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc tổ chức thi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn;

d) Cơ quan, đơn vị sử dụng thuyền viên, người lái phương tiện;

đ) Thuyền viên, người lái phương tiện.

3. Quy chế này không áp dụng đối với những người làm việc trên phương tiện thủy nội địa thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và tàu cá.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thời gian nghiệp vụ là thời gian thuyền viên, người lái phương tiện làm việc theo chức danh trên phương tiện thủy nội địa.

2. Thời gian tập sự là thời gian quy định để thuyền viên, người lái phương tiện thực hiện công việc trên phương tiện thủy nội địa theo chức danh được đào tạo dưới sự hướng dẫn của người có trình độ kỹ thuật chuyên môn phù hợp.

3. Bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng là giấy chứng nhận đủ khả năng đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng trên phương tiện thủy nội địa.

4. Chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản là giấy chứng nhận khả năng của thuyền viên, người lái phương tiện xử lý các vấn đề về an toàn lao động, an toàn phương tiện, phòng chống cháy nổ, sơ cứu người bị nạn, bảo vệ môi trường.

5. Chứng chỉ nghiệp vụ là giấy chứng nhận đủ khả năng đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy hoặc người lái phương tiện.

6. Chứng chỉ chuyên môn đặc biệt là giấy chứng nhận đủ khả năng làm việc an toàn trên phương tiện chở dầu, phương tiện chở hóa chất hoặc phương tiện chở khí hóa lỏng; giấy chứng nhận đủ khả năng điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao, phương tiện loại II tốc độ cao hoặc phương tiện đi ven biển.

7. Phương tiện loại I tốc độ cao là phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa và có tốc độ thiết kế từ 30km/h trở lên.

8. Phương tiện loại II tốc độ cao là phương tiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa và có tốc độ thiết kế từ 30 km/h trở lên.

9. Phương tiện đi ven biển là phương tiện thủy nội địa được cơ quan đăng kiểm xác nhận đủ điều kiện đi ven biển thuộc tuyến đường thủy nội địa đã được công bố.

Chương 2.

BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI LẤY BẰNG, KIỂM TRA LẤY CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN

Điều 3. Bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng

1. Bằng thuyền trưởng được phân thành ba hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và được ký hiệu tương ứng là T1, T2, T3.

Bằng thuyền trưởng hạng ba gồm hạng ba và hạng ba hạn chế và được ký hiệu tương ứng là T3 và T3 HC.

2. Bằng máy trưởng được phân thành ba hạng: hạng nhất; hạng nhì, hạng ba và được ký hiệu tương ứng là M1, M2, M3.

Điều 4. Chứng chỉ chuyên môn

1. Chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản.

2. Chứng chỉ nghiệp vụ, bao gồm:

a) Chứng chỉ thủy thủ, chứng chỉ thủy thủ chương trình hạn chế;

b) Chứng chỉ thợ máy, chứng chỉ thợ máy chương trình hạn chế;

c) Chứng chỉ lái phương tiện, chứng chỉ lái phương tiện chương trình hạn chế.

3. Chứng chỉ chuyên môn đặc biệt, bao gồm:

a) Chứng chỉ điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao;

b) Chứng chỉ điều khiển phương tiện loại II tốc độ cao;

c) Chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển;

d) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở dầu;

đ) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở hóa chất;

e) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở khí hóa lỏng.

Điều 5. Mẫu bằng, chứng chỉ chuyên môn

Bằng, chứng chỉ chuyên môn cấp cho thuyền viên, người lái phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

Điều 6. Quy định về số, chữ và cách thức in nội dung bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Số bằng, chứng chỉ chuyên môn:

a) Số bằng bao gồm: Số thứ tự, mã hiệu vùng, loại hạng;

b) Số chứng chỉ chuyên môn bao gồm: số thứ tự, mã hiệu vùng;

c) Đối với bằng, chứng chỉ chuyên môn cấp lại có thêm chữ “cấp lại” sau số bằng, chứng chỉ chuyên môn;

d) Mã hiệu vùng quy định cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này. Bằng, chứng chỉ chuyên môn do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ sở dạy nghề trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp không ghi mã hiệu vùng.

2. Cách thức in nội dung bằng, chứng chỉ chuyên môn:

a) Số bằng, số chứng chỉ chuyên môn: chữ in hoa màu đen;

b) Loại chứng chỉ chuyên môn ở dưới hàng chữ CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN, chữ in hoa màu đen;

c) Hạng bằng (nhất, nhì, ba), họ và tên người được cấp: chữ in hoa mầu đen;

d) Các chữ còn lại: chữ thường, màu đen;

đ) Bằng thuyền trưởng hạng ba được cấp theo chương trình bồi dưỡng hạn chế thì phải ghi rõ Hạng ba hạn chế và số bằng phải ghi rõ ký hiệu: T3 HC;

e) Chứng chỉ chuyên môn được cấp theo chương trình bồi dưỡng hạn chế thì phải ghi rõ chương trình hạn chế.

Điều 7. Điều kiện chung để được dự thi lấy bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

2. Được công nhận học xong chương trình đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng nghề tương ứng với từng loại hạng bằng (trừ các trường hợp cụ thể quy định tại Điều 8 của Quy chế này).

3. Có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ quan y tế.

Điều 8. Điều kiện cụ thể để được dự thi lấy bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng.

Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 7 của Quy chế này, người dự thi lấy bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng còn phải bảo đảm điều kiện:

1. Đủ 20 tuổi trở lên, có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện (trừ chứng chỉ thủy thủ chương trình hạn chế hoặc chứng chỉ lái phương tiện chương trình hạn chế) hoặc người có bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế và có thời gian nghiệp vụ từ 24 tháng trở lên được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng ba;

2. Đủ 20 tuổi trở lên, có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện kể cả chứng chỉ thủy thủ chương trình hạn chế hoặc chứng chỉ lái phương tiện chương trình hạn chế và có thời gian nghiệp vụ từ 24 tháng trở lên được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế;

3. Đủ 20 tuổi trở lên, có chứng chỉ thợ máy hoặc chứng chỉ thợ máy chương trình hạn chế và có thời gian nghiệp vụ từ 24 tháng trở lên được dự thi lấy bằng máy trưởng hạng ba;

4. Có chứng chỉ sơ cấp nghề được đào tạo theo nghề điều khiển tàu thủy, nghề thủy thủ hoặc nghề máy tàu thủy, sau khi hoàn thành thời gian tập sự đủ 12 tháng trở lên không phải dự học chương trình tương ứng, được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng ba hoặc bằng máy trưởng hạng ba;

5. Có bằng thuyền trưởng hạng ba hoặc bằng máy trưởng hạng ba và có thời gian nghiệp vụ theo bằng hạng ba đủ 24 tháng trở lên được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng nhì hoặc bằng máy trưởng hạng nhì;

6. Đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba, có thời gian nghiệp vụ theo bằng hạng ba đủ 12 tháng trở lên được dự thi lấy thuyền trưởng hạng nhì, máy trưởng hạng nhì;

7. Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp được đào tạo theo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy, sau khi hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba đủ 12 tháng trở lên không phải dự học chương trình tương ứng, được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì;

8. Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, bằng thuyền trưởng hạng nhì hoặc bằng máy trưởng hạng nhì và có thời gian nghiệp vụ theo chức danh bằng hạng nhì đủ 36 tháng trở lên được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng nhất hoặc máy trưởng hạng nhất;

9. Có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, cao đẳng trở lên được đào tạo theo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy, sau khi hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì đủ 24 tháng trở lên không phải dự học chương trình tương ứng, được dự thi lấy bằng thuyền trưởng hạng nhất hoặc máy trưởng hạng nhất.

Điều 9. Điều kiện chung để được dự kiểm tra lấy chứng chỉ chuyên môn.

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

2. Được công nhận học xong chương trình bổ túc, bồi dưỡng nghề tương ứng với từng loại chứng chỉ chuyên môn.

3. Có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ quan y tế.

Điều 10. Điều kiện cụ thể được dự kiểm tra lấy chứng chỉ chuyên môn.

Ngoài các điều kiện quy định tại Điều 9 của Quy chế này, người dự kiểm tra lấy chứng chỉ chuyên môn còn phải bảo đảm các điều kiện cụ thể sau đây:

1. Đối với chứng chỉ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 và các điểm d, đ, e khoản 3 Điều 4 của Quy chế này phải đủ 16 tuổi trở lên.

2. Đối với chứng chỉ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Quy chế này phải đủ 18 tuổi trở lên.

3. Đối với chứng chỉ quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 4 của Quy chế này phải:

a) Có bằng thuyền trưởng từ hạng ba trở lên;

b) Có thời gian nghiệp vụ theo chức danh thuyền trưởng hạng ba đủ 24 tháng trở lên.

4. Đối với chứng chỉ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 của Quy chế này phải có chứng chỉ lái phương tiện hoặc chứng chỉ thủy thủ.

Chương 3.

TỔ CHỨC THI LẤY BẰNG, KIỂM TRA LẤY CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN

Điều 11. Các cơ quan có thẩm quyền về tổ chức thi, kiểm tra, cấp, đổi, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan quản lý công tác thi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn trên phạm vi toàn quốc, có trách nhiệm:

a) In, phát hành, hướng dẫn và quản lý thống nhất việc sử dụng phôi bằng, chứng chỉ chuyên môn trong phạm vi toàn quốc;

b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cấp thẻ giám khảo coi, chấm thi;

c) Quy định các biểu mẫu, sổ sách quản lý nghiệp vụ liên quan đến công tác thi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn;

d) Tổ chức thi, cấp, đổi, chuyển đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng nhì trở lên trong phạm vi toàn quốc;

đ) Tổ chức thi, cấp, đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng ba trở lên đối với các cơ sở dạy nghề trực thuộc;

2. Các Sở Giao thông vận tải:

a) Tổ chức thi, cấp, đổi, chuyển đổi bằng thuyền trưởng hạng ba, thuyền trưởng hạng ba hạn chế và bằng máy trưởng hạng ba;

b) Tổ chức kiểm tra, cấp, đổi chứng chỉ chuyên môn (đối với địa phương chưa có cơ sở dạy nghề thuyền viên);

c) Chỉ đạo, tổ chức và thường xuyên kiểm tra các hoạt động về thi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn trong phạm vi được phân công;

3. Các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện theo quy định được tổ chức kiểm tra, cấp, đổi chứng chỉ chuyên môn.

Điều 12. Hồ sơ nhập học để dự thi lấy bằng, kiểm tra lấy chứng chỉ chuyên môn

1. Đơn đề nghị.

2. 05 ảnh màu cỡ 3 x 4cm kiểu chứng minh nhân dân.

3. Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

4. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên.

5. Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, bằng tốt nghiệp đại học (tương ứng với từng hạng bằng dự thi được quy định tại Điều 8 của Quy chế này).

6. Xác nhận thời gian nghiệp vụ của chủ phương tiện quản lý thuyền viên.

Điều 13. Hội đồng thi, kiểm tra

1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Hội đồng thi cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng; Thủ trưởng các cơ sở dạy nghề thành lập Hội đồng kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn.

2. Hội đồng thi cấp bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng; Hội đồng kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn được quy định tại khoản 1 Điều này có 5 hoặc 7 thành viên.

3. Thành phần của Hội đồng thi:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo của cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người được ủy quyền;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo cơ sở dạy nghề;

c) Ủy viên thư ký là chuyên viên theo dõi công tác dạy nghề của cấp có thẩm quyền hoặc Trưởng phòng đào tạo của cơ sở dạy nghề;

d) Các ủy viên còn lại là lãnh đạo các phòng, khoa hoặc tổ môn chuyên môn của cơ sở dạy nghề.

4. Thành phần của Hội đồng kiểm tra:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo của cơ sở dạy nghề;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là một lãnh đạo hoặc trưởng phòng của cơ sở dạy nghề;

c) Ủy viên thư ký là Lãnh đạo phòng đào tạo của cơ sở dạy nghề;

d) Các ủy viên còn lại là lãnh đạo các phòng, khoa hoặc tổ môn chuyên môn của cơ sở dạy nghề.

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thi, kiểm tra.

1. Chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thi, kiểm tra.

2. Quyết định thành lập ban coi thi, ban chấm thi để giúp việc Hội đồng.

3. Duyệt, quyết định các học viên đủ điều kiện dự thi, kiểm tra.

4. Hội đồng thi, kiểm tra chỉ họp khi có mặt Chủ tịch Hội đồng hoặc người được ủy quyền và có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham gia. Trong các phiên họp Hội đồng, nếu có vấn đề không thống nhất thì phải tiến hành lấy ý kiến của các thành viên dự họp, kết quả lấy theo đa số. Trường hợp số ý kiến trái chiều ngang nhau thì Chủ tịch Hội đồng là người quyết định.

5. Lựa chọn đề thi, đề kiểm tra bảo đảm bí mật phù hợp với từng loại hạng bằng, chứng chỉ chuyên môn;

6. Tổng hợp kết quả kỳ thi, kiểm tra và báo cáo kết quả đến cấp có thẩm quyền gồm:

a) Danh sách kết quả thi, kiểm tra của thí sinh;

b) Danh sách thí sinh trúng tuyển;

c) Các biên bản họp Hội đồng;

d) Các văn bản khác có liên quan.

Điều 15. Ban coi thi, Ban chấm thi

1. Ban coi thi, chấm thi do Chủ tịch Hội đồng thi, kiểm tra thành lập.

2. Số lượng thành viên Ban coi thi, chấm thi tùy thuộc vào số lượng thí sinh dự thi nhưng tối thiểu phải có 03 thành viên.

3. Ban coi thi, chấm thi có nhiệm vụ:

a) Coi thi, hỏi thi, chấm thi theo đúng quy định;

b) Phát hiện sai sót trong đề thi, đề nghị Hội đồng thi, kiểm tra điều chỉnh kịp thời;

c) Tổ chức bố trí, sắp xếp người chấm thi, bảo đảm nguyên tắc mỗi bài thi, mỗi bàn thi vấn đáp phải có hai giám khảo;

d) Tập hợp kết quả chấm thi và bàn giao cho thư ký Hội đồng thi, kiểm tra.

Điều 16. Tiêu chuẩn đối với giám khảo

1. Tiêu chuẩn giám khảo kỳ thi.

a) Có tư cách đạo đức tốt;

b) Giám khảo chấm thi môn lý thuyết phải có bằng cao đẳng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành đường thủy và làm việc trong ngành đường thủy nội địa từ 36 tháng trở lên;

c) Giám khảo chấm thi thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải là thuyền trưởng, máy trưởng và có hạng bằng cao hơn hạng bằng đang chấm thi, trường hợp chấm thi thuyền trưởng hạng nhất, máy trưởng hạng nhất thì giám khảo phải có bằng thuyền trưởng hạng nhất, máy trưởng hạng nhất và có thời gian nghiệp vụ theo chức danh bằng hạng nhất từ 36 tháng trở lên.

d) Được tập huấn về nghiệp vụ giám khảo và được Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp thẻ giám khảo.

2. Tiêu chuẩn đối với giám khảo kỳ kiểm tra do Thủ trưởng cơ sở dạy nghề quy định.

Điều 17. Công nhận kết quả thi, kiểm tra

1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải ra quyết định công nhận trúng tuyển kỳ thi, Thủ trưởng cơ sở dạy nghề ra quyết định công nhận trúng truyển kỳ kiểm tra đối với những thí sinh đạt điểm các môn thi, kiểm tra từ 5 điểm trở lên.

2. Thí sinh không trúng tuyển được quyền bảo lưu kết quả điểm thi, điểm kiểm tra đối với những môn đạt yêu cầu trong thời gian 12 tháng.

Chương 4.

CẤP, ĐỔI, CẤP LẠI, CHUYỂN ĐỔI BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN

Điều 18. Cấp mới bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thí sinh trúng tuyển kỳ thi, kiểm tra trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định công nhận trúng tuyển.

2. Người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba, sau khi đã hoàn thành thời gian tập sự đủ 6 tháng trở lên, nộp đủ hồ sơ theo quy định được cấp bằng thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba.

3. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp được đào tạo theo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy sau khi hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba đủ 6 tháng trở lên, nộp đủ hồ sơ theo quy định, được cấp bằng thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba.

4. Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, cao đẳng trở lên được đào tạo theo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy, sau khi hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì đủ 6 tháng trở lên, nộp đủ hồ sơ theo quy định, được cấp bằng thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì.

Điều 19. Đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp theo các Quyết định: số 914/QĐ/BGTVT ngày 16/04/1997; số 3237/2001/QĐ-BGTVT ngày 10/02/2001; số 36/2004/QĐ-BGTVT ngày 23/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2012. Sau thời hạn quy định trên, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phải làm hồ sơ gửi đến cơ quan đã cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn để được đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Quy chế này.

2. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn bị hỏng, có tên trong sổ cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, nếu có nhu cầu sử dụng thì được đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn.

3. Bằng, chứng chỉ chuyên môn được đổi chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Khi đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thì cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn phải hủy bằng, chứng chỉ chuyên môn cũ bằng hình thức cắt góc.

Điều 20. Cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn đã hết hạn sử dụng nhưng chưa quá 12 tháng kể từ ngày 31/12/2012, có tên trong sổ cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thì được dự thi, kiểm tra lại lý thuyết để được cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

2. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn đã hết hạn sử dụng trên 12 tháng kể từ ngày 31/12/2012, có tên trong sổ cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thì được dự thi, kiểm tra lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

3. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn bị mất, còn thời hạn theo quy định, có tên trong sổ cấp bằng của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, nếu bị mất trong các trường hợp thiên tai như bão lụt, động đất hoặc bị hỏa hoạn, có xác nhận của chính quyền địa phương; bị cướp, trấn lột, mất trộm, phương tiện bị chìm, đắm, có xác nhận vụ việc của cơ quan công an, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì được cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn bị mất, còn thời hạn sử dụng, có tên trong sổ cấp bằng của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, nếu bị mất ngoài các trường hợp trên, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự thi lại lý thuyết để được cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

4. Người có bằng, chứng chỉ chuyên môn quá hạn sử dụng theo quy định bị mất, có tên trong sổ cấp bằng của cơ quan cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, sau 6 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

5. Thời hạn cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn thực hiện như đối với đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn; trường hợp phải thi lại, thời hạn cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn như cấp mới.

Điều 21. Chuyển đổi bằng

Người có bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng hoặc chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do các Bộ, ngành của Việt Nam cấp; người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng hoặc chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do nước ngoài cấp, nếu có nhu cầu làm việc trên các phương tiện thủy nội địa thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn tương ứng của Quy chế này, các trường hợp đổi sang bằng thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa phải dự sát hạch môn pháp luật giao thông đường thủy nội địa.

Điều 22. Hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Hồ sơ cấp mới bằng đối với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 18 của Quy chế này:

a) Đơn đề nghị có dán ảnh;

b) 03 ảnh mầu cỡ 3x4 cm kiểu chứng minh nhân dân;

c) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

d) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe của trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp;

đ) Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, bằng tốt nghiệp đại học (tương ứng với từng hạng bằng được cấp);

e) Bản xác nhận tập sự của chủ phương tiện nơi thuyền viên làm việc.

2. Hồ sơ đổi, cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn:

Ngoài các quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này cần bổ sung:

a) Bản sao bằng, chứng chỉ chuyên môn;

b) Xác nhận mất bằng, chứng chỉ chuyên môn (áp dụng đối với các trường hợp mất bằng, chứng chỉ chuyên môn).

3. Hồ sơ chuyển đổi bằng:

Ngoài hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này cần bổ sung:

a) Bản sao có chứng thực bằng hoặc chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng được cấp;

b) Bản dịch có công chứng sang tiếng Việt (nếu là bằng, chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do nước ngoài cấp).

4. Người được cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn phải nộp lệ phí theo quy định hiện hành.

5. Cơ quan nào đã cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thì cơ quan đó cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn.

6. Cơ quan có thẩm quyền phải lập sổ quản lý cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Chương 5.

ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THUYỀN VIÊN

Điều 23. Đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng

1. Việc đảm nhiệm các chức danh thuyền trưởng, máy trưởng thực hiện theo quy định tại Điều 33, 34 của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

2. Phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 150 mã lực hoặc lắp máy trong có tổng công suất máy chính đến 50 mã lực thì không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng, nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có chứng chỉ thợ máy. Trường hợp phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 150 mã lực đến 400 mã lực nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có bằng máy trưởng phù hợp với tổng công suất máy chính.

3. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau:

a) Phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người;

b) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;

c) Phương tiện có công suất máy chính đến 50 mã lực.

Điều 24. Đảm nhiệm chức danh thuyền viên khác

1. Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ loại nào thì chỉ được phép đảm nhiệm chức danh tương ứng theo quy định.

2. Người điều khiển phương tiện loại I, loại II tốc độ cao, phương tiện đi ven biển, người làm việc trên phương tiện chuyên dùng chở dầu hoặc các sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng, ngoài bằng, chứng chỉ nghiệp vụ quy định theo chức danh, phải có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt tương ứng.

Điều 25. Bố trí chức danh thuyền viên

1. Chủ phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa và phải lập danh bạ thuyền viên theo quy định, tuân thủ theo Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Bằng, chứng chỉ chuyên môn phải được mang theo người khi hành nghề.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Báo cáo về công tác thi, kiểm tra, cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn

Tháng 01 và tháng 7 hàng năm, các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở dạy nghề sơ kết, tổng kết công tác thi, kiểm tra cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của địa phương, cơ sở và gửi báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Điều 27. Hướng dẫn tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

2. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và thường xuyên kiểm tra các hoạt động về thi, kiểm tra, cấp, đổi, cấp lại, chuyển đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn trong phạm vi được phân công.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết./.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

PHỤ LỤC 1

MẪU BẰNG THUYỀN TRƯỞNG, BẰNG MÁY TRƯỞNG, CCCM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2008/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. Nội dung mẫu bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, CCCM.

1.1. Mẫu bằng thuyền trưởng

a) Mặt ngoài:

CHÚ Ý:

1- Không cho mượn;

2- Không tẩy, xóa;

3- Xuất trình bằng khi người thi hành
công vụ yêu cầu;

4- Mất bằng phải trình báo các cơ quan
có liên quan.

Seri: AC 000000

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

QUỐC
HUY

BẰNG

THUYỀN TRƯỞNG

PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

(Hình mỏ neo)

b) Mặt trong:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

Ảnh 3x4 cm
(đóng dấu nổi)

Số:
Có giá trị đến

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

BẰNG

THUYỀN TRƯỞNG

PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Hạng:

Họ và tên: ………………………………………...

Ngày sinh: ……………………………………......

Nơi cư trú: ……………………………………......

……………………………………………………...

Cấp theo Quyết định số: ………………………..

ngày….. tháng ….. năm ………………………...

của ………………………………………………...

……, ngày …. tháng ….năm

1.2. Mẫu bằng máy trưởng

a) Mặt ngoài:

CHÚ Ý:

1- Không cho mượn;

2- Không tẩy, xóa;

3- Xuất trình bằng khi người thi hành
công vụ yêu cầu;

4- Mất bằng phải trình báo các cơ quan
có liên quan.

Seri: BC 000000

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

QUỐC
HUY

BẰNG

MÁY TRƯỞNG

PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

(Hình mỏ neo)

b) Mặt trong:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

Ảnh 3x4 cm
(đóng dấu nổi)

Số:
Có giá trị đến

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

BẰNG

MÁY TRƯỞNG

PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Hạng:

Họ và tên: ………………………………………...

Ngày sinh: ……………………………………......

Nơi cư trú: ……………………………………......

……………………………………………………...

Cấp theo Quyết định số: ………………………..

ngày….. tháng ….. năm ………………………...

của ………………………………………………...

……, ngày …. tháng ….năm

1.3. Mẫu chứng chỉ chuyên môn:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

Ảnh 3x4 cm
(đóng dấu nổi)

Số:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN

…………………………………….

Họ và tên: ………………………………………...

Ngày sinh: ……………………………………......

Nơi cư trú: ……………………………………......

……………………………………………………...

Cấp theo Quyết định số: ………………………..

ngày….. tháng ….. năm ………………………...

của ………………………………………………...

……, ngày …. tháng ….năm

2. Chất liệu, kích thước, hoa văn, màu sắc

2.1. Phôi bằng thuyền trưởng được in trên chất liệu giấy chuyên dùng

Mặt trước: có nền mầu xanh nước biển, khung phía bên phải màu vàng, khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 03 mm, Quốc huy màu vàng, nền màu đỏ, chữ bên trong khung và mỏ neo màu vàng. Các dòng Chú ý bên trái chữ màu trắng. Seri bằng chữ màu đen.

Mặt trong: có nền màu trắng, hình hoa văn lượn sóng mầu xanh nước biển. Khung màu đỏ, kích thước trong khung 160mmx110mm, khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 02 mm. CHỮ THUYỀN TRƯỞNG màu đỏ, các nội dung còn lại chữ màu đen.

2.2. Phôi bằng máy trưởng được in trên chất liệu giấy chuyên dùng

Mặt trước: có nền mầu đỏ thẫm, khung phía bên phải màu trắng, khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 03 mm. Quốc huy màu vàng, các chữ ở bên trong khung màu vàng, mỏ neo phía dưới màu trắng. Các dòng Chú ý bên trái chữ màu trắng. Seri bằng chữ màu đen.

Mặt trong: có nền màu trắng, hình hoa văn lượn sóng mầu xanh nước biển. Khung màu đỏ, kích thước trong khung 160mm x 110mm, khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 02mm. CHỮ MÁY TRƯỞNG màu đỏ, các nội dung còn lại chữ màu đen.

2.3. Phôi chứng chỉ chuyên môn được in trên chất liệu giấy chuyên dùng

Mặt ngoài màu trắng, mặt trong có nền mầu trắng, hình hoa văn lượn sóng mầu xanh nước biển. Khung màu xanh nước biển, kích thước trong khung: 80mm x 110 mm, khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 02 mm. CHỮ CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN màu đỏ, các nội dung còn lại chữ màu đen.

PHỤ LỤC 2

QUY ĐỊNH MÃ VÙNG CỦA BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2008/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TT

Tên địa phương

Mã hiệu

TT

Tên địa phương

Mã hiệu

1

An Giang

AG

33

Kiên Giang

KG

2

Bạc Liêu

BL

34

Lạng Sơn

LS

3

Bắc Cạn

BC

35

Lai Châu

LC

4

Bắc Giang

BG

36

Lâm Đồng

5

Bắc Ninh

BN

37

Lào Cai

LC

6

Bà Rịa – Vũng Tàu

BV

38

Kon Tum

KT

7

Bến Tre

BTr

39

Long An

LA

8

Bình Dương

BD

40

Nam Định

9

Bình Định

41

Nghệ An

NA

10

Bình Thuận

BTh

42

Ninh Bình

NB

11

Bình Phước

BP

43

Ninh Thuận

NT

12

Cà Mau

CM

44

Phú Thọ

PT

13

Cần Thơ

CT

45

Phú Yên

PY

14

Cao Bằng

CB

46

Quảng Bình

QB

15

Đà Nẵng

ĐNa

47

Quảng Nam

QNa

16

Đắc Lắc

ĐL

48

Quảng Ngãi

QNg

17

Đắc Nông

ĐNô

49

Quảng Ninh

QN

18

Điện Biên

ĐB

50

Quảng Trị

QT

19

Đồng Nai

ĐN

51

Sóc Trăng

ST

20

Đồng Tháp

ĐT

52

Sơn La

SL

21

Gia Lai

GL

53

Tây Ninh

TN

22

Hà Giang

HG

54

Thái Bình

TB

23

Hà Nam

HNa

55

Thái Nguyên

TNg

24

Hà Nội

HN và HTa

56

Thanh Hóa

TH

25

Hà Tĩnh

HT

57

Thừa Thiên Huế

TTH

26

Hải Dương

HD

58

Tiền Giang

TG

27

Hải Phòng

HP

59

Trà Vinh

TV

28

Hậu Giang

HGi

60

Tuyên Quang

TQ

29

Hòa Bình

HB

61

Vĩnh Long

VL

30

TP. Hồ Chí Minh

SG

62

Vĩnh Phúc

VP

31

Hưng Yên

HY

63

Yên Bái

YB

32

Khánh Hòa

KH