Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 29 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá;

Thực hiện Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh Bạc Liêu Ban hành Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 44/TTr-SCT ngày 28 tháng 5 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

2. Các tổ chức được quyền khai thác dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

1. Các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ không hoàn lại:

a) Đối với người kinh doanh thường xuyên, cố định trong phạm vi chợ: Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tùy theo vị trí bố trí sạp và hạng chợ như sau:

Đơn vị tính: đồng/m2/tháng

Vị trí

Phân nhóm vị trí quầy sạp kinh doanh

Chợ hạng 1

Chợ hạng 2

Chợ hạng 3

1

Vị trí đặc biệt thuận lợi cho kinh doanh như: Sạp có từ 3 mặt tiền trở lên tiếp giáp đường đi

200.000

150.000

100.000

2

Vị trí thuận lợi cho kinh doanh như: Sạp có 2 mặt tiếp giáp đường đi lại hoặc gần cửa chính ra vào chợ

160.000

120.000

80.000

3

Vị trí sạp tương đối thuận lợi cho kinh doanh như có mặt tiếp giáp đường đi chính hoặc gần cửa phụ ra vào chợ

130.000

100.000

70.000

4

Các vị trí còn lại kinh doanh trong chợ

100.000

80.000

60.000

Tùy theo tình hình bố trí cá biệt các điểm (hoặc quầy, sạp) kinh doanh của từng chợ cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định chi tiết thêm các vị trí khác trong từng nhóm vị trí nêu trên hoặc quy định cho từng nhóm, ngành hàng kinh doanh tại chợ cho phù hợp.

b) Đối với người kinh doanh không thường xuyên, không cố định trong phạm vi chợ (kể cả hộ nhà vườn có sản phẩm, hàng hóa đem ra bán tại chợ):

- Chợ hạng 1: Mức thu là 8.000 đồng/người/ngày.

- Chợ hạng 2: Mức thu là 4.000 đồng/người/ngày.

- Chợ hạng 3: Mức thu là 2.000 đồng/người/ngày.

Diện tích cụ thể cho từng quầy hàng của các đối tượng này do đơn vị quản lý chợ quy định.

c) Việc phân hạng chợ thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Các chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước: Mức thu có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 02 (hai) lần mức thu theo quy định tại Khoản 1, Điều này.

Điều 4. Phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

1. Đối với sạp kinh doanh cố định, thường xuyên tại chợ:

a) Việc thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được tính theo tháng.

b) Trường hợp thu một lần cho nhiều tháng hoặc thu cho cả vòng đời dự án thì phương thức thu phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận thống nhất giữa tổ chức khai thác dịch vụ với tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; đồng thời, phải được thể hiện trong Đề án thu phí chợ được duyệt và phải thông báo công khai đến người kinh doanh trong chợ biết để thực hiện.

2. Đối với người kinh doanh không thường xuyên, không cố định trong phạm vi chợ: Việc thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ có thể theo ngày, theo tuần, nửa tháng, hàng tháng hoặc theo chu kỳ dài hơn tùy theo thỏa thuận thống nhất giữa tổ chức quản lý chợ với người kinh doanh.

Điều 5. Lập, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ phương án giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

1. Tổ chức khai thác dịch vụ chịu trách nhiệm lập Hồ sơ phương án giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, trong đó thể hiện đầy đủ các nội dung về: Chi phí đầu tư, chi phí quản lý và các khoản chi phí hợp pháp khác; mức thu, phương thức thu cụ thể cho từng nhóm đối tượng kinh doanh trong chợ.

2. Thẩm định Hồ sơ phương án giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ:

a) Chợ hạng 1 và hạng 2: Giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan xây dựng giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, trong trường hợp cần thiết có thể thuê tư vấn để thẩm tra một phần hoặc toàn bộ Hồ sơ phương án giá; sau đó tổng hợp, hoàn chỉnh, gửi lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá (nếu có) trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Chợ hạng 3: Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) chủ trì, phối hợp với các Phòng, Ban có liên quan xây dựng giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, trong trường hợp cần thiết có thể thuê tư vấn để thẩm tra một phần hoặc toàn bộ Hồ sơ phương án giá; sau đó tổng hợp, hoàn chỉnh, gửi lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Sau đó báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính để giám sát việc thực hiện.

Điều 6. Quản lý và sử dụng nguồn thu

1. Việc thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải có biên lai, hóa đơn thu theo quy định; việc thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với sạp kinh doanh cố định, thường xuyên tại chợ phải có hợp đồng giữa tổ chức thu tiền dịch vụ với người kinh doanh.

2. Tổ chức, đơn vị thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ánh việc thu, nộp và quản lý sử dụng nguồn thu theo quy định.

3. Đối với chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc tiếp nhận quản lý: Nguồn thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ là nguồn thu thuộc ngân sách Nhà nước; việc quản lý sử dụng áp dụng theo quy định hiện hành.

4. Đối với các chợ đầu tư xây dựng từ nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước: Nguồn thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ là nguồn thu không thuộc ngân sách nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh chợ có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu được sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.

5. Việc đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với đơn vị thu tiền dịch vụ (kể cả chợ do Nhà nước đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước) theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành và các quy định khác có liên quan.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ban quản lý chợ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh chợ phải niêm yết giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng ở nơi thuận tiện nhất tại chợ; đồng thời, thông báo công khai các văn bản quy định về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ để người kinh doanh biết, thực hiện.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, tổ chức thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo quy định.

3. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn các đối tượng thực hiện và kiểm tra xử lý vi phạm việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2018.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh Bạc Liêu Quy định về mức thu, quản lý sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

3. Đối với các Hồ sơ phương án giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Quyết định này có hiệu lực vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 9. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 9;
- Các Bộ: Công Thương, Tài chính (để báo cáo);
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Thường trực Tỉnh ủy - HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội (để giám sát);
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (để tự kiểm tra);
- Trung tâm CB-TH (để đăng công báo);
- Báo BL, Đài PTTH tỉnh BL;
- TP TH, PP TH Yến, CV: Thoa.
- Lưu: VT, (Duy-012).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Dương Thành Trung