Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1956/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 18 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, ngày 05/3/2010 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Quyết định số 2265/QĐ-UBND, ngày 22/10/2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2406/UBND-VX ngày 08/9/2011 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Xét Tờ trình số 386/TTr-SNV ngày 10/10/2011 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Kế hoạch số 09/KH-SNV ngày 10/10/2011 của Giám đốc Sở Nội vụ).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-SNV

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1956/QĐ-UBND, ngày 18/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 22/10/2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Căn cứ Công văn số 2406/UBND-VX ngày 08/9/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

I. QUAN ĐIỂM:

Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức, đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở xã, phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 90% cán bộ cấp xã có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định (896 người, trong đó: Lý luận chính trị: 488 người, chuyên môn, nghiệp vụ: 408 người).

- 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc và kiến thức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ (2.243 người);

- 70% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm (1.570 người).

III. ĐỐI TƯỢNG:

Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015

IV. NỘI DUNG:

1. Đào tạo: Trình độ trung cấp theo quy định (chuyên môn và chính trị).

2. Bồi dưỡng:

- Lý luận chính trị: Trang bị trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, ngạch công chức và chức danh lãnh đạo quản lý;

- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước: Trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý;

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm theo chế độ bắt buộc tối thiểu hàng năm cho cán bộ chuyên trách và 7 chức danh công chức.

V. CƠ SỞ ĐÀO TẠO:

Trường Chính trị Phạm Hùng, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đầu mối đào tạo trình độ lý luận chính trị cho cán bộ công chức xã. Các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện…

Liên kết đào tạo mời các học viện, trường đại học, cao đẳng, các trung tâm thuộc bộ ngành … phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã theo nhu cầu.

VI. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TỔ CHỨC:

1. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, tổ chức thực hiện, chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo các mục tiêu đã định;

- Tổ chức, chỉ đạo các địa phương tiến hành xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm;

- Tổng hợp nhu cầu và dự toán kinh phí hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã gửi Phó Trưởng ban thường trực để tổng hợp;

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Phó Trưởng ban thường trực để tổng hợp báo cáo.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Dạy nghề;

- Chủ trì phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của kế hoạch.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Nội vụ lựa chọn cho các cơ sở đào tạo trong ngành giáo dục tham gia bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch.

5. Sở Công thương:

Phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất những chương trình, nội dung kiến thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

7. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm gửi về Sở Nội vụ, để tổng hợp trình ban đề án.

- Sử dụng có hiệu quả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã (nếu được giao)./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Lê Phúc Lợi