Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 2090/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 04 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH DẠY VÀ HỌC TIẾNG NHẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;

Căn cứ Thông tư số 98/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2012 của liên Bộ Tài chính và Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg , ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Căn cứ Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 14/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, xét đến 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số: 887/TTr-SGDĐT ngày 16 tháng 8 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Dạy và Học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012 - 2020.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục Đào tạo, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ngoại vụ, Thông tin truyền thông, Phát thanh Truyền hình, Tổng Biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TTrTU; TTrHDND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- Trung tâm tin học và Công báo tỉnh;
- Lưu: VT-TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 

KẾ HOẠCH

DẠY VÀ HỌC TIẾNG NHẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BR-VT GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2090/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”;

Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;

Thông tư số 98/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2012 của liên Bộ Tài chính và Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg , ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;

Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 14/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, xét đến 2025;

II. THỰC TRẠNG DẠY, HỌC NGOẠI NGỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Đối với cấp học phổ thông:

a) Toàn tỉnh hiện có 141 trường tiểu học (trong đó có 97 trường triển khai dạy tiếng Anh); 78 trường Trung học cơ sở (THCS) và 31 trường Trung học phổ thông (THPT). Hiện tại, ở các trường THCS và THPT đang giảng dạy tiếng Anh là ngoại ngữ thứ 1 theo chương trình 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Ngoại ngữ thứ 2 (tiếng Pháp) chỉ mới thực hiện ở trường THPT Vũng Tàu, với thời lượng 1 tiết/tuần.

2. Đối với các trung tâm Giáo dục thường xuyên; các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ:

a) Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm Giáo dục thường xuyên (01 trung tâm GDTX tỉnh và 08 trung tâm GDTX huyện, thành phố, thị xã), chưa thực hiện dạy học ngoại ngữ cho học viên học văn hóa.

b) Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 13 trung tâm và 51 cơ sở dạy ngoại ngữ, chủ yếu giảng dạy tiếng Anh. Trong các trung tâm này, có tổ chức một số lớp học tiếng Nhật, nhưng số lượng học viên ít, không duy trì được lâu.

3. Đối với các trường chuyên nghiệp, dạy nghề:

a) Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 5 trường đào tạo đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) do tỉnh quản lý, gồm: trường Trung cấp Y tế, trường Trung cấp Công nghệ thông tin Bà Rịa- Vũng Tàu, trường Cao đẳng Sư phạm, trường Cao đẳng Cộng đồng, trường Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có 3 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, cụ thể như sau: trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cao đẳng nghề Dầu khí, Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, trung cấp nghề Hồng Lam, Trung cấp nghề Giao thông vận tải, Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn, Trung cấp nghề TM Computer.

b) Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật (50 sinh viên trong ngành Đông phương học), hiện có 200 sinh viên đang học tiếng Nhật. Tại trường Cao đẳng Sư phạm, sinh viên chuyên ngữ tiếng Anh được học thêm ngoại ngữ thứ 2 là tiếng Nhật, có 153 sinh viên đã học tiếng Nhật.

c) Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức dạy tiếng Nhật cho 300 học sinh học nghề, để làm việc cho các dự án do Nhật Bản đầu tư tại tỉnh, ngoài ra còn mở một số lớp tiếng Nhật cho học sinh của trường.

4. Một số khó khăn khi tổ chức giảng dạy tiếng Nhật ở các trường trên địa bàn tỉnh

a) Thiếu giáo viên dạy tiếng Nhật đạt chuẩn về trình độ đào tạo.

b) Trang thiết bị dạy học ngoại ngữ: Đa số các trường phổ thông đều chưa có phòng dạy - học ngoại ngữ chuyên biệt. Các thiết bị, đồ đùng dạy học, tài liệu tham khảo cho dạy học tiếng Nhật còn thiếu nên ảnh hưởng đến rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ, tổ chức các hoạt động học tập tích cực còn nhiều hạn chế.

c) Nhận thức của xã hội đối với việc học tiếng Nhật còn hạn chế.

5. Yêu cầu phát triển giảng dạy tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh

a) Trong những năm gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh, hai nước đã xác định là đối tác chiến lược. Riêng lĩnh vực kinh tế Nhật Bản là đối tác hàng đầu của nước ta. Chính phủ đã chỉ đạo Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong hai đơn vị tập trung thu hút đầu tư của Nhật Bản để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

b) Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 17 dự án đầu tư của Nhật Bản đang hoạt động, với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ Đô la Mỹ. Trong đó có 12 dự án trong khu công nghiệp và 5 dự án ngoài khu công nghiệp.

c) Theo dự báo của ngành Công Thương, trong giai đoạn 2013-2015 cần tuyển 2500 lao động làm việc trong các doanh nghiệp do Nhật Bản đầu tư vào các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

d) Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng Đề án phát triển dịch vụ Logistics. Để thực hiện đề án cần tuyển khoảng 20.000 lao động, trong đó số lao động làm việc trong các dự án do Nhật Bản đầu tư là khoảng 2500 người (theo số liệu của ngành Giao thông vận tải).

Từ những dự báo nói trên, chúng ta thấy việc phát triển giảng dạy tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là yêu cầu cấp thiết, để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hợp tác với Nhật Bản.

III. MỤC TIÊU:

Phát triển việc dạy và học tiếng Nhật trong hệ thống các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề, các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ và trong cán bộ, công chức, người lao động... trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm tạo nguồn nhân lực có năng lực sử dụng tiếng Nhật trong giao tiếp và trong công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và giao lưu, hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, tăng cường quan hệ với Nhật Bản, nhất là đối với các lĩnh vực Tỉnh đang ưu tiên phát triển như công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ Logistics, du lịch...

IV. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh ở một số trường Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thị xã Bà Rịa, huyện Tân Thành và thành phố Vũng Tàu, là môn ngoại ngữ thứ hai, tiến đến có thể là môn ngoại ngữ thứ nhất ở một số trường trong giai đoạn 2015-2020.

2. Giảng dạy tiếng Nhật cho cán bộ công chức và người lao động để họ có thể sử dụng được tiếng Nhật khi làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản. Phấn đấu để đến thời kỳ 2015-2020 tiếng Nhật trở thành công cụ giao tiếp chủ yếu trong sản xuất kinh doanh, du lịch, giao lưu văn hóa với Nhật Bản.

3. Phát triển việc dạy và học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh, để trong vòng 10 năm tới Bà Rịa-Vũng Tàu có thể trở thành một trung tâm mạnh về tiếng Nhật Bản.

V. GIẢI PHÁP:

1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Kế hoạch phát triển giảng dạy tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh” gồm đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Công thương... do một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếng Nhật trong cuộc sống, học tập và sản xuất, kinh doanh, trong điều kiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung đang đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản, xây dựng đối tác chiến lược với Nhật Bản.

3. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Nhật trong các trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút sự hợp tác giúp đỡ của các trường, trung tâm giảng dạy tiếng Nhật ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực; của các tổ chức, cá nhân người Nhật tham gia giảng dạy tiếng Nhật tại các trường phổ thông, các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ trong tỉnh.

4. Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích việc học tiếng Nhật trong các nhà trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, dạy nghề, trong cán bộ công chức, công nhân ở các khu công nghiệp; chính sách đãi ngộ thu hút đối với giáo viên giảng dạy tiếng Nhật.

5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên đầu tư cho các trường tổ chức dạy tiếng Nhật trong năm học 2012 - 2013. Trang bị sách giáo khoa, tài liệu và thiết bị phục vụ việc giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh phổ thông, cán bộ, công chức và người lao động.

6. Tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong việc giảng dạy tiếng Nhật, trước hết là hợp tác với trường Đại học Hyogo đào tạo giáo viên dạy tiếng Nhật.

7. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức và cá nhân mở các lớp giảng dạy tiếng Nhật theo nhu cầu của người học.

8. Xây dựng kế hoạch tuyển chọn cán bộ, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ tiếng Nhật ở Nhật Bản, để làm nòng cốt cho việc giảng dạy và quản lý dạy học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:

1. Đối với các trường THCS và THPT:

a) Nguồn kinh phí:

- Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia,

- Nguồn Ngân sách tỉnh,

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

* Tổng dự toán kinh phí thực hiện: 2 tỷ 975 triệu (Bằng chữ: Hai tỷ chín trăm bảy mươi lăm triệu đồng) Chưa tính chi phí sách giáo khoa (Có phụ lục 2 kèm theo).

2. Đối với các trung tâm GDTX và các cơ sở đào tạo ngoại ngữ khác:

Các đơn vị được thu học phí đảm bảo tự cân đối thu, chi.

3. Đối với các cán bộ công chức được cử đi học tiếng Nhật: Tỉnh cấp học phí theo chế độ cán bộ đi học.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Kế hoạch thực hiện: Kế hoạch được triển khai theo hai giai đoạn, cụ thể như sau:

1.1. Giai đoạn 1: từ năm 2012 đến năm 2014

1.1.1. Tổ chức giảng dạy tiếng Nhật theo nguyên tắc tự nguyện cho học sinh ở một số trường THPT trong tỉnh, như là ngoại ngữ thứ 2 theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, cụ thể như sau:

- Trong năm học 2012-2013, tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh lớp 10 ở 3 trường là THPT Phú Mỹ, huyện Tân Thành, THPT Châu Thành, Thị xã Bà Rịa và trường THPT Nguyễn Huệ, Thành phố Vũng Tàu, với thời lượng là 2 tiết/tuần. Số lớp 10 có dạy tiếng Nhật ở mỗi trường THPT là 5 lớp.

- Từ năm học 2013-2014 sẽ mở rộng thêm việc dạy và học tiếng Nhật đến các trường THPT khác trên địa bàn huyện Tân Thành, Thị xã Bà Rịa, Thành phố Vũng Tàu.

(Có kế hoạch cụ thể trong Phụ lục 1 kèm theo)

1.1.2. Tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho cán bộ, công chức, công nhân và người lao động trong tỉnh theo tài liệu, giáo trình phù hợp với yêu cầu giao tiếp và làm việc trong môi trường có người Nhật Bản, tại 05 cơ sở sau đây:

- Trường Cao đẳng Sư phạm và trường Chính trị tỉnh: giảng dạy tiếng Nhật cho đối tượng là cán bộ, công chức các Sở, ngành thuộc Tỉnh và công nhân, người lao động trên địa bàn Thị xã Bà Rịa.

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: giảng dạy tiếng Nhật cho cán bộ, công chức và người lao động ở Thành phố Vũng Tàu.

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Thành: giảng dạy tiếng Nhật cho đối tượng là cán bộ, công nhân và người lao động khu vực huyện Tân Thành.

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bà Rịa: giảng dạy tiếng Nhật cho đối tượng là cán bộ, công nhân và người lao động khu vực Thị xã Bà Rịa.

1.1.3. Tuyển chọn, bố trí giáo viên cơ hữu dạy tiếng Nhật cho học sinh ở các trường THPT triển khai dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 2, trong giai đoạn 2012-2015 bố trí ở mỗi trường 2 đến 3 giáo viên cơ hữu.

1.1.4. Tổ chức đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Nhật: căn cứ vào sự phát triển việc dạy và học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo và liên kết đào tạo giáo viên tiếng Nhật.

1.2. Giai đoạn 2: từ năm 2015 đến năm 2020

Từ 2015 đến 2020 dự kiến sẽ đưa việc giảng dạy tiếng Nhật thành ngoại ngữ 1 ở một số trường THPT và ngoại ngữ 2 ở một số trường THCS trên địa bàn Thành phố Vũng Tàu, Thị xã Bà Rịa và huyện Tân Thành.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các trường THCS và THPT tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh.

- Chỉ đạo các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức dạy tiếng Nhật theo nhu cầu của người học.

- Lập kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Nhật cho các trường THPT và Trung tâm GDTX tham gia giảng dạy tiếng Nhật.

- Lập kế hoạch liên kết đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Nhật.

- Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, trường Cao đẳng Sư phạm, cụ thể hóa nội dung Kế hoạch phát triển giảng dạy tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2012-2020 thành các chương trình, kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi toàn tỉnh theo từng năm, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với sở Nội vụ trong việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên tiếng Nhật đảm bảo đủ nhu cầu để triển khai kế hoạch. Trong năm học 2012-2013 bố trí ở 3 trường THPT thí điểm dạy tiếng Nhật mỗi trường 1 giáo viên. Các năm tiếp theo, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh để giao chỉ tiêu biên chế giáo viên dạy tiếng Nhật.

2.2. Sở Nội vụ

- Chủ trì phối hợp với trường Chính trị Tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo tiếng Nhật cho cán bộ công chức, trước mắt tập trung vào các ngành có liên quan đến hợp tác với Nhật Bản như: giao thông vận tải, công thương, du lịch,....

- Phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phân bổ biên chế, tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên tiếng Nhật đảm bảo đủ nhu cầu để triển khai Kế hoạch.

2.3. Sở Tài chính

Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối nguồn kinh phí từ vốn chương trình, mục tiêu quốc gia của Tỉnh, thẩm định và giao dự toán chi cho giáo viên cùng với dự toán hàng năm; phối hợp với các Sở, cơ quan liên quan phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chi kinh phí thực hiện Kế hoạch theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

2.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, xây dựng các kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.

2.5. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong hợp tác quốc tế về dạy và học tiếng Nhật.

2.6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò vị trí của tiếng Nhật đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.7. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Có kế hoạch phối hợp sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về việc phát triển dạy và học tiếng Nhật trong phạm vi toàn tỉnh.

2.8. Trường Cao đẳng Sư phạm

- Đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Nhật cho các trường THCS trong tỉnh. Liên kết với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Nhật cho các trường THPT, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, theo kế hoạch phát triển giảng dạy tiếng Nhật của Tỉnh.

- Hợp tác với trường Đại học Hyogo-Nhật Bản để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Nhật.

2.9. Các cơ sở giáo dục khác: Căn cứ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh, tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên cao đẳng đại học, để tạo nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ tiếng Nhật, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh.

 

PHỤ LỤC 1

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI GIẢNG DẠY TIẾNG NHẬT Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, GIAI ĐOẠN 2012-2015

STT

NĂM HỌC

ĐƠN VỊ THỰC HIỆN

SỐ LỚP

SỐ TIẾT/ TUẦN

SỐ GIÁO VIÊN

GHI CHÚ

1

2012-2013

THPT Châu Thành

5

2

1

 

THPT Phú Mỹ

5

2

1

 

THPT Nguyễn Huệ

5

2

1

 

cộng

 

15

 

3

 

2

2013-2014

THPT Châu Thành

10

2

2

 

 

 

THPT Phú Mỹ

10

2

2

 

 

 

THPT Nguyễn Huệ

10

2

2

 

 

cộng

 

30

 

6

 

3

2014-2015

THPT Châu Thành

15

2

2

 

 

 

THPT Phú Mỹ

15

2

2

 

 

 

THPT Nguyễn Huệ

15

2

2

 

 

 

THPT Bà Rịa

5

2

1

 

 

 

THPT Trần Hưng Đạo

5

2

1

 

 

 

THPT Đinh Tiên Hoàng

5

2

1

 

 

cộng

 

60

 

9

 

4

2015

Triển khai Ngoại ngữ 2 ở một số trường THCS tại Vũng Tàu, Bà Rịa, Tân Thành

 

 

 

Ngoài các trường THPT trên