ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2014/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 19 tháng 8 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2014/NQ-HĐND, ngày 16 tháng 7 năm 2014 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 886/TTr-SXD, ngày 05 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
I. Định hướng phát triển đô thị
1. Giai đoạn đến năm 2015: Có 09 đô thị
a) Đô thị loại III: Có 01 đô thị (thành phố Tây Ninh).
b) Đô thị loại IV: Có 02 đô thị (thị trấn Trảng Bàng, thị trấn Hòa Thành).
c) Đô thị loại V: Có 06 đô thị (thị trấn: Gò Dầu, Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu).
2. Giai đoạn 2016 - 2020: Có 14 đô thị
a) Đô thị loại III: Có 01 đô thị (thành phố Tây Ninh).
b) Đô thị loại IV: Có 03 đô thị (thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành, thị trấn Gò Dầu).
c) Đô thị loại V: Có 10 đô thị (gồm 05 thị trấn: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu; đô thị mới là Phước Đông - Bời Lời và 04 đô thị cửa khẩu: Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum).
3. Giai đoạn 2021 - 2025: Có 15 đô thị
a) Đô thị loại II: Có 01 đô thị (thành phố Tây Ninh).
b) Đô thị loại III: Có 02 đô thị (thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành).
c) Đô thị loại IV: Có 08 đô thị (gồm 06 thị trấn: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu; đô thị Phước Đông - Bời Lời; đô thị cửa khẩu Mộc Bài).
d) Đô thị loại V: Có 04 đô thị (gồm đô thị mới: Bình Thạnh; 03 đô thị cửa khẩu: Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum).
4. Giai đoạn 2026 - 2030: Có 19 đô thị
a) Đô thị loại II: Có 01 đô thị (thành phố Tây Ninh).
b) Đô thị loại III: Có 04 đô thị (thành phố Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành; đô thị Phước Đông - Bời Lời; đô thị mới Mộc Bài (gồm đô thị cửa khẩu Mộc Bài và thị trấn Bến Cầu)).
c) Đô thị loại IV: Có 07 đô thị (gồm 06 thị trấn: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bình Thạnh; đô thị cửa khẩu Xa Mát).
d) Đô thị loại V: Có 07 đô thị (gồm 03 đô thị mới: Chà Là, Tân Hưng, Tân Hòa; 04 đô thị cửa khẩu: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân, Vạc Sa).
II. Một số nhiệm vụ chủ yếu
1. Nhiệm vụ chung
a) Giai đoạn đến năm 2015:
- Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nâng loại 02 đô thị Trảng Bàng và Hòa Thành đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt trên 33%.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tập trung đầu tư phát triển đô thị Gò Dầu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Tận dụng nguồn lực, nguồn vốn của Trung ương đầu tư phát triển các đô thị cửa khẩu. Huy động và thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời tạo động lực hình thành đô thị mới Phước Đông - Bời Lời;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt trên 48%.
c) Giai đoạn 2021 - 2025:
- Tập trung đầu tư nâng loại thành phố Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành đạt tiêu chuẩn đô thị loại III. Phát triển, nâng loại đồng bộ các đô thị huyện lỵ: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu và đô thị cửa khẩu Mộc Bài đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 52%.
d) Giai đoạn 2026 - 2030:
- Giai đoạn phát triển bền vững của tỉnh với 19 đô thị phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hình thành thành phố Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và đô thị mới Mộc Bài (gồm đô thị cửa khẩu Mộc Bài và thị trấn Bến Cầu); các đô thị huyện lỵ được đồng bộ hóa hạ tầng đô thị;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 57%.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Hạ tầng xã hội đô thị:
- Xây dựng quy chế quản lý đô thị, quản lý xây dựng trong đô thị phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại;
- Từng bước nâng cao chất lượng nhà ở, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo đến năm 2020 các khu nhà ở đô thị có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn quy định;
- Cải tạo, chỉnh trang không gian xanh trong khuôn viên công trình công cộng, công trình kiến trúc, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các không gian kiến trúc đô thị.
b) Hạ tầng kỹ thuật đô thị:
- Hệ thống giao thông đô thị:
+ Gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông Quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để tỉnh Tây Ninh tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng và quốc tế;
+ Phát triển mạng lưới giao thông vận tải công cộng tại các đô thị;
+ Tăng mật độ đường đô thị, từng bước đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông nội thị theo tiêu chuẩn quy định.
- Hệ thống cấp nước đô thị:
+ Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước phù hợp với tốc độ phát triển của các đô thị;
+ Hạn chế việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, nghiên cứu xây dựng giải pháp cấp nước từ nguồn nước mặt.
- Hệ thống thoát nước đô thị:
+ Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa đảm bảo không để úng ngập trong các đô thị;
+ Tăng cường phục hồi và cải tạo lòng sông, hồ, kênh mương trong đô thị tạo cảnh quan và môi trường sinh thái bền vững, xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra sông, hồ, kênh mương;
+ Từng bước áp dụng công nghệ mới trong việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để phục vụ nhu cầu cấp nước đô thị (sản xuất, tưới cây, rửa đường …).
- Hệ thống cấp điện và chiếu sáng đô thị:
+ Từng bước thực hiện ngầm hóa các tuyến cấp điện trên các trục đường phố chính trong đô thị;
+ Hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị đảm bảo chất lượng, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng mới tiết kiệm điện.
- Quản lý chất thải rắn đô thị, nghĩa trang:
+ Xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác hiện hữu không theo quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường; từng bước thực hiện việc thu gom và phân loại chất thải rắn tại nguồn; tập trung đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp tỉnh và cấp huyện phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt;
+ Khuyến khích đầu tư và sử dụng hình thức hỏa táng; các đô thị có định hướng và dành quỹ đất để xây dựng các nghĩa trang tập trung phù hợp với quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt.
- Hạ tầng thông tin truyền thông:
+ Đảm bảo phát triển hạ tầng thông tin, truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thuận lợi, nhanh chóng;
+ Từng bước ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trên các trục đường phố chính, các dự án khu dân cư xây dựng mới trong đô thị.
- Hệ thống cây xanh cảnh quan, công viên đô thị:
+ Đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí cho nhân dân;
+ Chỉnh trang và trồng mới cây xanh đường phố.
III. Nguồn vốn thực hiện
Dự kiến cơ cấu các nguồn vốn đầu tư phát triển nâng cấp đô thị bao gồm:
- Nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư phát triển phục vụ nâng cấp đô thị;
- Nguồn vốn ngân sách do Trung ương đầu tư;
- Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển (ODA, WB, …);
- Nguồn vốn đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp nước ngoài, trong nước và Nhân dân (BOT, BT, PPP…).
IV. Giải pháp thực hiện chương trình
1. Giải pháp về vốn
- Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng, phát triển kinh tế cửa khẩu;
- Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thực hiện chương trình, dự án giai đoạn 2011-2015 đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua; các dự án trọng điểm kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp tỉnh, các chương trình, dự án tạo động lực phát triển các trọng điểm đô thị: Thành phố Tây Ninh, các đô thị Trảng Bàng, Hòa Thành, Bến Cầu, và Gò Dầu; các dự án thuộc kế hoạch nâng loại đô thị;
- Nghiên cứu các chương trình, dự án đặc thù có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hoặc sử dụng vốn từ các tổ chức tài chính trong nước hoặc quốc tế như ADB, WB;
- Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án thuộc chương trình kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ODA, vốn doanh nghiệp bằng nhiều phương thức: BOT, BT, PPP...;
- Phát huy nguồn vốn xã hội hóa để nâng cao chất lượng sống trong các khu dân cư. Vận động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực và phát triển hạ tầng đô thị.
2. Giải pháp xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch
- Hoàn chỉnh các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị hiện hữu cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đô thị, định hướng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư;
- Ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch, trong đó quan tâm đến giải pháp công bố quy hoạch xây dựng để nhân dân biết thực hiện;
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch đô thị trên địa bàn toàn tỉnh;
- Kiểm tra, rà soát lại tất cả các đồ án quy hoạch đô thị đã thực hiện; thống kê các vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
3. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách
- Tổng kết, đánh giá để sửa đổi hoặc ban hành các chính sách đặc thù của địa phương: Về bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngành nghề một cách đồng bộ, nhất quán, bảo đảm mức sống của người dân tái định cư cao hơn nơi ở cũ; cơ chế tạo quỹ đất trong khu đô thị, khu dân cư để phục vụ tái định cư, giải quyết cho gia đình chính sách, hộ nghèo; cơ chế bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu bồi thường, giải phóng mặt bằng;
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn ven đô thị, từng bước chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp;
- Chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư để phát triển đô thị.
4. Giải pháp tập trung phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu quản lý phát triển đô thị, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững;
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong các đô thị. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm công dân trong việc xây dựng, bảo vệ và góp phần quản lý, phát triển đô thị. Chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề về việc làm, nhà ở, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020
- 2 Quyết định 2836/QĐ-UBND năm 2014 duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030
- 3 Quyết định 338/2014/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030
- 4 Nghị quyết 14/2014/NQ-HĐND về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030
- 5 Nghị quyết 116/NQ-HĐND năm 2014 về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030
- 6 Quyết định 1998/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến năm 2020
- 7 Quyết định 108/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 8 Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Luật xây dựng 2003
- 1 Quyết định 1998/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 116/NQ-HĐND năm 2014 về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030
- 3 Quyết định 338/2014/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030
- 4 Quyết định 108/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 5 Quyết định 2836/QĐ-UBND năm 2014 duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030
- 6 Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020