Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5551/TTr-UBND ngày 24/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 (kèm theo Chương trình), gồm các nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu cụ thể:

a) Xây dựng hệ thống đô thị theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo theo 49 tiêu chí quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị và gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Năm 2015: Có 11 đô thị, trong đó có 01 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I (Biên Hòa), 02 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Khánh, Nhơn Trạch), 01 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV (Trảng Bom) và 07 đô thị loại V (đô thị Long Thành, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 40 - 45%.

c) Năm 2020: Có 11 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 01 đô thị cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại II (Nhơn Trạch), 01 đô thị loại III (thị xã Long Khánh), 02 đô thị loại IV (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và 6 đô thị loại V (đô thị Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 50 - 60%.

d) Năm 2030: Có 17 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 02 đô thị loại II (Long Khánh, Nhơn Trạch), 02 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Thành, Trảng Bom), 07 đô thị loại IV (đô thị Bình Sơn, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú) và 05 đô thị loại V (đô thị Phước Thái, Thạnh Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 60 - 70%.

2. Nội dung của chương trình

a) Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng

- Chương trình dự án trọng điểm giao thông cấp vùng: Kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thực hiện hoàn chỉnh dự án đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai III, IV,... Hạ tầng kết nối hai đô thị lớn của tỉnh là thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch với các trung tâm huyện lỵ; các tuyến giao thông kết nối các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp với các tuyến đường cao tốc, như cầu An Hảo (Biên Hòa), đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh Tỉnh lộ 25A (ĐT 769, đoạn từ Bến phà Cát Lái đến ngã 3 Quốc lộ 51), nâng cấp mở rộng đường 25C, …;

- Chương trình dự án trọng điểm giao thông cấp huyện: Kết nối các trung tâm huyện lỵ.

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối cấp điện: Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, trung tâm hành chính, thương mại. Ưu tiên triển khai các dự án xây mới và nâng công suất trạm cấp điện đầu mối (trạm 500/220KV, trạm 220/110KV); xây dựng các tuyến cao thế liên kết các trạm 500KV, 220KV, 110KV.

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối cấp nước: Xây dựng và nâng cấp các nhà máy nước liên vùng, ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2, công suất 100.000m3/ngày; hệ thống cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 2 nâng công suất lên 200.000m3/ngày,...

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối thoát nước thải: Gồm các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, tuyến thoát nước kết nối thoát nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư. Tập trung đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị thuộc thành phố Biên Hòa. Một số tuyến thoát nước cấp bách thuộc địa bàn Nhơn Trạch để kết nối thoát nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư và các dự án kết nối thoát nước thuộc các địa phương khác trong tỉnh như dự án Trạm xử lý nước thải giai đoạn 01 công suất 16.000m3/ngày đêm huyện Nhơn Trạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1, hệ thống thoát nước từ cầu Suối Cạn ra rạch Cái Sình thuộc huyện Nhơn Trạch, hệ thống thoát nước thải tập trung thị trấn Trảng Bom giai đoạn 01, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Vĩnh An giai đoạn 01.

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối quản lý chất thải rắn và nghĩa trang cấp vùng.

b) Xây dựng mạng lưới đô thị

- Giai đoạn đến 2015: Tập trung các nguồn lực phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất của 04 đô thị động lực của tỉnh là: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư, phát triển các đô thị động lực của tỉnh và đô thị Long Thành gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Cải tạo, nâng loại 08 đô thị: Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Định Quán, Tân Phú và từng bước xây dựng, hình thành mới 6 đô thị là: Bình Sơn, Phước Thái, Thạch Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà.

3. Nhu cầu vốn đầu tư, dự kiến cơ cấu nguồn vốn và các giải pháp về vốn

a) Nhu cầu vốn của chương trình: Khoảng 440 nghìn tỷ đồng.

- Phân theo giai đoạn thực hiện:

+ Giai đoạn đến năm 2020          : Khoảng 178 nghìn tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2021 - 2030             : Khoảng 262 nghìn tỷ đồng.

- Phân theo lĩnh vực:

+ Hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng: Khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

+ Mạng lưới đô thị: Khoảng 253,0 nghìn tỷ đồng.

b) Dự kiến, cơ cấu nguồn vốn

- Nguồn vốn ngân sách địa phương: Khoảng 41 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8 - 9,3%.

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương: Khoảng 12 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,0 - 2,7%.

- Nguồn vốn đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp khoảng 178 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39,0 - 40,5%.

- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài: Khoảng 200,0 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 45,0 - 47,0%.

- Các nguồn vốn khác khoảng 9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,0 - 2,0%.

c) Về giải pháp nguồn vốn

- Nguyên tắc sử dụng các nguồn vốn

+ Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thực hiện các chương trình, dự án xây dựng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua giai đoạn 2011-2015; các dự án trọng điểm kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp tỉnh, các chương trình, dự án tạo động lực phát triển các đô thị trọng điểm: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành; các dự án thuộc kế hoạch nâng loại và nâng cấp đô thị;

+ Nghiên cứu các chương trình, dự án đặc thù có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hoặc sử dụng vốn từ các tổ chức tài chính trong nước hoặc quốc tế như ADB, WB, …;

Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án thuộc Chương trình kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ODA, vốn doanh nghiệp bằng nhiều phương thức: BOT, BT, PPP,...;

+ Phát huy nguồn vốn xã hội hóa để tăng cường chất lượng sống trong các khu dân cư. Vận động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực vào phát triển hạ tầng đô thị: Tạo quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng, trồng và chăm sóc cây xanh ở nơi cư trú, tham gia đóng góp vật liệu, ngày công vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, đường khu dân cư, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng ngõ phố,…;

- Nội dung và khu vực ưu tiên đầu tư

+ Giai đoạn đến năm 2015:

Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom.

Nội dung ưu tiên đầu tư: Các dự án đầu tư xây dựng thuộc Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; lập chương trình phát triển đô thị và đề án nâng loại đô thị thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom; đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng đô thị nhằm nâng cấp thành phố Biên Hòa lên đô thị loại I, Long Khánh lên đô thị loại III, Trảng Bom lên đô thị loại IV, tiếp tục đầu tư đô thị mới Nhơn Trạch.

+ Giai đoạn 2016 - 2020:

Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành.

Nội dung ưu tiên đầu tư: Lập các quy hoạch phân khu các đô thị thuộc khu vực ưu tiên; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng và các công trình hạ tầng chính các đô thị trên địa bàn tỉnh; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ cấp vùng; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; mạng lưới hạ tầng đô thị chuẩn bị kế hoạch nâng cấp và nâng loại các đô thị: Nhơn Trạch lên đô thị loại II; Long Thành lên đô thị loại IV. Nâng cấp Long Khánh lên thành phố và Long Thành, Trảng Bom lên thành thị xã.

+ Giai đoạn 2021 - 2025:

Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, các đô thị: Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú.

Nội dung ưu tiên đầu tư: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng và các công trình hạ tầng chính các đô thị; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị, lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án nâng loại đô thị; đầu tư cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và hoàn thiện hạ tầng dân cư các đô thị Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú lên đô thị loại IV; Lập quy hoạch xây dựng các đô thị mới Bình Sơn, Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà.

+ Giai đoạn 2026 - 2030:

Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, các đô thị mới Bình Sơn, Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà.

Nội dung ưu tiên đầu tư: Đầu tư xây dựng các đô thị mới Bình Sơn lên đô thị loại IV; Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà lên đô thị loại V; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị, lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án nâng loại đô thị; đầu tư cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và hoàn thiện hạ tầng dân cư các đô thị Long Thành và Trảng Bom đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại III và thành lập thành phố; triển khai dự án môi trường và biến đổi khí hậu.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định pháp luật triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 (tiến hành phê duyệt, công bố Chương trình và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật). Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2014./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (A+B);
- Văn phòng Chính phủ (A+B);
- Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND,UBND cấp huyện;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Báo Đồng Nai, LĐLĐ; Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Tư