Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2006/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH QUẢNG NGÃI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Mặt trận, Đoàn thể thuộc tỉnh, Giám đốc Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Kim Hiệu

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH QUẢNG NGÃI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24 /2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

A. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

I. Mục tiêu:

- Ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội;

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và của công dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Làm căn cứ cho các cấp, các ngành, các đơn vị xây dựng Kế hoạch hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã và từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.

II. Yêu cầu:

- Trên cơ sở quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, xây dựng và ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương để hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt Luật, Nghị định, hướng dẫn của Trung ương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc phạm vi được điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Thực hiện ngay và có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2006.

B. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

I. Rà soát, ban hành các văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật, Nghị định và các quy định của Trung ương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để đảm bảo thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

1. Các đơn vị trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành mình, cấp mình tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để lập kế hoạch bổ sung, sửa đổi trình cấp có thẩm quyền ban hành, loại bỏ các quy định không phù hợp với yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định không chặt chẽ, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên.

2. Đối với những văn bản Trung ương chuẩn bị ban hành (quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), yêu cầu các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên hệ chức năng nhiệm vụ của cấp mình, cơ quan, đơn vị mình nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành để triển khai thực hiện theo đúng quy định của Trung ương.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện nhiệm vụ trên; chậm nhất đến ngày 31 tháng 7 năm 2006 hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh việc rà soát, điều chỉnh các văn bản hiện hành.

II. Tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa-Thông tin, Đài Phát thanh

- Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch, phối hợp với UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phê phán, lên án các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí.

2. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của UBND tỉnh, của địa phương mình, ngành mình, đơn vị mình đến từng cán bộ, công chức, viên chức, hội viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Chậm nhất đến ngày 31/5/2006 phải hoàn tất việc tổ chức phổ biến, học tập, triển khai quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên toàn tỉnh.

III. Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm chống lãng phí:

Để có cơ sở cho việc thực hiện cũng như kiểm tra đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý các vi phạm, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức tổng rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và tài sản công khác; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để trình cấp có thẩm quyền hủy hoặc điều chỉnh những quy định không phù hợp, nhằm tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

2. Quản lý nghiêm ngặt việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành; công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật để tạo điều kiện cho việc giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Thời gian chậm nhất đến ngày 31 tháng 7 năm 2006 các đơn vị phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh việc rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức hiện hành thuộc lĩnh vực do ngành mình, cơ quan đơn vị mình theo dõi, quản lý.

IV. Thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước phải thực hiện công khai và hình thức công khai theo đúng quy định của pháp luật, trước hết tập trung thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao; công khai mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại; công khai quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và các tài sản khác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức.

2. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai (về hình thức và những nội dung công khai) để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, đưa công tác công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước.

V. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1. Kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành của các Sở, Ban, ngành, thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thanh tra tỉnh. Đây là biện pháp để phát hiện, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Năm 2006, công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí tập trung vào 7 lĩnh vực sau:

a) Quản lý, sử dụng đất đai;

b) Các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

c) Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng;

d) Các Chương trình mục tiêu và Chương trình Quốc gia;

đ) Quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, viện trợ, tài trợ của nước ngoài;

e) Mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại;

g) Mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc;

Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác thanh tra hành chính trong những lĩnh vực nêu trên nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời có kế hoạch kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh kết quả thanh tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại phiên họp 6 tháng và cuối năm.

3. Để thực hiện tốt công tác trên, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

a) Chỉ đạo các đơn vị trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình xử lý dứt điểm các vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phát hiện qua kiểm tra, thanh tra những năm qua;

b) Kịp thời xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, thời gian lao động, tài nguyên thiên nhiên và việc xử lý các hành vi vi phạm đó;

c) Đối với trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì đề xuất gửi Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý kịp thời.

d) Đối với những vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm, kiên quyết chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.

VI. Tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực:

1. Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước:

Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải:

a) Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được giao theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế quản lý tài chính mới để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, phải chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính gắn với tự chịu trách nhiệm theo quy định của Chính phủ; đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá đối với các lĩnh vực sự nghiệp;

c) Rà soát các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tập trung bố trí ngân sách nhà nước cho những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cần ưu tiên đề tài đã được cấp có thẩm quyền tuyển chọn và phê duyệt. Thực hiện đình chỉ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ triển khai không đúng tiến độ, không có hiệu quả. Thực hiện cơ chế đấu thầu tuyển chọn đơn vị thực hiện đề tài. Riêng đối với các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thì thực hiện theo cơ chế khoán kinh phí đối với phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp các ngành liên quan báo cáo và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh việc tổ chức thực hiện các nội dung này.

d) Rà soát, bảo đảm các điều kiện để thực hiện các chương trình mục tiêu theo đúng tiến độ quy định và có hiệu quả; tổ chức lồng ghép các chương trình có cùng tính chất, thực hiện trên cùng một địa bàn; giảm chi phí quản lý chương trình, chi phí trung gian, tập trung kinh phí chương trình cho đối tượng được thụ hưởng theo quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình này và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

đ) Năm 2006, tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện và hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm khớp đúng dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cả về tổng mức và chi tiết. Giao Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả phân bổ dự toán của các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thực hiện điều chỉnh, cắt giảm dự toán chi của đơn vị đối với những khoản ngân sách chưa được phân bổ. Việc bổ sung ngân sách ngoài dự toán được giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với tất cả các cơ quan hành chính; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định của Chính phủ. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành liên quan triển khai trong quý II/2006.

- Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp và các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức việc rà soát, bố trí, sắp xếp lại số phương tiện đi lại hiện có theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định, thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu; chậm nhất đến ngày 31/5/2006 hoàn thành và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Việc mua sắm ô tô cho các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng tiêu chuẩn định mức và các quy định của Chính phủ; việc trang bị phương tiện làm việc hoặc mua sắm trang thiết bị đắt tiền phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành của nhà nước và phải được công khai về chủ trương, quy trình và giá cả.

e) Việc tổ chức lễ kỷ niệm, lễ hội, hội thi, hội nghị sơ kết, tổng kết năm phải lồng ghép và phải có nội dung thiết thực, chương trình, đối tượng, thời gian địa điểm phải phù hợp, từng bước xã hội hóa việc tổ chức các hội thi, lễ hội… để nâng cao hiệu quả, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức không được sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để chi tiếp khách, quà biếu, quà tặng không đúng chế độ quy định.

g) Việc đi tham quan, học tập nước ngoài phải có nội dung thiết thực, không trùng lắp, đúng thành phần. Giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm rà soát đối tượng, nội dung của các đoàn đi công tác nước ngoài từ ngân sách nhà nước trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trên tinh thần triệt để tiết kiệm, hiệu quả.

2. Quản lý đầu tư xây dựng:

Cơ cấu vốn đầu tư chiếm khá lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước và việc quản lý rất phức tạp nên UBND tỉnh xác định việc chống lãng phí trong đầu tư xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chấp hành tốt quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong công tác đầu tư tại Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng chính phủ; Quyết định 12/2006/QĐ-UB ngày 10/02/2006 của UBND tỉnh; Chỉ thị số 12/2005/CT UBND ngày 22/6/2005 của UBND tỉnh về chấn chỉnh trong công tác đấu thầu; đồng thời thực hiện nghiêm các công tác sau:

a) Về công tác quy hoạch: Yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phù hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng, thực hiện công khai, tăng cường và nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát trong việc lập và quản lý thực hiện quy hoạch.

b) Về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư: Cấp có thẩm quyền duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cần kiên quyết không phê duyệt các dự án đầu tư trái với quy hoạch đã được duyệt, không xác định rõ hiệu quả và nguồn vốn, chưa sát với yêu cầu thiết thực của ngành, địa phương. Người quyết định đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật khi quyết định những dự án đầu tư sai, gây thất thoát lãng phí tiền và tài sản của nhà nước.

c) Về bố trí vốn đầu tư phải tập trung, có trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn của năm kế hoạch và những năm tiếp theo; kiên quyết không bố trí danh mục và kế hoạch vốn đầu tư đối với các dự án chưa đầy đủ thủ tục theo các quy định về đầu tư và xây dựng. Vốn phân bổ phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

d) Đối với chủ đầu tư: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng, tiến độ xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về thanh quyết toán, kiểm toán đối với công trình, dự án. Từng bước tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án và Giám đốc điều hành là người có đủ về điều kiện năng lực, phù hợp với từng loại và cấp công trình theo quy định. Trường hợp không đủ năng lực quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thuê Tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

Nâng cao tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, đảm bảo mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh công bằng và đạt hiệu quả kinh tế, khuyến khích áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Quy định chặt chẽ điều kiện năng lực và chế tài xử lý đối với nhà thầu khi tham gia đấu thầu.

đ) Công tác giám sát đánh giá đầu tư: Các ngành, các địa phương, các chủ đầu tư, chủ dự án phải tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa bàn do mình quản lý theo Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ. Không được phê duyệt điều chỉnh đối với các dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định; không được ghi vốn kế hoạch năm sau nếu không có đầy đủ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư năm trước. Dự án chỉ được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư khi thực hiện đầy đủ các quy định giám sát, đánh giá đầu tư.

e) Thực hiện rà soát các tổ chức tư vấn về năng lực chuyên môn, bảo đảm tổ chức tư vấn phải hoạt động độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về chất lượng công tác tư vấn.

g) Tăng cường công tác giám sát đầu tư, tổ chức kiểm tra giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, tăng cường công tác thanh tra theo hệ thống thanh tra chuyên ngành và Thanh tra tỉnh, tăng cường sự giám của sát Hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn thể, các cơ quan ngôn luận và cộng đồng nhân dân đối với hoạt động đầu tư.

h) Các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác nghiệm thu công trình đảm bảo đúng khối lượng và chất lượng, đồng thời lập quyết toán vốn đầu tư gửi cơ quan tài chính thẩm tra theo đúng quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10 của tháng đầu quý sau (đối với báo cáo quý) và trước ngày 10/9 hàng năm (đối với báo cáo năm), đồng thời gửi Sở Tài chính để tổng hợp chung.

Giao Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, Ngành liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phương án tách các đơn vị tư vấn đầu tư và xây dựng để chuyển sang hoạt động độc lập; đồng thời trên cơ sở quy định của Bộ Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình của địa phương, bảo đảm nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ:

a) Đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm thực hành tiết kiệm.

Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi quản lý của mình thực hiện việc kiểm tra, rà soát diện tích đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ đang quản lý để bố trí sử dụng hợp lý, đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ không cấp thêm đất, không bố trí vốn xây dựng trụ sở làm việc khi chưa hoàn thành việc sắp xếp sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, diện tích đã có.

b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước thực hiện rà soát diện tích sử dụng đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị tài sản của đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 13/2006/NĐ-CP ngày 24/01/2006 của Chính phủ.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm bảo toàn quỹ đất được giao, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

c) Năm 2006, thực hiện bố trí sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên phạm vi toàn tỉnh theo nguyên tắc: thu hồi diện tích trụ sở làm việc sử dụng không đúng mục đích được giao để thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phương án xử lý trước ngày 30/9/2006.

4. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên:

Các Sở, ngành và địa phương được giao quản lý các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm soát xét lại quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng từng loại tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên: đất, nước, rừng, khoáng sản để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, ban hành các quy chế, quy định về tái tạo, bảo vệ, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện nội dung trên, tổng hợp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/9/2006; đồng thời căn cứ vào những quy định, hướng dẫn của trung ương và tình hình cụ thể của địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tái chế, tái sử dụng tài nguyên và các nguồn năng lượng có thể tái tạo được để thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường sinh thái.

5. Đào tạo, quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước:

a) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các ngành liên quan phải soát xét lại các quy định về đào tạo, quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; hạn chế tối đa tình trạng mất cân đối giữa đào tạo với sử dụng, tuyển dụng không phù hợp với nhu cầu sử dụng; sử dụng cán bộ, công chức, viên chức không đúng với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, không phát huy hết năng lực, sở trường, lãng phí thời gian, nguồn lực lao động;

b) Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước xây dựng cơ cấu ngạch công chức, viên chức hợp lý để sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có; thực hiện tinh giản biên chế đối với các cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và vi phạm kỷ luật lao động;

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình đào tạo, sử dụng đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao, nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của Khu kinh tế Dung Quất, thị trường lao động trong và ngoài nước;

d) Từ năm 2006 trở đi, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước phải tăng cường việc giám sát thực hiện các quy chế, nội quy về kỷ luật lao động, đặc biệt là các quy định về sử dụng thời gian lao động;

đ) Sở Nội vụ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh phát động phong trào “Tám giờ làm việc có chất lượng, hiệu quả” trong cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật giờ giấc làm việc.

6. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại công ty nhà nước:

a) Các doanh nghiệp nhà nước căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của Nhà nước xây dựng, ban hành các cơ chế, quy chế, các định mức, tiêu chuẩn, chế độ để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được Nhà nước giao;

b) Các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính theo đúng quy định của nhà nước nhằm phát hiện kịp thời, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên thiên nhiên;

c) Các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực được nhà nước giao; giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước trong việc quyết định đầu tư, bảo lãnh vay, phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê theo thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định số 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước; giám sát việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế ký kết trong đầu tư xây dựng, sản xuất - kinh doanh và về chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty nhà nước.

7. Đối với sản xuất và tiêu dùng của nhân dân:

a) Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, dành nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động mua công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa.

- Triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các đoàn thể, tổ chức quần chúng, các thôn, xóm, ấp, bản, làng, cụm dân cư; tập trung vào việc xây dựng nếp sống mới, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gây lãng phí; phê phán các biểu hiện xa hoa lãng phí trong xã hội; đưa kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí thành nội dung xem xét đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thành viên của mỗi tổ chức.

b) Căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hoá Thông tin về triển khai quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định tại Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hoá Thông tin đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh kế hoạch thực hiện Quy chế này của địa phương, thời gian chậm nhất 30 ngày sau khi có hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thông tin.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Chương trình hành động này, Thủ trưởng Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể của mình. Trong Kế hoạch hành động của mỗi cấp, mỗi ngành cần nêu cụ thể những công tác phải triển khai thực hiện theo lĩnh vực quản lý của ngành, cấp mình (trong phạm vi toàn tỉnh hoặc toàn huyện theo yêu cầu của chương trình hành động của tỉnh) và các biện pháp thực hành tiết kiệm tại nội bộ cơ quan, đơn vị. Trong đó cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến ngay trong năm 2006; quy định cụ thể thời hạn thực hiện và hoàn thành; phân công người chịu trách nhiệm từng khâu công việc; hàng quý kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện và gửi báo cáo cho Thanh tra tỉnh (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, trên cơ sở đó thông báo công khai kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh và Kế hoạch hành động cụ thể của cấp mình, ngành mình, gửi cho Thanh tra tỉnh (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng) trước ngày 31 tháng 8 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính./.