Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2014/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 03 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 251/TTr-SNN ngày 12/9/2014 và Báo cáo thẩm định số 218/BC-STP ngày 09/9/2014 của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 05/10/2011 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy và TT. HĐND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Báo, Đài, Cổng TTĐT tỉnh (đăng, phát nội dung);
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- CV các khối (VIC);
- Lưu: VT, Ktr03/10.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường và UBND các cấp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ được sử dụng trong quy định này được hiểu như sau:

1. Sên, vét cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản: Là hoạt động đưa lượng đất bùn, mùn bã hữu cơ hình thành trong quá trình nuôi thủy sản ra khỏi ao nuôi.

2. Phương pháp sên, vét cải tạo ao, đầm bằng thủ công: Là phương pháp cải tạo bằng sức người với công cụ gàu, len, giá, vật chứa bùn khác...

3. Phương pháp sên, vét cải tạo ao, đầm bằng cơ giới: Là phương pháp dùng các phương tiện có động cơ để sên, vét cải tạo ao đầm như xáng dây, cần cuốc, máy khoan, máy bơm hút bùn...

4. Chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, giao rừng để sản xuất, kinh doanh rừng.

Điều 4 Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Xả, thải trực tiếp đất, bùn khi sên, vét hoặc nước thải chưa được lắng trong ra sông, kênh, rạch.

2. Sử dụng các phương tiện, công cụ để sên, vét bùn, đất không đúng với phương tiện, công cụ khi đăng ký.

3. Lợi dụng việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản để lấn chiếm, mở rộng diện tích ao, đầm trái phép.

4. Lợi dụng quyền hạn cản trở hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trái pháp luật.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC SÊN, VÉT CẢI TẠO AO, ĐẦM

Điều 5. Điều kiện để được sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm

1. Có bố trí khu chứa bùn thải và các chất thải khác phù hợp, đảm bảo chứa đủ lượng bùn thải, chất thải khác của quá trình sên, vét và giữ nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài.

2. Có công cụ sên, vét phù hợp với phương pháp sên, vét đăng ký.

Điều 6. Thời gian sên, vét đất, bùn

1. Hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản được thực hiện quanh năm.

2. Đối với các địa bàn giáp ranh với tỉnh khác: UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) quyết định thời gian cụ thể, đảm bảo việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản không tác động xấu đến môi trường vùng nuôi của các khu vực lân cận và ảnh hưởng chung đến cả vùng nuôi.

Các cơ quan chức năng về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp UBND cấp xã thống nhất với UBND địa phương của tỉnh giáp ranh về thời điểm cho sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm.

Điều 7. Trình tự, thủ tục sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản bằng cơ giới làm Giấy đề nghị gửi UBND cấp xã nơi có ao, đầm cần sên, vét cải tạo (Phụ lục).

2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá điều kiện thực tế của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và xác nhận cho phép sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không cho phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Thành phần đoàn kiểm tra: Đại diện UBND cấp xã, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã và đại diện ấp, khóm sở tại. Đối với diện tích sên, vét, cải tạo của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ấp, khóm được giao đất, giao rừng sản xuất, kinh doanh rừng, thành phần đoàn kiểm tra phải có kiểm lâm địa bàn xã.

3. Đối với diện tích sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm thuộc lâm phần do các Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp hoặc các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng khác:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký với tiểu khu hoặc phân trường. Tiểu khu hoặc phân trường tổ chức kiểm tra, đề xuất lãnh đạo đơn vị cho thực hiện.

- Sau khi cho phép sên, vét, Chủ rừng phải thông báo cho UBND cấp xã biết để phối hợp theo dõi, kiểm tra.

4. Trường hợp sên vét bằng phương pháp thủ công không phải xin phép; nhưng khi thực hiện phải đảm bảo không để bùn, đất, chất thải khác trong ao, đầm chưa được xử lý thoát ra môi trường bên ngoài; đồng thời phải báo cáo UBND cấp xã hoặc tiểu khu, phân trường (nếu diện tích sên, vét nằm trong lâm phần của các đơn vị, tổ chức quản lý rừng).

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, quản lý nuôi trồng thủy sản:

1. Phối hợp với các sở, ngành, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản và các quy định khác có liên quan đến bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

2. Hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bố trí khu chứa bùn thải và các chất thải đảm bảo yêu cầu không cho chất thải thoát ra môi trường bên ngoài; công bố lịch thời vụ sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm cho từng vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và diễn biến thời tiết để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn thời điểm sên, vét, cải tạo ao, đầm.

Điều 9. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Điều 10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau (gọi chung là UBND cấp huyện)

1. Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành về Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với các ngành có liên quan quản lý hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trông thủy sản trên địa bàn của địa phương quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hỗ trợ UBND cấp xã thống nhất thời điểm, phương pháp sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm ở các địa bàn giáp ranh với các địa phương của tỉnh khác.

2. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thực hiện đúng nội dung của Quyết định này và các quy định khác có liên quan.

Điều 11. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.

2. Giám sát các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng; lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định pháp luật,

Điều 12. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nuôi trồng thủy sản

1. Tuân thủ nghiêm quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Trước khi sên, vét phải thông báo cho các hộ xung quanh khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chủ động trong sản xuất và phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

2. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, nếu có hành vi vi phạm các quy định này gây thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Xử lý vi phạm

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy định này; định kỳ báo cáo tình hình và kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

PHỤ LỤC

MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
(Kèm theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 của UBND tỉnh Cà Mau)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày …… tháng …… năm……

GIẤY ĐỀ NGHỊ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Kính gửi: UBND xã (phường, thị trấn) hoặc Chủ rừng:……………………………….

Tôi tên……………………………………………..năm sinh:..........................................

Đơn vị (nếu là tổ chức):..............................................................................................

Chức vụ (nếu là đại diện cho tổ chức):......................................................................

Địa chỉ thường trú:.....................................................................................................

Giấy CMND số:……………………cấp ngày…………………, nơi cấp:.......................

Đề nghị UBND xã xem xét cho phép tôi (đơn vị) sên, vét cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, như sau:

- Địa điểm sên vét: Lô………….khoảnh………..Tiểu khu………..Phân trường (Ban QL)………. ………………………………(nếu thuộc phạm vi lâm phần).

Ấp………………….xã (phường, thị trấn)…………………………huyện........................

Phương pháp sên vét:.................................................................................................

Thời gian sên vét: Từ ngày……./…../ năm 20…… đến ngày……./……./năm 20…..

Dụng cụ sên vét:..........................................................................................................

Tôi xin cam đoan (đơn vị, hộ gia đình) đã bố trí khu chứa bùn, đất, nước thải theo đúng quy định.

 

 

 

Người đề nghị
(ký và ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức ghi rõ chức vụ và đóng dấu)

UBND xã (phường, thị trấn) hoặc Chủ rừng (là tổ chức quản lý diện tích đất lâm phần)

 

 

..................................................................................................................................

..................................................................................................................................

 

 

TM.UBND xã (TT) hoặc
GIÁM ĐỐC (TRƯỞNG BAN QL)

(ký tên, đóng dấu)