Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2535/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 21 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG THỜI KỲ MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới,

Xét Tờ trình số 472/TTr-SNV, ngày 13/10/2016 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là “Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lữ Quang Ngời

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG THỜI KỲ MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng, đảm bảo tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo mục tiêu của Đề án.

2. Yêu cầu

a) Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước;

b) Bảo đảm tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh nhưng không tăng số lượng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Tiếp tục triển khai Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; nâng tỷ lệ tuyển dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số vào các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách của tỉnh về ưu tiên trong tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số.

2. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

a) Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc, trong đó có tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, kể cả cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhưng còn hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số;

b) Xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo 03 nhóm đối tượng: Đối tượng 2 (lãnh đạo cấp sở và tương đương); đối tượng 3 (lãnh đạo cấp phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo);

c) Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong đào tạo cử tuyển để tạo sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền cử với cơ quan có trách nhiệm đào tạo, cơ quan có trách nhiệm xem xét, tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường;

d) Triển khai có hiệu quả các chính sách tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;

đ) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh, giai đoạn 2016-2020; triển khai Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC, ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ- CP của Chính phủ.

3. Về nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn thấp so với các chỉ tiêu mà Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới của Chính phủ đặt ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra kế hoạch phấn đấu tỷ lệ tối thiểu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị đến năm 2020 như sau:

a) Về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

- Đối với cấp tỉnh: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh tối thiểu là 5% tổng số biên chế được giao.

- Đối với cấp huyện:

+ Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 5% đến dưới 10% tổng dân số của huyện: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 5% tổng số biên chế được giao.

+ Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10% đến dưới 30% tổng dân số của huyện: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 10% tổng số biên chế được giao.

+ Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 30% đến dưới 50% tổng dân số của huyện: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 20% tổng số biên chế được giao.

+ Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 50% đến dưới 70% tổng dân số của huyện: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 30% tổng số biên chế được giao.

+ Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 70% tổng số dân của huyện: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 35% tổng số biên chế được giao.

- Đối với cấp xã:

+ Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 5% đến dưới 10% tổng dân số của xã: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 10% tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

+ Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10% đến dưới 30% tổng dân số của xã: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 15% tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

+ Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 30% đến dưới 50% tổng dân số của xã: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 30% tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

+ Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 50% đến dưới 70% tổng dân số của xã: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 40% tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

+ Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 70% tổng số dân của xã: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 50% tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

- Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trụ sở tại các xã, phường, thị trấn: Tỷ lệ viên chức người dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu bằng tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên cùng địa bàn.

b) Nâng cao tỷ lệ công chức người dân tộc thiểu số của Ban Dân tộc ở tỉnh, Phòng Dân tộc ở cấp huyện, cụ thể:

- Ban Dân tộc tỉnh có tỷ lệ công chức người dân tộc thiểu số tối thiểu là 60% tổng số biên chế được giao.

- Phòng Dân tộc cấp huyện có tỷ lệ công chức người dân tộc thiểu số tối thiểu là 40% tổng số biên chế được giao.

c) Nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị:

- Tỉnh có tỷ lệ tối thiểu là 10% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

- Huyện có tỷ lệ tối thiểu là 15% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

- Xã có tỷ lệ tối thiểu là 20% trên tổng số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

4. Giải pháp thực hiện

a) Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí việc làm, trong đó ưu tiên quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;

b) Nâng cao nhận thức của cấp Ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội về chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới;

c) Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên các mặt công tác, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, gắn công tác quản lý với công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc nhận xét, đánh giá và phân loại hàng năm để bảo đảm công bằng, khách quan, toàn diện và sát với thực tiễn;

d) Đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án, có chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo và ổn định trong nhiều năm, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và các tổ chức quốc tế

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có số liệu về cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ:

a) Tiếp tục triển khai Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

c) Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức theo 3 nhóm đối tượng: Đối tượng 2 (lãnh đạo cấp sở và tương đương); đối tượng 3 (lãnh đạo cấp phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo);

d) Thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

e) Là đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

2. Ban Dân tộc

a) Xây dựng Kế hoạch hàng năm về bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức theo 03 nhóm đối tượng: Đối tượng 2 (lãnh đạo cấp sở và tương đương); đối tượng 3 (lãnh đạo cấp phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo);

b) Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, đơn vị và xây dựng số liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền kịp thời các chính sách pháp luật và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trên sóng phát thanh, truyền hình.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan bố trí kinh phí thực hiện và hướng dẫn sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai thực hiện kế hoạch đạt chất lượng, hiệu quả và mục tiêu đề ra.

5. Các Sở, Ban-ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Căn cứ nội dung kế hoạch xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả;

b) Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên các mặt công tác; quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phải đảm bảo phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, ý nghĩa trong công tác dân tộc;

c) Xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng, trình độ văn hóa, lý luận chính trị, trang bị các kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đảm bảo hiệu quả công tác và nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cho cơ quan, đơn vị các cấp;

d) Định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) về tình hình và kết quả triển khai thực hiện trước ngày 10 tháng 12 hàng năm./.